Nguồn gốc điển tích ông Tơ bà Nguyệt
Trong điển tích, giai thoại của Trung Quốc,“Tơ hồng Nguyệt Lão” có từ thời Đường, chép trong Tục huyền quái lục, được Phan Khôi dịch như sau:
“Vi Cổ, người ở Đỗ Lăng, mồ côi từ nhỏ, muốn lấy vợ sớm, dạm nhiều đám mà không thành đám nào. (628) Năm thứ hai hiệu Trinh Quán, Cố sang Thanh Hà chơi, nghỉ tại một cái quán phía nam huyện Tống Thành. Có người điểm chỉ con gái một nhà quan gần đó. Cố hẹn sáng sớm thì đi xem thử. (….)
– Tôi mồ côi từ nhỏ, muốn cưới vợ sớm để kiếm con; mười năm nay tìm khắp mọi nơi mà chưa nơi nào vừa ý. Nay có người điểm chỉ con gái quan Tư mã họ Phan gần đây, chẳng biết có thành được không?
– Chưa được. Vợ anh năm nay mới có ba tuổi; đến mười bảy – tuổi, sẽ về với anh.
Vi Cố chịp lấy, hỏi trong túi đựng vật gì.
Ông già nói: Toàn là những sợi dây đỏ để buộc chưa vợ với chồng. ( Lừa khi họ ngồi, lén mà buộc nhau, thì dầu hai họ vốn cừu thù, đôi bên sang hèn xa cách, hoặc là mỗi người một xứ, xa nhau mặt biển chưa trời, mà hễ dây nầy buộc vào rồi, đổ trốn đi đâu cho thoát. Chưn của anh đã bị buộc vào với nàng ấy, đi tìm nơi khác mà ích gì?
(…)
Vi Cố giận quá, hỏi rằng:
– Giết nó đi, được chăng?
– Người ấy mạng lớn lắm, rồi sẽ nhờ anh mà được phong tước, giết đi sao được?
Ông già nói câu ấy xong thì biến mất.
Từ đó về sau, Vi Cổ hỏi vợ đâu cũng không thành. (…)
Cách mười bốn năm nữa, Vi Cổ tập ấm cha, được bổ làm tham quân Tương Châu. Quan thứ sử bổn châu là Vương Thái thấy Cố có tài, gả con gái cho.
Người vợ Cố đây chừng mười sáu mười bảy tuổi, đẹp lắm, Cổ lấy làm rất vừa ý. Nhưng nàng có thói quen dán nơi chang mày một cái huệ vàng, dầu khi tắm gội cũng không hề bỏ ra. Hơn một năm, Cố hỏi cho kỳ được. Nàng ngậm ngùi thưa rằng: Thiếp là cháu quan quận đây, chớ không phải con. Hồi trước cha thiếp làm quan huyện Tống Thành, mất tại lỵ, bấy giờ thiếp đương còn bồng. Rồi thì mẹ và anh cũng mất luôn, để lại một cái lều ở bên huyện; thiếp ở với người vú già họ Trần. Nhà gần chợ, vú bán rau kiếm ăn lần bữa. Hồi thiếp ba tuổi, vú bồng đi trong chợ, rủi bị có đứa đâm nhằm, vết dao hãy còn đây, nên dán cho khuất đi. Bảy tám năm nay chú làm đây, thiếp được theo ở; chú bèn nhận làm con gái mà gả cho phu quân vậy.
Vi Cố vừa lấy làm lạ, vừa nói: Người đâm nàng đó, chính là tôi đây. Nhơn kể đầu đuôi cho vợ nghe. (…)
Từ đó vợ chồng yêu kính nhau rất mực. Sau sanh con trai là Côn, làm Thái thú Nhạn Môn, Vương thị được phong là Thái nguyên quận Thái phu nhân.(…)
Quan huyện Tống Thành nghe được việc ấy, bèn đề tên cái quán đó là “Định hỗn điểm”.
Điểm qua các tư liệu tại Việt Nam có đề cập tới điển tích “Tơ hồng Nguyệt lão”, chúng tôi thấy, trong Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, (một danh sĩ cuối đời Trần) có truyện kể Nhất dạ trạch truyện, (chuyện ở đầm Nhất Dạ) kể về mối lương duyên của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, trong đó có đoạn: “Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau một huyện cát, có lẽ trời khiến thế chẳng? (…) Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho (…)[1]. Điển tích này sẽ còn được nhắc lại một lần nữa, đặc biệt là nó được điển phạm hóa vào trong chính sử, cụ thể trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên có chép: “Năm Thiên Đức thứ 4 (…) Tục truyền thời Hùng Vương, con gái Hùng Vương là Tiên Dung Mỵ Nương ra chơi cửa biển. Thuyền về đến bãi ở hương Chử Gia, Tiên Dung lên trên bãi, gặp Chử Đồng Tử trần truồng núp trong bụi lau, tự cho là Nguyệt lão xe duyên, bèn cùng nhau làm vợ chồng”.[2] Sau này các sách như Đất lề quê thói của Nhất Thanh hay Gia lễ xưa và nay của Phạm Công Sơn hay Nghi lễ vòng đời của Lưu Trung Vũ đều đề cập đến lễ tế tơ hồng một cách rất chi tiết.
Rất khó để xác định một cách rốt ráo về thời điểm mà tích “Tơ hồng Nguyệt lão” du nhập vào Việt Nam, nhưng qua một các dẫn chứng ở trên, có thể tin rằng tích “Tơ hồng Nguyệt lão” đã dùng hòa, biến đổi với văn hóa Việt và trở thành một thành tố văn hóa của người Việt Nam.
Lễ tế tơ hồng trong hôn lễ Việt
Có thể nói, lễ tế tơ hồng là nghi thức quan trọng và bắt buộc trong đám cưới của người Việt xưa, được cử hành ngay sau khi rước dâu về để cảm tạ ân đức của ông Tơ bà Nguyệt đã chắp mối xe duyên cho lứa đôi nên duyên vợ chồng.
Nhất Thanh trong Đất lề quê thói viết: “Khi xưa tế Tơ Hồng ngay lúc sau khi đưa dâu về đến nhà, trước khi yết lễ tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng, ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người ta là nên vợ chồng, lương duyên do ông Tơ chấp mối se lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông, tế lễ để ông chứng kiến việc hôn phối đã thành đồng thời tạ ơn Ông.”[3]
Việc cử hành nghi lễ đơn giản song trang nghiêm, tùy thuộc vào tập tục của từng vùng nhưng về cơ bản vật cúng Nguyệt Hạ Lão Nhân là hương hoa, đèn, nến, trái cây, xôi nhuộm đỏ, gà luộc, trà, rượu (không được cúng gà thiến).
Hương án kê ngay bên bàn thờ gia tiên, nếu trời đẹp có thể bày hương án ra sân, phía trên là bát hương làm bằng thân chuối non, bài vị làm bằng giấy điều đề(絲紅 月老天仙) “Ti hồng Nguyệt lão thiên tiên” bằng chữ Hán. Cô dâu chú rể đứng vào hàng ngang trên chiếu trải trước hương án, theo lời xướng tế lạy 4 lạy rồi quỳ. Hai bên hương án có hai người chấp sự: một người đọc văn tế, một người rót rượu, người đọc văn tế chỉ cần có chất giọng tốt không cần giỏi giang vì đã có thầy lễ lo liệu. Các cụ túc nho không bao giờ trợ tế (đọc văn tế), bởi các cụ rằng theo lẽ thường trợ tế đều là những người dưới hàng, duy có lễ này, chủ thể là đôi trẻ kết hôn, vậy nên không được.
Văn tế Tơ hồng Nguyệt Lão không cố định bài, mỗi nơi mỗi khác, tùy vào tập tục và mức độ phát triển của vùng “Ở đất văn vật người ta trổ tài văn tế làm những bài dài lối bền ngẫu đúng thể văn tế, ở đất ít học nghe hơi nồi chõ, chép được của người, có khi chữ tác đánh thành chữ tộ đem về cũng viết viết đọc đọc”[4]”. Về nội dung xoay quanh chủ đề tán tụng công đức tác hợp mối duyên lạnh, nguyện ăn đời ở kiếp cùng nhau, sinh năm đẻ bảy vuông tròn.
Chúng tôi xin dẫn một bài Văn tế cổ, đã thịnh hành vào khoảng những năm 20 – 30 thế kỷ XX:
Văn tế
“ (…)
Tôi vâng mệnh cha mẹ lấy người con gái là Thị… ở cùng làng làm vợ. Nay nhân lễ cưới vừa yên, kính tỏ lòng thành tế lễ.
Muôn tâu thiên tiên
Đức tựa trời cao, lòng như trăng tỏ
Máy tạo vần xoay, dây duyên gắn bó
Trai tơ kết tóc, chỉ hồng xe đầy túi kiền khôn
Phận đẹp duyên ưa, đầu xanh lựa trong vòn g phụ phu.
Nay nhân lễ mọn kính dâng, muôn đợi ơn trên hạ cố. (…)
Cẩn cáo”[5]
Ngày nay tục tế tơ hồng tuy không còn nữa, nhưng trong các đám cưới vẫn có người kể lại như muốn lưu truyền cho con cái đời sau biết mà trân trọng.
Điển tích ông Tơ bà Nguyệt trong văn chương
Tại Việt Nam, ông Tơ bà Nguyệt không chỉ dừng lại ở những lễ nghi bắt buộc mà nó còn đi sâu, biến đổi linh hoạt cho phù hợp với văn hóa của người Việt. Điển hình qua triết lý âm dương, nếu ở Trung Hoa ta bắt gặp vị thần mai mối là “ Ông Tơ”, thì khi vào Việt Nam chúng ta có thêm “bà Nguyệt”.
Theo như nhà văn hóa Trần Ngọc Thêm trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam cho rằng: “Ở Việt Nam mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương hài hòa Ông đồng bà cốt, đồng Cô đồng Cậu, đồng Đức Ông, đồng Đức Bà (…), ngay cả khái niệm vay mượn đơn độc, khi nhập vào Việt Nam cũng được nhân đôi thành cặp: ở Trung Hoa, thần mai mối là một “ông Tơ Hồng”, thì vào Việt Nam biến thành “Ông Tơ Bà Nguyệt”[6].
Không chỉ xuất hiện với tư cách là một nghi lễ không thể thiếu trong hôn thú, điển tích “Ông Tơ Bà Nguyệt” còn được nhân dân ta sử dụng nhiều trong ca dao dân ca:
“Duyên kia lá thắm chỉ hồng
Thuyền quyên thắm với anh hùng nên chẳng”
Hay trong câu:
Ông Tơ ghét bỏ chi nhau,
Chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi
Từ những phân tích trên, cho thấy ông Tơ bà Nguyệt đóng vai trò rất quan trọng trong tình yêu đôi lứa đặc biệt vào thế kỷ XX. Ở Việt Nam tục lệ tế tơ hồng ngày nay đã bị thất truyền nhưng những giá trị, nét đẹp văn hóa của nó sẽ còn được lưu truyền mãi đến ngày sau.
Chú thích:
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí,tr.16; 17.
[2] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội ,tr.37.
[3] Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb Đại Nam,tr.56.
[4] Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh Niên,tr.57.
[5] Lê Trung Vũ, Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Thanh, Nghi lễ vòng đời, Nxb Hà Nội.
[6] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.102.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí.
2. Ngô Sỹ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội.
3. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb Đại Nam.
4. Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh Niên.
5. Lê TrungVũ, Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Thanh, Nghi lễ vòng đời, Nxb Hà Nội.
6. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
Ngọc Anh