Từ xưa đến nay, hình ảnh cây tre vẫn luôn gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam. Cây tre đã xuất hiện trong những truyền thuyết, những câu truyện cổ tích từ thời hồng hoang dựng nước như Sơn Tinh, Lang Liêu, Thánh Gióng,… Tre giúp giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,… bảo vệ con dân Việt Nam. Bởi vậy, cây tre trở thành hình tượng vô cùng quen thuộc trong đời sống văn hoá của nhân dân ta. Nó không chỉ là biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp, đáng quý của người Việt Nam mà còn là vật dụng thiết yếu cho các hoạt động sinh hoạt, văn hoá, tín ngưỡng Việt Nam.
Nguồn gốc luỹ tre
Cây tre có mặt ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tập trung chủ yếu ở các nước thuộc châu Á. Tre ở Việt Nam phân bố rộng khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, từ vùng núi xuống đồng bằng. Tuy rằng, chưa có một ghi chép cụ thể nào khẳng định được chính xác thời gian cây tre xuất hiện ở Việt Nam nhưng khi lần tìm trong những ghi chép về thời Bắc thuộc hay xa hơn nữa là thời Hùng Vương dù là chính sử hay cổ tích, truyền thuyết thì chúng tôi thấy rằng trong đời sống của người Việt đã xuất hiện hình ảnh cây tre hoặc những vật dụng được chế tác từ tre. Chắc hẳn từ thời điểm đó, cây tre đã tồn tại ở Việt Nam, thậm chí đã trở nên phổ biến?
Trong bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến nay là Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp… Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng: “Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể”. Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: “Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?”. Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau).”[1]
Trong phần Ngoại kỷ, quyển II của Đại Việt sử ký toàn thư khi chép về Văn vương cho biết: “Ở ngôi 12 năm, thọ 52 tuổi… Tên húy là Hồ, con trai Trọng Thủy, cháu Vũ Đế. Bính Ngọ, năm thứ 2 [135 TCN], (Hán Kiến Nguyên năm thứ 6). Mùa thu, tháng 8, có sao Chổi mọc ở phương đông, đuôi dài hết trời. Mân Việt Vương Sính xâm lấn biên ấp nước ta. Vua giữ ước với nhà Hán, không tự tiện dấy quân, sai người đem thư nói việc đó với nhà Hán. Nhà Hán khen là nghĩa, vì vua mà phát đại binh, sai Vương Khôi xuất quân từ Dự Chương, Hàn An Quốc xuất quân từ Cối Kê, để đánh Mân Việt. Hoài Nam Vương [Lưu] An dâng thư can rằng: “Việt là đất ở ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được. Từ thời Tam đại thịnh trị, người Hồ, người Việt đã không nhận chính sóc, không phải là vì mạnh mà không hàng phục được, uy không chế ngự được, mà vì đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được, không bõ làm phiền đến Trung Quốc vậy. Nay họ đánh lẫn nhau mà bệ hạ phát quân đến cứu, thế là trái lại đem Trung Quốc mà phục dịch di dịch vậy. Vả người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày. Nay mới không vâng chiếu mà cất quân đi đánh giết, thần sợ sau này việc binh cách không biết đến lúc nào thôi. Vừa rồi mấy năm liền không được mùa, sinh kế của dân chưa lại như cũ, nay phát binh lấy lương, đi mấy nghìn dặm lại thêm rừng sâu tre rậm, nhiều rắn độc thú dữ, tháng hè mùa nắng, các bệnh thổ tả hoặc loạn phát ra luôn, tuy chưa từng ra quân đọ kiếm mà chết chóc tất đã nhiều rồi.”[2]
Hay trong phần Ngoại kỷ – quyển V, kỷ thuộc Tuỳ Đường của Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc một vị quan đô hộ sứ đã cho dân chúng đào hào, trồng tre gai xung quanh để bảo vệ thôn xóm:“Mậu Dần, [858], (Đường Đại Trung năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường lấy Khang Vương phó là Vương Thức làm Giao Châu kinh lược đô hộ sứ. Thức là người có tài lược, đến phủ sai trồng cây táo gai làm rào, bên ngoài đào hào sâu để thoát nước trong thành, bên ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xâm phạm được, kén chọn dạy bảo quân lính rất tinh nhuệ. Không bao lâu, người Nam Man (tức Nam Chiếu) kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền, cách châu độ nửa ngày đường. Ý tứ của Thức vẫn an nhàn như thường, sai người phiên dịch đến dụ, bày tỏ lợi hại, chỉ một đêm người Man lại kéo đi, sai người đến từ tạ nói: “Chúng tôi chỉ đến bắt bọn người Lạo làm phản, chứ không phải đến cướp”.”[3] Nội dung này tiếp tục được tác giả cuốn An Nam chí lược chép trong phần về các quan Đô đốc, Đô hộ, Kinh lược sứ An Nam và các quan Thứ sử ba quận Giao, Ái, Hoan, đời nhà Đường trong quyển Đệ Cửu: “Con của tể-tướng Vương-Khởi, thời Tuyên-Tông (847-859) làm An-nam đô-hộ. Nguyên Điền-Tảo dựng hàng rào gỗ, làm hàng năm tốn tiền, chưa hoàn-thành, lại có giặc cướp đến rất cấp bách. (Vương) Thức đến, trồng hàng rào cây, đào hào sâu, chung quanh trồng tre gai, giặc cướp không dám phạm đến. Sau có quân Mán vào cướp Cẩm-Điền-Bộ, Thức khiến người thông-ngôn chiêu dụ, ban đêm quân Mán bỏ đi và xin lỗi rằng: “chúng tôi đến bắt trói người Mán làm phản, chứ không phải vào ăn cướp”.”[4]
Như vậy, từ những ghi chép về thời dựng nước của vua Hùng rồi các vị quan đô hộ sứ của Trung Quốc về Việt Nam cai quản trong thời Bắc thuộc ta đã thấy rằng trong thời điểm này, cây tre đã xuất hiện trong đời sống của người Việt, được dùng làm vũ khí chống lại kẻ thù, làm thành luỹ bảo vệ dân chúng,…
Tìm kiếm thêm, chúng tôi phát hiện ghi chép của Lê Quý Đôn trong cuốn Vân Đài loại ngữ khẳng định rằng theo một số thư tịch của Trung Quốc thì vùng Giao Châu (nay là Việt Nam) là nơi trồng nhiều tre (trúc): “Sách Trúc phả của Đại Khải Chi nói: “Cức trúc (tre gai) mọc liền, rễ ăn sâu xuống đất, một khóm chi chít như rừng; cũng gọi là ba trúc (tre làm rào dậu), dùng làm rào luỹ rất kín. Sách ấy lại chua rằng: “Ba trúc sản xuất ở các quận Giao Châu, cây to lớn đến hai chét tay, thịt dầy đặc, đốt có gai, người ta dùng làm thành luỹ, không công phá được.”…Sách Thảo mộc trạng nói: “Phẫu trúc (tre vầu) sản xuất ở Giao Chỉ, dân cư trồng nhiều, cao độ ba, bốn trượng, đường kính tám, chia phân dùng làm cột nhà, không biết có phải không?” Sách Di vật chí nói: “Có thứ bạc trúc, to đến vài chét, ngắn đốt, đặc ruột, dầy cứng, để làm cột nhà và rui nhà, tức là thứ tre mà nước Nam ta gọi là liễu trúc.”… Bát quân chí nói: “Ở huyện Mê Linh, châu Phong, có thứ tre to đến vải chét tay, đặc ruột, dùng làm giường, cột nhà, và lợp nhà thay cho ngói.”[5]
Không chỉ xuất hiện trong sách sử, tư liệu mà hình ảnh cây tre cũng thường xuyên góp mặt trong những câu chuyện, truyền thuyết về thời hồng hoang dựng nước của dân tộc ta.
Trong Truyện Hồng Bàng, Lĩnh Nam chích quái, khi nhắc nhớ về thời Hùng Vương đã chép rằng: “Ban đầu, quốc-dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang-lang, cây soa-đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy: đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm….”[6] Vậy, từ thuở Hùng Vương dựng nước, người Việt đã biết sử dụng cây tre như một vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Cũng trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, Truyện Bánh chưng có chép rằng: “Hùng-Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên-trấn, lập làm bộ-đảng, cứ-thủ núi sông để làm hiềm-cố. Về sau, họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc-sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi-thủy từ đấy vậy.”[7] Sách, trại, trang, phường là những danh từ trước đây dùng để chỉ thôn ấp làng xã ngày nay, còn mộc sách chính là hàng rào cây bao bọc chung quanh làng. Có lẽ, dần dần “mộc sách” ấy được thay thế bằng luỹ tre xanh. Tre được trồng xung quanh, bao bọc vùng đất thổ cư của dân làng, phải qua thành luỹ của tre mới vào được đến làng.
Như vậy, dù chưa tìm được những ghi chép về lai lịch, thời điểm xuất hiện của cây tre trong đời sống của người Việt nhưng ta có thể khẳng định rằng nó đã tồn tài từ hàng ngàn năm trước, trở thành một hình tượng văn hoá, một nguyên liệu thân thiện dùng để chế tác những vật dụng quen thuộc trong đời sống của chúng ta.
Ý nghĩa tượng trưng
Với nguồn gốc từ ngàn xưa, trường tồn qua biết bao cuộc hưng vong của lịch sử dân tộc, luỹ tre làng trở thành biểu tượng gắn bó mật thiết với dân làng, biểu hiện rõ rệt qua tinh thần tự trị và tinh thần liên đới của làng xã.
Tinh thần tự trị của làng xã
Nói về tinh thần tự trị của làng Việt xưa, ca dao Việt Nam có câu:
Làng tôi có lũy tre xanh,
Có ông Lý trưởng tuần đinh đứng hầu.
Lệnh quan chỉ đến đình sau,
Phép vua cũng chỉ đến đầu làng tôi.
Xa xưa, nhiều chính sách về thuế khoá, đi lính, đi phu,… nhà nước không quy định rõ đến từng nhà, từng người mà khoán chung cho mỗi làng số lượng cụ thể. Từ đó, Lý trưởng sau là Xã trưởng và bộ máy hành chính của xã sẽ tự phân bổ đến từng nhà trong làng để đáp ứng yêu cầu. “Việc điều hành làng xã chỉ nằm trong luỹ tre xanh, nghĩa là từ xưa vẫn do những đại biểu của dân chúng cử ra theo những tục lệ cổ truyền, và những tục lệ này tùy từng làng có đôi điều dị biệt. Triều đình không can thiệp tới việc đề cử này; và cho nếu Triều đình có muốn can thiệp dân làng vị tất đã nghe. Chính do sự tự trị này mà có câu Phép vua thua lệ làng.”[8]
Nói như vậy, không phải dân làng không theo luật nước, dân làng vẫn căn cứ vào những chiếu lệnh của triều đình để thi hành sự tự trị của làng. Năm 1669, vua Lê Huyền Tông đã ban hành lệnh tự trị làng xã: “Chức Xã trưởng trước hết là phải giữ gìn phong hóa. Phải chuyển tư cho các huyện quan trong xứ thông sức cho dân xã kén chọn trong hàng con em nhà lương gia, các nho sinh. các con cháu quan viên, các chiêu nam, các sinh đồ, cùng những người có học thức có tính thanh liêm công bằng, cần cù, siêng năng, bầu lấy một người làm xã quan, để viên chức ấy làm tiêu biểu cho hương xã, xét hỏi về thưa kiện, mỗi năm hai kỳ xuân và thu theo những giáo điều của nhà nước mà dạy bảo dân làng, khiến cho dân biết điều lễ nghĩa, khuyến khích làng nhân nhượng.”[9] Cứ ba năm cho phép Huyện quan khảo xét các Xã quan một lần, xem trong các Xã quan, Xã sử và Xã tư, người nào có đức hạnh liêm chính giáo hóa được dân, dẹp được việc kiện tụng, thì trình lên quan Thừa Ty, quan Thừa Ty làm tờ khai bẩm lên, sẽ giao xuống cho xét thục, rồi chuyển trình bộ Lạc, thăng Xã quan làm Huyện quan, Xã sứ, Xã tư cũng cho thăng làm Xã quan, để cho được rộng rãi cách khuyến khích.
Tinh thần liên đới của dân làng
Đối với làng, luỹ tre có vai trò giống như tường bao xung quanh của một ngôi nhà vậy. Lũy tre làng che chở cho dân làng, dân chúng trong làng ấy coi nhau như người thân trong gia đình vậy, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sự che chở ấy thể hiện qua những tổ chức hiệp hội trong làng: Hội tư văn, hội đồng tuế, hàng phe, hàng giáp, hội chư bà v.v… Thời loạn, nhờ luỹ tre, mỗi ngôi làng trở thành một pháo đài chống lại kẻ ngoại xâm. Thời bình, ngôi làng lại giống như một đại gia đình, các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau như anh em ruột thịt. Đúng như nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Toan Ánh từng ghi chép: “Một người trong hàng giáp có cha già qua đời. Các giáp viên bổ bán đóng góp lấy tiền giúp đỡ tang chủ. Ngoài ra, nếu tang chủ nhờ, hàng giáp sẽ lo liệu việc chôn cất: hàng giáp có cổ đòn tang, các giáp viên xung chân đô tùy, đào huyệt v.v… Cả về việc tế tự trong ma chay cũng được các cụ trong hàng giáp giúp đỡ. Với sự giúp đỡ tang chủ nhẹ hẳn phần lo lắng về ma chay trong lúc đang đau đớn. Mỗi giáp viên đã là một cây tre của luỹ tre…”[10]
Việc trồng tre để bảo bọc thôn xóm đã được duy trì từ lâu. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có nhiều ghi chép về lịch sử dân ta trồng tre làm thành luỹ: “Tháng 9 (năm 1399), dời các tội nhân giam ở Cảo Điền vào xã Tương Một, Thanh Hóa. Sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây quanh làm toà thành lớn bọc phía ngoài.”[11]
“Đinh Hợi, [Quang Hưng] năm thứ 10 [1587], (Mạc Đoan Thái năm thứ 2 – Minh Vạn Lịch năm thứ 15). Tháng giêng, họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường phố. [16a] Tháng 2, họ Mạc hạ lệnh cho các xứ trong nước phải đắp luỹ đất và trồng tre, trên từ sông Hát, xuống tới sông Hoa Đình huyện Sơn Minh, kéo dài đến vài trăm dặm để đề phòng quân đến.”[12]
“Mậu Tý, [Quang Hưng] năm thứ 11 [1588], (Mạc Hưng Trị năm thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 16). Tháng 2, họ Mạc thấy quan quân mỗi ngày một mạnh, liền bàn định kế đánh giữ. Hạ lệnh cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp luỹ ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa đến cầu Dền suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành.”[13]
Cây tre trong phong tục cổ truyền
Pháo tre
爆竹 (Bộc trúc), bộc là đốt, trúc là tre; được đặt tên theo tiếng 劈啪 (đùng đoàng) khi người ta bịt kín hai đầu ống tre và đốt, tre chịu nhiệt nở ra làm nứt ống gây ra tiếng nổ lẹt đẹt, đùng đoàng. Từ xa xưa, pháo tre đã được sử dụng vào dịp tết Nguyên Đán. Trong An Nam chí lược – cuốn sách sớm nhất ghi chép về địa lý, lịch sử, văn hóa của nước ta từ khởi nguyên đến cuối đời Trần còn tồn tại đến ngày nay cho biết: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động-Nhân, bái yết Tiên-Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu-Na” (nghĩa là đuổi tà ma quỷ mị). Dân-gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ.”[14]
Sang đến thế kỷ XV, trong bài thơ chữ Nôm Trừ tịch của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) cũng nhắc đến tục đốt pháo tre và lễ Khu Na vào đêm Ba mươi Tết để xua đuổi ma quỷ, ôn dịch:“終畑直嵗荄昆𬑉 / 炪竹驅儺䔲鲁𦖻. Chong đèn chực tuổi cay con mắt/ Đốt tre Khu Na đắng lỗ tai.”[15]
Cây nêu ngày tết
Theo GS Trần Lâm Biền, người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, khi ông Công, ông Táo lên chầu trời, nhà cửa sẽ không có người quản lý nên quỷ sẽ hoành hành và dữ tợn hơn. Bởi vậy, dịp này bà con dân tộc Kinh thường dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ khỏi khu đất nhà mình. Người dân tộc thiểu số thường đợi đến 30 tháng Chạp mới dựng. Cây nêu phải làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.
Thân cây nêu có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió,… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, GS Nguyễn Văn Huyên mô tả cây nêu ngày Tết khá chi tiết: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.”[16]
Đến ngày Khai Hạ, tức mùng 7 tháng Giêng, bà con sẽ làm lễ hạ cây nêu, bắt đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Cây tre trong đời sống hàng ngày
Cây tre là hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong đời sống người Việt Nam từ bao đời nay. Từ làng quê Bắc Bộ đến những miền đất phương Nam, ở đâu có làng là ở đó có bụi tre xanh. Không chỉ là một hình tượng trong văn hoá truyền thống của người Việt mà cây tre còn là một nguyên liệu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của dân ta, từ xây dựng, sinh hoạt, y học dân gian cho tới ẩm thực.
Trước khi vật liệu xây dựng hiện đại trở nên phổ biến, người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn chủ yếu sử dụng tre làm nguyên liệu chính để xây dựng nhà. Thân tre thẳng, dẻo và nhẹ, rất thích hợp để làm cột, đòn tay, thiết, rui,… Những ngôi nhà tranh vách tre, mái lợp lá cọ hay rơm từng là hình ảnh quen thuộc nơi làng quê xưa. Tre được mặt nạm, đan thành tấm làm vách ngăn, cửa sổ hoặc phên lúa, bánh. Không chỉ giúp con người tạo dựng nơi cư ngụ, nhà tre còn có ưu điểm mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam.
Cây tre là hình ảnh rất thân thuộc với dân tộc Việt Nam. Với đặc tính dễ trồng, phục vụ nhiều lợi ích cho con người, cây tre đã gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Tre là vật liệu lý tưởng để chế tạo nhiều loại công cụ trong sinh hoạt và sản xuất. Những người thợ thủ công công khéo léo có thể biến những thân tre mộc mạc thành rổ, rá, nong, nia, thúng, mẹt,… Trong nông nghiệp, tre được dùng làm cán cuốc, cán liềm, đòn gánh, giàn leo cho các loại cây trồng như bầu, bí, mướp.
Bên cạnh đó, trong y học, tre (đặc biệt là lá tre) được sử dụng như một vị thuốc dân gian với nhiều công dụng. Các bài thuốc từ tre có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, giảm sốt, cầm máu, an thai, và hỗ trợ điều trị một số bệnh như cảm sốt, ho, kinh phong (động kinh), và các vấn đề về hô hấp.
Măng tre là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng. Măng tươi giòn có thể chiên, kho, nấu canh; măng khô được hầm lò, nấu miến trong dịp lễ Tết; măng chua muối là món ăn đậm đà, dân dã mà khó quên. Không chỉ ngon, măng còn tốt cho sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa và thanh lọc cơ thể.
Cây tre không ồn ào như phố thị, không xa hoa như những loài gỗ quý, nhưng chính âm thanh sâu lắng và bền bỉ đã làm nên một biểu tượng văn hóa sâu sắc. Tre là hình dân tộc, là ký ức làng quê, là tinh thần vượt khó và gắn bó keo sơn của con người Việt Nam. Trong đời sống hôm nay, dù nhiều vật liệu hiện đại thay thế, nhưng bóng tre vẫn mãi hiện diện trong tâm hồn dân tộc như một nguồn gốc xanh mát, nuôi dưỡng ký ức và bản sắc.
Lợi Lê
Chú thích
[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 5 – 6.
[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 14.
[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 46.
[4] Lê Tắc, An Nam chí lược, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch, Nxb Viện Đại học Huế, 1961, tr. 83
[5] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại ngữ – Phẩm vật loại, Nhà sách Tự lực, 1973, tr. 515 – 516.
[6] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí, 1960, tr. 45.
[7] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, tr. 58.
[8] Toan Ánh, Nếp cũ – Trong họ ngoài làng; Ta về ta tắm ao ta; Phong tục xưa đối với phụ nữ Việt Nam, Nxb Trẻ, 2010, tr. .
[9] Toan Ánh, Nếp cũ, Tlđd, tr. 217 .
[10] Toan Ánh, Nếp cũ, Tlđd, tr. 222 .
[11] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 295.
[12] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 627.
[13] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Tlđd, tr. 628.
[14] Lê Tắc, An Nam chí lược, Tlđd, tr. 15
[15] Nguyễn Trãi, “Trừ tịch”, Quốc âm thi tập, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam.
[16] Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam, 2020, tr. 17.
Tài liệu tham khảo
- Toan Ánh (2010), Nếp cũ – Trong họ ngoài làng; Ta về ta tắm ao ta; Phong tục xưa đối với phụ nữ Việt Nam, Nxb Trẻ.
- Lê Quý Đôn (1973), Vân Đài Loại ngữ – Phẩm vật loại, Nhà sách Tự lực.
- Nguyễn Văn Huyên (2020), Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…(1993), Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
- Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí.
- Lê Tắc (1961), An Nam chí lược, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch, Nxb Viện Đại học Huế.
- Nguyễn Trãi, “Trừ tịch”, Quốc âm thi tập, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam.