Cội nguồn của nghi thức cử hành hôn lễ của người Việt
Trong hôn lễ xưa, hôn nhân không phải là chuyện riêng của hai chủ thể kết hôn mà là câu chuyện chung của cả dòng tộc cộng đồng. Nghi biểu của hôn nhân được thể hiện ở nghi thức, tục lệ cưới hỏi được cử hành trong suốt chiều dài lịch sử.
Ở Việt Nam, sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp chép:“Hồi quốc sơ, (…), chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu, dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”.
Thời Bắc Thuộc, năm 29 sau Tây Lịch, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tr.20 chép: “Bấy giờ là năm Kỷ Sửu thời Hán Quang Vũ năm Kiến Vũ thứ 5. Tích Quang người quận Hán Trung, khi ở Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy dân. Lại lấy Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân.(…) Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ. Dân nghèo không có sính lễ cưới vợ, Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, cùng một lúc lấy vợ có đến 2.000 người..”
Đến đời vua Lê Thánh Tông, nghi lễ hôn thú được ghi chép lại cẩn thận, và được quy định bằng văn bản trong luật lệ Hôn nhân và Giá thú như sau:
“Ngày 23, bắt đầu quy định nghi lễ hôn nhân giá thú. Các nghi lễ đó là:
Khi lấy vợ, trước hết phải nhờ mối lái đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân; lễ cầu thân xong, rồi mới bàn việc dẫn cưới; dẫn cưới xong, rồi mới chọn ngày lễ đón dâu. Ngày hôm sau, [con dâu] chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến làm lễ ở nhà thờ, phải theo đúng trình tự các nghi thức tiết văn đã ban xuống mà thi hành, không được như trước, nhà trai đã dẫn lễ cưới rồi còn để qua 3,4 năm sau mới cho đón dâu.”
Từ những chi tiết này, ta thấy các nghi thức cử hành hôn lễ của Trung Quốc bắt đầu manh nha, bén rễ du nhập vào đất Việt trong thời Bắc thuộc với mô hình Lục Lễ bao gồm: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp chưng, Thỉnh kỳ, Thân nghênh và đến thời vua Lê Thánh Tông thì đã được cho vào quy định nghi lễ hôn nhân giá thú.
Các bước cử hành của một hôn lễ truyền thống của người Việt
Trước tiên chúng tôi muốn trình bày qua, về mặt tư liệu có liên quan đến vấn đề Gia lễ của người Việt đến nay mà chúng tôi tiếp cận được – so với các loại văn bản, thư tịch khác thì sách về Gia lễ tương đối nhiều. Về cơ bản, các sách đều trình bày tương đối thống nhất và có hệ thống về hôn lễ xưa của người Việt. Nhưng nếu đối chiếu các ý kiến của các tác giả một cách cụ thể ta sẽ thấy có một số điểm khác nhau phụ thuộc vào nhận định, góc nhìn của tác giả. Do đó, ở bài viết này, chúng tôi sẽ hệ thống lại dựa trên các tài liệu hiện có và trình bày ở một mức độ trung tính nhất.
Điểm qua một số tài liệu có nói tới vấn đề hôn lễ như: Lễ ký (禮 記); Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger (1885 – 1936?) , Thọ Mai gia lễ của Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760); An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919); Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1875 – 1921); Gia lễ chỉ Nam của Nguyễn Tử Siêu (1887 – 1965); Phong tục Việt Nam của Toan Ánh (1916 – 2006); hay của những tác giả thế hệ sau như Tìm về văn hóa bản sắc Việt Nam của Trần Ngọc Thêm; Tục cưới hỏi của Bùi Xuân Mỹ – Phạm Minh Thảo. Các tác phẩm đều thống nhất ở chỗ cho rằng xưa kia hôn lễ của người Việt có sáu lễ từ lúc tìm được người như ý đến lúc đón dâu gồm: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp chưng, Thỉnh kỳ, Thân nghênh. Chúng tôi xin phép được trình bày dưới đây.
Nạp thái: Là lễ mà nhà trai đã xác định trước được người con gái muốn hỏi về làm vợ. Trước đây, họ nhà trai thường mang một đôi chim nhạn [1]đến trao cho nhà gái, để tỏ ý đính ước.
Vấn danh: Lễ vấn danh là lễ mà nhà trai đến nhà gái dò hỏi tên tuổi, năm sinh, tháng đẻ của cô gái và người mẹ đẻ cô gái để chắc chắn rằng chàng trai và cô gái có hợp tuổi hay không, xung khắc thì thôi, cũng là để xác định rằng cô gái được nuôi nấng trong một gia đình cơ bản, dân gian có câu“mẹ nào con nấy” ý nói con cái phần nào bị ảnh hưởng bởi người mẹ, vậy nên “Nhìn mẹ ra con” Hay những câu như: Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, phúc đức tại mẫu đều cốt chỉ vai trò của người mẹ trong cuộc thịnh suy của con cái đời sau.
Nạp cát: Là lễ mà nhà trai mang trầu cau sang nhà gái và báo tin cho nhà gái biết bên nhà trai đã chọn được ngày lành tháng đẹp.
Nạp trưng (nạp tệ): Là lễ mà nhà trai mang lễ vật quý giá sang bên nhà gái để làm vật chứng cho sự kết thành thông gia của hai gia đình, tức ăn hỏi.
Thỉnh kỳ: Là lễ xin cho định ngày giờ để cử hành hôn lễ, tức lễ xin cưới
Thân nghênh: Là nghi lễ vô cùng quan trọng, đây là lễ rước dâu, sau khi đã được sự đồng ý của nhà gái, nhà trai dẫn người nhà mang theo lễ vật qua nhà gái để rước dâu về.
Trên đây là 6 nghi thức trong việc cử hành hôn lễ của người Việt xưa, gọi là lục lễ, ngoài những lễ chính này, còn có những lễ khác như cứ đến mỗi kỳ lúa mới, hoặc tết thì chàng rể tương lai phải nộp sêu cho nhà vợ, gọi là sêu tết, hay tục nộp cheo, chăng dây,…. .
Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt nhiều sự cầu kỳ, đôi khi chỉ phù hợp với những gia đình “thế phiệt trâm anh”. Trên thực tế từ thời Hồng Đức (1470 – 1479) trong Thiên Nam dư hạ tập đã quy định lễ cưới chỉ gôm ba bước chính là: Định thân (lễ vấn danh); Nạp trưng (ăn hỏi); Thân nghênh (đón dâu) [2]. So với thời trước quy định về hôn lễ ở thời Hồng Đức làm giảm gánh nặng cho chủ hôn, bởi thực tế nhiều gia đình nghèo, sau khi cưới vợ, trở thành con nợ truyền từ đời này qua đời khác.
Ngày nay, việc cử hành hôn lễ của người Việt đơn giản hơn nhiều so với trước đây và sẽ còn biến đổi thêm nữa về sau, đặc biệt sau khi văn hóa Tây phương được du nhập vào, cấu trúc của một đám cưới truyền thống gần như không còn thấy, thay vào đó sự pha trộn giữa các nền văn hóa với nhau tạo nên kiểu hôn lễ mới trong xã hội.
Ngọc Anh (nhóm Cổ phong)
Chú thích:
[1] Chim nhạn rất thủy chung, cặp chim nhạn thường sinh sống thành cặp với nhau đến khi chết.
[2] Dẫn theo: Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, VHLKH&XHVN, tập 1, tr, 305; 306.
Tài liệu tham khảo
- Phạm Văn Hưng, Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỷ X – XIX, Nxb ĐHQG Hà Nội.
- Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, VHLKH&XHVN, tập 1.
- Thọ mai gia lễ
- Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Nxb Khai trí.