Hôn nhân là gì?
Khi một đôi trai gái kết duyên trăm năm với nhau có ý nghĩa là hảo hợp cho nên người ta thường chúc tụng là “Sắt cầm hảo hợp” nghĩa là quan hệ vợ chồng hòa hợp ví như quan hệ chung hợp giữa hai loại đàn (đàn Sắt và đàn Cầm) và cũng thường gọi là hôn nhân.
Vậy hôn nhân 婚 姻 là gì? Ta phải hiểu như thế nào cho đúng?
Trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận định nghĩa: đàn bà con gái thuộc âm, về nhà chồng lúc buổi chiều, nên gọi là hôn, cấu tạo của chữ Hôn 婚 theo phép hài thanh: lấy chữ nữ 女 lập ý, chữ Hôn 昏 lập âm, hai chữ ghép lại cũng đọc là hôn, nghĩa là đàn bà về nhà chồng lúc chiều tà.
Còn chữ Nhân, cũng trong “Thuyết văn giải tự” được định nghĩa như sau: Nhân 因 có chữ Nữ 女 bên cạnh, tức là người đàn ông có nghĩa gọi là nhân, là nơi đàn bà con gái nên dựa vào, cũng cấu tạo theo phép hài thanh.
Và trong “Thuyết văn giải tự” kia còn nói: bố mẹ của chú rể là nhân, cô dâu là hôn, 2 bên thông gia cũng gọi nhau là: Hôn Nhân.
Vậy “ hôn nhân” tức là chỉ mối quan hệ vợ chồng được ghép bởi hai từ “ hôn 婚” và “ nhân 姻” để diễn tả sự chung sống, kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà với tư cách và vợ chồng.
Ở Việt Nam, người xưa quan niệm, hôn nhân là một chuyện trọng đại mục đích là để duy trì huyết thống cho nên đây được xem là việc chung của cả dòng họ há chẳng phải riêng ai. Bởi vậy việc định vợ gả chồng cho con phải do cha mẹ quyết định, con cái có nghĩa vụ là phải truyền giống về sau. Ngoài ra, hôn nhân ở Việt Nam không chỉ là lưu truyền huyết thống mà còn để người phụ nữ làm lụng, chăm sóc nhà cửa gia đình cho gia đình nhà chồng.
Giá thú là gì?
Chữ Giá 嫁 được ghép từ chữ Nữ 女 và chữ Gia 家, ý là con gái ra khỏi nhà (mình) đọc là Giá. Ta có thể hiểu giá có nghĩa là gả chồng.
Chữ Thú 娶 được ghép từ chữ Thủ 取 và chữ Nữ 女, theo phép hài thanh, chữ thủ tức là nhận lấy, người con gái nhận lấy cái gì đó, và đi kèm với từ Giá thì có nghĩa là người con gái nhận lấy người đàn ông làm chồng của mình.
Trong thời Pháp thuộc tờ giá thú là giấy chứng nhận kết hôn do chính quyền địa phương cấp, về sau tờ chứng nhận này có tính pháp lý được gọi là giấy hôn thú hay giấy đăng ký kết hôn.
Ngày xưa, khi con người chưa nằm trong vòng kiềm tỏa, che chở của pháp luật, người xưa phải đặt ra rất nhiều nghi lễ để ràng buộc vợ chồng phải có ý thức trách nhiệm với nhau.
Ở Việt Nam trước thời Pháp thuộc, chưa có luật lệ buộc trai gái khi kết hôn với nhau phải làm giấy giá thú hay đăng ký kết hôn trước sự công nhận của nhà nước và pháp luật nên giá thú được thực hiện bằng một vài nghi thức đơn giản mang tính ràng buộc về tinh thần cao. Thí dụ như việc nộp cheo, hình thức này để bảo vệ quyền lợi, danh phẩm của người con trai cũng như con gái. Đây chính là hình thức công nhận và có tính ràng buộc về mặt tinh thần.
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh Niên
- Bùi Xuân Mỹ, Đám cưới người Việt xưa và nay, Nxb Văn hóa – Thông tin.
- Từ điển Hán Nôm.
Ngọc Anh