Dẫn nhập
Đối với nhiều thế hệ người Việt, tiếng mõ làng không chỉ là âm thanh quen thuộc vang lên giữa thôn xóm, mà còn là tín hiệu gắn kết cộng đồng, thể hiện trật tự, kỷ cương và đời sống tinh thần của làng xã. Gắn bó mật thiết với âm thanh ấy là hình ảnh người mõ làng, một nhân vật gần gũi, giữ vai trò không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng, đồng thời là mắt xích quan trọng trong cấu trúc tổ chức xã hội, tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa của làng Việt cổ truyền.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ số, tiếng mõ rao dần vắng bóng trong đời sống thường nhật, nhường chỗ cho loa truyền thanh, mạng xã hội và công nghệ hiện đại. Việc tìm hiểu và ghi nhận giá trị của mõ làng chính là cách tiếp cận thiết thực để gìn giữ những nét văn hoá, góp phần quan trọng trong việc hình thành căn tính văn hóa dân tộc, mõ làng xưa và nay, như một lát cắt tinh tế trong bức tranh văn hóa làng quê Việt Nam.
Mõ là gì
Mõ hay còn gọi là mộc đạc, mộc là gỗ, mộc đạc là cái mõ bằng gỗ[1], khi gõ tạo nên những tiếng cốc cốc. Đây là một loại nhạc khí, được làm từ gỗ hoặc tre, lòng rỗng để khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh vang vọng.
Trong Phật giáo, mõ có mặt trong hầu hết các nghi lễ tụng kinh, với vai trò điểm nhịp và là biểu tượng của sự tỉnh thức.
Tai nghe chuông mõ vang dầy
Ghế vô am tự nghe thầy giảng kinh[2]
Trong sinh hoạt đời sống làng xã, mõ trở thành công cụ truyền tin quen thuộc, âm thanh của mõ trở thành tín hiệu đặc trưng để phát hiệu lệnh, thông báo về các sự kiện sắp diễn ra như: họp làng, tang ma hay truyền mệnh lệnh của chức dịch,… cho dân làng. Có thể nói, mõ vừa là một công cụ truyền thông nguyên thủy, vừa là một biểu tượng văn hóa sâu sắc, gắn bó mật thiết với ký ức cộng đồng và cấu trúc vận hành của làng xã cổ truyền.
Mõ có nhiều loại khác nhau, được phân chia theo chức năng sử dụng, hình dáng và chất liệu, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến 2 loại mõ:
Thứ nhất, là mõ chùa (mõ cá; mộc ngư/木魚): Loại bằng gỗ cứng, thường có hình dạng giống con cá trắm lớn, được khoét rỗng phần bụng, dùng trong các nghi lễ Phật giáo, để điểm nhịp tụng kinh. Cá tượng trưng cho sự tỉnh thức (cá không nhắm mắt), nên mõ cá là biểu tượng nhắc nhở tu hành, luôn tỉnh giác.
Cuốn Bách Trượng Thanh Quy nhắc: “Mõ tròn bằng gỗ khắc hình con cá mở mắt dùng để tụng kinh, bởi vì loài cá ban đêm thường mở mắt được khắc sâu trên mõ để tụng kinh gõ lên cảnh thức người mê và dẫn chúng hòa âm theo đều. Mõ hình con cá dài treo ở trai đường để làm hiệu hai bữa ăn, cho thời kinh Tịnh Độ và cho nhà trù, mời chúng tập họp… Song việc sử dụng cũng còn tùy theo mỗi phái có khác, nên biết tùy nghi cho thích hợp.”[3]
Theo Từ Điển Phật học Việt – Anh Tuệ Quang: “Mõ cá bằng cây hay khúc gỗ tròn, móc bọng ruột, làm theo hình cá, với một khe đục nằm ngang để tạo âm hưởng, được dùng để gõ nhịp tụng kinh trong các tự viện. Khi được gõ bằng cái dùi có đầu bọc vải, sẽ phát ra những âm thanh rõ ràng và đặc biệt. Mõ được dùng đầu tiên bên Trung Quốc, nhưng lý nguyên thủy của việc dùng mõ gỗ vẫn chưa được biết rõ.”
Trong bài thơ Vịnh cái Mõ, tác giả Nguyễn Đôn Dư đã khắc họa hình ảnh chiếc mõ không chỉ như một vật dụng quen thuộc, mà còn gửi gắm vào đó những tầng ý nghĩa sâu xa về đạo lý và đời sống.
Khoác áo vàng son rực rỡ màu,
Cả hơi nhờ thợ khéo đường trau.
Đã đem khúc mít làm nên miệng,
Lại sắm dùi dâu để gõ đầu.
Tăm tiếng vang lừng đôi chốc đó,
Ruột rà trống rỗng có gì đâu.
Nhặt khoan cảnh tỉnh người mê mộng,
Lắm lúc nghe vui, lắm lúc sầu.[4]
Thứ hai, là mõ làng (mõ báo hiệu): Được làm bằng tre già, gọt theo hình dài như khúc tre, đơn giản, ít chạm khắc, khoét một rãnh rỗng ở giữa, dễ di chuyển khi đi rao tin. Dùng trong sinh hoạt làng xã, để truyền tin, phát lệnh của chức dịch
Khái niệm và sự hình thành mõ làng
Khái niệm
Ban đầu, “mõ” là tên một loại dụng cụ phát ra âm thanh, dùng để gõ báo hiệu, về sau, từ “mõ” không chỉ dùng để chỉ vật dụng, mà còn để gọi luôn nghề rao mõ, người rao mõ – tức người chuyên truyền tin, thông báo mệnh lệnh và tin tức của chức dịch trong làng hoặc triều đình đến người dân, thường được gọi là “mõ làng”. Người rao mõ thường cầm một chiếc mõ làm từ tre cùng chiếc dùi tre, gõ vang để thu hút sự chú ý rồi cất tiếng rao nhằm truyền đạt tin tức, thông báo hay mệnh lệnh cho cả làng xã nghe. Hình ảnh mõ làng, là một nét đặc trưng độc đáo của làng xã Việt Nam xưa, giữ vai trò đặc biệt trong bộ máy tổ chức xã hội thời phong kiến.
Theo Việt Nam Phong tục: “Dưới bọn tuần đinh, làng nào cũng có một người làm nô lệ chung cho cả hàng xã gọi là đạc phu (thằng mõ).
Khi nào trong làng có việc gì thì tên đạc phu phải đi mời mọc cả làng ra đình hội họp. Hoặc có việc gì lý dịch báo cáo cho làng biết thì đạc phu gõ mõ đi rao suốt các ngõ. Nhà tư gia ai có việc hiếu hỉ hoặc có việc giỗ kỵ muốn mời làng thì cũng sai đạc phu đi mời.
Đạc phu chỉ trông cậy về những khi giỗ tết của các tư gia và những khi dân làng tế lễ ăn uống, đem nghề hầu hạ điếu đóm mà kiếm ăn. Đạc phu thấy nhà ai có việc mà vào thì dẫu nhà nghèo cũng phải đề cho nó một cỗ. Cỗ của nó gọi là cỗ tiếp dư, nghĩa là những món thừa thãi mới cho nó.
Đạc phu là một kẻ đê tiện hơn hết các loài người, chỉ những kẻ khốn khó mới đi nơi xa khuất chịu làm nghề ấy mà thôi. Mà ai đã nhở phải bước ấy thì con cháu về sau, muốn làm nghề gì mặc lòng, cũng không rửa được tiếng xấu.”[5]
Trong đời sống làng xã xưa, “mõ làng” được gọi bằng nhiều tên khác nhau, phản ánh cả chức năng lẫn sắc thái dân gian: Thằng Seo, Mộc đạc xã chung, Đạc phu, mới (thằng Mới), hay dân dã hơn là thằng Mõ. Đây là cách gọi người chuyên gõ mõ và rao tin trong cộng đồng – một dạng “tôi tớ công” phục vụ cho cả làng, khi có việc hệ trọng như họp dân, tế lễ, báo tang, huy động lao động hay truyền đạt mệnh lệnh của chức dịch. Mỗi một làng chỉ có một người đàn ông đảm nhận nhiệm vụ này, người đó sẽ đi khắp các ngõ xóm, vừa đánh mõ vừa rao to nội dung để mọi người cùng nắm được thông tin. Ngoài việc rao tin, thằng mõ còn phải phục vụ các hào lý trong làng, khi có tế lễ hay tiệc tùng tại đình, anh ta phải sắp xếp chỗ ngồi cho các vị chức sắc theo đúng thứ bậc trên dưới.
Hình ảnh thằng mõ được nhắc đến trong nhiều tư liệu, sách quý như một biểu tượng đặc trưng của làng xã truyền thống Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng nhiều lần nhắc tới vai trò của thằng mõ như một mắt xích quan trọng trong bộ máy hành chính làng, tuy không có chức vị cao nhưng lại là người truyền tin, kết nối và duy trì trật tự sinh hoạt chung của cả cộng đồng dân cư.
Cuốn An Nam Phong tục chép: “Dưới hạng tuần dinh, mõ là tôi đòi chung cho dân làng. Trong làng có việc công, mõ phải đi mời họp. Tư gia có việc hiếu, hỷ mời dân làng đến ăn uống đều do mõ đảm nhiệm. Có việc chung nào cần bố cáo cho dân xã, liền sai mõ đánh mõ đi rao ngoài đường. Việc làm của họ rất thấp hèn, cho nên mõ phần nhiều là do kẻ bần cùng ở xã khác đến làm.”[6]
Trang 142 trong cuốn Việt Nam văn hoá sử cương, tác giả Đào Duy Anh có viết: “Khi có việc làng thì lý trưởng và hương chức sai người mõ làng, thường gọi là thằng mõ (vì người ta cho chức mõ làng là vi tiện) đi khắp làng để đánh mõ mời làng ra họp ở đình. Người mõ làng được ít sào ruộng công, và đến mùa gặt thì những nhà giàu có trong làng cho anh ta một vài bó lúa.”
Mõ làng là những người nông dân nghèo, không có ruộng đất hay công việc ổn định, thường buộc phải chấp nhận làm những công việc bị sai vặt, phục dịch cho chức dịch trong làng. Chính từ hoàn cảnh đó, họ trở thành thằng mõ, một nghề bị xem là thấp kém và không được coi trọng trong trật tự xã hội làng quê. Và việc lấy tên công cụ để đặt tên cho một loại nghề đó đã có tác dụng xác định rõ tính chất của loại nghề nghiệp, vì thế, từ một từ chỉ nghề nghiệp, nó đã trở thành một từ chỉ một tầng lớp người trong xã hội.
Điều này được khẳng định rõ qua nội dung chép trong cuốn Nếp cũ – Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ – Tết – Hội hè của Nhà nghiên cứu văn hoá Toan Ánh: “Còn đi hầu, chẳng phải nói ai cũng thấy là hèn hạ, vì đi hầu là chịu sự sai bảo, phải nịnh bợ, vả chăng trong nghề đi hầu phải kể cả nghề làm mõ, tức là kẻ hầu chung cho cả một làng.”[7]
Hay trong tác phẩm Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, đã chỉ ra rằng: “Thằng mõ” hay còn gọi “mộc đạc xã trung” là một nhân vật ở bậc thang thấp nhất của bộ máy lý dịch và cũng là người “hèn kém” nhất trong làng. “Thằng mõ” chỉ lo việc dọn dẹp cỗ bàn, chia phần biếu mỗi khi có việc ăn uống linh đình và chuyên rao mõ để trình quan viên, làng nước mọi việc chung:
“Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi.”
Chỉ có điều là “thằng mõ” được hưởng một đặc quyền mà người dân nào trong làng muốn có cũng phải mất tiền, bán trâu, bán ruộng để mua cho được. Đó là cái hư vị: “Miễn mọi tạp dịch, phụ đài.”[8]
Xét từ góc độ văn hóa và xã hội, vai trò của mõ làng, mặc dù không được coi trọng nhưng lại có một ý nghĩa sâu sắc trong cấu trúc xã hội phong kiến. Trên thực tế, thằng mõ là một trong những công cụ truyền thông chủ yếu, đảm nhận trách nhiệm chuyển tải thông tin từ các cơ quan chính quyền đến người dân, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của làng xã nông thôn, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa các tầng lớp trong xã hội.
Cuốn Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam có viết: “Các vị chức sắc kỳ mục trong toàn tổng Hà Nam họp nhau tại đình làng Phong Cốc, một ngôi nhà lớn nhất tống để bàn bạc mọi việc tổ chức cuộc thi thả diều. Tiếp theo, mõ làng được lệnh đi rao cho tất cả mọi người đều hay để ai nấy kịp sửa soạn con diều của mình.”[9] Mặc dù thằng mõ đứng ở vị trí thấp trong xã hội, nhưng nó lại đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa chính quyền làng và người dân, góp phần duy trì trật tự và kỷ cương cộng đồng. Nếu không có thằng mõ, bộ máy hành chính làng xã khó có thể hoạt động thông suốt.
Điều này cho thấy sự phân chia quyền lực một cách rõ rệt trong xã hội phong kiến, nơi chỉ một số ít người nắm giữ quyền lực và thông tin. Thằng mõ, dù không có quyền lực chính thức, lại trở thành biểu tượng của sự kết nối giữa các tầng lớp trong cộng đồng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà không được công nhận xứng đáng.
Sự hình thành Mõ làng
Nguồn gốc hình thành mõ làng có thể được truy nguyên từ hai dòng chảy chính trong văn hóa truyền thống Việt Nam là tôn giáo – tín ngưỡng và đời sống làng xã.
Trước hết, mõ xuất hiện sớm trong Phật giáo với vai trò là một pháp khí dùng để tụng kinh, chiếc mõ gắn liền với sự tích mộc ngư trong kinh phật. Cuốn Đồ thờ trong di tích của người Việt có chép: “Trong sách Chính ngôn đời nhà Đường cũng có chép rằng: có một người bạch y đến hỏi một vị trưởng lão ở Thiên Trúc rằng: vì sao ở các Tăng xá đều có treo mõ? Vị trưởng lão trả lời: vì để cảnh tỉnh chúng Tăng tại các Tăng xá, tự viện ấy. Người bạch y lại hỏi tiếp: nhưng tại sao lại tạc hình con cá? Vị trưởng lão nọ không trả lời được, người bạch y lại liền đến hỏi ngài Ngộ Biện, ngài này giải thích rằng: cá là loại không khi nào nhắm mắt và thích hoạt động, cũng vì muốn cho người tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chóng được đạo quả, nên treo và đánh mõ tạc hình con cá là có ý nghĩa như vậy.”[10]
Tuy nhiên, trong môi trường làng xã truyền thống, người Việt đã chuyển hóa mõ từ một pháp khí tôn giáo sang công cụ phục vụ đời sống cộng đồng. Vào thời kỳ thông tin liên lạc còn rất hạn chế và trình độ dân trí chưa cao, phần đa dân chúng chưa biết viết, viết đọc, vì vậy khi một vị chức sắc trong làng cần thông báo một tin tức tới mọi người, cách nhanh chóng nhất để truyền đạt là cho thằng mõ đi rao tin. Để thu hút sự chú ý của người dân, người đi rao thường sử dụng một vật dụng phát ra âm thanh. Chính từ nhu cầu truyền tin trong xã hội phong kiến xưa, mõ dần được đưa vào sinh hoạt hành chính làng xã, và từ đó hình thành nên chức danh dân dã “mõ làng”, người gõ mõ kiêm truyền tin cho cả làng.
Trong truyện ngắn “Nghệ thuật băm thịt gà” của Ngô Tất Tố, tác giả đã tái hiện sinh động không khí làng xã xưa, nơi thằng mõ là một phần không thể thiếu của đời sống cộng đồng. Trong truyện, tác giả khắc họa một buổi cỗ bàn ở đình làng, nơi các chức sắc, kỳ mục tụ họp, và giữa những lễ nghi, thủ tục đó, vai trò của những người như mõ, lính lệ thường vẫn hiện diện như một tầng lớp phục vụ, người hầu, luôn có mặt trong tất cả sự việc diễn ra tại làng.
“Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa ướt cả đồ lễ!
Tiếng thét dõng dạc của một ông già ở phản bên kia vừa dứt, thì ở dưới sân, một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và đặt vào chiếc phản giữa”; “Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng.”[11]
Mõ làng có thể được xem là kết quả của sự kết hợp giữa ảnh hưởng tôn giáo và nhu cầu thiết yếu trong đời sống cộng đồng nông thôn Việt Nam xưa. Trước hết, phải nhắc đến ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa tôn giáo, đặc biệt là những nghi thức tôn thờ trong đình chùa, nơi có sự xuất hiện của những tiếng mõ, là một pháp khí quan trọng phục vụ tín ngưỡng. Song song, mõ làng còn mang tính thực tiễn cao trong đời sống của cư dân nông thôn, là phương tiện hỗ trợ truyền đạt thông tin quan trọng, duy trì sự trật tự trong làng xã, giúp mọi người đều nắm bắt thông tin kịp thời. Qua đó, ta có thể thấy được sự sáng tạo và linh hoạt của người dân Việt trong việc ứng dụng những yếu tố văn hóa vào trong nhu cầu thực tế của cuộc sống hàng ngày.
Dù gắn bó sâu sắc với đời sống làng quê Việt Nam trong suốt bao thế kỷ, mõ làng lại không để lại dấu vết rõ ràng nào trong các thư tịch cổ hay văn bản. Sự xuất hiện hình ảnh mõ làng phần lớn đến từ dấu tích trong văn học dân gian và tư liệu văn hóa truyền miệng. Các tác phẩm nổi tiếng có xuất hiện hình ảnh mõ làng cho thấy vai trò của thằng mõ đã in dấu trong tâm thức cộng đồng từ rất sớm, trước cả khi được ghi chép lại một cách chính thức. Có thể mõ làng đã hình thành từ rất lâu đời, tồn tại và phát triển cùng những thiết chế truyền thống của làng xã Việt.
Hình ảnh mõ làng trong văn học dân gian và ca dao tục ngữ
Hình ảnh thằng mõ trong làng xã xưa, không chỉ là một nhân vật mang tính chức năng trong đời sống cộng đồng, mà còn trở thành hình tượng văn hóa được nhắc đến nhiều trong ca dao, tục ngữ, truyện dân gian và các công trình nghiên cứu về nông thôn truyền thống Việt Nam. Trong kho tàng văn học dân gian, thằng mõ thường gắn liền với sự nghèo khó, là đối tượng bị kinh thường, là biểu tượng cho tầng lớp “tôi đòi công” trong xã hội phong kiến.
Tuy nhiên, bên cạnh sắc thái châm biếm, nhân vật này còn phản ánh rõ cơ chế tổ chức và vận hành hệ thống truyền tin trong thiết chế làng xã cổ truyền, gắn liền với nghi lễ, trật tự và kỷ cương làng xã. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa làng Việt đã ghi nhận vai trò của thằng mõ như một mắt xích không thể thiếu trong bộ máy hành chính nông thôn cổ truyền, đồng thời là nhân chứng sống động của một thời kỳ mà giao tiếp xã hội còn phụ thuộc hoàn toàn vào lời rao và tiếng mõ.
Vở chèo
Quan Âm Thị Kính là một trong những vở chèo kinh điển đầu tiên của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam, cho thấy sự hiện diện của thằng mõ trong văn hóa dân gian.
Thị Mầu vừa dứt lời trên
Thời nghe tiếng mõ vang lên phía ngoài
Mõ làng loan báo mọi người
Họp nhau bàn bạc tại nơi đình làng
Đòi ra tra hỏi rõ ràng:
“Việc người con gái chửa hoang trong vùng
Ngoại tình xấu hổ vô cùng
Phải cần xử phạt làm gương cho đời!”
Phú ông nghe nói rụng rời
Thế là mọi chuyện nguy tai tới rồi[12].
Hay:
Mõ rao lập tức cho đòi
Phải cùng cha mẹ ra nơi đình làng
Cả ba nghe phán rõ ràng:
“Số tiền sư nộp khoán làng trước đây
Cả ba phải trả phạt ngay
Trả sư lại số tiền này gấp đôi,
Tang ma mọi việc xong xuôi
Phú ông trách nhiệm phải bồi hoàn luôn!”[13]
Trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, sau khi Thị Mầu là con gái phú ông bị phát hiện mang thai nhưng lại vu oan cho tiểu Kính Tâm (Thị Kính cải trang đi tu), nhân vật mẹ Đốp (vợ của mõ làng) được giao nhiệm vụ đi khắp làng gõ mõ rao tin và mời dân làng ra đình chứng kiến việc ăn khoán, tức phân xử vụ việc theo lệ làng.
“Chiềng làng, chiềng chạ
Thượng, Hạ, Đông, Tây
Con gái phú ông
Tên là Thị Mầu
Tự tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Mời già, trẻ, gái, trai
Ra đình ăn khoán…”
Lời rao của thằng mõ trong vở Quan Âm Thị Kính không chỉ truyền tin về việc Thị Mầu mang thai không chồng, mà còn phản ánh sinh động cơ chế xét xử ở làng xã xưa. Với vai trò người đưa tin, nhân vật thằng mõ góp phần tạo nên màu sắc châm biếm đặc trưng của chèo. Qua đó, hình ảnh thằng mõ trở thành biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống làng quê và nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Nam Cao, một trong những nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam, không chỉ nổi bật với tài năng viết lách mà còn với cái nhìn sắc sảo và triết lý sâu sắc về nhân sinh và xã hội. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Tư Cách Mõ”, truyện ngắn khắc họa một người làm công việc rao tin trong xã hội phong kiến.
Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Lộ, là một nông dân hiền lành, có lòng tự trọng nhưng bị đẩy vào hoàn cảnh nghèo đói, khốn cùng. Vì không còn lựa chọn nào khác, Lộ buộc phải nhận công việc làm mõ làng, một nghề bị xã hội coi rẻ, gắn với sự hèn kém, nhục nhã. Bị xã hội khinh miệt, Lộ dần đánh mất nhân cách trở nên tham lam, luồn cúi, chấp nhận nhục để được tồn tại. Tác phẩm không chỉ phơi bày sự tha hóa của một con người cụ thể, mà còn là bức tranh phản ánh thực trạng tàn nhẫn của xã hội phong kiến, nơi người nghèo bị đẩy vào đáy xã hội và không còn quyền làm người đúng nghĩa. Nam Cao vừa lên án bất công xã hội, vừa bày tỏ niềm thương xót sâu xa với những kiếp người bị chà đạp, không có cơ hội giữ lại phẩm giá.
“Bây giờ thì hắn đã thành mõ hẳn rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém cạnh những anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, hộn tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn xán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả cái đùm vào cái tay nải rất to, lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả….Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn có quấn mấy sợi thừng ở một đầu, đi hết ruộng nọ đến ruộng kia.”[14]
Tiểu thuyết
Tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hồ Hữu Tường, Nhân vật chính trong câu chuyện là Phi Lạc, xuất thân từ thằng mõ làng Phù Ninh, một người không học hành nhưng lại rất thông minh, hiểu rộng, biết nhiều.
– Ngoài cụ và ông Trần Trọng Kim ra, thì có ai bằng ?
Danh thì như thế. Nhưng tôi muốn nói về thực cơ.
– Thì hai cụ vẫn có danh và có thực.
– Không, tôi không cãi điều đó. Nhưng tôi muốn nói đến những người học tột chúng, mà mai danh ẩn tích như phu tử núi La đời Tây Sơn kia! Tôi muốn tìm những người chẳng có danh chút nào, thế mà học rộng biết nhiều, đề mà hỏi một ít điều bí ẩn của lịch sử.
Vậy thì cụ nên đến làng Cổ Nhuế mà hỏi thẳng mõ làng ấy.
Thằng mõ à ?[15]
Trong cuộc hành trình Bắc du của mình, chàng Phi Lạc, với vai trò là một cố vấn, đã tham gia vào những cuộc thuyết giáo không ngừng, và trong vai trò “phu tử,” hắn đã có ảnh hưởng lớn, góp phần làm lay chuyển nền văn minh vĩ đại của thời đại.
Tại Phù Ninh Phi Lạc làm mõ
Mong cứu nạn Hồng Hạc cầu hiên[16]
Khác với hình ảnh thằng mõ thường thấy trong văn học dân gian, với lối tham lam, bần hèn, thấp kém, bị xã hội khinh miệt, thì hình tượng thằng mõ trong Phi Lạc sang Tàu lại mang màu sắc hoàn toàn khác, thằng mõ làng Phù Ninh được miêu tả là con người láu cá, hoạt ngôn, tự tin và dám đứng ngang hàng với trí tuệ phương Bắc. Dưới ngòi bút trào phúng của Hồ Hữu Tường, thằng mõ không còn là kẻ chuyên đi rao tin cho làng, mà trở thành một phu tử, một nhà cố vấn. Đại diện cho tầng lớp dưới đáy xã hội, những con người bị xem thường vẫn có thể sở hữu trí tuệ và bản lĩnh, có vai trò nhất định.
Ca Dao, tục ngữ
Hai câu thành ngữ dân gian “tham như mõ” và “thằng mõ có bỏ đám nào” đều phản ánh cái nhìn châm biếm của người xưa đối với hình ảnh thằng mõ, một nhân vật thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội làng quê phong kiến. Mõ là người chuyên đi rao tin cho các sự kiện lớn nhỏ trong làng, từ đám cưới, đám tang đến tế lễ, hội hè. Vì vậy, mỗi dịp có cỗ bàn, thằng mõ luôn có mặt, không chỉ vì trách nhiệm, mà còn bởi đây là cơ hội để được ăn uống, hưởng lộc. Từ hình ảnh ấy, dân gian đã khái quát thành câu “tham như mõ” để chỉ tính tham lam, hay vơ vét, dù chỉ là chút lợi nhỏ. Cả hai câu thành ngữ đều vừa hài hước, vừa phản ánh sâu sắc thân phận và tính cách một lớp người trong xã hội xưa.
Thơ
Bài thơ “Vịnh thằng mõ”[17] của vua Lê Thánh Tông/ 黎聖宗 là một tác phẩm tiêu biểu, nhắc về nhân vật thằng mõ, hình ảnh gắn liền với đời sống làng xã Việt Nam thời phong kiến. Trong bài thơ, tác giả không chỉ mô tả vai trò của thằng mõ, mà còn phê phán sự bất công và phân biệt giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ. Thằng mõ, dù được coi là một nghề thấp hèn, nhưng lại giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền tin, đảm bảo sự liên lạc thông suốt giữa chính quyền và người dân.
Mõ này cả[18] tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi!
Mộc đạc vang lừng trong mấy cõi,
Kim thanh[19] chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
Thứ bậc dưới trên, quyền cắt đặt[20],
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
Hình ảnh thằng mõ được miêu tả với giọng to, lớn, vang vọng, là người cần mẫn và trách nhiệm. Tiếng mộc đạc được đẩy hình tượng lên mức phóng đại hài hước, phản ánh vai trò truyền tin duy nhất và không thể thay thế của thằng mõ thời xưa. Sự lan truyền thông tin của mõ khiến làng nước ai ai cũng phải nghe theo, cho thấy một xã hội phân tầng nghiêm ngặt, biểu tượng cho quyền lực gián tiếp. Thằng mõ vốn thấp hèn nhưng lại được quyền sắp đặt chỗ ngồi cho những người có địa vị, bài thơ như một lời phiếm đối với bộ máy chính quyền.
Ngoài các tác phẩm trên, “Con cò chết rũ trên cây” là một tác phẩm khuyết danh của văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt, qua hình ảnh con chim chích, bài thơ đã khéo léo phản ánh thân phận của thằng mõ làng, một nhân vật quen thuộc nhưng bị xã hội hắt hủi, mặc dù lại có vai trò quan trọng trong công tác truyền tin và duy trì trật tự cộng đồng.
Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.[21]
Bài thơ mượn hình ảnh con vật cụ thể mượn câu chuyện đám tang con cò để phản ánh lối sống, sinh hoạt dân giã của làng quê Việt Nam xưa, qua lăng kính hài hước, châm biếm nhẹ nhàng những thói quen như hình thức trong ma chay, ăn cỗ, rượu chè, lấy phần, .. Mỗi con vật là hình ảnh tượng trưng cho một hạng người, một tầng lớp trong xã hội làng quê xưa.
“Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.”
“Chim chích” được nhân cách hóa thành một người dân quê làm mõ làng, nhưng đặt trong một ngữ cảnh một đám tang cò, do muôn loài chim và côn trùng tổ chức. Qua đó, hình ảnh mõ làng không chỉ hiện lên như một biểu tượng chức trách, mà còn là một phần không thể thiếu trong mọi sinh hoạt chung của làng xã, bao gồm tất cả mọi việc to, nhỏ hay đám cưới, đám ma. Đồng thời, việc nhân vật “chim chích” đóng vai trò mõ làng càng nhấn mạnh tính dân gian, hài hước, và cũng cho thấy sự gần gũi của hình ảnh này trong tâm thức người Việt.
Sự thay đổi của mõ làng trong xã hội hiện đại
Từ thời xa xưa, các đơn vị như làng, xã, thôn, ấp đã đóng vai trò là nền móng cơ bản trong hệ thống hành chính của nước ta. Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, mô hình này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Làng xã không chỉ là nơi con người sinh sống, mà còn là không gian kết nối bền chặt giữa cộng đồng cư dân và môi trường xung quanh. Những hình ảnh thân thuộc như lũy tre xanh, mái đình rêu phong, cây đa đầu làng, giếng nước, những người gánh hàng rong hay tiếng người đi khắp làng rao mõ, đã ăn sâu vào đời sống cộng đồng, mang đậm dấu ấn truyền thống và trở thành biểu tượng sống động của văn hóa và đời sống làng quê Việt Nam.
Mõ làng xưa và nay là một lát cắt sinh động phản ánh sự chuyển mình của đời sống làng quê Việt Nam qua thời gian. Xưa kia, khi công nghệ chưa phát triển, tiếng mõ và lời rao là phương tiện thông báo chính trong cộng đồng, gắn với nếp sinh hoạt nông thôn truyền thống, được xem là ông tổ của ngành truyền thông Việt Nam.
Trong cuốn Làng số có nói: “Tiếng mõ làng là cách người làng ta ngày xưa phát đi thông báo cho nhau về một sự vụ nào đó trong làng như: thuế khóa, hộ đê, cảnh báo thiên tai, hỏa hoạn,… Mõ là công cụ mà chính quyền làng xã giao tiếp với người dân ở mức rất sơ khai, thủ công. Trong văn hóa làng truyền thống, rao mõ là một nghề, là nơi để quần chúng nhân dân gửi gắm, bộc lộ, phản ánh những khao khát của mình, nhiều người quan niệm “nghề rao mõ cũng phần nào giống với nghề phát thanh viên, dẫn chương trình sau này.”[22]
Mõ làng bắt đầu dần biến mất từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi hệ thống quản lý hành chính nhà nước dần thay thế hoàn toàn tổ chức quản lý làng xã truyền thống, xã hội chuyển sang các hình thức truyền thông và quản lý hiện đại hơn. Trước năm 1945, làng xã là một đơn vị hành chính tự quản rất đặc trưng của Việt Nam, với hệ thống chức dịch như lý trưởng, phó lý, chánh tổng,… và mõ làng là người truyền lệnh từ các chức dịch đến dân làng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, tổ chức hành chính làng xã bị thay đổi toàn diện theo mô hình nhà nước cách mạng. Các chức dịch cũ bị bãi bỏ, thay bằng Ủy ban nhân dân xã và các cơ quan nhà nước cấp cơ sở, hệ thống loa truyền thanh xã bắt đầu được lắp đặt ở nhiều địa phương, các thông tin sẽ được truyền qua loa phát thanh, giúp truyền đạt thông tin nhanh chóng mà không cần phải gõ mõ đi rao tin khắp làng như trước. Người dân không còn phụ thuộc vào những phương thức truyền tin truyền thống như mõ làng, mà có thể tiếp cận thông tin trực tiếp từ Nhà nước, báo chí, truyền hình và mạng xã hội. Sự phát triển của radio, điện thoại, Internet và các nền tảng số đã tạo nên một cuộc cách mạng truyền thông, tiếng mõ xưa được thay thế bằng tiếng loa, lời phóng viên, những dòng tin tức phủ sóng toàn quốc.
Trong dòng chảy lịch sử, con người luôn tìm cách vượt qua giới hạn không gian và thời gian để kết nối và trao đổi thông tin. Từ những phương tiện truyền thông thô sơ của thời kỳ cổ đại đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngày nay, mỗi bước tiến đều là sự phản ánh nhu cầu thiết yếu của xã hội về việc kết nối mọi người lại với nhau. Một trong những hình thức truyền thông sơ khai nhưng quan trọng của xã hội làng xã xưa chính là tiếng mõ, đánh dấu một dấu ấn lịch sử trong hành trình phát triển của truyền thông nhân loại. Sự tiến hóa của các phương tiện truyền thông ngày nay khiến ta không khỏi nhớ về những hình thức truyền tin đơn sơ nhưng đầy sáng tạo thời nguyên thuỷ như: Người đưa thư; chim bồ câu đưa thư, nổ tiếng súng báo hiệu, .. tất cả đều thể hiện khát vọng kết nối và chia sẻ thông tin xuyên suốt các thời đại.
Bằng một cách khác, những hình thức truyền tin từ xưa vẫn tiếp tục để lại dấu ấn và vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, hình ảnh thằng mõ, dù đã qua nhiều thời kỳ biến đổi, vẫn tiếp tục hiện diện trong các lễ hội dân gian, nghi thức tôn giáo, và ngay cả trong môi trường giáo dục. Những tiếng chuông, mõ, trống không chỉ là âm thanh báo hiệu mà còn là biểu tượng của việc duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Những giá trị ấy vẫn được người dân trân trọng gìn giữ, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, người rao mõ vẫn giữ vai trò quan trọng, như một cách bảo tồn hồn cốt văn hóa làng xã cho đến ngày nay.
Kết luận
Mõ làng là phương tiện truyền thông sơ khai, biểu tượng của hệ thống truyền tin truyền thống trong xã hội nông thôn Việt Nam. Nhưng đằng sau vai trò thiết yếu ấy là một thân phận bị xem thường, một kẻ thấp kém dưới tầng lớp đáy xã hội, bị gắn với sự nghèo khổ, xu nịnh và đôi khi bị giễu nhại trong ca dao, văn học.
Ngẫm lại, trong thời đại công nghệ số hiện nay, các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội, báo điện tử, ứng dụng truyền tin,… đã thay thế hoàn toàn vai trò truyền tin của mõ làng thuở trước. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, ta vẫn có thể thấy bóng dáng “Mõ làng” ngày xưa trong những người làm truyền thông, báo chí, người đưa tin ngày nay hay nói cách khác là mõ thời công nghệ. Điều đáng nói là, khác với hình ảnh bị coi rẻ, thấp kém trong xã hội phong kiến, các ngành nghề truyền thông hiện nay lại được đánh giá cao, có vị thế và luôn được đề cao và trọng dụng. Vậy, liệu có phải chính cách nhìn nhận, định kiến của xã hội xưa đã gán cho thằng mõ một thân phận thấp hèn, chứ không phải bản chất của công việc đó vốn đã tầm thường?
Chú thích:
[1] Theo từ điển Hán Nôm.
[2] Nguyễn Xuân Kính,, Tinh Hoa Văn Học Dân Gian Người Việt – Ca Dao, quyển 3, Nxb Khoa học xã hội, 2009, tr. 144.
[3] Bách Trượng Thanh Quy – mục Mõ con cá, Sa Môn Thích Bảo Lạc dịch, ebook, tr. 560.
[4] Nguyễn Đôn Dư, Vịnh cái mõ, trang Thi Viện.net
[5] Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 195.
[6] Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 48.
[7] Toan Ánh, Nếp cũ – Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ – Tết – Hội hè, Nxb Trẻ (2012), tr. 73
[8] Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nxb Thế Giới (2022), tr. 267
[9] Toan Ánh, Nếp cũ- Làng xóm Việt Nam, Nxb Trẻ (2005), tr. 287
[10] Trần Lâm Biền, Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Thế Giới (2019), tr. 128
[11] Việc Làng, Nxb Văn Học (2018)
[12] Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Quan Âm Thị Kính, trang thư viện Hoa Sen, ấn hành năm 2021, tr. 69
[13] Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Quan Âm Thị Kính, trang thư viện Hoa Sen, ấn hành năm 2021, tr. 108
[14] Tư Cách Mõ, Tuyển tập Nam Cao, tập 1, Nxb Văn Học (2002), tr. 174
[15] Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Bản in lần thứ Năm, Nxb Huệ Minh (1949), tr. 36.
[16] Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Sđd, tr. 34
[17] Thi Viện.net
[18] Cả: To, Lớn
[19] Kim Thanh: Âm thanh trong trẻo như tiếng kim loại.
[20] khi có tế lễ, tiệc tùng nơi đình trung, mõ làng phải sắp xếp chỗ ngồi cho họ theo đúng “thứ bậc dưới trên”.
[21] Thi Viện.net
[22] Làng Số, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2024, tr 79.
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh (1992), Việt Nam Văn hóa Sử Cương, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
- Toan Ánh (2012), Nếp cũ – Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ – Tết – Hội hè, Nxb Trẻ.
- Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Làng Xóm Việt Nam, Nxb Trẻ.
- Toan Ánh (2018), Cẩm ca Việt Nam, Nxb Xuân Thu.
- Bách Trượng Thanh Quy, Hoà thượng Thích Bảo Lạc dịch.
- Trần Lâm Biền, Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Thế Giới.
- Phan Kế Bính (1990), Việt Nam Phong Tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
- Nam Cao (2002), Tư cách Mõ, tập 1, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn Học.
- Nguyễn Dư, Thằng Cuội , Thằng Bờm , Thằng Mõ, sưu tập ca dao tục ngữ.
- Tâm Minh Ngô Tằng Giao (2021), Quan Âm Thị Kính, Thư viện Hoa Sen.
- Lê Huy, “Giải đáp mấy câu hỏi về Phật giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5-2003.
- Nguyễn Mạnh Hùng (2022), Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nxb Thế Giới.
- Làng số, Nxb Thông tin và Truyền thông (2024).
- Lê Thánh Tông, Vịnh thằng Mõ, Thi Viện.
- Ngô Tất Tố (2018), Nghệ thuật băm thịt gà, Việc Làng, Nxb Văn Học.
- Mai Viên Đoàn Triển (2008), An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội.
- Hồ Hữu Tường (1949), Phi Lạc sang Tàu, Nxb Huệ Minh.