Một số vấn đề chung của tang lễ
Từ rất sớm, tang lễ (tang ma; lễ tang; mai táng; an táng; đám tang) đã là một vấn đề không chỉ thu hút giới nghiên cứu mà thực sự nó là một vấn đề không thể thay thế đối với bất cứ một cộng đồng người nào. Những di chỉ khảo cổ đã công bố, cho thấy, trong các hang động Qafzeh, Nazareth ở Isreal đã phát hiện những bộ xương hóa thạch có niên đại khoảng 90.000 đến 10.0000 năm, và điều đặc biệt hơn, các nhà khoa học đã phát hiện những chứng cứ đầu tiên cho thấy loài người ở thời kỳ này đã biết, và quan tâm đến các nghi thức mai táng sơ khai. Như vậy, nghi thức mai táng đã có tuổi đời rất dài, thậm chí nó khởi sinh cùng với ý thức của loài người.
Ở giai đoạn đầu của nền văn minh hình thức của tang lễ thường gắn liền với những buổi cầu, tế phức tạp; các nghi thức tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia thể hiện rất rõ các vật tổ/ tô-tem mà cộng đồng đó tôn sùng. Niềm tin vào một thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng (sống gửi thác về) là tiền đề thôi thúc loài người không ngừng kiếm tìm, và hoàn thiện đến mức tối ưu nhất các nghi thức mai táng của họ. Dĩ nhiên, tùy vào khu vực, nền văn minh, cộng đồng người, niềm tin mà cộng đồng đó hướng tới thì các hình thức mai táng cũng sẽ khác nhau.
Sự không thống nhất trong các nghi thức mai táng là biểu hiện rõ nhất của sự đa dạng văn hóa từng tộc người. Nhưng tựu trung nghi lễ mai táng còn hướng tới những giá trị phổ quát cao hơn. Trước nhất, như đã nói, đó là việc duy trì niềm tin về một thế giới bên kia, thế giới của những linh hồn. Tiếp đến, đó là thể hiện sự tôn kính của người sống đối với người quá cố. Kế nữa nghi lễ tang ma còn là cách giúp duy trì trật tự xã hội trong xã hội có giai cấp; việc tổ chức các nghi thức tang lễ giúp gắn kết các thành viên lại với nhau, qua đó bảo đảm tính cấp bậc, vai vế của cách thành viên.
Tục lệ mai táng của loài người đã có tuổi đời hàng vạn năm, ứng với mỗi nền văn minh, mỗi cộng đồng người nghi thức này lại mang trong nó những đặng trưng riêng. Tùy vào từng thời đoạn sự biến đổi trong nghi lễ mai táng sẽ phản ánh chính xác tư duy, trình độ của con người thời đoạn đó, bởi vậy việc tìm hiểu rõ hơn về tục lệ văn hóa này chưa bao giờ ngừng lại. Trong bài viết này chúng tôi sẽ thử đi tìm nguồn gốc nghi lễ tang ma của người Việt, và những biến đổi của nghi lễ này trong đời sống đương đại.
Cội nguồn tang lễ
Trước tiên, trong bài viết này, đối tượng mà chúng tôi muốn hướng tới là nghi thức tang lễ của người Việt. Như ta đã biết, người Việt tin vào một kiếp sống bên kia, tin vào linh hồn, và với họ sự chết chỉ là chết về mặt thể xác (Chết là thể xác, còn là tinh anh) còn thì linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cữu. Chính bởi lối tư duy “vạn vật hữu linh” đó mà người Việt rất chú trọng tới đời sống ở kiếp sau, vì vậy, việc chuẩn bị thật chu đáo cho hậu sự của đời mình là điều hằng mong muốn của bất cứ ai. Do đó mà đối với người Việt, nghi thức mai táng, đôi khi còn quan trọng hơn rất nhiều những nghi lễ khác của vòng đời người.
Hiện nay rất khó để xác định chính xác thời điểm các nghi thức tang lễ của người Việt bắt đầu từ bao giờ. Trong các nền văn hóa cổ như Hòa Bình, Đông Sơn,… người ta đã tìm thấy những di vật được cho là đồ tùy táng của người Việt cổ. Điển hình như mộ thuyền Việt Khê được xác định thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Bên trong mộ thuyền chứa hàng trăm đồ tùy táng các loại gồm các đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, vũ khí chiến đấu,.. . Điều này phản ánh rõ nét phong tục mai táng quan niệm về cõi sống và cõi chết của người Việt cổ. Tuy nhiên những cứ liệu ghi chép về những nghi lễ cử hành tang lễ của giai đoạn này lại hầu như không nhiều mà phải đến khi người Hán đặt ách thống trị của họ lên cộng đồng người ở phía Nam sông Trường Giang; những thư tịch ghi chép việc thuế má, luật lệ hay những tập tục của cư dân Bách Việt đề cập tới nghi lễ tang ma của người Việt.
Hán Vũ Đế (156 – 87 TTL) sử dụng Nho học làm ý thức hệ duy trì trật tự xã hội, vì vậy, các kinh điển Nho học trở thành “sách giáo khoa” của mọi tầng bậc trong xã hội. Sử dụng Nho học đồng nghĩa với việc nghĩa với việc xã hội sẽ vận hành trên hệ thống các giáo lý Nho gia, nền tảng dựa trên Tứ thư – Ngũ kinh. Kinh lễ xuất hiện muộn hơn cả trong Ngũ kinh nhưng lại đóng vai trò rất lớn, từ Kinh lễ là cơ sở để hình thành nên rất nhiều lễ nghi trong đời sống của gia đình và xã hội; trong đó, nghi lễ mai táng của người Việt chịu ảnh hưởng khá rõ nét từ Kinh lễ/ Lễ ký của Trung Hoa. Về nội hàm chữ Lễ, giới nghiên cứu thường phân chia thành hai loại “Thứ nhất, Lễ gồm 8 loại, như thiên Hôn nghĩa sách Lễ ký viết: 禮 始 于 冠, 本 于 婚, 重 于 喪 祭, 尊 于 朝 聘, 和 于 鄉 射 “Lễ thủy vu Quan, bản vu Hôn; trọng vu Tang, Tế; tôn vu Triều, Sính; hòa vu Hương Xạ” (Lễ lấy Quan lễ để mở đầu, lấy Hôn lễ làm căn bản; lấy Tang lễ; Tế lễ làm long trọng; lấy Triều lễ, Sính lễ làm tôn kính; lấy Xạ lễ, Hương ẩm tửu lễ làm thân hòa). Thứ hai, Lễ gồm năm loại, như thiên Đại Tư đồ sách Chu Lễ viết: 以 五 禮 而 防 萬 民 之 偽, 而 教 之 中 “Dĩ ngũ lễ nhi phòng vạn dân chi ngụy, nhi giáo chi trung” (dùng năm lễ để phòng sự trá ngụy của muôn dân và dạy dân Trung đạo).[1] Sau này, dựa trên những kinh điển đã có, đặc biệt là Kinh lễ/ Lễ ký Chu Hi (1130 – 1200), đã soạn ra Văn Công Gia lễ, sách được soạn vào năm Canh Dần (1170), ban đầu sách gồm hai thiên Tang và Tế, về sau này không biết người đời hay do chính ông thêm vào hai thiên Quan và Hôn nữa thành ra sách Văn Công Gia lễ. Sách Văn Công Gia lễ của Chi Hi viết ngày nay không còn, do là sách Gia lễ lưu hành trong không gian gia đình, dòng họ nên nhiều dị bản được soạn ra, bộ sách Gia lễ thông dụng nhất còn đến ngày nay, gồm 5 quyển và 1 phụ lục, gồm có:
Quyển 1: Thông lễ 通禮: Từ đường; Thâm y chế phục. Ngoài ra có: Tư Mã thị cư gia tạp nghi
Quyển 2: Quan lễ 冠禮: Quan; Kê.
Quyển 3: Hôn lễ 婚禮: Nghị hôn; Nạp thái; Nạp tễ; Thân nghênh; Phụ kiến cữu cô; Miếu kiến; Tế kiến phụ chi phụ mẫu.
Quyển 4: Tang lễ 喪禮: Sơ chung; Mộc dục, tập, điện, vi vị, phạn hàm; Linh tọa, hồn bạch minh tinh; Tiểu liệm; Đại liệm; Thành phục; Triêu tịch điện, thượng thực; Điếu, điện, bác; Văn tang, bôn tang; Trị tang; Thiên cữu, triều tổ, điện, bác, trần khí, tổ điện; Khiển điện; Phát dẫn; Cập mộ, hạ quan, từ hậu thổ, đề mộc chủ, thành phần; Phản khốc; Ngu tế; Tốt khốc; Phụ; Tiểu tường; Đại tường; Đàm. Ngoài ra có: Cư tang tạp nghi; Trí bác điện trạng; Tạ trạng; Úy nhân phụ mẫu vong sớ; Phụ mẫu vong đáp nhân sớ; Úy nhân tổ phụ mẫu vong khải trạng; Tổ phụ mẫu vong đáp nhân khải trạng.
Quyển 5: Tế lễ 祭禮: Tứ thời tế; Sơ tổ; Tiên tổ; Nễ; Kị nhật; Mộ tế.[2]
Có thể thấy rằng, mặc dù tồn tại ở nhiều dị bản khác nhau nhưng điểm chung là cách sách Gia lễ đều rất chú trọng tới Tang lễ, ngay trong Lễ ký nội dung có đề cập tới Tang lễ cũng chiếm phần nhiều nhất, điều khẳng định tầm quan trọng nếu như không nói là nhất của Tang lễ trong truyền thống văn hóa Á Đông nói chung và người Việt nói riêng. Người Việt chịu ảnh hưởng từ tư tưởng cho đến hệ thống giáo dục, bởi vậy, tầng lớp trí thức Nho học người Việt đều dựa vào kinh điển Trung Hoa để trước tác. Các sách Gia lễ của người Việt về sau đều dựa vào Văn Công Gia lễ, tiêu biểu phải kể đến các sách như: Tiệp kính gia lễ 捷徑家禮 của Ngô Sĩ Bình (?); Hồ Thượng thư Gia Lễ 胡尚書家禮 của Hồ Sĩ Dương (1621 – 1681); Thọ Mai Gia Lễ 壽梅家禮 của Hồ Gia Tân (1690 – 1760); Tang Tế Khảo nghi 喪祭考疑? (1894); Tang Tế bị ký 喪禮備記? (1911) v.v… Trong đó có hai cuốn, Hồ Thương thư Gia lễ 胡尚書家禮 và Thọ Mai Gia lễ 壽梅家禮, được đánh giá cao, trở thành những cuốn sách Gia lễ quan trọng bậc nhất của người Việt. Các sách này đều trình bày Tang lễ phỏng Chu Công Gia lễ, nhưng ở một số nghi thức các nhà nho người Việt đã tinh giản bớt để phù hợp với văn hóa người Việt. Sau này các nhà nho thời cận đại có soạn các sách như Gia lễ chỉ Nam của Nguyển Tử Siêu (1898 – 1965); An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919); Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1875 – 1921) …, đều có dựa theo Hồ Thượng thư Gia lễ và Thọ Mai Gia lễ, phần lớn các sách đều thống nhất các nghi thức trong tang ma.
Điểm lại một số tư liệu ở trên, chúng tôi thấy rằng, Gia lễ của người Việt nói chung và Tang lễ nói riêng đều chịu sự ảnh hướng từ văn hóa Nho gia Trung Quốc. Bởi vậy, về cơ bản, các nghi thức trong tang ma của người Việt đều có những nét tương đồng với tang ma của người Hán. Nhưng nói các nghi thức trong lễ tang của người Việt hoàn toàn đồng nhất với người Hán thì không đúng (chúng tôi nhấn mạnh), bởi những thành tố văn hóa nội sinh của người Việt sẽ biến đối văn hóa ngoại lai sao cho phù hợp với căn tính, não trạng của dân tộc mình. Nghi thức tang lễ của người Việt sẽ còn thay đổi theo thời gian, đặc biệt là sự du nhập của Công giáo vào xã hội Việt Nam, điều này làm nghi lễ mai táng của người Việt trở nên đa dạng, không còn tuyệt đối lệ thuộc vào những sách Gia lễ mang màu sắc Nho gia.
Chú thích:
[1] Dẫn theo: Lê Phương Duy, Tìm hiểu cấu trúc nội tại của Gia lễ, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 2012, tr.173; 176.
[2] Dẫn theo: Phạm Thị Hường, Gia lễ của Chu Hi, bước đầu giới thiệu, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 2011, tr. 678; 685.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Phương Duy, Tìm hiểu cấu trúc nội tại của Gia lễ, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm
- Phạm Thị Hường, Gia lễ của Chu Hi, bước đầu giới thiệu, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm
- Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội.
Ngọc Anh