Cội nguồn lịch sử
Tự điển Hán-Việt của Thiều Chửu viết rằng: “Phàm thứ cây cỏ nào có chất thơm đều gọi là hương. Như đàn hương 檀 香 cây đàn thơm, ta gọi là trầm bạch. Nguyễn Du 阮 攸: Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp 一 炷 檀 香 消 慧 業 (Vọng Quan Âm miếu 望 觀 音 廟 ) đốt nén hương đàn để tiêu tan nghiệp chướng do trí tuệ gây ra”.
Theo cuốn Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên: “Hương là vật phẩm làm bằng nguyên liệu có tinh dầu, khi đốt tỏa khói thơm, thường dùng trong việc cúng lễ”[1]. Như vậy, nhắc tới hương sẽ khiến chúng ta liên tưởng tới việc cúng bái. Hãy cùng tìm hiểu xem “con đường” tập tục này về Việt Nam như thế nào.
Trong tiếng Latin từ “hương/Incensum” được hiểu là thứ để đốt. Theo quan điểm của những nhà Thần học Kitô, mùi hương được phát hiện một cách ngẫu nhiên thông qua sự cháy từ thời nguyên thủy. Vậy nên, rất có thể việc nhận biết hương trầm đã ra đời cùng với việc phát hiện ra lửa của loài người.
Có thuyết cho rằng hương là sản phẩm được phát minh tại Ai Cập cách đây 3500 năm. Một trong những những phát minh vĩ đại của người Ai Cập là giấy papyrus (giấy cói) nên có giả thuyết, từ xa xưa họ đã dùng loại giấy này để cuốn các loại thảo dược thành từng bó rồi đốt. Theo thời gian, các thảo dược được nghiền nát, trộn với nhau tạo thành những que hương dài.
Ông Maurice Chastrette – Giáo sư danh dự Đại học Lyon cho rằng: “Người Ai Cập cổ đại đốt hương để ướp xác, trong một bài thơ được sáng tác hồi trước Tây lịch có câu này: “hãy tự làm thơm mình bằng những điều kỳ diệu thực sự”. Vì những cây có tinh dầu không mọc ở Ai Cập nên cần phải tổ chức các cuộc thám hiểm trên diện rộng để thu được kết quả tổng quát, những kết quả nghiên cứu được chứng thực có niên đại vào khoảng năm 2540 trước Công nguyên. Nổi tiếng nhất là chuyến thám hiểm đến vùng đất Punt (hiện nay là Somalia, miền bắc Ethiopia và miền đông Sudan), do Nữ hoàng Hatshepsut chỉ huy, vào khoảng năm 1500 trước Tây lịch. Một số lượng lớn hương, nhựa thơm và quế cũng như 31 cây có tinh dầu cùng với rễ của chúng đã được mang về. Hình ảnh đại diện của chuyến thám hiểm này có thể được nhìn thấy trên bức tường của ngôi đền Deir el Bahari (Ai Cập)”[2].
Người được mệnh danh là cha đẻ của Sử học Hérodote viết trong quyển II – huyền sử, lịch sử và văn hóa Ai Cập, bộ sử Historial rằng: “Mỗi năm có hàng nghìn tạ hương được dâng lên để tôn vinh thần Bel ở Babylon”. Trong tiếng Ai Cập, từ “Hương” gọi lên sự thiêng liêng. Các Pharaon, và các phái đoàn thầy cúng tiến hành xông hương bằng cách ném những viên nén vào những đĩa đang cháy. Các thầy cúng (Ré) mỗi ngày dâng ba loại, vào ba lúc: bình minh, giữa trưa và hoàng hôn.
Theo báo cáo ngày 20/5/2008 của Hiệp hội Sinh học thực nghiệm Hoa kỳ (FASEB): “Việc sử dụng hương cho mục đích thần bí và tôn giáo đã được chứng thực ở tất cả các châu lục và trong nhiều nền văn hóa: Ai Cập cổ đại dùng để ướp xác, châu Âu theo đạo Thiên chúa, người Do Thái, Ấn Độ và châu Á dùng trong các nghi lễ tôn giáo hoặc để sản xuất các sản phẩm làm đẹp. Trầm hương là một phần của văn hóa dân gian, thần thoại và tín ngưỡng, bên cạnh đó cũng được sử dụng trong y học và các tôn giáo khác nhau.
Trầm hương là một chất được sản xuất từ nhựa của một số cây thuộc chi Boswellia… Thành phần hóa học incensole acetate có trong khói hương, được biết là có tác dụng kích thích thần kinh và gây hưng phấn theo các nghiên cứu khoa học.
Hương luôn có giá trị rất cao và đặc biệt phổ biến ở Trung Đông. Người Phoenicia sử dụng nó để buôn bán, vận chuyển trong các đoàn lữ hành của họ nhằm thực hiện mệnh lệnh từ các Pharaon. Điều này có lẽ liên quan đến việc người Ai Cập sử dụng hương trong các nghi lễ, khiến nó trở thành một mặt hàng rất có giá trị.
Năm 1922, khi lăng mộ của Tutankhamun (Pharaon) được phát hiện, vẫn còn hương trong hộp kín. Trong khi hương được sử dụng trong quá trình ướp xác, người ta tin rằng một số đồ vật tang lễ sẽ đi cùng người đã khuất sang thế giới bên kia. Vì hương rất đắt tiền nên việc tìm thấy nó trong các ngôi mộ của hoàng gia và tầng lớp thượng lưu dường như là hoàn toàn hợp lý. Sau hàng nghìn năm, hương trầm trong lăng mộ vẫn giữ nguyên mùi hương, điều này gây ấn tượng mạnh với các nhà khảo cổ vừa thực hiện phát hiện lịch sử này. Trầm hương thậm chí còn được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử có niên đại từ 2.500 năm trước Công nguyên!”
Trong Kinh Thánh, (sách Exodus, XXX, 7-8), có đoạn: “Thiên Chúa phán với Moisé: hãy lấy nhũ đá, đinh hương, các loại gia vị, đốt lên, ngươi sẽ thấy tinh thần sảng khoái”. Theo Montaigne trong sách Les Essais[3]: “Việc phát minh ra hương và nước hoa trong các Giáo hội, rất cổ xưa và phổ biến ở mọi quốc gia và tôn giáo, nhằm mục đích làm vui mừng, đánh thức và thanh lọc các giác quan để khiến chúng ta thích hợp hơn cho việc chiêm niệm và hiệp thông với thần linh”.
Về phần nguồn gốc tục thắp hương ở các nước châu Á đã được học giả Lê Quý Đôn biên khảo rất kỹ và trình bày trong cuốn Vân Đài Loại ngữ: “Sách Vân Lộc mạn sao[4] chép: “Sách Lễ Ký nói: “khi tế trời phải đốt củi ở trên Giao đàn” (gọi là Thái đàn). Sách Chu Lễ nói: “Ðốt củi thui trâu” nghĩa là để cầu thần. Ðời sau không đốt củi, lại đốt hương, hương là do phương Tây sản xuất. Nhà Phật khi hành lễ cũng đốt hương cho được thanh tịnh, nên khi làm phép thì đốt hương niệm chú. Các đạo sĩ cũng đốt hương tẩy uế”. Sách Đại Minh chí thư chép: Vua Thái Tổ[5] xuống lệnh hàng tháng cứ mồng Một và ngày Rằm, từ quan tế tửu trở xuống đều phải làm lễ thích thái[6], từ các quan quận huyện trở xuống phải đến nhà học làm lễ dâng hương”[7].
Nhắc về tục thắp hương, trong cuốn Việt Nam phong tục nhà văn hóa Phan Kế Bính viết: “Trong việc tế tự, có điển đốt hương là do tự Tây vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa tục Tàu tế Tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời vua Vũ Đế nhà Hán, sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (Hung Nô) xứ Tây vực (thuộc về vùng Ấn Độ), vua nước ấy phải đầu hàng, dâng một thần tượng bằng vàng, đem về đặt trong cung Cam Toàn[8]. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến dê bò, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Từ đó Tàu mới có tục đốt hương”[9]. Theo đó, ta hiểu được rằng, từ xa xưa người Trung Quốc cũng đã dùng các loại cỏ thơm và động vật để đốt trong các hoạt động cúng tế. Sau này, họ biết tới tục đốt hương của người Hung Nô mà áp dụng.
Trong Phật giáo, vai trò của thắp hương được ghi chép trong nhiều bộ kinh. Cuốn Nhân Vương Bát Nhã Kinh Sớ – quyển Trung – tam (Phẩm Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật kinh bồ tát giáo hóa phẩm thứ ba) chép rằng:
爾時百萬億恒河沙大眾各從座起,散無量不可思議華,燒無量不可思議香,供養釋迦牟尼佛及無量大菩薩,合掌聽波斯匿王說般若波羅蜜,今於佛前以偈讚曰
Dịch nghĩa:
Khi ấy có trăm vạn vô số đại chúng, từ chính tòa khởi thân, tán thán công đức vô lượng không thể nghĩ bàn của hoa, và thắp vô lượng hương công đức không thể nghĩ bàn cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni và vô lượng các vị Bồ tát, rồi chắp tay cung kính nghe vua Ba Tư Nặc thuyết giảng về Bát nhã ba la mật, nay ở trước Phật làm bài kệ.
Hay trong cuốn Phật Thuyết Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh, quyển 8 佛說眾許摩訶帝經卷第八 chép:
彼俱梨迦既請佛已,速至家中告彼妻子男女并諸眷屬:「彼耶舍夜出渡嚩[A7]囉迦河,投佛出家已作沙門,兼已得證阿羅漢果。我尋耶舍亦到於彼,便蒙世尊為我說法,獲離塵垢得法眼淨,又為我受三自歸法;我已請佛來日供養,佛與聖眾必來降赴,汝諸眷屬今當為我速淨舍宅,香水灑地無令塵坌,及速備辦種種飲食,乃至香花供養之具,汝等專至亦獲大利。」
既至來朝,明相現已,家內營辦一一皆畢,俱梨迦長者即於庭際執爐焚香,遙白世尊:「飲食已辦,願佛垂降。」
Dịch nghĩa:
Nhà vua thử hỏi Phật. Phật đáp: trong quá khứ có một người nghèo khổ, khốn cùng, chẳng có nghề nghiệp gì chỉ đốn củi tự sống, khi hái củi trở về chưa về đến cửa thành, thì cổng thành đã đóng, ở bên ngoài thành có chùa và người tu hành đang tụng kinh trong đêm, người hái củi kia bèn ngủ nhờ, nhân đó ngồi nghe kinh, đốt hương tán thán đến tận ngày hôm sau. Vì đó mà năm trăm đời không bị đọa vào ác đạo, thường được sinh thiên, trên thân mình miệng thơm thanh khiết.
Phật Thuyết Dục Tượng Công Đức Kinh còn nhắc tới việc sử dụng các loại hương để bao sái (tắm) tượng:
佛言:「清淨慧!如佛在世,諸眾生等發起淨心,於佛滅後亦應如是,不作執空有想,於諸善品心懷渴仰不生疲厭,何以故?為成就如來法報身故。我已曾為汝說四真諦法、十二因緣、六波羅蜜,我今為汝說浴像法,諸供養中最為殊勝。
「善男子!若欲沐像,應以牛頭栴檀、紫檀、多摩羅香、[7]甘松、芎藭、白檀、欝金、龍腦、沈香、麝香、丁香,以如是等種種妙香,隨所得者,以為湯水置淨器中,先作方壇敷妙床座,於上置佛;以諸香水次第浴之;用諸香水[8]周遍訖已,復以淨水於上淋洗。其浴像者,各取少許洗像之水,置自頭上,燒種種香以為供養。
Dịch nghĩa:
Đức Phật thuyết rằng: Này Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ, như khi Phật còn tại thế, các chúng sinh phát khởi tịnh tâm, sau khi Phật diệt độ cũng cần như vậy, chớ có dính mắc vào tâm không hay hữu, đối với các đồ thọ dụng thiện, trong tâm yêu thích chẳng sinh chán ghét, như vậy là vì sao? Là bởi vì thành tựu báo pháp thân của Đức Như Lai. Ta đã từng vì các người mà thuyết giảng pháp tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, lục ba la mật, ta nay vì các ngươi mà nói về pháp tắm tượng, đây là pháp tối thắng trong việc cúng dường.
Này các thiện nam tử! như muốn bao sái (tắm) tượng, nên dùng hương Ngưu đầu chiên đàn, hương Tử đàn, hương Đa-ma-la, hương Cam tùng, hương Khung cùng, hương Bạch đàn, hương Uất kim, hương Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương, dùng các loại hương mầu diệu này, tùy nơi mà có, để mà dùng làm nước để trong đồ vật thanh tịnh, trước tiên bày đàn vuông ra sàng tòa, rồi bày tượng Phật ở trên, rồi dùng các thứ nước hương lần lượt bao sái tượng; dùng các nước hương bao sái khắp rồi, lại dùng nước sạch bao sái lần nữa, mỗi thứ dùng một chút nước, dội từ trên đỉnh đầu xuống, cũng đồng thời thiêu các loại hương để mà cúng dường.
Như vậy, Phật giáo có tục đốt hương từ rất sớm. Rất có thể, vào quãng thế kỷ thứ II, khi Phật giáo được truyền về Việt Nam thì phong tục này cũng được đông đảo người Việt biết đến.
Theo học giả Lê Quý Đôn: “Sách truyện nước Ngô lại nói: “Trương Tân làm thứ sử Giao Châu, đốt hương và đọc những sách tà ma Vu Sát thì làm tịnh xá (nhà tu) để đốt hương. Ðó đều là các nhà tư dùng hương đốt, chớ không phải của cả nước dùng hương thờ thần”[10]. Điều này cho thấy rằng vào thời Đông Hán, thứ sử Trương Tân đã chính thức đưa tục đốt hương về Việt Nam mà sử sách chép được. song song với đó, theo đà phát triển của Phật giáo, tục lệ này ngày càng phổ biến, không chỉ ở bộ phận vua chúa, quan lại mà lan rộng trong đông đảo dân chúng.
Thắp hương sao cho đúng?
Trải qua thời gian, tục thắp hương đã trở thành một phong tục truyền thống, nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong mỗi dịp lễ tết, lễ cúng hay đơn giản là muốn được bảy tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ cũng như cầu xin các vị thần linh, ông bà tổ tiên thì không thể thiếu những nén hương thơm. Như GS Đào Duy Anh từng mô tả: “Từ triều Lê trở xuống, Phật giáo đã suy dần thì Khổng giáo lại được triều đình độc tôn. Theo học thuyết ấy thì quan lại chỉ biết mệnh vua mà vua chỉ biết mệnh Trời… Mỗi năm, vua phải ngự đến đàn Nam Giao là tế đàn hình tròn xây ở phía nam cung thành để tế Trời là gốc sinh thành của vạn vật… Lễ thức này rất nghiêm trọng và phiền phức, đại khái theo thứ tư như sau: Rửa tay (quán tẩy), dâng trầm (thượng hương), dâng tơ lụa (hiến ngọc thạch), dâng đồ cúng (hiến phẩm nghi), dâng rượu,…”[11]. Không chỉ ở những lễ chung của đất nước mà mỗi gia đình, mỗi người dân đều duy trì hoạt động thắp hương, chẳng hạn: “Tết Nguyên Đán từ ngày 30 tháng Chạp người ta đã làm lễ “rước ông bà”. Trong ba ngày mùng Một, mùng Hai, mùng Ba thì suốt đêm ngày lúc nào cũng có hương đèn và lễ vật để cúng tổ tiên”[12]. Thậm chí, tục thắp hương còn phổ biến đến mức người ra dùng từ “hương hỏa” để chỉ việc thờ cúng. Hương hỏa (香火) nghĩa gốc là nhang và đèn, nến dùng để tế tự tổ tiên, thần Phật. Ngoài ra, từ này còn dùng để chỉ việc con cháu tế tự tổ tiên và tài sản của gia đình được trao truyền cho thế hệ sau nhằm có kinh phí duy trì việc thờ tự. GS Đào Duy Anh cho biết: “Vì việc tế tự tổ tiên là một nghĩa vụ nghiêm mật, con cháu không khi nào được bỏ, cho nên các nhà khá trở lên, người ta thường trích trong di sản một phần tự sản gọi là “phần hương hỏa””[13].
Trong Phật giáo, các Phật tử coi nén hương là cầu nối giữa họ với các vị thần Phật. Trong nghi thức tụng 48 đại nguyện của Đức Phật A-di-đà có ghi:
“Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo”
Dù tục thắp hương phổ biến như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu rõ phương thức thực hiện nó. Chúng ta thường kiêng thắp số nén hương chẵn mà chỉ dùng số lẻ để dâng. Chẳng hạn như 1, 3, 5, 7, 9 hoặc dùng cả bó hương nhưng không thắp số chẵn. Theo quan niệm của người xưa, giữa âm và dương có sự cách biệt, số chẵn thể hiện cho tính âm và số lẻ thể hiện cho tính dương. Việc thắp hương là cách người sống (dương) tưởng nhớ người đã khuất (âm), bởi vậy dùng số hương lẻ là hợp lý. Trong cuốn 100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt, tác giả Hồng Minh viết: “Hương thường được dùng số lẻ 1, 3, 5 nén, vì số lẻ thuộc dương. Nếu trên ban thờ có hai, ba hoặc bốn bát hương cũng đều phải châm số lượng hương như nhau”. Nhắc tới số lượng nén hương thì có nhiều quan niệm khác nhau về ý nghĩa.
Thắp 1 nén hương thể hiện sự nhất tâm.
Thắp 3 nén hương tượng trưng cho sự hoà hợp giữa Thiên – Địa – Nhân được biết đến nhiều hơn cả. Theo Phật giáo, 3 nén hương tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; Tam thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây cũng là một lý do để giải thích cho việc ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương.
“Năm cây hương tượng trưng ngũ quan của con người”[14] là thông tin nhà văn hóa Phan Kế Bính chia sẻ khi nói về việc bày biện trong cúng lễ. Có quan niệm lại cho rằng 5 nén hương tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ).
Thắp 7 hoăc 9 nén hương thì lại biểu tương cho “vía” vì quan niệm dân gian cho rằng “nam thất nữ cửu”, muốn xin cho người nam thì thắp 7 còn xin cho người nữ thì thắp 9. Có ý kiến lại cho rằng, 7 nén hương tượng trưng cho Bắc Đẩu thất tinh – 7 vị thần: Thiên Xu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Khai Dương, Ngọc Hoành và Dao Quang. Đây vốn là tên của 7 ngôi sao ở phương Bắc. Thắp 7 nén hương khi muốn thỉnh cầu cả thiên tướng và thần linh. Còn 9 nén hương được dùng khi muốn thỉnh cầu cả Ngọc Hoàng thượng đế và Thập điện Diêm vương.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số mọi người đều thắp 1 nén hoặc 3 nén hương. Khi đến đình, chùa, miếu mạo người ta thường thắp 1 nén hương thể hiện tâm thành còn trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết thì thường thắp 3 nén. Qua thời gian, ngày càng nhiều loại hương ra đời với đủ loại mẫu mã, chất liệu và mùi hương. Thậm chí, có những loại hương chứa nhiều thành phần hóa học, hóa chất độc hại mà người dùng không biết. Hơn nữa, đa số kết cấu của đình, chùa đều làm bằng gỗ nên việc thắp hương dễ dẫn tới hỏa hoạn. Bởi vậy, hiện nay đa số các đình, chùa đều có khuyến cáo, quy định người đến vãn cảnh không được thắp hương bên trong di tích, chỉ thắp ở lư hương bên ngoài. Để tránh tốn kém, nguy cơ ô nhiễm khói bụi thì nếu thấy trong lư vẫn còn hương đang cháy thì có lẽ chúng ta không nên thắp thêm nữa mà chỉ thành tâm khẩn cầu.
Như vậy, ta thấy rằng tục đốt hương có thể truyền về Việt Nam theo con đường truyền bá của Phật giáo hoặc từ Trung Quốc vào thời Bắc thuộc, hoặc song song cả hai. Dù theo con đường nào thì tục này cũng đã hiện hữu ở Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ II, III. Tập tục này dần len lỏi vào tâm thức của người Việt và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi lần thành tâm thắp nén hương, làn khói trắng lan tỏa trong không khí mang theo hương thơm thoang thoảng giúp ta như đang được kết nối với thế giới của thần linh, ông bà tổ tiên nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ cũng như thỉnh cầu điều mình mong muốn.
Lợi Lê
——————–
Chú thích
[1] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2020, tr. 639.
[2] Maurice Chastrette, La myrrhe et l’encens, nguồn CNRS (Centre National de la Recherche Scientifique/ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp).
[3] Tức là Michel Eyquem de Montaigne (1533 – 1592), nhà Văn, Triết gia Pháp, người có ảnh hưởng tiểu biểu nhất trong thời kỳ Phục Hưng tại Pháp. Les Essais (Tiểu luận) tác phẩm được cho là quan trọng nhất của Montaigne, trong đó ông đưa ra những quan điểm về Triết học, Văn chương, qua Les Essais đưa thể loại Tiểu luận được chính thức được công nhận là tác phẩm Văn học.
[4] Tác giả cuốn sách là Triệu Ngạn Vệ, người thời Nam Tống.
[6] Là vua Minh Thái Tổ, tên thật là Chu Trùng Bát hay còn gọi là Chu Nguyên Chương, người khai quốc nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa.
[6] Lễ dâng cúng rau Cần, rau Tảo.
[7] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ – phần Vựng Điển loại, nhà sách Tự Lực, 1973, tr. 184.
[8] Có sách viết rằng đó là cung Cam Tuyền ở vùng Diên An, Trung Quốc.
[9] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 88.
[10] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ – phần Vựng Điển loại, Sđd, tr. 185-186.
[11] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, 2002, tr. 258-259.
[12] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Sđd, tr. 246.
[13] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Sđd, tr. 247.
[14] Phan Kế Bính, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng), Nxb Trẻ, 2005, tr. 294.
TL Tham khảo
1. Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin.
2. Báo cáo của Hiệp hội Sinh học thực nghiệm Hoa kỳ, 20/5/2008.
3. Phan Kế Bính (2005), Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng), Nxb Trẻ.
4. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
5. Lê Quý Đôn (1973), Vân Đài loại ngữ, nhà sách Tự Lực.
6. Hérodotus, quyển II – huyền sử, lịch sử và văn hóa Ai Cập, bộ sử Historial.
7. Michel de Montaigne, Les Essais (Tiểu thuyết kèm phân tích văn học tiếng Pháp).
8. Hoàng Phê (chủ biên), (2020), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.