Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanskrit “Ullambana”, dịch nghĩa sang Hán văn có nghĩa là “Giải đảo huyền 救倒 懸” và khi chuyển nghĩa sang tiếng Việt thành “Cứu nạn treo ngược”. Trung Hoa dịch nghĩa là “đảo huyền”, treo ngược chân lên trời, đầu xuống đất, là một hình phạt vô cùng tàn khốc, áp dụng cho các tội đồ. Cứu đảo huyền được hiểu là cứu vớt những kẻ đau khổ như đang bị treo ngược. Người Trung Hoa phiên âm từ “Urabone” thành từ “Vu Lan Bồn”, nói tắt là “Vu Lan”.
Trong ngôn ngữ Phật giáo, “giải 救” có nghĩa là gỡ (sự vật, sự việc) ra khỏi vướng mắc, cởi (con người) ra khỏi sự trói buộc (của tham, sân), ra khỏi sự mê lầm nhận thức (si). “Ðảo 倒” là ngược, cũng có thể hiểu là dẫn đến nhận thức và hành động sai lầm, từ đó đưa con người đến cảnh khổ. “Huyền 懸” là treo. “Ðảo huyền 救倒” là (người) treo ngược, đầu trở xuống đất, chân đưa lên trời.
Theo sự giải thích này, “giải đảo huyền” nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, gỡ họ khỏi gông cùm xiềng xích, khổ đau, hoạn nạn. Như vậy, cũng có thể hiểu “giải đảo huyền” là giải thoát con người khỏi tất cả những đau khổ, phiền não, những sợi dây luyến ái vô hình trói buộc vào cõi luân hồi, giải thoát con người khỏi “thập nhị nhân duyên Paticca-samuppāda/十二因縁”, loại trừ tam độc (tham, sân, si) và hướng đến “bát chính đạo/ āryāṣṭāṅgamārga/ 八正道”.
Lịch sử của lễ Vu Lan tại Việt Nam
Người Việt tiếp xúc với Phật giáo từ rất sớm. Nhiều chứng liệu cho thấy vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, trên đất Việt đã có chùa và có nhiều người đi tu. Tuy nhiên, do chiến tranh, giặc ngoại và điều kiện lưu trữ không được chú trọng nên rất khó để tìm thấy tư liệu ghi chép cụ thể lễ Vu Lan bắt đầu du nhập nước ta từ bao giờ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, chép “năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9, mùa thu, tháng Bảy, năm Mậu Tuất (1118), bày cỗ bàn tiết Trung Nguyên, nhân vì Lễ Vu Lan bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng Thái hậu”.
Hội Tường Đại Khánh là niên hiệu đầu tiên của triều Lý Nhân Tông và Linh Nhân hoàng thái hậu chính là Ỷ Lan Thái phi, mẹ của Lý Nhân Tông, đã mất vào tháng bảy năm trước, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8. Ở một đoạn khác, sử chép: “Năm Thiên Thuận thứ 1, mùa thu tháng Bảy năm Mậu Thân (1128), tiết Trung Nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng, vì hôm ấy là ngày Lễ Vu Lan bồn cầu siêu cho Nhân Tông nên không đặt lễ yến”. Thiên Thuận là niên hiệu của vua Lý Thần Tông, nối ngôi vua Lý Nhân Tông đã mất năm trước.
Tiếp nối truyền thống, vào năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), vua Lê Thái Tông cũng thiết lễ Vu Lan bồn. Trong Châu Bản triều Nguyễn được biên dịch, nhà nghiên cứu Lý Kim Hoa cũng ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến lễ Vu Lan trong suốt 143 năm dưới các triều đại nhà Nguyễn từ Gia Long tới Bảo Đại. Đặc biệt, trong giai đoạn này, triều đình tổ chức lễ Vu Lan còn có mục đích cầu siêu cho tướng sĩ trận vong và dân chúng chết oan trong chiến trận.
Trong mùa Vu Lan, ngoài ý nghĩa báo hiếu, cầu siêu, người Việt Nam còn tổ chức nghi thức Bông hồng cài áo để tưởng nhớ những người mẹ đã khuất và tỏ lòng biết ơn các bà mẹ còn tại thế. Nghi thức này xuất phát từ đoản văn Bông hồng cài áo (1962) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngài cảm tác sau khi dự một dịp lễ Vu Lan tại Nhật Bản. Cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý từ đoản văn này để sáng tác ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo thường được sử dụng trong ngày lễ Vu Lan. Với nếp nhạc ở cung Đô trưởng ngậm ngùi, sâu lắng, và ca từ tha thiết:
“Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Như đoá hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Nội dung phản ánh trong Lễ Vu Lan phù hợp với phong tục, tập quán và lối sống “hiếu thảo, đạo hạnh”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt, cho nên, ngay từ khi mới ra đời, lễ Vu Lan trở thành một phần trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – tập tục rất quan trọng trong nền văn hoá của một số nước châu Á, được xã hội chấp nhận và tồn tại đến ngày nay, mặc dù cũng có nhiều mai một về nội dung và sự biến tướng về hình thức cho phù hợp với xã hội hiện đại. Sự tồn tại của lễ hội với bao thăng trầm lịch sử chứng tỏ sức sống và ý nghĩa nhân văn cũng như chức năng giáo dục, hướng thiện của nó là sự bất diệt.
Vương Minh