Nguồn gốc lịch sử
Chữ Tết vốn xuất phát từ chữ “Tiết – 節”trong 24 tiết khí của năm theo lịch của các nước Á Đông mà chúng ta thường gọi là Nông lịch. Ứng với mỗi tiết khí đều có khoảnh khắc giao thời, liên quan đến thời điểm của mùa vụ trong canh tác nông nghiệp, có thể phù hợp để thu hoạch cây trồng hoặc gieo cấy vụ mới. Tết Cơm mới diễn ra vào tháng Mười âm lịch là thời điểm của tiết Sương giáng, tiết khí cuối cùng của mùa thu, những màn sương dày đặc bắt đầu phủ kín khắp mọi nơi. Lúc này, do ảnh hưởng của thời tiết nên thực vật sẽ phát triển chậm hơn, người nông dân cần hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa từ sớm. Bởi vậy, nhân dịp hoàn thành mùa vụ, người dân sử dụng gạo mới làm cơm tạ lễ nhằm tôn vinh cây lúa nước, hạt gạo mà thần linh đã ban tặng cho con người, thế hiện lòng thành kính với các vị thần: thần đất, thần nước, thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp… và tổ tiên, ông bà đã phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu. Ở một số nơi khác, đây được xem là ngày cúng bái để cầu siêu cho linh hồn người thân đã khuất. Dù chưa có tài liệu khẳng định thời gian bắt đầu tổ chức Tết Cơm Mới ở Việt Nam nhưng qua khảo cứu, đây là một phong tục lâu đời, đã thấm sâu vào nếp sinh hoạt của dân tộc ta. Nhiều ấn phẩm về phong tục, tập quán của dân ta cũng đã nhắc tới dịp Tết này:
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh: “Mồng Mười tháng Mười là Tết Trùng Thập. Tết này, theo tục lệ nhà Phật là lễ Hạ nguyên để đối lại với lễ Thượng nguyên vào ngày Rằm tháng Giêng. Ngoài ra, đây là Tết của các ông Thầy, bà Cốt, và của các ông Lang… Trong dân gian cũng có ăn Tết, nhưng người ta thường chỉ sửa lễ cúng gia tiên, và ở các nơi thờ tự công cộng thì cũng chỉ có cúng lễ với nghi thức đơn giản”[1].
Hay Phan Kế Bính trong cuốn Phong Tục Việt Nam cũng khẳng định: “Tết ấy (10-10) phần nhiều là các nhà đồng cốt và nhà thầy thuốc mới ăn thôi. Nhưng về nhà quê cũng nhiều nơi ăn, có nơi ăn to lắm, như ở về vùng phủ Hoài thì làm bánh dày, nấu chè kho, trước cúng thần, cúng gia tiên, rồi đem biếu những người quen thuộc”[2].
Sách Dược lễ cho biết, mùng 10 tháng 10 âm lịch, cây thuốc đạt chất lượng tốt nhất khi quy tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) của trời đất. Đây là thời điểm thuận lợi cho sự sinh sôi, nảy nở của nhiều loại thuốc quý. Bởi vậy, dịp này, các dược đồng thường lên núi hái thuốc và trở về sẽ làm lễ ăn mừng, khoản đãi các đệ tử đồng thời tăng cường thêm các mối quan hệ xã giao với bạn hàng, khách hàng lâu năm nên được gọi là Tết Thầy thuốc.
Thuở xưa, ông bà ta quan niệm rằng có 3 vị thần phụ trách về nông nghiệp, mỗi thần ứng vào một khoảng thời gian (tiết) nhất định nên có 3 Tết: Tết Thượng nguyên thờ trời (rằm tháng Giêng), Tết Trung nguyên thờ đất (rằm tháng 7), Tết Hạ nguyên thờ nước (rằm tháng 10). Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ba vị thần này hóa thân thành: Mẫu Thượng Thiên (trời), Mẫu Địa Phủ (đất), Mẫu Thoải (nước). Bởi vậy, với các ông đồng, bà cốt theo đạo Mẫu thì rằm tháng Mười là dịp lễ vô cùng quan trọng. Họ tiến hành tế lễ linh đình để cảm tạ Mẫu Thoải, các vị thần linh đã ban cho họ những khả năng đặc biệt.
Nghi lễ rước “hồn lúa” của đồng bào dân tộc thiểu số
Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có cách tổ chức Tết Cơm mới khác nhau. Tuy nhiên, nghi thức quan trọng nhất của dịp Tết này là rước “hồn lúa” luôn được duy trì. Xuất phát từ quan niệm vạn vật đều có linh hồn và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, khi tổ chức Tết Cơm mới mỗi gia đình đều làm lễ đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể nghi lễ rước “hồn lúa” của các đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai để có hình dung rõ ràng hơn. Tại đây, mỗi dân tộc tổ chức lễ rước “hồn lúa” vào thời điểm riêng với các hình thức khác nhau. Trước ngày tổ chức Tết Cơm mới một hôm, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình người Dao sẽ lên nương cùng con gái. Đến nơi, bà đi vòng quanh nương lúa, hái mỗi góc một bông rồi đi vào giữa đứng quay về hướng Đông, cắm một cây cọc xuống và buộc mấy bông lúa vừa hái vào cọc để giữ hồn lúa ở lại nương. Tiếp theo, bà gặt các cây lúa xung quanh cọc từ trái qua phải và buộc lại, trao cho con gái mang về giã cốm.
Người Nùng Dín thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” trước khi tổ chức Tết Cơm mới hàng tuần. Hôm đó, người phụ nữ trong gia đình sẽ ra ruộng lúa tỉa những bông to, vừa qua độ ngậm sữa, sắp chắc hạt, hái khoảng 7 – 8 bó lúa đem về phơi khô. Sau đó tách ra 16 bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ. Còn lại đem đập rồi giã thành gạo để nấu cơm mới làm lễ.
Người Xa Phó lại thực hiện nghi lễ này vào lúc sáng sớm ngày Tết Cơm mới. Người vợ sẽ dậy sớm, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương gặt lúa, họ kiêng để cho người khác biết bởi cho rằng nghi thức đón “hồn lúa” về nhà phải diễn ra một cách bí mật. Khi gặt lúa, mặt phải quay về hướng Đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở. Họ dùng những bó lúa mới để tuốt, giã thành gạo nấu cơm mới cúng tổ tiên.
Nghi lễ rước “hồn lúa” của người Tày, Giáy thực hiện đơn giản hơn. Trước khi tổ chức Tết Cơm mới, chủ nhà đi thăm đồng, chọn những thửa ruộng cấy lúa nếp tốt nhất để thu hoạch trước làm cơm cúng dịp Tết. Tùy lượng người trong gia đình và mức thu dự ước trong năm mà mỗi gia đình gặt một lượng lúa phù hợp về làm cốm.
Vào ngày Tết Cơm mới, đồng bào Tày Nùng ở Việt Nam nói chung cũng nô nức thực hiện phần lễ và hội, tác giả cuốn sách Phong tục thờ cúng tổ tiên nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: “nhà nhà hân hoan ra đồng ngắt bông lúa nếp về làm cốm thơm dẻo dâng lên ông bà, tiên tổ, trở thành ngày hội cốm của cả làng, cả bản. Ngày này nam thanh nữ tú diện những bộ quần áo đẹp đến nhà nhau cùng giã cốm. Họ còn tổ chức hát mời Nàng Hai (Nàng Trăng) xuống cùng vui chơi múa hát mừng mùa màng bội thu, thành quả không chỉ do công sức cấy trồng của họ mà còn nhờ tổ tiên phù hộ, độ trì”[3].
Như vậy, ta có thể thấy rằng mỗi dân tộc có cách thức thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” khác nhau nhưng có một điểm chung là chủ thể đều là người phụ nữ, mang ý nghĩa tượng trưng rằng chỉ có “mẹ lúa” mới có thể mang “hồn lúa” về nhà, đại diện cho sự sinh sôi nảy nở.
Tết Cơm mới trong văn chương
Sau khi đã rước “hồn lúa” về nhà, các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng trong Tết Cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú, đa dạng. Ngoài thức ăn được chế biến từ các vật phẩm chăn nuôi của gia đình như gà, lợn, cá…thì không thể thiếu những món có nguồn gốc từ lúa mới thu hoạch, có thể là cơm tẻ, xôi, bánh giày, chè kho… Dịp này, các chàng rể khi đi sêu tết[4] nhà vợ tương lai cũng dùng những món quà đặc trưng của tháng 10 như gạo mới, chim ngói, hồng chín… nhằm tạ ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ vợ.
Nhắc mâm cơm cúng Tết Cơm mới không thể không nhớ đến món xôi chim ngói. Món ngon đã khiến nhà văn Vũ Bằng phải thốt lên rằng: “khiến cho người sành ăn chỉ còn biết tặc lưỡi, gật đầu vì không còn chữ để mà ca ngợi nữa”[5]. Trong tác phẩm Thương nhớ mười hai, ông cho biết: “gạo mới gặt về đúng lúc có chim ngói, hai thứ đó gắn liền với nhau, cũng như quýt với rươi, hồng với cốm, thiếu một thứ không còn ra nghĩa lý gì… Suốt một năm người ta không thấy bóng một con chim ngói, thế mà không hiểu tại sao cứ có gạo mới thì cái giống chim ấy ở đâu lại dẫn diệu về để làm tăng cái thơm, cái dẻo của gạo mới tạo thành một khối thuần nhất, lạ kỳ, thứ này làm tăng hương vị của thứ kia lên”[6]. Thậm chí, ông còn lấy món ăn này để giải thích cho cái tục cúng lễ trong Tết Cơm mới: “chim ngói ngon và quý một cách rùng rợn như thế cho đến mùa mà ăn ngay thì đắc tội với trời: không được! Vì thế tất cả những gia đình có lễ giáo mỗi khi đến mùa chim ngói đều phải sửa lễ cúng trời đất, tổ tiên cùng với gạo mới đã bắt đầu đem bán ở khắp nhà quê kẻ chợ”[7].
Hay trong cuốn tiểu thuyết phong tục Nếp xưa, Toan Ánh cũng đã nhắc đến tục sêu nhân dịp Tết Cơm Mới: “Mùa gặt tháng 10 cũng là mùa sêu của các chàng rể đã dạm hỏi vợ nhưng chưa cưới…Về mùa lúa chín này, chim ngói bay ra rất nhiều, và được người ra dùng làm đồ sêu vào dịp cơm mới” [8]. Dịp này, người nhà Khoan (chàng rể tương lai) mang đồ biếu gia đình nhà vợ: “nhân dịp cơm mới, nhà chúng tôi gọi có chút đồ lễ tới xin ông bà Đồ nhận cho để chứng lòng thành của bên ông bà chúng tôi”[9]. Đồ lễ gồm một một thúng gạo nếp và hai chục con chim ngói cùng với trầu cau.
Tác gia Nguyễn Tuân cũng từng nhắc tới Tết Cơm Mới trong truyện ngắn Báo oán (Khoa thi cuối cùng): “đúng hôm Tết Trùng Thập cúng cơm mới, các ông lại đây mua mở hàng cho kiện giấy lệnh Bưởi”. Điều này cho thấy, tục ăn Tết Cơm mới đã len lỏi sâu vào tâm thức, sinh hoạt của người Việt xưa.
Cho đến nay, hầu hết các sách sử về phong tục Việt Nam đều gọi đây là Tết Trùng Thập. Tuy nhiên, Tết không diễn ra cố định vào ngày mùng 10 tháng 10 nên nó còn có thêm nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc chủ thể của Tết. Dẫu vậy, mục đích chung của Tết vẫn là ăn mừng mùa màng bội thu, tạ ơn thần linh và ông bà tổ tiên, cầu cho năm sau mưa thuận gió hòa.
Lợi Lê (Nhóm Cổ Phong)
——-
Chú thích:
[1] Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Hạ), NXB Trẻ, 2005, tr. 391.
[2] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Đồng Tháp, 1990, tr. 52.
[3] Mã A Lềnh, Triệu Thị Phương, Phong tục thờ cúng tổ tiên nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia – NXB Văn hóa dân tộc, 2015, tr. 27.
[4] Tục sêu tết là một hình thức biếu quà tạ ơn của nhà trai đối với nhà gái vì đã sinh thành, dưỡng dục nên người vợ tương lai của con trai mình. Có một số dịp sêu chính thức làTết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Cơm Mới.
[5] Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai – Mê chữ – Miếng ngon Hà Nội – Món lạ miền Nam, NXB Văn học, 2002, tr. 190-191.
[6] Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Sđd, tr. 190-191.
[7] Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Sđd, tr. 193.
[8] Toan Ánh, Nếp xưa (ebook), NXB Xuân Thu, 2018, tr. 89.
[9] Toan Ánh, Nếp xưa, Sđd, tr. 89.
Tài liệu tham khảo:
- Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Hạ), NXB Trẻ.
- Toan Ánh (2018), Nếp xưa (ebook), NXB Xuân Thu (Sài Gòn).
- Vũ Bằng (2002), Thương nhớ mười hai – Mê chữ – Miếng ngon Hà Nội – Món lạ miền Nam, NXB Văn học.
- Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, NXB Đồng Tháp.
- Mã A Lềnh, Triệu Thị Phương (2015), Phong tục thờ cúng tổ tiên nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia – NXB Văn hóa dân tộc.