Áo giao lĩnh là gì?
Áo giao lĩnh (交領) tức là áo có cổ giao nhau (bắt chéo), âm Nôm gọi là áo tràng bạt (長拔), là một dạng của áo trực lĩnh. Từ tràng bạt vốn xuất phát từ tục tràng áo xiên (tức cổ áo) được tạo thành bằng cách ghép thêm vạt cả, buộc chéo từ trái sang phải. Chiếc áo dài giao lĩnh có thiết kế với hai cổ áo giao nhau thường được mặc bên ngoài yếm lót, váy và có thắt lưng buông thả. Nó phổ biến vào thời phong kiến, có thể mặc thường ngày hoặc dùng như lễ phục, tế phục mặc phủ ra ngoài. Áo thường được may bằng nhiều chất liệu khác nhau, mùa hè nóng nực thì dùng sa, the, vải thanh cát; mùa đông muốn giữ ấm thì lại dùng gấm, đoạn.
Nguồn gốc
Áo giao lĩnh xuất hiện ở Việt Nam tương đối sớm, có lẽ vào khoảng thời Đông Hán, sau khi Mã Viện đánh bại cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Phần Uy Vũ miếu, sách An Nam chí lược của Lê Tắc đời Trần có đoạn: “Tô Đông Pha chép rằng: Nhà Hán có hai ông Phục Ba đối với dân Lĩnh Nam đều có công đức. Ông Phục Ba trước là Bì Li Lộ Hầu, ông Phục Ba sau là Tân Tức Mã Hầu… nếu không phải Tân Tức (hầu) chịu khó đánh dẹp thì dân chín quận vẫn khoác áo bên trái đến bây giờ.”[2] Qua đó, có thể hiểu rằng, trước thời Bắc thuộc lần thứ nhất, dân Việt vẫn mặc áo khoác về bên trái chứ không khoác về bên phải như áo giao lĩnh. Trải qua thời Bắc thuộc, chúng ta đã tiếp thu một phần phong tục ăn mặc của người Trung Quốc. Đến thời Lê trung hưng, áo giao lĩnh tồn tại ở vị trí độc tôn, vừa là trang phục thường ngày vừa là dạng thức lễ phục cao quý.
GS Đào Duy Anh cũng đồng quan điểm với sử gia thời Trần này: Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách chép đó thì ta có thể đoán rằng trước hồi Bắc thuộc thì dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải.”[3] Nhà văn hóa Phan Kế Bính góp phần khẳng định vị thế của áo giao lĩnh trong đời sống của người Việt khi cho rằng: “Lễ phục của thường dân thì mũ ô sa, áo giao lĩnh, bia ủng vải, mà thứ gì cũng toàn sắc thâm.”[4]
“Thân phận” chiếc áo giao lĩnh qua các triều đại
Sau khi nhà nước quân chủ của người Việt được tạo lập, mỗi triều đại đều quan tâm đến việc quy định phẩm phục nhằm tạo ra sự thống nhất của riêng mình đồng thời cũng tạo sự khác biệt với các nước láng giềng. Riêng với trang phục dân gian, hầu hết các vị vua đều muốn người dân giữ nguyên phong tục vốn có. Thậm chí, có triều đình đã từng ra lệnh người dân phải giữ nguyên thói quen ăn mặc truyền thống của mình. Chẳng hạn, vào niên hiệu Long Khánh năm thứ 2 (1374), vua Trần Duệ Tông xuống chiếu: “quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào”[5]. Đến thời Lê, Nguyễn Trãi bình xét: “Người trong nước không được bắt chước tiếng nói và trang phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước. “Vô” là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ như tiếng chim quẹt. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy khôi phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm dùng khăn che đùi mà để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thây chết. Các tục ấy đều không nên theo để làm loạn phong tục.”[6]
Có lẽ bởi vậy, trang phục dân gian của người Việt không có nhiều sự thay đổi theo thời gian. Dưới đây, chúng tôi xin phép biên khảo về trang phục dân gian của người Việt qua từng triều đại để làm rõ hơn luận điểm này.
Thời Lý
Trong cuốn Lĩnh ngoại đại đáp, Chu Khứ Phi đời Tống mô tả về trang phục của người Việt thời Lý rằng: “Người nước ấy áo thâm, răng đen, búi tóc chuy kế, đi đất, sang hèn đều như vậy. Vua ngày thường cũng vậy, song cài trâm vàng, trên mặc áo sam vàng, dưới mặc thường tía. Những người còn lại, ngày thường trên thì vận áo sam đen cổ tròn bó sát, bốn vạt như áo bối tử, gọi là áo tứ điên; dưới thì vận thường đen.”[7] Khi Mã Đoan Lâm tham khảo ghi chép của Chu Khứ Phi đã chú thích: “Những người còn lại đều mặc áo cổ tròn bốn vạt.” [8] Như vậy, ngày thường, đàn ông thời Lý mặc hai chiếc áo cổ tròn (viên lĩnh) lồng ghép với nhau.
Đối với nữ giới, qua miêu tả của Mã Đoan Lâm, phụ nữ Đại Việt đều thích mặc áo trực lĩnh màu lục, thụng tay, đều thắt bằng váy đen. Áo trực lĩnh chính là áo giao lĩnh, sở dĩ gọi trực lĩnh bởi cổ áo thẳng nhằm phân biệt với áo viên lĩnh cổ tròn.
Thời Trần
Trang phục dân gian thời Trần vẫn tiếp tục kế thừa trang phục thời Lý với áo sam cổ tròn bốn vạt, thường màu đen, quần lụa trắng. An Nam chí lược chép: “Từ vương, hầu đến thứ dân thường hay mặc xiêm màu huyền, cổ tròn, quần bằng lụa trắng, thích đi giày da”[9]. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khẳng định rằng toàn bộ người Việt thời Trần đều mặc áo cổ tròn. Bởi thông qua bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được cho rằng là do một nhóm họa sĩ người Việt vẽ đã cho thấy rằng nhân vật chính là Thượng hoàng Trần Nhân Tông và nhiều người khác đều mặc áo giao lĩnh.
Như vậy, ta có thể thấy rằng, áo giao lĩnh đã xuất hiện trong đời sống của người dân Đại Việt thời Lý – Trần nhưng chưa thực sự phổ biến, chủ yếu mọi người mặc áo viên lĩnh, một số ít sử dụng áo giao lĩnh.
Thời Lê
Trong cuốn Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc đàng ngoài của thương nhân Jean Baptiste Tavernier vào năm 1861, ông đã mô tả cách ăn mặc của người Việt ở Đàng Ngoài rằng: “Trang phục của họ trang trọng và đơn giản. Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống như áo dài của Nhật Bản, đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Cái áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân mình bằng một cái thắt lưng lụa hay có đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp.”[10] Loại áo được người Đại Việt sử dụng kể trên chính là áo giao lĩnh. Những thông tin kể trên được em trai của Jean Baptiste Tavernier chứng kiến trong những chuyến du hành ở Đàng Ngoài vào khoảng thời gian từ 1639 đến 1645 và ghi chép lại.
Tuy nhiên, thương gia Samuel Baron, là người sinh ra và lớn lên ở Đàng Ngoài lại có quan điểm hoàn toàn khác: “Người Đàng Ngoài có phong tục mặc áo dài, không khác quần áo người Tàu là mấy nhưng rất khác trang phục của người Nhật. Bức ảnh của Taverniere vẽ người Đàng Ngoài đeo đai lưng thì thật xa lạ phong cách của người xứ này”. Tựu chung lại, ta có thể hiểu rằng người Đàng Ngoài thuở đó mặc áo dài, rất có thể là chiếc áo giao lĩnh như chúng ta đã biết.
Năm Cảnh Hưng thứ 5, Giáp Tý (1744), với mong muốn tạo ra sự khác biệt với phong tục Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát có lệnh đổi trang phục của người Đàng Trong, thay áo giao lĩnh (tứ thân) cổ chéo bằng áo ngũ thân cổ đứng, bỏ vi quần (váy) để mặc xiêm quần. “Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của Đàng Ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà Đàng Trong bắt đầu mặc áo cài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người Đàng Ngoài nữa.”[11]
Trải qua hơn 30 năm, dân xứ này đã quen với tục mới mà quên đi tục cũ. Bởi vậy, năm 1776, một năm sau khi triều đình Lê – Trịnh chiếm được vùng Thuận Hóa của chúa Nguyễn đã lệnh dân vùng này phải đổi lại y phục thống nhất với Đàng Ngoài. Cuốn Phủ biên tạp lục, có ghi chép về sự kiện này: “Năm Bính Thân (1776), mùa xuân, đặt nha môn Trấn phủ, tháng 7 mới hiểu dụ rằng: Y phục bản quốc (Y phục triều Lê – Trịnh) vốn có chế độ riêng, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay cung vâng Thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa… Thường phục thì đàn ông, đàn bà mặc áo cổ đứng[12] ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín kiền không cho xẻ mở. Duy đàn ông nếu muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen, hay vải trắng tùy nghi.”[13] Theo phần tác giả Trần Quang Đức dịch trong cuốn sách Ngàn năm áo mũ thì áo “cổ đứng” được thay bằng “trực lĩnh” có lẽ là sát nghĩa hơn cả: “Đàn ông, đàn bà mặc áo trực lĩnh ngắn tay (tức áo giao lĩnh với chiều dài ống tay áo chấm đến cổ tay), ống tay áo rộng hẹp cho được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống đều nên máy khép lại, không được để mở, không được chiết eo. Riêng đàn ông nếu muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay để tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục dùng áo trực lĩnh ống tay dài, hoặc may bằng vải Thanh Cát, hoặc vải thâm, hoặc vải trắng tùy nghi.”[14] Có thể thấy rằng, triều đình Lê – Trịnh đã coi áo giao lĩnh như một quốc tục [15] cần được duy trì.
Như vậy, dưới thời Lê, áo giao lĩnh đã trở thành trang phục phổ biến của người Việt, đặc biệt là ở Đàng Ngoài. Thậm chí, vào thời Nguyễn, khi vua Minh Mệnh siết chặt việc cải cách trang phục, yêu cầu người Đàng Ngoài thay thế áo giao lĩnh, váy đụp bằng áo ngũ thân như người Đàng Trong nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Đúng như GS Đào Duy Anh đã nhận xét: “Đời Minh Mệnh có lệnh cho đàn bà đàng ngoài phải mặc quần, nhưng chỉ người giàu sang ở thành thị tuân theo, chứ ở nhà quê thì đến nay đàn bà cũng vẫn mặc váy.”[16] Dân gian còn lưu truyền bài ca dao vô cùng hóm hỉnh về sự kiện cấm “mặc váy” này:
Tháng chín có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng,
Không đi thì chợ không đông
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang,
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.
Kết luận
Qua việc tìm hiểu trang phục dân gian của người Việt dưới các triều đại, ta thấy rằng, chiếc áo giao lĩnh vốn có nguồn gốc Trung Quốc đã xuất hiện trong đời sống của chúng ta từ sau thời Bắc thuộc và trở nên thịnh hành dưới thời Lê. Thậm chí, áo giao lĩnh đã trở thành một thứ quốc tục khó từ bỏ, khiến nhiều người sẵn sàng “chống lại” lệnh vua – một thứ quyền uy tối cao dưới thời phong kiến. Dẫu vậy, trải qua thời gian, thế cuộc thay đổi, nhu cầu trang phục của con người cũng đổi thay, chiếc áo cổ chéo kết hợp với khố hay chiếc váy đụp dần được thay thế bởi những trang phục tân tiến, hiện đại hơn như áo phông, quần bò… thuận tiện cho việc lao động, sinh hoạt.
Lợi Lê
Chú thích
[1] Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Nhã Nam, 2013, tr. 240.
[2] Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, 1961, tr.13.
[3] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 203 – 204.
[4] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 329.
[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 268.
[6] Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập – Dư địa chí, Phan Huy Tiếp (dịch), Hà Văn Tấn (hiệu đính và chú thích), Nxb Sử học, 1960, tr. 53.
[7] Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Sđd, tr. 88.
[8] Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Sđd, tr. 88.
[9] Lê Tắc, An Nam chí lược, Sđd, tr. 113.
[10] Jean-Baptiste Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc đàng ngoài, Lê Tư Lành (dịch), Nguyễn Thừa Hỷ (hiệu đính), Nxb Thế Giới, 2005, tr. 48.
[11] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Sđd, tr. 204 – 205.
[12] Theo tác giả Trần Quang Đức cuốn Ngàn năm áo mũ thì từ “cổ đứng” này được thay bằng “trực lĩnh”.
[13] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 – Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 334.
[14] Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Sđd, tr. 241.
[15] Theo ý kiến của tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ.
[16] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Sđd, tr. 204 – 205.
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
- Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb Nhã Nam.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…(1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội.
- Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 – Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 334.
- Jean-Baptiste Tavernier (2005), Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc đàng ngoài, Lê Tư Lành (dịch), Nguyễn Thừa Hỷ (hiệu đính), Nxb Thế Giới.
- Lê Tắc (1961), An Nam chí lược, Viện Đại học Huế.
- Nguyễn Trãi (1960), Ức Trai di tập – Dư địa chí, Phan Huy Tiếp (dịch), Hà Văn Tấn (hiệu đính và chú thích), Nxb Sử học.