Kén vợ, gả chồng từ nguồn cội
Điểm qua một số tư liệu có bàn hoặc nhắc tới nghi lễ hôn nhân của người Việt, tôi thấy rằng, các nghi thức trong hôn lễ của người Việt có ít nhiều sự tương đồng với hôn lễ của người Trung Hoa. Chu lễ (周澧) cuốn sách được cho là xuất hiện vào thời Chiến Quốc là sách đầu tiên có bàn tới hôn nhân một cách tương đối hệ thống. Sau này trong Lễ ký (禮記) chương thứ 44 ở phần Hôn nghĩa chép: “Hôn lễ giả, tương hợp nhị tính chi hảo, thượng dĩ sự tông miếu, nhi hạ dĩ kế hậu thế dã, cố quân tử trọng chi…” (Hôn lễ là sự kết hợp tốt đẹp giữa hai dòng họ với nhau, dưới thì nối chuyền cho đời sau, cho nên người quân tự rất coi trọng nó). [1]; kể từ đây, nghi lễ hôn lễ được định hình khá thống nhất và ảnh hướng hẩu hết tới các quốc gia đồng văn tự – Hán văn[2].
Tại Việt Nam, vào thế kỷ thứ XVII, xuất hiện nhiều sách nói về Gia lễ của người Việt. Trong đó hai bộ sách Hồ Thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương (1621 – 1691) và Thọ Mai gia lễ của Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) là hai đầu sách có ảnh hưởng lớn nhất, trình bày hệ thống các vấn đề từ cưới hỏi, sinh con, tang lễ… các nghi lễ gắn liền với vòng đời của một người. Những sách như An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919); Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1875 – 1921); Phong tục Việt Nam của Toan Ánh (1916 – 2006) v.v… Đều trình bày tương đối thống nhất về việc cưới xin của người Việt.
Khảo qua một số sách tiêu biểu viết về Gia lễ ở Việt Nam, có thể thấy rằng, nghi lễ hôn nhân được cộng đồng dành nhiều sự quan tâm. Sự quan tâm ở đây trước hết đến từ lợi ích của quốc gia, của gia tộc, gia đình và thứ cuối mới đến chủ thể của hôn lễ. Nói kén vợ gả chồng xuất phát từ lợi ích của quốc gia là điều có thể thấy được, bởi trong thực tế nhiều cuộc hôn nhân có tính chất chính trị đã từng xuất hiện trong xã hội Việt Nam. Điển hình là những cuộc hôn phối nhằm tìm một giải pháp chính trị cho đất nước như Mỵ Châu – Trọng Thủy; Huyền Trân – vua Chàm Chế Mân hay Ngọc Hân với Nguyễn Huệ, vấn đề hạnh phúc lứa đôi ở những cuộc hôn nhân như ở trên gần như không xuất hiện. Kén vợ gả chồng trong xã hội xưa của người Việt còn nhắm tới sự ổn định trong gia tộc, xóm làng hầu hết những cuộc hôn nhân đều do sự sắp đặt của cha mẹ, và thực chất ở kén vợ gả chồng là để duy trì về giống nòi, về kinh tế, chật tự của gia đình và xã hội…hay nói đúng hơn dựng vợ gả chồng là cuộc mua bán có điều kiện.
Thực tế việc kén vợ gả chồng của người Việt trong xã hội xưa mang tính chuyên chế như vậy bởi phần nhiều do ý thức hệ, hoàn cảnh lịch sử chi phối. Một xã hội mà tính chính danh của ông vua và người đàn ông trong gia đình được tuyệt đối hóa trong một thời gian dài như vậy thì người phụ nữ ắt hẳn ít nhiều chẳng có sự lựa chọn. Khuôn mẫu của xã hội Nho giáo chuyên chế đoạn triệt đi cái tôi cá nhân mà phần bị thiệt thòi hơn cả lại rơi vào người phụ nữ. Suy cho cùng người phụ nữ khi đến với hôn nhân họ không có bất kỳ sự chọn lựa nào, họ bị xã hội “hàng hóa hóa” thân phận và đúng như người xưa nói hôn nhân với phụ nữ như một “canh bạc” thực sự. Tựu chung lại việc hôn phối xưa của người Việt không xuất phát từ mong muốn chủ quan của cá nhân, nó xuất phát từ đòi hỏi của tập thể cộng đồng, của gia đình, dòng họ chỉ khi thỏa mãn những lợi ích tập thể trên thì mong muốn của cá nhân mới được xét đến. Đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm: “Nhìn chung, lịch sử hôn nhân truyền thống của Việt Nam luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng…”[3]
Kén vợ, gả chồng trong đời sống Việt Nam đương đại
Tự do trong việc kiếm tìm một nửa của đời mình xuất hiện tương đối muộn trong xã hội và tâm thức của người Việt. Cho tới những thập niên đầu của thế kỷ XX, đặc biệt là sau khi chấm dứt khoa thi Nho học cuối cùng ở miền Bắc thì cái tôi cá nhân với phần nào được giải phóng. Trong văn chương những tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ như: Nửa chừng xuân của Khái Hưng; Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách… là những tác phẩm đầu tiên công khai đề cập tới tình yêu trai gái, mặc dù, ít nhiều những tư tưởng của chế độ cũ vẫn chi phối lối viết của họ. Việc đề cao cá nhân và quan trọng hơn nữa là hướng tới tự do trong hôn nhân xuất hiện nhiều hơn cả trên các mặt báo, một số tờ báo nổi tiếng về bình quyền như Phụ nữ tân văn; Trung lập; Phụ nữ thời đàm… điểm chung của các báo là lên tiếng đòi quyền lợi cho phụ nữ, trong đó có việc bảo vệ quyền tự quyết của con cái trước hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân.
Vấn đề kén vợ gả chồng trong văn hóa của người Việt còn có những bước phát triển hơn nữa trong những năm sau này. Mặc dù có những thời điểm do bối cảnh lịch sử tác động, nhưng tựu chung xã hội vẫn phát triển theo chiều hướng ngày càng đề cao nhân quyền (quyền bình đẳng của con người). Đặc biệt là từ sau những thập niên đầu của thế kỷ XXI, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, tự do ngôn luận, cái tôi cá nhân được đề cao hơn cả điều này đã tác động lớn tới tư duy, lối sống, nếp sinh hoạt của người Việt. Sự tiếp biến này được thể hiện đậm nét hơn cả trong đời sống hôn nhân của người Việt, những hủ tục như tảo hôn hay như việc con cái nghe theo sự chỉ dẫn của cha mẹ trong việc hôn sự gần như không còn thấy. Hôn lễ từ chỗ đại diện cho các giá trị chung của cộng đồng, quốc gia, dòng tộc giờ đây đã hướng tới chỗ đáp ứng mong muốn của từng chủ thể riêng biệt.
Cũng chính từ sự tự do trong hôn phối được đẩy lên mức thái quá nó lại biến thành vấn nạn của toàn xã hội, tỉ lệ ly thân, ly hôn cao ở mức báo động, vấn nạn về nạo phá thai và nhiều phát sinh tiêu cực, sinh ra từ sự tự do quá mực trong việc mong muốn kiếm tìm một cuộc hôn nhân như ý. Học giả Phan Khôi từng viết trên thời báo Phụ nữ Tân văn như sau: “Bao giờ loài người trở lại cái thói tạp giao như thời thượng cổ, bỏ đi hôn nhân, mới thật có sự tự do. Chớ như bây giờ, còn nhà còn cửa, còn thiếp đó chàng đây, thì xin chớ nói khoác rằng hôn nhân tự do, mà không có một cái luân lý gì cho vững vàng, nó hạn chế mình, thì sự hôn nhân tự do cũng có lúc có hại.”[4]. Nhận định cách đây một thế kỷ của học giả Phan Khôi đáng để chúng ta lưu tâm trong xã hội đương đại hiện thời.
Tựu chung lại việc kén vợ, gả chồng ngày nay được tự do, thoải mái hơn rất nhiều, phụ thuộc vào ý thức chủ thể của cuộc hôn phối nhưng cũng chính sự tự do quá mức này, cùng với sự phát triển của xã hội, hội nhập quan hệ quốc tế ngày một sâu rộng, sự dung nạp không có chọn lọc của không ít thế hệ trẻ ngày nay đang là một vấn nạn của xã hội.
Chú thích:
[1]Nguyễn Tôn Nhan –Biên dịch. Kinh lễ. Nxb Văn học. Tr. 136.
[2] Đồng văn tự – Hán văn là là các quốc gia Nhật, Hàn, Việt, dùng Hán tự làm chữ Viết.
[3] Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb – Tp – Hồ Chí Minh. Tr.239.
[4] Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta. Nxb – Phụ Nữ (Lại Nguyên Ân, Sưu tầm – biên soạn). Tr. 52.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tôn Nhan –Biên dịch. Kinh lễ. Nxb Văn học.
2. Đồng văn tự – Hán văn là là các quốc gia Nhật, Hàn, Việt, dùng Hán tự làm chữ Viết.
3. Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb – Tp – Hồ Chí Minh.
4. Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta. Nxb – Phụ Nữ (Lại Nguyên Ân, Sưu tầm – biên soạn).
5. Thọ mai gia lễ
6. Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh Niên
Ngọc Anh ( nhóm Cổ phong)