Khái niệm Linh hồn
Đời nay, với sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, con người đã lên được Trăng sao trên trời, thế nhưng “linh hồn”, thứ chủ thể rất gần gũi được cho là vẫn “phảng phất” quanh ta thì lại vẫn luôn là một vấn đề bí ẩn nhất đối với loài người.
Từ thủa hồng hoang, con người đã có khái niệm về linh hồn:
– Người La Mã bên Tây hồi cổ đại gọi linh hồn là Anima (Latine) có gốc từ chữ Hy Lạp (ψυχή) nghĩa là: ”hơi thở, tinh thần, sự sống”, cho đến nay vẫn giữ nguyên khái niệm này. Người Pháp gọi là: me (é), và cũng giữ nguyên khái niệm của người Hy Lạp, La Mã thời cổ đại.
Chữ Hán: Hồn (魂) được kết hợp từ chữ vân (云) và chữ quỷ (鬼), theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “Hồn là phần tinh thần hay linh tính của con người, là ý thức, tư tưởng của con người”, còn cụ Thiều Chửu thì định nghĩa trong Hán-Việt tự điển: “Phần hồn, là cái làm chúa tể cả phần tinh thần. Người ta lúc sống thì hồn phách cùng quấn với nhau, đến lúc chết thì hồn phách lìa nhau. Vì thế mới bảo thần với quỷ đều là hồn hoá ra cả, vì nó là một vật rất thiêng, thiêng hơn cả muôn vật, cho nên lại gọi là linh hồn 靈魂”.
Trong cuốn Tự điển và Danh từ triết học của Trần Văn Hiến Minh thì: “hồn là nguyên sinh lực hội tụ nơi sinh vật, linh hồn là cái yếu tố quyết định quan trọng, nhờ linh hồn mà sinh vật mới có sự sống.”
Theo quan niệm của Triết học
Linh hồn trong nhiều truyền thống tâm linh, triết học, tâm lý cho rằng nó là bản chất tinh thần (Esprit) và bất tử (Éternité) của con người. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.
Từ thời cổ đại xuất hiện thuyết nói về linh hồn đó là thuyết vạn vật linh (hay thuyết linh hồn nguyên thủy – Animism). Theo thuyết này thì tất cả mọi thứ trên quả đất từ con người đến con thú và ngay cả cỏ cây, đất đá cũng đều có linh hồn. Quan niệm này còn khá phố biến trong dân gian và ta cũng đã thường gặp lại trong các câu như: “Hồn thiêng sông núi”, “Hồn nước”…
Bắt đầu từ Sử thi Anh hùng ca của Homère, vấn đề “linh hồn” đã được đề cập trong lịch sử tư tưởng – triết học của loài người, kể từ thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, với nhiều quan niệm và nhận thức khác nhau.
Tới khi nền văn minh cổ Hy Lạp gặp gỡ với đạo Saman (Chamanisme), một loại hình tôn giáo sơ khai phổ biến ở vùng Siberia, thường tổ chức các cuộc tiếp xúc với linh hồn người chết, thì do ảnh hưởng của đạo này, một số tác giả Hy lạp, trong đó có Pythagore, Empédocle cho rằng trong con người tồn tại một linh hồn hay một “cái ngã” có nguồn gốc thần thánh, mà bằng các phương pháp và kỹ thuật thích hợp nào đó, có thể tách rời linh hồn ra khỏi thể xác.
Trong số các tác giả Hy Lạp cổ, có lẽ Platon, cùng với Aristote, là những triết gia đã đưa ra được một lý thuyết tương đối hoàn chỉnh về linh hồn.
Socrates bảo linh hồn là tinh thể (Essence). Platon giảng rằng linh hồn bao gồm lý trí (Logos), tình cảm (Thymos) và ái/tình dục (Éros).
Triết gia Aristote định nghĩa linh hồn là “hoạt tính của một cơ thể sống” và cho rằng: “linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt không còn nữa” (xem trong cuốn De Anima – Về Linh hồn).
Tuy nhiên, Platon thầy của Aristotle, chịu ảnh hưởng sâu xa từ học thuyết nhị nguyên luận, ông cho rằng: “linh hồn có thể hiện hữu một cách độc lập đối với thể xác và nó chỉ ở trong một trạng thái “thuần khiết” khi nào nó được giải thoát ra khỏi ngục tù – cơ thể“. Platon cũng đã đưa ra nhiều luận chứng khác nhau để chứng minh về sự “bất tử” của linh hồn.
Tính phi vật chất này đã dần dần hình thành những quan niệm của con người về một trường năng lượng thiêng liêng gọi là “LINH” tồn tại song song với đời sống hiện hữu của con người. Linh hồn không thể là cái có hình dạng hoặc có thể thấy được qua mắt người… bởi vì nếu là hữu hình thì làm sao linh hồn đi vào thể xác được?
Sự chết và nghi lễ Tang ma
Sự chết
Chết hay qua đời được hiểu là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Theo đó, chết tức là lúc mà phần hồn (định nghĩa ở trên) sẽ rời khỏi cơ thể sống.
Từ thời cổ đại, con người đã có những nghi lễ đối với sự kiện “trọng đại” này. Người Việt cũng không ngoại lệ, từ thủa hồng hoang, người Việt cổ đã đặt ra những nghi lễ mai táng đối với một người nào đó qua đời. Những kết luận khảo cổ đã chứng minh người Việt cổ đã biết chôn người chết cùng với đồ tuỳ táng trong hang đá, hoặc gần bếp lửa. Bên cạnh đó, các nhà khảo cố cũng phát hiện nhiều cách chôn khác nhau ở những giai đoạn khác nhau thời cổ như giai đoạn văn hoá Đông Sơn (Thanh Hoá), Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), Bắc Sơn (Lạng Sơn).
Suốt tiến trình lịch sử, sự du nhập văn hoá của các tộc người, quốc gia lân cận đã từng bước bổ sung, thay đổi tư duy của người Việt, trong đó mạnh mẽ nhất là văn hoá Trung Hoa. Điều này không những không làm mất đi giá trị vốn có mà còn bồi đắp thêm vào vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, tạo dựng một nền văn hoá mang bản sắc riêng. Trong đó, những nghi lễ tang ma đóng một vai trò rất lớn trong sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt Nam.
Tang ma
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật bất biến trong vòng đời mỗi con người. Chính vì vậy, người Việt Nam đón nhận sự ra đi trong tâm thế chủ động và có sự chuẩn bị chu đáo cho “sự kiện trọng đại này”, hình thành nên một lễ nghi quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Các nghi thức tang ma từ ngàn đời nay vốn vô cùng phong phú và phức tạp, là một trong những đề tài về văn hóa truyền thống tốn nhiều công phu nghiên cứu, bảo tồn. Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, một số phong tục, nghi thức đã trở nên không phù hợp với đời sống hiện tại cần được bài trừ; ngược lại, nhiều nghi thức mang ý nghĩa giá trị tốt đẹp đang dần bị quên lãng, hoặc bị nhận thức sai lệch.
Từ những trăn trở trên, nhóm Cổ Phong xin được lạm phép trình bày những nghi lễ, nghi thức cử hành tang ma, ngõ hầu góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo tồn bản sắc dân tộc.
Về phương pháp, chúng tôi đặt mình vào cả hai quan điểm đồng đại và lịch đại, dựa trên sự khảo cứu tài liệu từ những nguồn đáng tin cậy, kết hợp nghiên cứu điền dã, cùng với những phép so sánh, đối chiếu, phân tích số liệu,… hướng đến việc đưa ra những kiến thức nhận định khách quan nhất trong mọi khía cạnh về hệ thống nghi thức này.
Đồng hành cùng chúng tôi là một nhóm cộng tác viên trong vai trò cố vấn học thuật, họ là những nhà sưu tầm, khảo cứu trong lĩnh vực này, hiện đang nghiên cứu, giảng tại những cơ sở giáo dục, khoa học đầu ngành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tha thiết mong có sự đóng góp của những bậc thức giả, độc giả.
Về nội dung nghi lễ tang ma, chúng tôi dự kiến sẽ bao gồm những nội dung chính như sau:
- Nghi lễ khi lâm chung
- Nhập quan
- Thiết linh tọa
- Phát tang
- Nghi lễ trước và sau đưa tang
- Hạ huyệt
- Hồi linh
- Cúng 3 ngày
- Mở cửa mả
- Chung thất (49 ngày)
- Tốt khốc (cúng cơm 100 ngày)
- Giỗ (giỗ đầu, giỗ đoạn, giỗ thường)
- Rước linh vị vào bàn thờ chính
- Cải táng
Các tác giả và tài liệu được sử dụng tham khảo chính trong quá trình khảo cứu là những cuốn sách về có tầm ảnh hưởng, về phong tục, văn hóa và các nghi lễ tại Việt Nam. Tiêu biểu:
- Việt Nam văn hoá sử cương – Đào Duy Anh
- Văn hoá Việt Nam truyền thống – Nguyễn Thừa Hỷ
- Bản sắc văn hoá Việt Nam – Phan Ngọc
- Bộ sách Nếp cũ – Toan Ánh
- Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính
- Những công trình nghiên cứu về Văn hoá của GS. Trần Quốc Vượng
- Cửa sổ lịch sử Văn hoá Việt Nam – Hà Văn Tấn
- Di sản văn hoá Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử – Phan Huy Lê
- Đất lề Quê thói – Nhất Thanh
- Tính hiện đại và sự chuyển biến văn hoá Việt Nam thời cận đại – Đỗ Quang Hưng, Trần Viết Nghĩa
- Gia Lễ xưa và nay (NXB Thanh Niên), Phạm Côn Sơn
- An Nam Phong Tục Sách (NXB Hà Nội – 2008), Đinh Tô Lan dịch chú, giới thiệu, Mai Khắc Tuân hiệu đính
- Bản sắc văn hóa Việt (NXB Văn hóa Thông tin), Phan Ngọc
- Gia Lễ Chi Nam (NXB Nhất Nam Thư Quán), Nguyễn Tử Siêu
- Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam (Sơn Nam)
- Thọ Mai Sinh Tử (NXB Văn Hóa – Thông Tin), THS. Nguyễn Mạnh Linh
- Việt Nam phong tục (NXB Văn học), Phan Kế Bính
- Văn Minh Đại Việt (NXB Văn hóa Thông tin & Viện Văn Hóa), PGS. Nguyễn Duy Hinh
- Lễ Tang – Những điều cần biết cho người Việt (PGS Nguyễn Văn Hi biên soạn)
- Tìm về bản sắc Văn Hóa Việt Nam (NXB TP Hồ Chí Minh), PGS. Trần Ngọc Thêm.