Vu Lan báo hiếu là một đại lễ diễn ra trên toàn cõi Việt Nam, và nhiều nước Đông Á nói chung, như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lễ hội này diễn ra vào rằm tháng bảy âm lịch, trùng với ngày tết Trung Nguyên của Nông lịch Trung Hoa, do vậy từ lâu nhiều người cho rằng lễ hội này có nguồn gốc từ Phật giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, lễ Vu Lan lại có nguồn gốc từ một cuốn kinh có tên Vu Lan Bồn, một bản kinh được dịch từ tiếng Phạn, có nội dụng nói về hiếu để của con cái đối với những đấng sinh thành.
Theo Phật giáo Trung Hoa, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ 竺法護 là người dịch Vu Lan bồn kinh đầu tiên vào đời Tây Tấn 西晉 (265-316) tại Cao Xương tiểu quốc, nay thuộc lãnh thổ Tân Cương (Trung Quốc). Đến đời Đông Tấn 東晉 (317-420), một bản dịch khác xuất hiện với tựa đề là Phật thuyết báo ân phùng bồn kinh 佛說報恩奉盆經 (không rõ người dịch). Trên thực tế, để trả lời chính xác nguồn gốc Vu Lan bồn không phải là điều đơn giản. Bởi vì có nhiều ý kiến khác nhau về thuật ngữ này, không chỉ tại Việt Nam mà còn cả ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cả một số nước Tây nữa. Dựa vào nội dung của Vu Lan bồn kinh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ullambana trong Phạn ngữ có nghĩa là đảo huyền 倒 懸 (treo ngược) hay cứu đảo huyền 救倒 懸 (cứu những linh hồn bị hình phạt treo ngược).
Theo truyền thuyết Phật giáo, Mục Kiền Liên 目犍連 được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông quảng đại, do đó biết được mẹ mình là bà Thanh Đề đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật tổ về cách cứu mẹ. Trong Vu Lan bồn kinh có chi tiết: Đức Phật dạy rằng vào ngày tự tứ (ngày 15 tháng 7 âm lịch), Mục Kiền Liên nên làm thức ăn trăm món để dâng cúng chư Tăng mười phương (thập phương chúng tăng ư thất nguyệt thập ngũ nhật tăng tự Tứ. (…) Cụ phạn bách vị ngũ quả cấp quán bồn khí. (…) Cúng dường thập phương Đại Đức chúng tăng. 十方眾僧於七月十五日僧自恣時. (…) 具飯百味五果汲灌盆器. (…) 供養十方大德眾僧).
Ngày tự tứ 自恣日 là ngày lễ cuối mùa an cư kiết hạ của chư Tăng thuộc Phật giáo Bắc tông (còn gọi là Phật giáo Đại thừa 大乘 Mahāyāna). Ấy là ngày Đức Phật hoan hỉ 佛歡喜日, bởi vì sau 3 tháng vào rừng sâu trầm tư suy tưởng, các môn đồ của Phật trở về, báo cáo với Phật về sự tiến bộ của họ trong quá trình tu luyện. Đức Phật vui lắm vì thấy nhiều đệ tử dần đạt đến sự khai minh tâm tưởng. Ngày tự tứ cũng được xem là ngày “tự phê bình, kiểm điểm bản thân”. Từng vị chư Tăng ra giữa các đồng môn huynh đệ, thành khẩn kể những lỗi lầm mà mình đã phạm phải và thỉnh cầu thầy (đức Phật) cũng như các chư Tăng chỉ bảo điều hay lẽ phải để sám hối và sửa chữa sai lầm.
Vì sao có ngày Tự tứ?
Như vậy có thể thấy ngày Tự tứ trong Phật giáo nguyên thuỷ là tiền thân của lễ Vu Lan sau này. Còn lý do vì sao lại chọn rằm tháng bảy làm ngày tự tứ?
Lâm Tỳ Ni 藍毗尼 là phiên âm Hán-Việt từ chữ Lumbini (Nepali và Sanskrit: लुम्बिनी ), địa danh nay thuộc Nepal, quê hương của Đức Phật. Đây là một vùng có khí hậu nóng ẩm, thời Đức Phật còn tại thế, trong ba tháng mùa mưa, các loài côn trùng đua nhau sinh sôi, nảy nở, các chư Tăng nếu cứ đi lại khất thực, tu trì sẽ giẫm chết côn trùng, phương hại tới lòng từ bi trì niệm. Vậy nên Đức Phật đưa ra giới luật: các chư Tăng tập trung về một nơi hoang vu, rừng sâu núi thẳm nào đó, cùng nhau tu luyện, niệm trì pháp giới, sau ba tháng thì lại cùng nhau trở về, hoan hỷ kiểm điểm lại bản thân, cùng nhau sám hối, sửa chữa lỗi lầm.
Tính theo âm lịch Trung Hoa thì các chư Tăng bắt đầu an cư, kiết hạ từ giữa tháng tư, đến ngày các chư Tăng trở về thì đúng vào rằm tháng bảy.
Cũng có quan điểm cho rằng lễ Vu Lan khởi thủy tại Ấn Ðộ, trước khi đức Phật Thích Ca khai sáng ra đạo Phật, người Ấn đã cử hành lễ Bon, sau này được người theo Phật giáo Bắc tông ở gọi là lễ Vu Lan. Nhưng thuyết này còn rất mơ hồ, chúng tôi xin phép được để ngỏ, kính mời sự khảo cứu của những bậc cao minh.
I was extremely pleased to discover this site. I wanted to thank you for ones time for this particularly wonderful read!! I definitely loved every little bit of it and I have you bookmarked to see new stuff on your blog.