Nguồn gốc từ Kinh điển
Về mặt số học, người Trung Hoa đã có những bước tiến vượt trội, đi trước người Lưỡng Hà hàng thế kỷ. Những di chỉ khảo cổ tại Thạch Gia Trang tỉnh Hà Nam, vùng lưu vực sông Vị tỉnh Thiểm Tây người ta đã phát hiện những phiến đá, đất sét có ghi những phép toán, phương thức tính số Pi, hệ thống số tự nhiên, v.v. chúng có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10 trước Tây lịch(1) . Cũng từ đó số học và lý học đã được người Trung Hoa cổ đại kết hợp một cách ngoạn mục để trước tác nên một bộ sách có thể gọi là gốc của vạn vật, ấy là Kinh Dịch 經易.
Trong bộ kinh này, những con số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự luận giải về lý (quy luật), sau này người ta thường gộp chung lại gọi là lý-số 理 數. Theo thuyết thái cực-lưỡng nghi của người Hoa Hạ (phương Bắc, tại lưu vực sông Hoàng Hà) thì vũ trụ được chia làm hai phần âm-dương, tuy chia làm hai nhưng không hề tách rời nhau mà hoà quện vào nhau, bổ sung cho nhau: trong âm có dương, trong dương có âm; thái âm chứa thiếu dương, thái dương chứa thiếu âm. Những con số cũng không nằm ngoài quy luật này. Theo đó, những con số được phân định âm dương theo quy luật lẻ là âm: 1, 3, 5, 7, 9; chẵn là dương 0, 2, 4, 6, 8. Chu kỳ của một năm lại chia làm 12 tháng, số 7 sẽ ứng với quẻ Khôn. Vậy tháng 7 sẽ là tháng diễn ra sự chuyển giao âm-dương mạnh mẽ nhất. Trong thiên Thoán từ của Kinh Dịch có ghi: “立道也,七日友,天易地也 lập đạo dã, thất nhật hữu, thiên dịch địa dã.”
Quan niệm của Đạo giáo
Đạo giáo lấy Kinh Dịch làm kinh điển giáo phẩm, chủ trương thuận theo tự nhiên vô vi nhi vô bất vi 無為而無不為 nghĩa là: không làm gì nhưng không gì là không làm thuận theo sự vận hành của vạn vật ấy là việc làm lớn nhất, là sự chứng ngộ cái đạo của vũ trụ vậy. Họ quan niệm thế giới vật chất là dương, và phần năng lượng không nhìnthấy được là âm. tháng Bảy có sự chuyển giao mạnh mẽ giữa âm và dương, trong tháng này cửa ngõ phần âm (địa ngục) sẽ mở ra, theo đó âm hồn sẽ trở lại dương gian, trong số những âm hồn này có vô số những âm hồn “lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa”, không có thân nhân thờ cúng.
Để các linh hồn lai vãng không quấy nhiễu cuộc sống dương gian, vào ngày rằm tháng Bảy (nhiều địa phương có thể tiến hành trước) phải bày mâm cúng chúng sinh, còn gọi là cúng thí thực (tặng thức ăn) hoặc cúng cô hồn.
Sự hình thành ngày “Xá tội vong nhân”
Ngày Rằm tháng Bảy lại trùng với tiết Trung Nguyên của nông lịch, Đao giáo gọi lễ này là Trung nguyên Địa quan tiết 中元地觀節 đây là tiết giáng trần của Trung nguyên Xá tội Địa quan, Thanh Hư Đại đế. Thượng Nguyên Thiên quan tiết, lễ tiết của đầu năm vào tháng Giêng, đây là tiết giáng trần của Thượng nguyên tứ phúc thiên quan, Tử Vi Đại đế. Tiết Hạ nguyên còn xưng là Hạ nguyên Thủy quan tiết, lễ tiết cuối năm vào tháng Mười, đây là tiết giáng trần của Hạ nguyên Giải ách Thủy quan, Đồng Âm Đại đế.
Theo quan niệm (nhấn mạnh) Đạo giáo cho rằng tiết Trung nguyên bắt đầu từ ngày mùng 1/7, ngày “Khai mở quỷ môn”, cho đến ngày 30/7, ngày “đóng cửa quỷ môn”, đây là tiết của quỷ, là khoảng thời gian dưới âm phủ, âm ty mở cửa địa ngục, cho các loài ma quỷ lên dương thế để thụ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người dương gian, cũng như tìm người thế mạng.
Người trên thế gian vì muốn tránh sự quấy rối, phá phách cũng như làm tổn hại đến tính mạng của mình và thân nhân do các loài ma quỷ này gây ra, nên đến ngày rằm tháng 7 phải lập đàn, thiết lễ, bày các phẩm vật: thực phẩm và các loại vàng mã, hình nộm để thế chấp và cung cấp các loài cô hồn, ma quỷ này. Lễ cúng tế này được Đạo giáo cực kỳ trọng thị trong tiết Trung nguyên.
Cuốn kinh Huyền đô đại hiến 玄都大獻 của Đạo giáo có nói: “Ngày 15/7 là tiết Trung nguyên vậy… đây là ngày mà Đại quan tra khảo, xét hỏi, phân biệt các tội thiện ác dưới địa phủ. Chư Thiên và Thánh chúng đều ở trong cung, kiểm tra sổ sách, ghi kiếp số của các cô hồn, loài ma quỷ đang bị ngục tù đều được thả ra hết cả…”.
Đạo giáo giải thích về quỷ rằng: “Người chết thành quỷ, quỷ có nghĩa là quy, ý là có chỗ để về vậy. Quỷ có chỗ để về thì không thành lệ quỷ. Nói chỗ về là chỉ khi chết được an táng đàng hoàng, được con cháu thờ cúng”. Cùng với Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian cũng tin rằng “quỷ” là những vong hồn chết bất đắc kỳ tử, là chưa đến (hết) số chết mà phải chết, chết một cách oan uổng, không cam tâm, không nhắm mắt được, nên khi chết biến thành “lệ quỷ, oán quỷ” để quay lại báo thù. Cho nên trong dân gian Trung Hoa có câu “Làm ác giết người, thì có thể trốn được sự trừng phạt của quốc pháp, chứ không thể tránh khỏi sự trả thù của oan hồn lệ quỷ”.
Từ đó trong dân gian cũng noi theo Đạo giáo cho rằng đây là mùa của “lệ quỷ” cô hồn nên phải cúng tế cho các loài này ăn uống đầy đủ, cúng cấp vàng mã áo mũ đề huề, để giải trừ các oán hờn, không còn trả thù nữa, để được thoát hóa đầu thai làm người.
Vào tiết Trung Nguyên, các đạo sĩ thường lập đàn Huyền đô Đại trai 玄都大齋để cúng tế cầu nguyện cho các loài ma quỷ cô hồn không người thờ tự được siêu thoát, và cúng cấp cho ăn uống no đủ, để đi đầu thai, không gây phiền hà, phương hại đến cõi dương gian. Đây là phương pháp của Đạo giáo được gọi là tế độ cô hồn.
Kinh Huyền đô Đại hiến của Đạo giáo có chép: “Vào ngày rằm tháng Bảy làm đàn Huyền đô Đại trai, bày đầy đủ các thứ hoa quả, những vật dụng cúng tế quý trong thế gian… hiến cúng chư Thánh, chúng sinh và các Đạo sĩ trong suốt ngày tháng thiết đàn giảng tụng kinh pháp, Thập phương Đại thánh, cao lộc linh thiêng, tội đồ ma quỷ, đương thời giải thoát…”.
Sự dung hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo
Vào đời Đường (618-907) Phật giáo phát triển mạnh mẽ nhất trong số tất cả những tôn giáo có mặt tại Trung Hoa, hai quan niệm của Phật giáo và Đạo giáo cùng chung một tâm từ, nhưng hoàn toàn khác nhau về tư tưởng cũng như cách thức, cuối cùng hai quan niệm này được hợp nhất lại thành một ý niệm chung, trong một lễ hội, đó là lễ hội “Trung nguyên Phổ độ”. Đây cũng chính là thời ba nguồn tư tưởng Nho-Phật-Lão hợp nhất “Tam giáo Đồng nguyên”.
Khác với quan niệm của Đạo gia chỉ cúng tế và thế chấp đồ vàng mã để tránh sự phá rối và báo thù của các loài ma quỷ; lễ Vu Lan vào ngày Rằm tháng Bảy của Phật giáo cốt yếu chủ trương “báo hiếu” mọi người nên học hạnh hiếu thảo với cha mẹ, làm việc thiện tích góp công đức, trai tăng cúng dường, hồi hướng cho cha mẹ hiện đời và nhiều kiếp về trước được siêu thoát về tịnh độ và lập đàn chuẩn tế, cầu siêu bạt độ cho những âm hồn, quỷ đói, thọ dụng cam lộ pháp thực và cầu nguyện cho họ xả bỏ các oán hờn phiền não, vãng sinh về cõi Phật.
Bản thân Phật giáo với triết lý nội tại, cộng với sự sùng tín ủng hộ của triều đình nhà Đường và dân chúng, nên lễ Vu Lan của Phật giáo được tôn lên cương vị chủ đạo pháp hội, đã dung hợp tài tình lễ tiết của Đạo gia thành pháp hội mang đậm nét văn hóa và tinh thần của đạo Phật.
Ngày 30 tháng Bảy đóng cửa địa ngục của Đạo giáo trở thành ngày phổ độ chúng sinh của Địa Tạng vương Bồ-tát, thay vì phải trở về địa phủ chịu khổ, thì tất cả các vong hồn ngạ quỷ được Đức Địa Tạng cứu độ vãng sinh về Tịnh độ hết, không còn phải sa vào cảnh khổ địa ngục, vì vậy tiết Trung Nguyên được gọi là Trung nguyên Phổ độ, tháng Bảy trong dân gian có câu truyền tụng “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”.
Tiết Trung Nguyên từ một lễ tiết cúng cấp cho các loài ma quỷ của Đạo giáo, được dung hoà cùng lễ Vu Lan mang đậm dấu ấn tinh thần báo hiếu và từ bi của đạo Phật, được phổ biến rộng rãi trong dân gian, trở thành một lễ hội quan trọng nhất trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Trung Hoa và các quốc gia lân cận, đồng thời thể hiện sự tùy duyên bất biến của đạo Phật, trong nguyện lực Hoằng pháp lợi sinh.
Tại Việt Nam
Người Hán tuy không đồng hoá được hết thảy những tộc người Việt nhưng sức ảnh hưởng của họ lại cực kỳ lớn. Qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, rất nhiều hệ tư tưởng theo người Hán du nhập vào nước Nam, và người Việt đã tiếp nhận một cách chủ động, dung hoà với thổ nhưỡng khí hậu, tập quán sinh hoạt của chúng ta để tạo nên bản sắc riêng. Dần rà trở thành nét văn hoá tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Vào đời nhà Lý (Tk thứ 10), Phật giáo được tôn xưng là Quốc giáo, trong Đại Việt sử ký chép về việc cử hành lễ Vu Lan trong triều đình, trong đó ý niệm cầu độ cho cô hồn ngạ quỷ cũng được kết hợp song song với nghi lễ đạo hiếu. Bên cạnh đó, quan niệm về ngày Xá tội vong nhân vẫn tồn tại rộng rãi trong dân gian.
Trong Bách khoa thư làng Việt cổ truyền tác giả Bùi Xuân Đính giải thích kỹ hơn về lễ tục này như sau: Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, vong nhân được xá tội trong ngày này là các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục có ghi rằng: “Ta thường cho rằng, hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội vào ngày hôm ấy”.
Vào giai đoạn cuối Lê-đầu Nguyễn, nước Nam ta xuất hiện cụ Tố Như với bài Văn chiêu hồn, hay còn biết tới với tên gọi Văn tế thập loại chúng sinh, được cụ soạn ra trước những suy tư về kiếp người, sự hư vô trong vũ trụ, đau khổ trong cõi trần; cùng ước nguyện cầu mong cho những hồn hoang, phách lạc của chúng sinh khi lìa trần bị đày ải được siêu thoát, tịnh độ.
Nói về lễ này của dân gian, học giả tân thời Nguyễn Văn Huyên trong thiên khảo luận viết bằng Pháp văn tại École française d’Extrême-Orient kết luận rằng: “….ngày xá tội vong nhân có tầm luân lý lớn, bởi nó hướng mọi người ăn ở tốt với nhau trong cuộc đời trần gian, an ủi các hồn trong cõi địa ngục. Tục này khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành đức nhân từ trong chính cuộc đời phàm tục. Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn về thể chất cũng như tinh thần trí tuệ”.
Vương Minh nhóm Cổ Phong
Tài liệu tham khảo
- Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính (NXB Văn học – 2005)
- Bách khoa thư làng Việt cổ truyền – Bùi Xuân Đính (NXB Khoa học xã hội – 2008)
- Nếp cũ – Toan Ánh (NXB Trẻ – 2012)
- An Nam phong tục – Mai Viên Đoàn Triển (NXB Hà Nội – 2008)
- Mission archéologique permanente en Indochine de École française d’Extrême-Orient à Hanoi- 1953
- Đạo giáo – Trần Trọng Kim (Nam Phong tạp chí – 1923)