Lời dẫn
Sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam nằm ở sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa và phong tục tập quán. Sự đa dạng ấy khởi nguồn từ nhiều phương thức, có tự nguyện và ép buộc, có lĩnh hội và tiếp thu, có cải tiến và phá cách,…giữa các nền văn hóa dân tộc và văn hóa ngoại lai trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Bài viết này tôi mở cánh cửa mời quý độc giả đi vào tìm hiểu phong tục tập quán ăn mặc của người dân Việt Nam thông qua một loại thường phục áo Tấc – chính là tiền thân của chiếc Áo Dài hiện nay.
Nguồn gốc và sự phát triển của áo Tấc theo từng giai đoạn
Có thể nói, Đàng Trong là vùng đất có sự giao thoa giữa ba nền văn hóa: Kinh, Chăm, Hoa thông qua những lần nam tiến của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Vải vóc đề may trang phục của người Chăm khi chưa có lụa thường là vải thô được dệt từ cây bông, vải từ cây cát bối được Lê Quý Đôn miêu tả trong Vân đài loại ngữ là loại vải khi “kéo sợi làm chỉ để dệt khăn không khác gì loại vải gai”,…Thời gian sau, người Kinh rồi đến Hoa vào Đàng Trong mang theo nghề ươm tơ, dệt lụa. Từ đó, người dân Quảng Nam biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa phục vụ đời sống hằng ngày. Chính vì là nơi giao thoa giữa ba nền văn hóa nên Đàng Trong chưa có một loại trang phục thống nhất.
Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm Giáp Tý (1744), Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chính xưng vương, lập nên một “nước” vạch rõ ranh giới Đàng Trong – Đàng Ngoài đã thi hành một loạt các chính sách cải cách trang phục. Cụ thể, trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn cho biết: “ Năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh-hưng thứ 5, Nguyễn-phúc-Khoát nhân có câu sấm ở Nghệ-an lưu truyền rằng “Bát thế hoàn trung đô” (nghĩa là đến đời thứ tám được về kinh đô). Tự nghĩ rằng từ đời Đoan-quận-công đến đời ấy đúng là 8 đời. Bèn tự xưng vương hiệu. Theo kiểu mẫu mũ áo ở trong tam tài đồ hội làm mẫu sắc áo mũ cho các quan Văn Võ. Võ từ Chưởng doanh cho đến Cai đội, Văn từ Quán bộ cho đến Chiến hậu Huấn đạo đều theo lối mới. Áo dùng vóc đoạn, hạng quý hơn dùng áo bào thêu rồng và thủy ba, mũ dát vàng bạc. Lại hạ lệnh cho giai gái hai xứ ấy cải trang theo lối áo quần Trung-quốc, để tỏ ra sự đổi mới. Con gái mặc áo ngắn hẹp tay như áo con giai, cái lối ăn mặc ấy thì người Trung-quốc cũng không có. Đã hơn 30 năm thành ra thói quen, người ta quên cả lối ăn mặc cũ. Khi quân nhà vua kéo vào xứ ấy, có người ở Đăng-xương tên là Trần-duy-Trung dâng thơ có câu rằng “tám đời đã chán pháp lệnh Tần, trăm năm lại thấy uy nghi Hán”.[1]
Đến tháng 7 năm 1776, Hoàng Ngũ Phúc[2] chiếm lại Thuận Hóa, đặt nha môn ở Trấn Vũ thì không cho phép nhân dân mặc thường phục tay áo theo kiểu Trung Quốc nữa: ““Y phục nước nhà đã có lề lối. Từ khi trước xứ này vẫn theo quốc tục. Nay nhờ ơn đức nhà vua, vỗ yên nơi biên cảnh, trong ngoài đã thống nhất, phong tục phải như nhau. Hiện nay còn thấy nhân dân mặc lối áo quần Trung-quốc. Vậy nay nhất luật phải ăn mặc theo lối quốc tục. Các nhân dân phải dùng vải và lụa, chỉ trừ có quan chức mới được dùng sa tanh nhiễu đoạn. Đến như gấm vóc và thêu rồng phượng nhất thiết cấm hẳn không được tiếm dùng. Còn như áo mặc thường thì đàn ông đàn bà phải mặc áo ngắn cổ hẹp còn tay áo rộng hay hẹp được tùy ý. Áo mặc thì từ hai nách trở xuống phải khép vạt áo lại, không được mở thênh ra. Trừ có đàn ông nếu muốn mặc áo cổ viền hay ngắn để tiện làm việc thì cũng được. Đến như áo dùng về việc lễ nghi thì mặc áo thụng dài, hoặc vải xanh hoặc vải thâm hoặc vải trắng tùy theo trường hợp. Về các đấng bậc cổ áo và bố tử thì theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế.”[3]
Trong Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức cũng đề cập đến nhân vật Chapman viết vào năm 1778: “Đàn ông và phụ nữ Nam Hà đều mặc những bộ đồ được thiết kế theo cách giống nhau. Đây là những bộ đồ khiêm tốn nhất mà tôi từng được thấy, chúng chỉ gồm một áo dài thả lỏng, cổ nhỏ cài cúc, bắt chéo trên ngực, trông không khác gì một chiếc áo dài ngủ, ống tay áo rất dài và rộng, phủ kín cả hai bàn tay.” Áo ngũ thân tay chẽn được bắt gặp đa số ở dân chúng vì sự thuận tiện trong lao động và sinh hoạt hằng ngày còn áo ngũ thân tay rộng (áo Tấc) lại được bắt gặp ở các quý tộc và quan lại đảm bảo sự trang trọng và lễ nghi.”[5]
Tháng 6 năm 1786, “Tây Sơn chiếm Thuận Hóa, chính quyền Lê – Trịnh không còn, nhân dân lại dùng trang phục kiểu cũ. Hai hạng người tri thức nho sinh ăn mặc nghiêm nghị, thường mặc áo dài đen ở ngoài”[4]. Dân hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam quay lại mặc áo ngũ thân kiểu cách như Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải cách.
Đến thời vua Minh Mạng, đất nước thống nhất, cho rằng cần thống nhất tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục cho nên áo ngũ thân được áp dụng trên toàn quốc. Cụ thể năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua ban chiếu dụ toàn dân trai gái đều phải mặc thường phục áo ngũ thân, cổ đứng, gài 5 khuy bên phải kèm với quần hai ống. Cấm trai đóng khố, gái mặc áo tứ thân và váy,…Tuy nhiên chiếu dụ này gặp phải phản đối rất kịch liệt từ nhân dân qua câu ca dao dưới đây:
“Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng”
Phản đối kịch liệt này đến từ tầng lớp nhân dân đa số là dân Bắc Hà, đàn bà cho rằng mặc quần mỏng ống rộng là hở hang, không thuận tiện trong lao động và sinh hoạt. Đến năm 1837, vua Minh Mạng lại ban chiếu dụ với thái độ quyết liệt hơn kèm theo đó là những hình phạt khi không tuân thủ. Với sự quyết liệt này áo ngũ thân dần dần đi vào đời sống hàng ngày của nhân dân và trở thành Quốc phục của Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Ý Nghĩa
Áo Tấc dành cho cả hai giới nam và nữ, cho mọi tầng lớp trong xã hội, từ tầng lớp dân chúng cho tới quý tộc, quan lại. Sự khác biệt chủ yếu là ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo áo. Áo đi kèm với khăn vấn đội đầu hay mũ tú tài đối với nam giới, mũ phượng, khăn vấn đối với nữ giới và kèm quần màu trắng, ống rộng.
Áo có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – lễ – nghĩa – trí – tín), ngũ luân (quân thần: vua – tôi, phụ tử: cha – con, phu phụ: chồng – vợ, huynh đệ: anh – em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo Tấc trên người là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Cấu tạo của áo Tấc
Cấu tạo của áo bao gồm: thân áo, nút áo, lớp áo trong, cổ áo và tay áo.
Thân áo: được ghép lại bởi 5 mảnh vải (2 thân trước, 2 thân sau, 1 thân con nằm ở phía trước, bên phải người mặc). Theo quy cách truyền thống thì vạt áo được thiết kế xòe và cong, 2 bên tà cúp lại chứ không lộ phần eo như áo dài tân thời.
Nút áo (nữu): áo ngũ thân có 5 nút, nút thứ 2 và nút 1 ở giữa cổ phải tạo thành đường thẳng vuông góc với trung phùng đạo. 5 nút áo này cũng tượng trưng cho các quan niệm về ngũ luân và ngũ thường trong xã hội thời bấy giờ. Các chất liệu có thể dùng để làm nút áo là: gỗ, ngọc, kim loại,…
Lớp áo trong: là loại áo lót mặc bên trong áo ngũ thân hay áo lập lĩnh trắng kiểu đơn y.
Cổ áo: cổ áo được dựng đứng có thể vuông vắn hoặc vạt tròn, ôm sát vào cổ. Cổ áo dài ngũ thân nam thường cao hơn cổ áo ngũ thân nữ.
Tay áo: tay áo quy chuẩn được may theo hai kiểu thụng, khi trải thẳng tay áo ra thì tay và vai áo luôn phải nằm trên một đường thẳng.[6]
Mô tả chi tiết
Tên gọi “áo Tấc” vốn bắt nguồn từ phần viền áo rộng đúng một tấc (khoảng 4cm). Phần thân áo được chắp nối từ năm mảnh vải kết hợp với nhau để tạo nên hai vạt trước sau và một vạt con nằm phía trong, và với tay áo dài và thụng.
Áo Tấc có phần tay dài rộng từ 30-50cm với chiều dài ống tay tính cộng theo từ cổ tay dài ra 40-50cm, không bó nách và có hình chữ nhật; tà áo thường dài không quá gối 10cm (phần nhiều trong khoảng 7-8cm). Đây là kiểu áo may theo dáng áo viên lĩnh cổ tròn nhưng được nối thêm một dải vải đứng khoảng một tấc (4cm) ôm lấy cổ áo. Cổ áo dựng vuông và ôm khít vào cổ, và có 1 cúc ở chân cổ. Khuy áo gồm 5 chiếc bố trí hình chữ “quảng”, làm bằng các vật liệu cứng (vàng, bạc, đồng, trân châu, ngà, đá…) và thường có màu đối lập với màu sắc áo để tạo nên sự nổi bật.
Tùy vào điều kiện kinh tế, vị thế, phẩm cấp, chức vụ của người mặc mà chất liệu vải may sẽ khác nhau. Đối với hoàng tộc, quan lại cao cấp thì chọn các loại lụa, the, sa cao cấp; dân chúng bình thường sẽ dùng vải chất liệu vải rẻ hơn nhưng vẫn trang trọng, lịch sự. Màu sắc áo Tấc khá đa dạng, có thể dùng cho nhiều dịp lễ nghi, hội hè khác nhau.[7]
Tạm kết
Trải qua vô số lần biến đổi và chuyển giao quyền lực, áo Tấc tưởng chừng như đã bị lãng quên bởi sự thuận tiện của áo ngũ thân tay chẽn hay những xu hướng thời trang mới. Vậy mà ở một số nơi ngay cả trong những thời điểm chiến tranh khốc liệt như Huế người ta vẫn sử dụng áo Tấc Vào những dịp tế lễ. Hay cho đến thời điểm hiện tại, Áo Dài đã được chính thức công nhận là Quốc phục của nước Việt Nam thì áo Tấc vẫn là một niềm tự hào khi đứng trên cả hai cương vị từng là Quốc phục và là tiền thân của Quốc phục – Áo Dài.
Tác giả: Thủy Nguyễn
Chú thích
[1] Dẫn theo Lê Quý Đôn 1959, Phủ biên tạp lục, Q6, (Bản dịch Ngô Lập Chí, 1959)
[2] Hoàng Ngũ Phúc (chữ Hán: 黃五福, 1713 – 1776) là danh tướng, hoạn quan thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Hoàng Ngũ Phúc có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài dưới 2 đời chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm và là tổng chỉ huy cuộc nam tiến đánh Đàng Trong, mở mang đất đai Bắc Hà tới Quảng Nam.
[3] Dẫn theo Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Q6, (Bản dịch Ngô Lập Chí, 1959)
[4] Dẫn theo Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Q6, (Bản dịch Ngô Lập Chí, 1959)
[5] Dẫn theo Trần Quang Đức, 2013, Ngàn năm áo mũ, nxb Nhã Nam
[6] Cấu tạo áo ngũ thân https://thaituan.com/ao-dai-ngu-than.html ngày truy cập 4/7/2024
[7] TS. Phan Thanh Hải, Áo Tấc hồi sinh https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/print/ao-tac-hoi-sinh-277754.html ngày truy cập 4/7/2024
Tài liệu tham khảo
- Dã sử lược biên Đại việt quốc Nguyễn triều thực lục 埜史略編大越國阮朝寔錄 (quyển 8 – Thế Tông Hoàng đế kỷ 世宗皇帝紀)
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1972), Minh Mạng chính yếu, Tập 3, Bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phục Thiện, Ủy ban dịch thuật Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
- Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, nxb Nhã Nam, 2013
- Huế kinh đô áo dài Việt Nam, nxb Thuận Hóa, Huế, 10/2020, tr.181-226.
- Phan Thanh Hải, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020
- Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Q6, (Bản dịch Ngô Lập Chí, 1959)
- Sakaya, Nghề dệt cổ truyền của người Chăm, nxb Văn hóa dân tộc, 2003.
- Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, nxb Khai Trí 1969
- Trần Trọng Kim (1928), Việt Nam sử lược
- Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, nxb Văn hóa Thông tin