Theo quan niệm của cha ông xưa, số 9 mang nhiều ý nghĩa tốt lành, may mắn. Số 9 là cửu, cửu trong vĩnh cửu, biểu tượng của sự trường thọ, Nó là số lẻ lớn nhất trong dãy số, là số cực dương. Bởi vậy, ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch có sự lặp lại hai lần của số 9 gọi là Tết Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương.
Nguồn gốc lịch sử
Theo Nông lịch của các nước thuộc nền văn minh lúa nước cách đây hơn 2000 năm, Tết Trùng Cửu thuộc tiết Hàn lộ (冷寒). “Hàn” nghĩa là lạnh lẽo, giá buốt; “lộ” là lớp sương phủ, hơi nước đọng lại trên tán cây, kẽ lá. Như vậy, có thể hiểu rằng tiết Hàn Lộ là lớp sương mù giá buốt đọng trên tán cây.
Khi nhiệt độ xuống thấp, trời rét lạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Hơn nữa, thời tiết này cũng tạo điều kiện cho các mầm bệnh, nấm mốc, vi khuẩn gây hại sinh sôi phát triển. Vì vậy, bên cạnh sử dụng những trang phục dày dặn, giữ ấm cho cơ thể thì người xưa khuyên nên ăn uống các loại đồ ấm, cay nóng để tăng dương khí, phải chăng dịp này người dân thường uống rượu hoa cúc. Đặc biệt, ở tiết Hàn Lộ, người nông dân cũng bắt đầu chuẩn bị cho mùa vụ đông xuân. Trong thời tiết rét lạnh, họ thường ưu tiên trồng các loại hoa màu ôn đới, có thể chịu được khí lạnh và sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu ánh nắng mặt trời.
Thông thường, tiết Hàn lộ sẽ tương ứng với hai tháng 9 và 10, là quãng thời gian hoa cúc nở rộ, thậm chí còn được gọi là “Cúc Nguyệt” (菊月) nghĩa là tháng hoa cúc. Có lẽ vậy, vào ngày cực dương của tiết Hàn lộ là mồng 9 tháng 9, người dân tổ chức Tết Trùng Cửu với hoạt động lên núi cao thăm mộ ông bà, vãn cảnh, thưởng hoa cúc cùng bạn bè, tri kỷ và uống rượu hoa cúc, cài lá thù du (một loại tiêu) để trừ tà, xua đuổi côn trùng.Cho đến nay, sách sử có nhiều điển tích giải thích về sự xuất hiện của ngày Tết Trùng Cửu:
Theo cuốn Phong Thổ Ký:
……重阳相会,登山、饮菊花酒,谓之登高,又云菊花会。①”
注:①早在东晋时期,南京就已经有端午节食粽,重阳节登高、饮菊花酒的风俗了 (Phiên âm: Trùng Dương tương hội, đăng sơn, ẩm cúc hoa tửu, vị chi đăng cao, hựu vân cúc hoa hội. ①” Chú :① tảo tại Đông Tấn thì kỳ, Nam Kinh tựu dĩ kinh hữu Đoan Ngọ tiết thực tống, Trùng Dương tiết đăng cao, ẩm cúc hoa tửu đích phong tục liễu). Nghĩa là, gặp nhau vào ngày Trùng Cửu, ta leo núi, uống rượu hoa cúc, gọi là hội hoa cúc.
Tác giả cuốn sách còn cho biết thêm, cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước Tây lịch), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Ngọc Hoàng Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm trong biển nước, nhân dân chết đuối, xác nổi đầy sông. Nạn thủy tai xảy ra vào đúng ngày mồng 9 tháng 9. Từ đó, mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều mang thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… thành tục ăn Tết Trùng Cửu.
Đời Hán Văn Đế (180-157 trước Tây lịch), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Trong cuốn Tục Tề hài ký của tác giả Ngô Quân Chi nhà Lương thời Nam Triều (420-589) có ghi chép một câu chuyện: Thời Đông Hán (25-220) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với danh tăng Phí Trường Phòng. Một hôm Phí Trường Phòng nói với Hoàng Cảnh: “ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy về nhà đưa cả gia đình lên núi cao. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Từ đó, hễ đến ngày này là mọi người thường đưa gia đình lên núi cao lánh nạn. Qua thời gian, nó trở thành ngày Tết Trùng Cửu.
Đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 trở thành ngày lễ tết, gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh. Có lẽ chính thời gian này, Tết Trùng Cửu được du nhập về Việt Nam. Thời kỳ Lý – Trần, nho sĩ Việt Nam cũng tổ chức leo núi, uống rượu hoa cúc gọi là thưởng Tết Trùng Cửu. Thiền sư Huyền Quang đã sáng tác bài thơ Cúc hoa kỳ 3 (菊花其三) về dịp Tết Trùng Cửu:
忘身忘世已都忘,
坐久蕭然一榻涼。
歲晚山中無歷日,
菊花開處即重陽。
Phiên âm:
Vong[1] thân vong thế dĩ đô vong
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ túc trùng dương
Dịch nghĩa:
Quên mình, quên đời, đã quên hết cả
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.
Cuối năm ở trong núi không có lịch,
Thấy hoa cúc nở biết rằng đã tiết Trùng Dương[2].
Theo sách Đại Nam Thực lục thì triều Nguyễn vẫn duy trì tục ăn tết này: Năm 1835, vua Minh Mạng từng chuẩn định: “Từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương… Còn những tiết Thất tịch, Trung thu và Trùng dương đều dùng hoa quả nước trà và của ngon vật lạ (ngày Đông chí, làm lễ 3 tuần rượu; các tiết khác làm lễ 1 tuần rượu)”[3].
Tết Trùng Cửu, người dân duy trì nhiều phong tục tập quán
Lên cao ăn bánh cao
Nhân dịp Tết Trùng Cửu, nhiều người thường đến vùng ngoại thành để leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh, hít thở bầu không khí trong lành. Người ta rủ nhau lên núi cao hay tháp cao, chỗ cao, tùy điều kiện sẵn có từng nơi để thưởng ngoạn phong cảnh nhằm tưởng nhớ lại câu chuyện thời cổ đại đã từng phải “lên cao lánh nạn”. Tục ngữ có câu “lên cao giải nỗi sầu mùa thu”, ý nhắc tới việc mọi người lên núi cao, thông qua việc vãn cãnh, tiếp xúc với thiên nhiên để giảm bớt muộn phiền, thả lỏng cơ thể
Dịp này, tục ăn bánh “cao” cũng để nhắc nhớ về thời phải lánh lên cao, do lấy chữ đồng âm là “cao”. Bánh cao làm bằng bột gạo xay nước ngào đường đỏ hấp chín đổ thành 9 tầng như bảo tháp, tượng trưng cho đỉnh cao và số 9, bên trên còn nặn hình hai con dê nhỏ tượng trưng trùng dương, lại cắm trên đó một ngọn đèn nến tượng trưng đăng cao là trèo lên cao, và cắm một ngọn cờ giấy nhỏ màu đỏ tượng trưng cho cài lá thù du. Đó là cách làm của người dân vùng Phúc Kiến vào thời cận đại.
Ngắm hoa cúc và uống rượu hoa cúc
Vào tiết Hàn lộ, khắp nơi đều thấy được bóng dáng hoa cúc. Thời tiết càng nhiều sương lạnh thì hoa cúc càng nở rộ. Đúng dịp diễn ra Tết Trùng Cửu nên một số nơi có tập tục tao nhã là lên núi cao ngắm hoa cúc, uống rượu hoa cúc.
Tương truyền thời Tấn có ẩn sĩ Đào Uyên Minh, bởi chính sự hủ bại, ông từ quan về quê Giang Tây ở ẩn trồng cúc, làm thơ, nhưng có tật là “rượu vào thơ mới ra”. Lần đó nhằm ngày Trùng Cửu, ông dạo ngắm hoa mà vì nhà nghèo không có rượu nên không làm thơ được, ông vặt tạm hoa cúc nhai làm mồi mà vẫn không say vì không có rượu. Đang lúc buồn thì bỗng có người đến gặp đem cho một bình rượu, đó là người do Thứ sử Giang Châu Vương Hoằng cử đến tặng rượu. Ông mừng rỡ mở bình uống cho đến say xỉn. Về sau người ta cho thêm hoa cúc, là loại thảo mộc vẫn làm đồ uống trị liệu, vào trong rượu nếp uống dịp Tết Trùng Cửu.
Ở Việt Nam, rượu hoa cúc làng Ngâu (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội) có thể đã xuất hiện từ thế kỷ XIV-XV, là một thức uống phổ biến vào các dịp lễ tết nhưng thích hợp nhất là uống vào mùa thu, đặc biệt là Tết Trùng Cửu. Đó là dịp mọi người tổ chức leo núi, uống rượu, chúc sức khỏe các bậc cao niên, trò truyện với bạn tri kỷ. Nói đến đây chúng ta có thể nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Phúc Ưng Bình:
Có rượu cúc thơm say chuếnh choáng
Dẫu núi không cao cũng leo chơi.
Viên Chiếu thiền sư thời Lý từng sáng tác bài thơ “Ly hạ trùng dương cúc” có nhắc tới sự kiện Tết Trùng Dương:
籬下重陽菊,
枝頭淑氣鶯。
晝則金烏照,
夜來玉兔明。
Phiên âm:
Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thúc khí oanh.
Trú tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh.
Dịch thơ:
Dưới dậu cúc Trùng Dương
Đầu cành rộn tiếng oanh.
Ngày thì trời nắng rạng,
Đêm đến trăng soi ngần.
Ngoài uống rượu, ngắm nhìn hoa cúc là một trong những phong tục của Tết Trùng Cửu. Hoa cúc là một trong tứ quý: mai – lan – cúc – trúc, đại diện cho bốn mùa xuân hạ thu đông, thể hiện những cốt cách chí khí của người quân tử vừa mang lại sự thịnh vượng, may mắn trong cuộc sống.
Cài lá thù du (châu du)
Phong tục này rất phổ biến vào thời Đường, mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thường cài một cành thù du nhỏ lên người hoặc mang theo túi vải đựng quả của nó để trừ tà.
Trái cây thù du là một vị thuốc, chất lượng tốt nhất là được trồng ở vùng đất nước Ngô xưa tức vùng Giang Nam, Triết Giang ngày nay, là loại cây nhỏ, cao hơn một trượng, lá như chiếc lông vũ, mùa hè nở hoa trắng, quả đặc có cơm béo ngậy màu vàng, sau thu thì quả chín màu tím đỏ.
Trong sách Bản thảo cương mục của tác giả Lý Thời Trân (nhà Minh) có viết, quả thù du có vị đắng cay mà thơm, tính ôn nhiệt, có thể trị hàn khu độc, người xưa quan niệm giắt lá nó vào người để trừ tà. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nhắc đến sự tồn tại của cây thù du ở Việt Nam nên có lẽ người Việt xưa dùng lá hoặc trái khô từ Trung Hoa chuyển sang.
Ý nghĩa của Tết Trùng Cửu trong cuộc sống hàng ngày
Điển tích thì cũng chỉ là những điều được truyền miệng, ghi chép theo ý kiến chủ quan của một người nào đó mà thôi, khó kiểm chứng tính chân thực nhưng ý nghĩa, phong tục tập quán tốt đẹp của nó thì xứng đáng được gìn giữ, lưu truyền. Quả thực, tục uống rượu hoa cúc, đeo cành thu dù trong dịp Tết Trùng Cửu cũng có tác dụng tương đồng với tục ăn cơm rượu nếp, vải hay mận trong Tết Đoan Ngọ, nhằm phòng trừ bệnh tật, côn trùng. Sau ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, thời tiết có xu hướng chuyển sang mùa đông, mỗi khi chuyển mùa con người dễ cảm cúm, ốm đau nên cần chú ý hơn nữa tới sức khỏe. Thù du là một loại thảo dược có độc tính nhẹ, có mùi vị nồng, có thể dùng để xua đuổi côn trùng. Cho hạt thù du vào trong túi thơm hoặc cho vào trái hồ lô có khoan nhiều lỗ nhỏ để mùi của hạt lan tỏa trong không khí, tiêu diệt côn trùng. Rượu hoa cúc có thể giúp tránh bị trúng gió, khử nhiệt, bổ gan sáng mắt, tiêu viêm giải độc. Rượu hoa cúc có vị đắng, người xưa cho rằng, uống loại rượu này sẽ thêm tuổi thọ nên họ gọi đây là “rượu trường thọ”.
Về phần phong tục “lên cao”, chuyến vãn cảnh không chỉ giúp tinh thần sảng khoái, thư thái hơn mà chúng ta còn có thời gian dành cho gia đình, bạn bè, những người tri kỷ. Hơn nữa, tầm tháng 9 âm lịch cũng là thời điểm nông nhàn, vụ lúa mùa đã được thu hoạch còn cây thuốc, hoa quả trên núi cũng bắt đầu chín, là thời điểm phù hợp để thu hái. Bởi vậy, việc tổ chức một chuyến “lên cao” trong dịp Tết Trùng Cửu là vô cùng hợp lý.
Năm 2023, Tết Trùng Cửu tương ứng với ngày 23-10 dương lịch, chúng ta hãy dành thời gian cho một chuyến vãn cảnh cùng gia đình, bạn bè để tưởng nhớ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông trong dịp này, cầu mong sức khỏe, may mắn đến với tất cả các thành viên.
Lợi Lê (nhóm Cổ phong)
Chú thích
[1] Trong cuốn sách Thơ văn Lý – Trần, phần phiên âm dịch từ này là “vương”, tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả sử dụng từ “vong” nghĩa là quên đi sẽ phù hợp hơn.
[2] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), (1988), Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học xã hội, tr. 700-701.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 4, NXB Giáo dục, 2006, tr. 747.
——–
Tài liệu tham khảo
- Phong thổ ký.
- Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), (1988), Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học xã hội.
- Ngô Quân Chi, Tục Tề hài ký.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 4, NXB Giáo dục, 2006.
- Lý Thời Trân, Bản thảo cương mục, Lý Ngọc Đường dịch, NXB Y học, 2008.