Tâm hiếu hạnh của con người
Quan niệm của Phật giáo nói chung và quan niệm về hiếu của nhà Phật nói riêng có sự kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chính nhờ phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt mà đã mở rộng mục đích và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan theo truyền thống đạo Phật sang một hướng đi mới. Phật có dạy trong Vu Lan bồn kinh: hạnh hiếu là hạnh Phật; tâm hiếu là tâm Phật. Tâm hiếu hạnh và ơn phụ mẫu này kết hợp với tấm lòng biết thờ kính tổ tiên của người Việt đã chuyển hóa ngày lễ Vu Lan như là ngày tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên, dòng tộc.
Hằng năm, lễ Vu Lan truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo và dân tộc; tất cả phật tử và đại chúng khắp nơi dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều lắng đọng hướng về nguồn cội – nơi mà mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng lớn lên, có được tài sản, sự nghiệp, đó là bắt nguồn từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đất nước. Cho nên, tất cả mọi người phải ghi nhận công ơn đó và có bổn phận, nghĩa vụ báo đáp những ân tình ấy một cách xứng đáng, trọn vẹn nhất, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đó cũng là đạo lý làm người, thể hiện một nhân cách sống lành mạnh, trong sáng tràn đầy tình yêu thương nhân loại, để xây dựng một cuộc sống đại đồng, văn minh, thịnh vượng. Hiếu hạnh là hạt nhân trong tất cả đạo, là gốc rễ của con người đi đầu trong các hạnh, các đạo lý.
Lễ Vu Lan trong văn hoá dân tộc
Hiếu kính với cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ nghìn xưa đã được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay và mãi ngày sau cho nên tất cả mọi thế hệ phải trân trọng, gìn giữ và phát huy. Về phương diện báo hiếu cha mẹ, không hẳn chỉ là ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch mới là ngày mà những người con phải làm cái gì đó cho cha mẹ đã mất, mà bất cứ lúc nào, giờ nào, ngày tháng năm nào đều cũng có thể làm cha mẹ vui lòng hoặc làm việc tích đức để hồi hướng cho đấng sinh thành ở thế giới bên kia. Ngày nay lễ Vu Lan không còn đơn thuần là ý nghĩa tôn giáo thuần túy mà đã trở thành lễ hội văn hóa lớn, ngập tràn giá trị nhân văn.
Mỗi mùa Vu Lan về cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành. Ý nghĩa báo hiếu của lễ Vu Lan dần trở thành tâm thức của mỗi người và trở thành lễ hội của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Mỗi năm cứ đến ngày trăng tròn tháng Bảy Âm lịch mang theo lời nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ về mùa báo hiếu, báo ân, ai sinh ra cũng có cội nguồn, cha mẹ, có tấm thân hình hài bé nhỏ và được nuôi dưỡng nên người.
Lễ hội Vu Lan vừa là lễ hội của lòng tri ân, báo ân đối với đấng sinh thành, là dịp để mỗi người con Việt gửi lời “tạ ơn cha đã cho con thấy núi rất cao và biển rộng, tạ ơn mẹ đã cho con hơi thở và trái tim nhân ái để làm người”; vừa thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đề cao đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ nên đạo Phật còn được gọi là đạo Hiếu, có hiếu với cha mẹ tức là có đạo. Hàng ngàn năm qua, Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa và mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người Việt.
Giữ gìn văn hoá dân tộc
Như vậy, từ Lễ Vu Lan sẽ góp phần đưa đến cách nhìn về đạo hiếu của dân tộc để qua đó có một thái độ đúng đắn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay và mai sau. Nội dung sinh hoạt của Phật giáo thấm đượm những giá trị văn hóa truyền thống của các nước, các dân tộc có ảnh hưởng lớn từ Phật giáo. Ở Việt Nam, Vu Lan được tiếp biến với tín ngưỡng, văn hóa bản địa đến độ sâu sắc và sáng tạo, tạo nên những nét – dáng của cái phổ biến, đặc thù và đơn nhất. Nó thuộc về phương diện di sản văn hóa phi vật thể nói chung của nước ta.
Vì thế, bản thân nó và xã hội đều có nhu cầu giữ gìn và phát huy mặt tích cực từ phương diện văn hóa để thúc đẩy cho công cuộc đổi mới đất nước ta thành công. Đồng thời cũng cần khắc phục mặt tiêu cực của nó như tổ chức mang tính chất mê tín dị đoan, nghi lễ quá rườm rà, gây tốn kém, bị thương mại hóa,… Việc này không hề đơn giản, bởi nếu chủ quan, thiếu chín chắn, buông lỏng hay nóng vội đều có thể gây ra hệ quả tai hại, không chỉ làm hạn chế nhu cầu tinh thần của người dân, mà có thể còn làm cho mặt tiêu cực có điều kiện nảy sinh và biến tướng.
Vương Minh