Khái niệm
Từ thủa hồng hoang, loài người đã có khái niệm về linh hồn:
Người La Mã bên Tây hồi cổ đại gọi linh hồn là Anima (Latine) có gốc từ chữ Hy Lạp ψυχή nghĩa là:”hơi thở, tinh thần, sự sống”, cho đến nay vẫn giữ nguyên khái niệm này. Người Pháp gọi là: Âme (é), và cũng giữ nguyên khái niệm của người Hy Lạp, La Mã thời cổ đại.
Chữ Hán: Hồn 魂 được kết hợp từ chữ vân 云 và chữ quỷ 鬼, theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “Hồn là phần tinh thần hay linh tính của con người, là ý thức, tư tưởng của con người”, còn cụ Thiều Chửu thì định nghĩa trong Hán-Việt tự điển: “Phần hồn, là cái làm chúa tể cả phần tinh thần. Người ta lúc sống thì hồn phách cùng quấn với nhau, đến lúc chết thì hồn phách lìa nhau. Vì thế mới bảo thần với quỷ đều là hồn hoá ra cả, vì nó là một vật rất thiêng, thiêng hơn cả muôn vật, cho nên lại gọi là linh hồn 靈魂”.
Trong cuốn Tự điển và Danh từ triết học của Trần Văn Hiến Minh thì: “hồn là nguyên sinh lực hội tụ nơi sinh vật, linh hồn là cái yếu tố quyết định quan trọng, nhờ linh hồn mà sinh vật mới có sự sống.”
Theo quan niệm của Triết học
Linh hồn trong nhiều truyền thống tâm linh, triết học, tâm lý cho rằng nó là bản chất tinh thần (Esprit) và bất tử (Éternité) của con người. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.
Từ thời cổ đại xuất hiện thuyết nói về linh hồn đó là thuyết vạn vật linh (hay thuyết linh hồn nguyên thủy: Animism). Theo thuyết này thì tất cả mọi thứ trên quả đất từ con người đến con thú và ngay cả cỏ cây, đất đá cũng đều có linh hồn. Quan niệm này còn khá phố biến trong dân gian và ta cũng đã thường gặp lại trong các câu như: “Hồn thiêng sông núi”, “Hồn nước”…
Bắt đầu từ Sử thi Anh hùng ca của Homère, vấn đề “linh hồn” đã được đề cập trong lịch sử tư tưởng – triết học của loài người, kể từ thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, với nhiều quan niệm và nhận thức khác nhau.
Tới khi nền văn minh cổ Hy Lạp gặp gỡ với đạo Saman (Chamanisme), một loại hình tôn giáo sơ khai phổ biến ở vùng Siberia, thường tổ chức các cuộc tiếp xúc với linh hồn người chết, thì do ảnh hưởng của đạo này, một số tác giả Hy lạp, trong đó có Pythagore, Empédocle cho rằng trong con người tồn tại một linh hồn hay một “cái ngã” có nguồn gốc thần thánh, mà bằng các phương pháp và kỹ thuật thích hợp nào đó, có thể tách rời linh hồn ra khỏi thể xác.
Trong số các tác giả Hy Lạp cổ, có lẽ Platon, cùng với Aristote, là những triết gia đã đưa ra được một lý thuyết tương đối hoàn chỉnh về linh hồn.
Socrates bảo linh hồn là “tinh thể” (Essence).
Platon giảng rằng linh hồn bao gồm lý trí (Logos), tình cảm (Thymos) và ái/tình dục (Éros).
Triết gia Aristote định nghĩa linh hồn là « hoạt tính của một cơ thể sống » và cho rằng: « linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt không còn nữa » (xem trong cuốn De Anima – Về Linh hồn).
Tuy nhiên, Platon thầy của Aristote, chịu ảnh hưởng sâu xa từ học thuyết nhị nguyên luận, ông cho rằng: « linh hồn có thể hiện hữu một cách độc lập đối với thể xác và nó chỉ ở trong một trạng thái “thuần khiết” khi nào nó được giải thoát ra khỏi ngục tù – cơ thể » Platon cũng đã đưa ra nhiều luận chứng khác nhau để chứng minh về sự “bất tử” của linh hồn.
Tính phi vật chất này đã dần dần hình thành những quan niệm của con người về một trường năng lượng thiêng liêng gọi là “LINH” tồn tại song song với đời sống hiện hữu của con người. Linh hồn không thể là cái có hình dạng hoặc có thể thấy được qua mắt người… bởi vì nếu là hữu hình thì làm sao linh hồn đi vào thể xác được?