Từ nguyên
Tết Nguyên đán (元旦) hay còn gọi là Nguyên chính (元正)/ Nguyên sóc (元朔)/ Nguyên nhật (元日),vốn là từ có nguồn gốc Hán. Về từ Tết và Tiết theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn[1] thì“Tết và Tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “節” “tết” xuất hiện trước “tiết”, vào giai đoạn chữ “tiết” 節 có âm đọc trong tiếng Hán trung cổ là /tết/. “Tiết” xuất hiện sau “tết”, vào giai đoạn âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “tiết” 節 đã biến đổi thành /tiết/. Ban đầu cả “tết” và “tiết” đều được phát âm giống như âm đọc của chữ “tiết” 節 trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn, về sau do sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt cách phát âm của chúng đã thay đổi thành “tết” và “tiết” như hiện nay[2]. Như vậy có thể hiểu Tết và Tiết đều có nguồn gốc từ cách đọc Hán – Việt, ngày nay chúng ta dùng Tết nhiều hơn thay vì Tiết. Đó là cách đọc, còn về phần nghĩa, từ Tết mà ngày nay chúng ta quen dùng có cùng gốc với từ Tiết (節), Tiết có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa được dùng rộng hơn cả là chỉ các khí tiết trong một năm Âm lịch (“nhị thập tứ tiết khí” 二十四節 hai mươi bốn tiết trong năm). 24 điểm tiết khí (節氣) trong một năm là cách tính các mốc thời gian trong một năm Âm lịch của cư dân nông nghiệp vùng Đông Á – Đông Nam Á.
Về phần từ nguyên của từ Nguyên đán (元旦) thì Nguyên (元) có nghĩa là “mới”, “đầu tiên”; còn đán (旦) là buổi sáng tinh mơ. Như vậy, Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên, và “buổi sáng đầu tiên” này ban đầu chỉ buổi sáng đầu tiên của 24 khí tiết trong một năm Âm lịch . Về sau Tết/Tiết Nguyên đán dần trở thành một ngày lễ lớn trong năm, ngày đầu tiên của một chu kỳ canh tác của cư dân nông nghiệp.
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Nằm trong khu vực đồng văn Hán tự[3]. Về cơ bản, các giá trị văn hóa của Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản ít nhiều đều chịu ảnh hưởng ở những khía cạnh khác nhau, với mức độ đậm nhạt khác nhau. Chính sợi dây liên kết chặt chẽ này khiến rất nhiều các giá trị văn hóa ở các nước thuộc khu vực “ngoại biên” Trung Hoa dễ bị lầm tưởng là bắt nguồn từ Trung Quốc. Ở đây, Tết Nguyên đán một cái Tết chung cho cả nền văn minh Á Đông cũng bị hiểu lầm có nguồn gốc từ người Hán.
Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, rất nhiều giá trị văn hóa nước ta là sự tổng hòa, giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt, Hoa trên hai phương diện: cưỡng bức và tự nguyện. Trong đó, tộc Việt là tộc chịu ảnh hưởng sớm và mạnh mẽ nhất, đặc biệt vào thời Hán Vũ đế (111 trước Tây Lịch). Cũng rõ nhất vào thời Hán Vũ đế dân tộc Việt mới từng bước cụ thể việc du nhập nền văn hóa theo cả hai con đường tự nguyện – cưỡng bức mà phần nhiều ở đây là sự cưỡng bức; và Tết Nguyên đán là một ví dụ điển hình cho sự giao thoa ấy.
Điểm qua một số tư liệu có đề cập đến Tết Nguyên đán như: An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919); Nghi lễ cúng gia tiên của Minh Đường; Tết cổ truyền của người Việt của Lê Trung Vũ; Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975)… Chúng tôi thấy rằng các tác giả trình bày rất chi tiết và có hệ thống về các lễ nghi, phong tục có trong ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hầu hết các công trình của các học giả mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo cứu mang tính khái quát mà chưa đi sâu, tìm về cội rễ, căn nguyên của Tết Nguyên đán. Xuất phát từ những trăn trở trên, ở bài viết này chúng tôi tiến hành đi truy nguyên nguồn gốc Tết Nguyên đán.
Việc đi tìm cội nguồn Tết Nguyên đán của người Việt trước nhất chúng ta phải nhìn lại các dữ kiện được ghi chép trong chính sử của Trung Hoa, điều này cho phép chúng ta truy nguyên được nguyên do cho việc hình thành nên Tết Nguyên đán cho nền văn minh Á Đông nói chung. Dấu hiệu đầu tiên cho việc hình thành nên một cái Tết chung trong toàn bộ Trung Hoa lục địa là việc Tần Thủy Hoàng thống nhất được Trung Hoa vào năm 221 trước TL; trước đó, vào thời nhà Chu các nước chư hầu nối đuôi nhau hình thành và ở mỗi một nước chư hầu đều có nền tảng văn hóa riêng biệt (từ ngôn ngữ, văn hóa, phục trang…) với nhà Chu. Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa và cho thống nhất luôn cả chữ viết, hệ đo lường… dùng lịch“kiến Hợi”[4] để quán xuyến quốc gia, từ nhà Tần về sau, các vương triều cai trị Trung Hoa đều ý thức rất rõ việc tập trung quyền lực tối ưu nhất về tay mình. Nhà Tần tồn tại không quá lâu, sau đó, chính quyền rơi vào tay nhà Hán. Đầu thời Hán, về cơ bản mọi cơ chế quản lý đất nước vẫn dựa theo mô hình của nhà Tần, tức là dùng Pháp gia để quản trị đất nước. Năm 140 TTL vào đời Hán Vũ đế, ông đã cho cải cách nền chính trị của quốc gia bằng việc “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho học”; đây có thể được xem là cuộc cải cách lớn nhất và quan trọng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc suốt 2000 năm về sau. Khi lên ngôi Hán Vũ đế quy định dùng lịch “kiến Dần”[5] trong sinh hoạt, và việc sử dụng lịch “kiến Dần” ở đây biện giải cho việc Hán Vũ đế đang muốn quay trở lại với những thành tựu ban đầu của nhà Hạ, trước đó nhà Hạ một triều đại huyền sử trong lịch sử Trung Hoa sử dụng lịch “kiến Dần” trong sinh hoạt.
Nhưng theo như các nguyên cứu gần đây, đặc biệt là nghiên cứu của Trần Quốc Vượng thì lịch “kiến Dần” không có nguồn gốc từ nhà Hạ. Trong bài viết, đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội 1988, Trần Quốc Vượng cho rằng: “Lịch kiến Dần không phải lịch nhà Hạ mà là sự tham khảo “Kinh Sở tuế thời ký” của miền Kinh Sở ở Hoa Nam trong bối cảnh của nền văn minh lúa nước. Âm – Dương lịch là sự phối kết lịch can chi Hoa Bắc và lịch 12 con vật của miền Việt cổ (Bách Việt)”[6] . Đi tới kết luận Trần Quốc Vượng gọi đó là Lịch Hoa Việt[7] hay Âm – Dương lịch. Lịch này chính là sản phẩm của lối tư duy tổng hợp kết hợp cả chu kỳ mặt trăng lẫn mặt trời của vùng văn minh nông nghiệp lúa nước mà trong bài về Tết được đăng trên Tạp chí Indochine, học giả Nguyễn Văn Huyên cũng khẳng định:“Tết, theo cả sự diễn biến của mặt trăng với mặt trời”[8]. Do đó, Tết được xác định là nương theo lịch này.
Trở lại vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng cho rằng vào thời Hán, các vua nhà Hán cùng Hán Vũ Đế cho thi hành lịch này ở mảnh đất Nam Giang thuộc phía Nam của hạ lưu sông Trường Giang (vùng Hoa Nam). Nơi đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp, vựa lúa chính của Trung Hoa. Chính vì vậy từ đời Hán, lịch để xác định thời vụ sản xuất nông nghiệp phải nương theo miền khí hậu thời tiết của miền Hoa Nam Bách Việt Cổ. Như vậy, việc nhà Hán cho rằng lịch “kiến Dần” có nguồn gốc từ nhà Hạ là không có cơ sở, mà trước hết lịch “kiến Dần” ở đây phải là lịch của cộng đồng người Hoa Nam Bách Việt Cổ.
Có thể nói, lịch “kiến Dần” chỉ là cách gọi lại của nhà Hán, nó chỉ được sinh ra từ nhu cầu quản lý đất nước hơn là sự quay trở lại với nhà Hạ theo những tuyên bố trước đó.
Qua những dẫn chứng trên, ta có thể thấy rằng, Tết Nguyên đán thực chất bắt nguồn từ cộng đồng Bách Việt cổ, nó gắn liền với sinh hoạt, đời sống của cư dân lúa nước. Sau này, khi người phương Bắc tràn xuống phía Nam, qua thời gian dài hỗn dung với văn hóa người phương Bắc, Tết Nguyên đán đã biến thành một cái Tết chung cho các khu vực đồng văn – Hán tự.
Tết Nguyên Đán – Một hình thức của văn hóa dân gian
Khi xã hội phân chia thành giai cấp một cách thành thục cũng là lúc nền văn hóa dân tộc được phân chia một cách rõ ràng nhất gồm: văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Chính vì vậy, rất nhiều các giá trị văn hóa dân gian được giới quý tộc (giai cấp thống trị) tuyển chọn, chuẩn hóa và phổ cập trong xã hội. Tết cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Tết được tầng lớp quý tộc thực thi theo những nghi thức mang tính chuẩn mực cao. Tuy nhiên, về căn bản Tết vẫn mang sắc thái của văn hóa dân gian, thật khó có thể tìm thấy sự đối chọi trong văn hóa Tết giữa tầng lớp thượng lưu và tầng lớp bình dân. Như vậy, về căn bản Tết vẫn giữ được nét văn hóa cổ truyền mà chưa có sự phân tách của văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Chúng tôi xin được lạm phép gọi đó là văn hóa dân tộc cổ truyền và trình bày những biểu thị văn hóa của Tết dưới góc độ văn hóa dân gian.
Những tục lệ trong ngày Tết
Tại Việt Nam, Tết Nguyên đán được xác định là thời điểm bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm cũ đến (ít nhất) là mùng 7 tháng Giêng năm mới. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất năm gắn liền với chuỗi các phong tục cổ truyền của người Việt.
Chuỗi các hoạt động trước Tết được khởi đầu bằng lễ cúng ông Táo về trời được cử hành vào ngày 23 tháng Chạp. Ông Táo, Táo Công hay Táo Quân (Vua Bếp) đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình, ông vừa là vị thần che chở, đồng thời cũng là người giám sát, ghi chép mọi diễn biến tốt xấu trong cả một năm của gia đình đó để “báo cáo” với Ngọc Hoàng. Chính vì quan niệm trên mà lễ cử hành tiễn ông Công, ông Táo về trời được diễn ra rất trọng thể. Lễ vật gồm: 2 mũ nam, 1 mũ nữ và ba con cá chép vàng. Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thêm cỗ mặt xôi, gà, rượu,… các nghi lễ được diễn ra trang nghiêm trong gian bếp, gia chủ sẽ thắp hương nghiêm cẩn khấn cầu thần bếp phù hộ cho gia đình sum vầy, đầm ấm, và độ thứ cho những lỗi lầm đã qua.
Vào những ngày này tất cả mọi công việc làm ăn, đồng áng, buôn bán sẽ tạm dừng, không ai vào rừng khai thác, thu lượm. Đối với các công việc nhà nước, sau khi đã làm lễ Hạp ấn tức niêm phong mọi con dấu, ấn triện, các công thư huyện – tỉnh – trấn xứ và triều đình đều đóng cửa, nghỉ việc, ngay cả trại giam cũng không tiếp nhận tù nhân mới.
Nghi thức quan trọng thứ hai sau lễ cúng ông Táo là giây phút Giao thừa. Tục ta có câu:“Tối như đêm ba mươi” nghĩa rằng: đêm ba mươi là “thái cực” của vòng quay thời gian một năm vì thế đây chính là thời điểm “thiêng” nhất trong năm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được quan niệm như sự giao hòa âm dương, phối ngẫu đất trời, để từ trong cái chết cũ nảy sinh ra sự sống mới. Chính vì vậy, lễ đón giao thừa cũng được cử hành long trọng, trang nghiêm với đầy đủ các lễ vật như xôi, gà, rượu mà đối tượng được cử hành lễ chính là “mười hai vị thừa sai”. Đây chính là các vị thần cai quản cõi nhân gian. Mỗi ông đã đảm nhiệm một năm bắt đầu từ năm Tý và kết thúc vào năm Hợi. Các vị thần này có nhiệm vụ xem xét các việc hay dở của từng gia đình, thôn xã,… để định công luận tội tâu lên Ngọc hoàng. Nguyên thủy, lễ đón các vị quan hành khiển được cử hành tại nhà văn hóa cộng đồng gọi là công lễ. Điều này phản ánh rõ nét nhất văn hóa dân tộc của người Việt – tính cộng đồng, làng xã. Ngày nay, lễ này không còn tổ chức tập trung mà thay vào đó là được tiến hành riêng lẻ tại tư gia do những biến đổi về lịch sử, xã hội.
Vào ngày Tết, các gia đình Việt thường có tục xông nhà, gia chủ sẽ chọn một người có phẩm chất tốt, tuổi tương sinh hoặc tương hợp với con giáp mà năm mới được định danh bước vào nhà mình ngay sau giao thừa, đây là một trong những nghi thức cầu may của người Việt. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình mời bạn bè, họ hàng thân quyến đã và đang làm ăn phát đạt, con cái đầy đủ, gia đình hạnh phúc đến nhà xông đất với mục đích là để xin vía lành.
Ngoài ra nhiều người còn lưu giữ tục chọn hướng xuất hành, việc xuất hành phải hợp giờ, theo hướng tương hợp, tương sinh với tuổi của mình, với con giáp năm mới để cầu tài đón lộc. Trên đường xuất hành, người ta hay ghé qua đình, chùa hoặc đền, miếu để lễ Thánh, lễ Phật cầu cho một năm mới bình an hạnh phúc, người Việt còn có tục hái lộc đầu năm, người ta thường bẻ những cành si, cành đa, hay bất kỳ cây nào đó trong đền, chùa để xin lộc Trời, Đất, Thánh, những cành này được gọi là cành lộc được trưng ở nhà cho đến hết Tết. Tục này biểu trưng cho mong ước “đâm chồi, nảy lộc” của dân tộc ta.
Trong những ngày Tết khoảng 3 đến 5 ngày. Đặc biệt vào buổi sáng mùng Một các gia đình đều dậy từ rất sớm, sửa soạn cỗ cúng tổ tiên. Mâm cơm thờ cúng tổ tiên phải thịnh soạn và trang trọng nhất. Do vị trí địa lý, khí hậu đã quy định lối sinh hoạt của người Việt “trời nóng sốt, dân ưa tắm ở sông (…), Tiếp khách thì đãi trầu cau. Tính ưa ăn dưa, mắm và những vật dưới biển (…) hay uống rượu, thường uống quá độ”[9] chính vì vậy, vào ngày Tết không thể thiếu các món ăn truyền thống như: giò, chả, thịt mỡ. Dân gian ta có câu:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Bên cạnh đó, người Việt rất coi trọng tình cảm gia đình, Tết chính là ngày đoàn viên, dù buôn ba nơi đâu, vào những ngày Tết họ cũng cố gắng thu xếp công việc quay về cố hương, xum họp gia đình, cộng cảm cùng thân quyến nội ngoại.
Tháng giêng ăn Tết ở nhà.
Ngoài ra, họ còn rất coi trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được thể hiện qua thế ứng xử trong ba ngày Tết.
Mùng một Tết cha
Mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy.
Đây chính là đạo đức hiếu lễ, tôn sư trọng đạo của “nho phong” của dân tộc.
Có thể nói, Tết Nguyên đán là dịp mà ở đó, các tục lệ được diễn ra nhiều nhất trong năm như tục tắm tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng, hái lộc, lì xì lấy may, xuất hành,… Bên cạnh đó, người Việt còn “tránh đi tất cả những cái gì có thể là điềm gở đem lại sự không may mắn quanh năm”[10] vì thế, dân ta đã đặt ra những điều kiêng kỵ trong những ngày Tết như: kiêng cho vay tiền, kiêng cho lửa, kiêng làm đổ vỡ các đồ như ấm, chén, bát, nhà mới có tang không đến nhà người khác vào đầu năm mới. Tựu chung lại, tất cả những việc làm trên chỉ nhằm mục đích mong một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng.
Sau ba đến năm ngày, các gia đình sẽ lần lượt làm lễ hóa vàng, lễ này được cử hành rất long trọng với ý nghĩa tiễn ông bà tổ tiên về lại thế giới bên kia. Độ chừng mùng Bảy Tết là lễ khai hạ. Đây khoảng thời gian bắt đầu điểm kết thúc của Tết Nguyên đán. Các hoạt động thường nhật được diễn ra bình thường. Người đi nương, rẫy sẽ làm lễ “mở cửa rừng”, còn với triều đình thì làm lễ “khai ấn”.
Khoảng thời gian Tết là thời điểm nông nhàn “tháng Giêng là tháng ăn chơi” “ tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè” các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được diễn ra như đình đám, hội hè được diễn ra rải rác suốt các tháng xuân với nhiều phong tục, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền.
Tết cung đình qua các triều đại
Về cơ bản, lịch sử Việt Nam được trải dài qua các triều đại, với mỗi triều đại lại mang trong mình những sắc thái riêng từ văn hóa, tôn giáo, chính trị thể hiện sâu sắc tư tưởng, quyền uy của cả một triều đại đó. Tết cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Vào thời Trần (1226 -1400) Tết Nguyên đán trong cung đình được cử hành rất trọng thể, mang những nét độc đáo riêng của sự quý phái, tôn nghiêm và quyền lực.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc là một trong những cuốn sử liệu lâu đời nhất tại Việt Nam, được soạn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIV trình bày tương đối chi tiết về lễ này. Theo tác giả, vào thời Trần “Trước lễ hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động Nhân, bái yết Tiên Vương,(…). Ngày Nguyên Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (Con cháu nhà Vua), các quan cận thần làm lễ hạ rước, rồi vào cung Trường Xuân vọng bái các lăng tổ,(…).Ngày mùng 2 Tết, các quan đều làm lễ riêng tại nhà. Ngày mùng 3 Tết, Vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan hậu cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. (…) Mùng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì đế quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa.[11]
Bên cạnh đó, vào thời này, Tết Nguyên đán đã trở thành môi trường giúp các cặp đôi nam nữ có gia cảnh khó khăn nên duyên vợ chồng“Con trai con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn-lễ, thì tự mình phối hợp với nhau”[12]
Sang đến thời Lê, đặc biệt thời vua Lê – Chúa Trịnh lịch sử nước nhà có nhiều biến đổi, về danh nghĩa Chúa Trịnh vẫn là bề tôi của vua Lê, tuy nhiên, trên thực tế tất cả các quyền lực của nhà nước đều nằm trong tay Chúa Trịnh, chính vì vậy Tết vào thời này cũng mang nhiều sắc thái mới mẻ.
Theo Samuel Baron, một người nước ngoài sau khi sinh sống tại Việt Nam, có mối quan hệ vô cùng thân thiết với phủ Chúa ông đã mô tả Tết cung đình thời Lê – Trịnh trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài như sau: “vào ngày 25 tháng Chạp ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp trong đúng một tháng. Trong quãng thời gian đó công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra, con nợ không bị xiết, các tội nhỏ như trộm vặt, đánh nhau… không bị truy tố, tội giết người thì bị tri phủ giải quyết bằng cách bỏ tù chờ khi khai ấn mới đem xét xử”[13] “Quan lại vào chúc Tết Vua và Chúa trong ngày đầu năm hết sức đúng giờ và lễ phép”[14].
Cũng vào thời này, lần đầu tiên lễ Nghinh xuân (lễ cầu khấn các vị thần nông nghiệp để xin các vị bảo vệ đất đai, trồng trọt đem, mang lại một năm mùa màng bội thu) được xem là điển lệ chính thức vào tiết lập Xuân được chép trong sách Lê Triều hội điển như sau: “Bộ công căn cứ theo tờ khai về hình dạng đầy đủ của trâu đất năm đó do Ti Thiên giám đưa đến, giao cho các cục thợ làm phản gỗ để đặt trâu và một con trâu lớn, một tượng thần Câu Mang lớn, 1215 con trâu nhỏ và tượng thần Câu Mang nhỏ. Lễ vật tế thần Câu Mang gồm có một con lợn, một vò rượu và một nong nếp. Tế xong, công khoa phụng lĩnh trâu đất và thần Câu Mang cung tiến các nơi khác nhau: phủ chúa 90 suất, mỗi suất một trâu đất và một thần Câu Mang; Cung miếu chính 4 suất, cung miếu 3 suất, Văn miếu 3 suất, Ngự tiền 100 suất… Khi Xuân ngưu về đến phủ chúa, chọn lấy 30 con tươi đẹp cung tiến cung miếu, Phố Quan Thường và Cung miếu Cổ Bi..”[15]
Ngoài ra trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết vào thời nhà Nguyễn, nội dung chép về phép tắc của các triều đại, trong phần Lễ Nghi Chí, tác giả viết về Tết Chính đán (Tết Nguyên đán) nội dung đề cập đến Chúa cho cử hành lễ Tết, do đó, chúng tôi phỏng đoán (nhấn mạnh) những nghi lễ được viết trong bài nói về Tết của triều Lê – Trịnh, trình bày về phong tục đón Tết trong hoàng cung thời này như sau: “Sáng sớm hôm ấy, tiết chế phủ vâng chỉ chúa, đem các đại thần công hầu bá và các quan văn võ mặc phẩm phục vào chầu mừng. Trước một ngày, Thượng thiết ty đặt ngự tọa của hoàng thượng ở chính giữa cửa Kính Thiên, đặt bảo án ở phía đông, đặt hương án ở trước ngự tọa, Giáo phường ty đặt thiều nhạc và đại nhạc ở hai bên đông tây sân rồng. Thủ vệ ty dàn cờ xí và khí giới theo nghi thức (…) Đợi đến sáng khi canh năm điểm lần thứ năm, trống và nhạc dẫn đi trước, các quan thị dạ (hầu đêm) rước án biểu, Nghị vệ ty mang tàn vàng che. Thừa dụ cục khiêng án biểu đến ngoài cửa Đoan Môn, để vào phía đông sân rồng (…) các viên chấp sự tiến trước vào sân điện Vạn Thọ, rước vua lên ngự giá, được triệu đến rước, làm lễ 5 lạy, 3 vái, lễ xong lui ra hai bên đông tây sân rồng ở chỗ đứng trước. (…) Các quan Thừa ty và các quan triều yết chia đứng ở ngoài cửa Đoan Môn. Vua lên ngai. Giáo phường ty tấu khúc nhạc Văn quang. (…) Quan tuyên biểu mục vào giữa ngự đạo quỳ tâu: (…) nay gặp tiết Chính Nguyên Đán, xin dâng biểu chúc mừng của công hầu bá và thần liêu văn võ cùng nha môn Đô, Thừa, Hiến các xứ trong nước, (…). Tâu xong, lạy xuống, đứng dậy”[16]
Sang đến triều Nguyễn, các công việc chuẩn bị đón Tết cung đình bắt đầu từ rất sớm, trước Tết một tháng, vào ngày mùng 1 tháng Chạp, triều đình tổ chức lễ ban sóc[17] tại Ngọ Môn – Kinh Đô Huế. Khâm Thiên Giám đặt triều nghi và dâng lịch của năm mới đã được soạn xong. Sau đó, Nội Các tuyên chỉ của nhà vua ban lịch cho bách quan văn võ. Các quan địa phương sẽ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Sự kiện này còn được chép lại trong Đại Nam thực lục như sau: “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm thiên giám đem lịch năm nhâm Ngọ dâng lên. Trước là quan Lễ bộ xin thiết triều ở hành tại để làm lễ ban sóc [ban lịch] (….) Lại truyển dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài.”[18]
Các vua nhà Nguyễn rất xem trọng lễ này chính vì vậy vào thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có ngự chế thơ về lễ Ban sóc.
Bài thơ ngự chế [19] của vua Minh Mạng
Nguyên văn chữ Hán:
嘉平朔作
月値嘉平欣吉旦
視朝頒朔俾明時
鼓鐘絲竹和音樂
劍佩冠裳肅禮儀
中外奉行辰有準
陰陽判定歲無差
調勻五若寰瀛賴
覆載照臨永不私
Phiên âm:
Gia bình sóc tác
Nguyệt trị gia bình hân cát đán,
Thị triều ban sóc tỉ minh thì.
Cổ chung ti trúc hòa âm nhạc,
Kiếm bội quan thường túc lễ nghi.
Trung ngoại phụng hành thần hữu chuẩn,
Âm dương phán định tuế vô si.
Điều quân ngũ nhược hoàn doanh lại,
Phú tái chiêu lâm vĩnh bất tư.
Dịch nghĩa:
Viết vào ngày Ban sóc tháng Chạp
Tháng chạp đúng lúc ngày tốt gặp,
Triều đình ban lịch rõ thời gian.
Trống chuông đàn sáo hòa âm nhạc,
Kiếm bội xiêm y cờ đủ lớp lang.
Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi,
Đất chở trời che mãi vĩnh hằng.
Tiếp đến vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), lễ Nghinh Xuân – Tiến Xuân ngưu được tổ chức ở kinh thành bằng những đám rước tượng long trọng, đến “năm thứ 3 triều Khải Định những bức tượng này được thay bằng một bức tranh có hình con Trâu và các mang thần được thờ cúng”[20] để đơn giản hóa việc cử hành lễ tế, tuy nhiên việc cử hành lễ được diễn ra vô cùng quy củ và tỉ mỉ. Đám rước bao gồm các nhạc công, binh lính trong trang phục áo choàng, những người mang vác đồ nghi trượng như lọng, các loại vũ khí bằng gỗ qua các trục đường chính trong khu phố của người An Nam, đám rước đi tới đâu, người dân vui mừng chào đón đốt pháo đến đó.
Ngoài ra vào thời Nguyễn, lễ tế Nam Giao được xem lại đại lễ quan trọng bậc nhất triều Nguyễn, lễ này chính là “sự thăng hoa của ý tưởng quốc gia. Là hành động trọng thể mà người đứng đầu nhà nước bước vào sự hiệp thông với đấng tối cao trên trời và cầu xin hạnh phúc và thịnh vượng cho dân tộc mình”[21]. Trong đại lễ, người đứng đầu hoàng cung là nhà Vua đại điện cho dân chúng, sẽ đọc văn tế, cầu xin trời đất tổ tiên giúp đỡ và ban phát điều lành cho nhân dân, đất nước.
Qua đây ta có thể thấy rằng, việc đón Tết trong hoàng cung diễn ra với nhiều nghi lễ thiêng liêng, mỗi nghi lễ lại mang hàm nghĩa, sắc thái khác nhau nhưng tựu chung lại, các nghi lễ đều là biểu trưng cho ước nguyện, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có thể nói nhờ vào sự kết hợp giữa Mặt Trăng và Mặt Trời, Tết hiện lên như một sự khởi đầu mới, một sự sống mới bắt đầu, kết thúc những tháng ngày tẻ nhạt để bắt đầu một năm với với những ước nguyện sẽ thành hiện thực. Chính vì lý do đó Tết vẫn luôn tồn tại, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại, sự rời rạc về những quan niệm đạo đức mới hay những phản xạ tâm lý xã hội mới trong thời kỳ hội nhập và nhiều biến động như hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1.Toan Ánh (1992), Nếp cũ – Tìm hiểu phong tục Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo Dục.
3. Phan Huy Chú (2007) Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo Dục.
4. Nguyễn Văn Huyên, “Tết Nguyên Đán của người An Nam”, Tạp chí Indochine, số 75 và 76, ngày 12 tháng 12 năm 1942.
5. Nhiều tác giả (2020), Tết Việt Nam xưa, Du Uyên dịch, Nxb Thế Giới.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (quyển 2), Viện sử học dịch, Nxb Giáo Dục.
7. Samuel Baron (2019), Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Nxb Khoa học Xã hội.
8. Lê Tắc (1961), An Nam chí lược, Nxb Đại học Huế.
9. Huỳnh Ngọc Trảng (2018), Khảo luận về Tết, Nxb Văn hóa – Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc.
Ngọc Anh