Chuyên mục chính

  • Nghi lễ vòng đời
    • Hôn lễ
    • Sinh con
    • Động thổ làm nhà
    • Mừng thọ và sinh nhật
    • Tang ma
    • Ngày giỗ
  • Nghi lễ hàng năm
    • Dịp Tết Nguyên Đán 1/1
    • Dâng sao giải hạn 15/1
    • Nguyên tiêu 15/1
    • Tết Thanh minh 3/3
    • Tết Hàn thực 3/3
    • Tết Đoan ngọ 5/5
    • Lễ Thất Tịch 7/7
    • Lễ Vu Lan 15/7
    • Tết Trung Nguyên 15/7
    • Tết Trung thu 15/8
    • Tết Trùng Cửu 9/9
    • Tết Cơm mới (10-15/10)
    • Tết Táo Quân 23/12
    • Ngày mùng 1 hàng tháng
    • Ngày rằm hàng tháng
  • Đặc trưng văn hóa Việt
    • Chữ và Nghĩa
    • Phong tục thờ cúng
    • Văn hóa giao tiếp
    • Món ăn truyền thống
    • Trò chơi dân gian
    • Trang phục truyền thống
    • Nghệ thuật truyền thống
    • Di sản văn hoá
    • Nền nếp sinh hoạt
  • Tôn giáo tín ngưỡng
    • Phật giáo
    • Công giáo
    • Thờ cúng tổ tiên
    • Thờ cúng tổ nghề
    • Tín ngưỡng thờ Thần
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu
    • Tôn giáo khác

Menu

  • Trang đầu
  • Giới thiệu
  • Liên hệ

Follow Us

DMCA.com Protection Status
Cổ Phong
No Result
View All Result
Khóa học
Cổ Phong
No Result
View All Result
Home Đặc trưng văn hóa Việt Biểu tượng văn hoá
Le tru tich internet 640x426.jpg

Lễ trừ tịch

Trong không khí hân hoan những ngày giáp Tết, ngày cuối cùng của năm cũ luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Và thời khắc được mong chờ nhất có lẽ chính là đêm Giao thừa, mà người xưa gọi là đêm Trừ tịch. Từ chiều tối 30 đến rạng sáng mùng Một – Tết Nguyên đán gọi là đêm Trừ tịch, hay đêm Giao thừa tức là nghi thức giao – nhận của các vị Thừa sai. 

Quan niệm

Trừ tịch 除夕 theo nghĩa Hán – Việt, “trừ” có nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm nên hai từ “trừ tịch” mang ý nghĩa là “đêm của sự thay đổi” hay “đêm của thời khắc giao thời”. Trong đêm Trừ tịch, với quan niệm có 12 vị Hành khiển, Hành binh, Phán quan nhà Trời luân phiên trông coi việc dưới hạ giới. Các “quan nhà Trời” có ông thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người và ông ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém. Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành khiển, Ngọc Hoàng dựa vào đó mà ban phúc hay trừng phạt con người. Vì vậy, người xưa cử hành lễ Trừ tịch rất trịnh trọng từ trong nhà ra đến các đình chùa.

Thuở trước, vào trước lễ Trừ tịch mọi gia đình đều phải lo những việc như chuẩn bị đèn dầu cho chu đáo, kiêng sáng mùng Một đi xin lửa nhà hàng xóm. Lại hỏi người trong nhà xem có mượn của ai thứ gì thì mang trả, sợ sang ngày mùng Một họ đến đòi thì bị xui. Cũng như vậy, nợ nần ai phải lo trả, nếu không trả được cũng mang lễ đến xin khất nợ.

Vào những năm 1627 – 1647, tác giả Alexandre de Rhodes đã viết trong sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài về phong tục này của người dân Bắc kỳ: “Không một ai, từ người giàu sang tới kẻ nghèo khổ, khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn, trừ những trường hợp không thể trả được mà thôi. Vì sợ chủ nợ bực mình đem lời oán trách động tới tổ tiên và sợ chủ nợ ngày mồng một tết đến đòi nợ… đó là một việc rất mực tai hại và là một điềm dữ”1. Tác giả sách này còn cho biết người Bắc kỳ có tục vào trước Tết Nguyên đán vài ngày, những người già phải trốn vào chùa ẩn vì sợ ma bóp cổ, đến sáng mùng Một mới về nhà. Theo tục cũ thì kiêng ra khỏi nhà vào lúc giao thừa, ai đi đâu cũng phải về nhà trước giờ Tý (23 giờ).

Gần giờ Tý, các gia đình làm lễ tiễn quan đ­ương niên hành khiển năm cũ, đón quan đư­ơng niên hành khiển năm mới. Theo quan niệm cổ truyền thì trong một giáp (12 năm) mỗi năm có một vị quan đương niên hành khiển chuyên coi công việc ở hạ giới. Các vị đó vốn có vị hiệu là những vua chúa của các triều đại nhà Chu. Có câu ca rằng: “Tý Chu, Sửu Triệu, Nguỵ vương Dần, Mão Trịnh, Thìn Sở, Tỵ Ngô nhân, Ngọ Tần, Mùi Tống, Thân Tề chúa, Dậu Lỗ, Tuất Việt, Hợi Lưu quân”2. Nghĩa là duệ hiệu của các quan đương niên hành khiển theo từng năm. Năm Tý: Chu vương, năm Sửu: Triệu vương; năm Dần: Ngụy vương; năm Mão: Trịnh vương; năm Thìn: Sở vương; năm Tỵ: Ngô vương; năm Ngọ: Tần vương; năm Mùi: Tống vương; năm Thần: Tề vương; năm Dậu: Lỗ vương; năm Tuất: Việt vương; năm Hợi: Lưu vương.

Trong đêm Trừ tịch, ngoài nghi thức lễ tiễn và đón các vị quan hành khiển tại gia đình còn có cả nghi thức cầu cúng Thổ thần, Thổ địa ở các khu xóm và lễ tế thành hoàng ở làng xã. Vào trước giờ Tý, các xóm bày lễ ở miếu Thổ thần, các thôn làng bày lễ ở đình, chùa, đền, miếu, am, phủ để tế lễ.

Trước Giao thừa nhiều ngư­ời đi lễ chùa, đền, miếu. Khi về nhà mang theo vài ba nén h­ương đã thắp gọi là hư­ơng lộc, cắm vào bát hư­ơng Táo quân ở nhà cho có lộc. Có người bẻ một cành lá đem về làm lộc.

Trừ tịch trong Hoàng cung

Nói đến đây, chắc hẳn cũng sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi các vị hoàng đế đứng đầu đất nước, sẽ làm gì trong khoảng thời gian linh thiêng này?

Dưới triều Nguyễn, từ thời vua Gia Long đã ra định lệ tế ở các miếu và các từ đường. Ở Thái miếu, các lễ Trừ tịch, Nguyên đán, Đoan dương, hưởng tế, kỵ lạp, sóc vọng, mỗi năm chi tiền 4.600 quan. Ở Nguyên miếu, Nguyên đán chi tiền 43 quan, các lễ Đoan dương, tế Chạp, Trừ tịch đều chi tiền 34 quan. Nghi chú tiết Trừ tịch cùng tiết Nguyên đán cũng được bộ Lễ đưa ra cụ thể và được Vua sai chép làm lệ. Theo đó lễ Trừ tịch, Vua đến nhà Thái miếu làm lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên bồi tế. Ở miếu Triệu tổ3 và miếu Hoàng khảo, đều sai quan  làm  lễ Trừ tịch. Đêm ấy các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên túc trực ở hai bên công thự tả hữu; các lễ quan chia nhau túc trực ở các miếu, nhạc công hát thờ.

Đại Nam Thực Lục

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 25, mặt
khắc 15 ghi chép việc định lệ tế ở các miếu và các từ đường.

Đặc biệt, để chào đón năm mới, ngoài việc dựng nêu, cho treo cờ, đêm treo đèn trong khắp hoàng cung, dưới thời vua Minh Mạng, trong đêm Trừ tịch, ở sân điện Thái Hoà, mỗi khắc, Vua lệnh cho nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1.000 tiếng.

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 30, mặt khắc 15, 16 ghi chép việc chuẩn định: “đêm Trừ tịch và mồng 1 mồng 2 tháng Giêng các cửa Tả túc, Hữu túc của cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của hoàng thành, các cửa Thể nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của kinh thành và thuỷ quan cầu Thanh Long, đều sai mở rộng để tỏ rằng vệ Kim Ngô4 không cấm”.

Năm 1846, vào đêm Trừ tịch, trong không khí tết đến xuân về, vua Thiệu Trị làm tiệc mừng ban ơn. Các tù phạm bị đày ở trong quân, bị tội đồ làm nô, bị tội khổ sai, hiện đang giam ở Kinh là 115 người, nên hội đồng các quan ở Kinh, biểu thị rõ ràng, tha cho về thăm nhà, hạn cho 15 ngày lại phải đến.

Qua những ghi chép của sử liệu, chúng ta có thể thấy ý nghĩa thực sự của đêm Trừ tịch và sự coi trọng Lễ Trừ tịch của người xưa. Để rồi từ đó, chúng ta càng thấy trân quý hơn những giây phút Giao thừa thiêng liêng, những người thân quây quần bên nhau, đồng lòng thành kính với thánh thần, sự biết ơn, với bao nhiêu niềm hy vọng, ước nguyện về một năm mới sẽ tốt đẹp, may mắn. Nhân dịp năm cũ sắp qua, năm mới đang tới, với bài viết này, chúng tôi hy vọng mọi người, mọi nhà sẽ có một đêm Giao thừa bên gia đình thật ý nghĩa, và một năm mới an khang, thịnh vượng.

Chú thích

  1. Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, bản Pháp ngữ Henri Albi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp. HCM, 1994, tr. 325.
  2. Lã thị xuân thu quyển 3, thiên Bị Lãm.
  3. Miếu thờ Nguyễn Kim và 9 vị chúa Nguyễn trong Cấm thành Huế.
  4. Kim Ngô: Một trong hai cơ quan bảo vệ hoàng thành là Kim Ngô vệ, Cẩm Y vệ.

Tham khảo

  1. Lã thị xuân thu quyển 3, thiên Bị Lãm, Phan Văn Cát dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 1999.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên thực lục, nguồn Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV.
  3. Alexandre de Rhodes (1994), Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, bản Pháp ngữ Henri Albi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM.

Vương Minh 

ShareTweet

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


No Result
View All Result
  • Nghi lễ vòng đời
    • Hôn lễ
    • Sinh con
    • Động thổ làm nhà
    • Mừng thọ và sinh nhật
    • Tang ma
    • Ngày giỗ
  • Nghi lễ hàng năm
    • Dịp Tết Nguyên Đán 1/1
    • Dâng sao giải hạn 15/1
    • Nguyên tiêu 15/1
    • Tết Thanh minh 3/3
    • Tết Hàn thực 3/3
    • Tết Đoan ngọ 5/5
    • Lễ Thất Tịch 7/7
    • Lễ Vu Lan 15/7
    • Tết Trung Nguyên 15/7
    • Tết Trung thu 15/8
    • Tết Trùng Cửu 9/9
    • Tết Cơm mới (10-15/10)
    • Tết Táo Quân 23/12
    • Ngày mùng 1 hàng tháng
    • Ngày rằm hàng tháng
  • Đặc trưng văn hóa Việt
    • Chữ và Nghĩa
    • Phong tục thờ cúng
    • Văn hóa giao tiếp
    • Món ăn truyền thống
    • Trò chơi dân gian
    • Trang phục truyền thống
    • Nghệ thuật truyền thống
    • Di sản văn hoá
    • Nền nếp sinh hoạt
  • Tôn giáo tín ngưỡng
    • Phật giáo
    • Công giáo
    • Thờ cúng tổ tiên
    • Thờ cúng tổ nghề
    • Tín ngưỡng thờ Thần
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu
    • Tôn giáo khác

© 2021 cophong.vn