Theo GS Nguyễn Văn Huyên: “Chính bằng những câu thơ tuyệt cú này mà nhà thơ bất tử Nguyễn Du của Việt Nam đã tả trong truyện Thúy Kiều của cụ đám đông chen chúc nhau ngày Thanh Minh qua các bờ ruộng hẹp giữa những gò đống và mồ mả.”[1] Những câu Kiều quen thuộc khiến chúng ta ngỡ rằng tết Thanh Minh thường diễn ra vào tháng ba nhưng liệu sự thật có phải như vậy? Tại sao ngoài lễ tảo mộ còn có hội đạp thanh và nó diễn ra như thế nào?
Từ nguyên
Về từ nguyên, thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Thanh minh là khí trong trẻo và sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua đi, những mưa bụi của trời Xuân đã tan hết, bầu trời trở nên quang đãng, khí trời trong trẻo và cảnh trời sáng sủa. Đúng như lời nhận xét của học giả Nguyễn Văn Huyên: “Ngày này, được đặc trưng bởi bầu không khí trong (thanh) và sáng (minh), diễn ra hàng năm, sau tiết Xuân phân nửa tháng… Cuộc thăm mộ ngày Thanh Minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết.”[2]
Lịch pháp
Thanh Minh là tiết thứ năm trong nhị thập tứ tiết khí. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Nó được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên,… để đồng bộ hóa các mùa. Thời điểm bắt đầu các tiết khí được tính dựa trên cơ sở khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất, khá tương đồng với lịch Dương hiện nay. Thông thường, tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày mùng 5 hoặc mùng 6 của tháng 4. Tùy theo năm nhuận hay không mà ngày này diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch chứ không cố định.
Nguồn gốc lịch sử
Khảo trong sử sách, ta thấy rằng, cuốn ghi chép sớm nhất về Thanh Minh là Hoài Nam Tử – Thiên Văn huấn (sách thời Tây Hán (206 trước Tây lịch – 9)):
Nguyên văn chữ Hán: 春分後十五日,鬥指乙,則清明風至。
Phiên âm: Xuân phân hậu thập ngũ nhật, đấu chỉ Ất, tắc Thanh Minh phong chí.
Dịch nghĩa: Sau Xuân phân 15 ngày, Bắc Đẩu chỉ hướng thiên can Ất, hôm đó là Thanh Minh.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng, từ thời Tây Hán, hoặc trước đó nữa, con người đã xác định rằng sau tiết Xuân Phân 15 ngày là tiết Thanh Minh và ngày đầu tiên của tiết được gọi là tết Thanh Minh.
Sách Tuế thời bách vấn
Nguyên văn chữ Hán: 萬物生長此時,皆清潔而明凈。故謂之清明。
Phiên âm: Vạn vật sinh trưởng thử thì, giai thanh khiết nhi minh tịnh. Cố vị chi Thanh Minh.
Dịch nghĩa: Mọi thứ phát triển vào thời điểm này đều sạch sẽ và tươi sáng. Vì vậy, nó được gọi là lễ hội Thanh Minh.
Trong tiết Thanh Minh, nhiệt độ và lượng mưa đều tăng lên, là thời điểm thích hợp để cày cấy, trồng trọt. Người nông dân Trung Hoa đã có nhiều câu tục ngữ mô tả sự việc này:
Nguyên văn chữ Hán:
“清明前後,點瓜種豆”、“植樹造林,莫過清明”的農諺。可見這個節氣與農業生產有著密切的關係。”
Phiên âm: “Thanh Minh tiền hậu, điểm qua chủng đậu”; “Thực thụ tạo lâm, mạc quá thanh.”
Dịch nghĩa: “Trước sau Thanh Minh, đặt mua dưa trồng đậu”; “Trồng rừng tốt (hơn) vào tiết Thanh Minh.”
Thời cổ, hai tết Hàn Thực và Thanh Minh tiếp liền nhau, hoạt động của Hàn Thực thường kéo dài đến Thanh Minh, lâu dần, hai tiết này không có sự phân biệt rõ. Phú Sát Đôn Sùng (nhà Thanh) ghi trong sách Yên Kinh tuế thời kí rằng:
Nguyên văn chữ Hán:
清明即寒食, 又曰禁烟节. 古人最重之, 今人不为节. 但儿童戴柳, 祭扫坟茔而已
Phiên âm: Thanh Minh tức Hàn Thực, hựu viết Cấm Yên tiết. Cổ nhân tối trọng chi, kim nhân bất vi tiết, đản nhi đồng đới liễu, tế tảo phần oanh nhi dĩ.
Dịch nghĩa: Thanh minh tức Hàn thực, còn gọi là Cấm Khói. Người xưa rất coi trọng tiết này, người thời nay không xem là tiết, nhưng còn tập tục trẻ em đội cành liễu, cúng tế và tảo mộ[3].
Theo Hậu Hán Thư, tết Hàn Thực Trung Hoa xuất hiện rất muộn, từ đời Hán về sau, khi mà Trung Hoa đã chinh phục vùng đất Nam Dương Tử. Họ gọi ngày này là “Thượng Tỵ tiết” (Tỵ – chi thứ sáu trong thập nhị địa chi), tức lễ hội tắm gội rũ bỏ bệnh tật, trừ tà; về sau thêm các hoạt động đi chơi ngoài đồng (đạp thanh), ăn uống yến tiệc bên bờ sông,…
Như vậy, theo sách sử của Trung Hoa thì tết Hàn Thực, tết Thanh Minh và tết Thượng Tỵ dường như đã hòa nhập, có nhiều nét tương đồng, khó phân biệt rõ ràng.
Nguồn gốc của tết Hàn Thực xuất phát từ câu chuyện của Tấn Văn công và bề tôi Giới Tử Thôi vào thời Xuân Thu chiến quốc. Chuyện kể rằng, khi nghe tin Tấn Huệ công cử người sang nước Địch giết mình, công tử Trùng Nhĩ (sau là Tấn Văn công) cùng thuộc hạ chạy sang nước Tề. Bị mất hết tiền vàng nên ông cũng phải chịu đói. Lúc này, Giới Tử Thôi đã không tiếc thân mình mà xả thịt đùi để nấu cháo cho chủ công. Khi Tấn Văn công lên nối ngôi (636 trước Tây lịch), Giới Tử Thôi chỉ vào chúc mừng một lần đầu, rồi cáo ốm về nhà, yên phận thanh bần, vẫn đi khâu giày thuê để lấy tiền nuôi mẹ già. Tấn Văn công ban thưởng công thần, không thấy Giới Tử Thôi, cũng quên đi mất, không hỏi đến. Về sau nhờ nhận được thư người hàng xóm của Giới Tử Thôi gửi mà vua Tấn nhớ ra công lao của bề tôi bèn cho triệu Giới Tử Thôi nhưng ông đã đưa mẹ đi ẩn ở vùng núi Miên Thượng. Tấn Văn công sai người đi tìm kiếm các nơi nhưng mấy ngày liền không thấy nên cho người đốt rừng. Dẫu vậy, hai mẹ con Giới Tử Thôi nhất định không ra, nguyện chết cháy dưới gốc cây liễu. “Quan sĩ tìm được đống xương, Tấn Văn công trông thấy thì động lòng mà ứa nước mắt, bèn truyền cho quân sĩ đem chôn ở chân núi, rồi lập miếu thờ, bao nhiêu ruộng xung quanh núi đều để làm tự điền cả, đổi tên núi gọi là Giới Sơn. Ngày hôm đốt rừng, đang là tiết Thanh Minh mồng ba tháng ba. Sau người trong nước nhớ đến Giới Tử Thôi chết cháy, nên đến ngày hôm ấy không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn lương khô để ăn, gọi là tiết “Hàn thực” nghĩa là ngày hôm ấy cấm lửa, chỉ ăn đồ nguội. Tiết Hàn Thực, nhà nào cũng cắm cành liễu ở ngoài cửa, để chiêu hồn Giới Tử Thôi, cũng có nhà làm cỗ và đốt giấy để cúng tế.”[4]
Như vậy, Hàn thực là một nghi lễ, có từ đời nhà Chu, diễn ra trong tiết Thanh Minh, chứ Thanh Minh không có nghĩa chỉ là Hàn Thực.
Không rõ tết Thanh Minh được truyền về Việt Nam từ thời gian nào nhưng đã trở thành nếp văn hóa của người Việt nên được nhắc đến trong nhiều sách viết về phong tục: Hội hè lễ tết Việt Nam (GS Nguyễn Văn Huyên), Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ (Toan Ánh), Đất lề quê thói (Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu)… Cuốn An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển ghi: “Mùng ba tháng ba là tết Hàn Thực, cũng gọi là tết Thanh Minh. Người ta làm bánh trôi, cỗ bàn cúng tế gia tiên. Tết này phỏng theo người Trung Quốc kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy. Cũng có nơi nhân ngày ấy đi tảo mộ gia tiên. Tục này phần nhiều không phổ biến trong dân gian.”[5]… “Người Việt Nam đã tiếp nhận tết này từ sớm. Đến ngày này thường làm bánh trôi, bánh chay ăn thay đồ nguội nhưng mục đích chủ yếu để cúng gia tiên, ít người biết huyền tích truyện trên. Hiện nay, tết này vẫn đậm nét ở miền Bắc, nhất là các vùng thuộc tỉnh Hà Tây.”[6]
Tập tục của tết Thanh Minh
Theo truyền thống, mọi văn hóa, tín ngưỡng khi truyền về Việt Nam đều được dân ta biến tấu, dung hòa với tín ngưỡng bản địa nên không hoàn toàn giống với các nước khác. Đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh cho biết: “Người Việt Nam ta tuy không hoàn toàn ăn tết Thanh Minh như người Tàu, nhưng cũng nhân ngày tết này rủ nhau đi viếng mộ gia tiên, và cũng làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.”[7] Hay Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục cũng viết: “Tục Tàu hôm ấy, giai nhân, tài tử, đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Đạp thanh. Ta không ăn Tết ấy nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên.”[8]
Tết Thanh Minh thường được tổ chức gồm hai phần chính là lễ Tảo mộ và hội Đạp thanh.
Lễ Tảo mộ
Tảo mộ là thăm và sửa sang lại ngôi mộ của tổ tiên, ông bà… cho sạch sẽ, đồng thời thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Lễ này được cho rằng bắt nguồn từ câu chuyện của vua Tấn Văn công và Giới Tử Thôi như đã kể ở trên, nhưng lúc bấy giờ không nhất định phải tiến hành vào tiết Thanh Minh. Theo Ngô Tự Mục (nhà Tống) trong Mộng lương lục thì đến thời Tuỳ, Đường mới bắt đầu thịnh hành lễ này:
Nguyên văn chữ Hán: 官员士庶, 俱出郊省坟, 以尽思时之敬
Phiên âm: Hàng năm vào ngày này, Quan viên sĩ thứ, câu xuất giao tỉnh phần, dĩ tận tư thời chi kính.
Dịch nghĩa: Quan viên sĩ thứ đều ra ngoại thành thăm viếng mộ phần, để bày tỏ hết lòng kính trọng khi tưởng nhớ đến người đã mất…[9]
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tục này không hẳn liên quan đến Tấn Văn công mà là một ngày lễ để bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên, cơ hội để sửa sang mồ mả. Theo tác giả cuốn Đất lề quê thói: “Ngày Thanh Minh, người cùng họ họp nhau ra đồng tảo mộ, thăm viếng tất cả các mộ phần của ông bà tổ tiên, cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết thì đắp bồi, thắp ba nén hương cắm trên mộ. Đặc biệt, mộ tổ được cả họ chăm sóc, năm nào cũng đắp phụ thêm mãi thành gò đống to cao từ xa đã trông rõ… Xong công việc, dân làng lại lũ lượt kéo nhau về, họ nào cũng làm lễ tế Tổ, mọi nhà làm lễ cúng gia tiên. Cũng nhiều nơi có tục thăm viếng mộ phần ông bà tổ tiên một vài ngày trước Tết, và vẫn đi tảo mộ ngày Thanh Minh nữa.”[10] Sách Gia Định thành thông chí, tập Hạ, mục Phong tục chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: “Ở Gia Định tháng cuối năm thường lo tỉnh tảo bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vâng theo quốc điển, bởi vì gần tiết Nguyên Đán, nhà của mọi người còn ưng chỉnh sức cho đàng hoàng, huống chi lễ con cháu thờ người chết cũng như thờ người sống, đâu có lẽ ngồi coi cây cỏ rậm rợp, mả mồ khuyết lở mà không đắp sửa giẫy dọn. Tuy đời xưa không có lễ tế mộ, nhưng lễ là do nghĩa đặt ra, xem ở Trung Hoa có lễ Thanh Minh tế tảo, thì nước ta làm lễ Tảo mộ trong tháng Chạp cũng rất phải nghĩa.”[11]
Lễ này không chỉ được tiến hành trong dân gian mà còn được triều đình chú trọng. Theo Đại Nam thực lục, khi vua Minh Mệnh lệnh cho Bộ Lễ bàn về lễ Yết lăng thì được biết: “Kính xét lễ Yết lăng bắt đầu từ đời Hán. Buổi đầu chỉ cúng bốn mùa bằng lễ đặc sinh (một con trâu, bò hay dê, lợn), sau mới dùng lễ thái lao và tế ở những ngày hối vọng, 24 ngày tiết khí, tiết tam phục khí[12] tiết tháng Chạp. Đời Đường, đời Tống nhân theo, mới có lệ ngày Thanh Minh đặt tế cùng những ngày Nguyên Đán, Trung Nguyên và Đông Chí thì hữu ty làm cỗ tiến dâng thượng cung ở các lăng. Lại xét điển nhà Thanh, lễ chế Yết lăng tẩm thì hằng năm cứ đến ngày Kỵ, ngày Thanh Minh, ngày Rằm tháng bảy, ngày Đông Chí, thì ngày cuối năm và khi nhà nước có lễ mừng, đều làm lễ đại hưởng (tế tất cả các tổ tiên) ở điện Long Ân, bày đặt trâu dê nem rượu và quả phẩm. Ấy là lễ lăng các đời, lễ số phiền phức, chưa đủ làm chuẩn, mà nghi thức tiến hưởng thì đều dùng sinh và cỗ. Điển lệ quốc triều ta thì sau khi yết tảo cuối năm là đến tế Chạp, cho nên lễ phẩm yết tảo chỉ dùng hương đèn trầu rượu. Nay đã định lại lấy tiết Thanh Minh thì xin dùng sinh và cỗ dâng cúng. Ngày ấy Hoàng thượng thân yết lăng Thiên Thụ, khâm sai các hoàng tử tước công chia đi các lăng làm lễ.”[13] Có thể thấy rằng, vua triều Nguyễn rất coi trọng tết Thanh Minh, coi đây là dịp để thăm, làm lễ tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Như vậy, trong một năm, nhiều nơi người Việt thường đi tảo mộ hai lần. Một lần vào dịp trước tết Nguyên Đán nhằm sang sửa lại “ngôi nhà” của ông bà cho khang trang hơn và mời các cụ về ăn Tết, lần khác là vào dịp tết Thanh Minh.
Giải thích về lý do cần đi tảo mộ, GS Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Tại các xứ sở dân cư rất đông đúc này, mà đất đai trồng trọt lại rất hiếm, người ta thấy có nhiều tình cảm trái ngược nhau. Sự tôn trọng nơi trú ngụ của người đã khuất hầu như bị hạn chế bởi nhu cầu cấp thiết phải tồn tại của những người đang sống cứ tăng thêm từ ngày này sang ngày khác. Nếu hàng năm, đến tiết Thanh Minh, con cháu không đi tảo mộ tổ tiên, thì người chủ ruộng thế nào cũng lấn sang nấm mồ phủ trên quan tài để có thêm vài bông lúa vào mùa gặt sắp tới. Như vậy cho nên có những trường hợp, khi không có ai coi sóc mộ, thì chỉ sau vài năm, nấm mồ chỉ còn bằng cái chóp nón, để rồi một ngày kia biến mất dưới các luống cày của người nông dân túng thiếu… Sau vụ gặt tháng Mười, vào khoảng tiết Đông Chí, mọi người đi thăm mộ lần đầu tiên. Người ta ghi nhận sự xuống cấp xảy ra từ mùa mưa vừa qua, hay do công việc đồng áng gây ra của hai vụ gặt vừa rồi…”[14]. Từ đó, dòng họ có kế hoạch sửa sang, tân trang lại ngôi mộ vào dịp tết Thanh Minh sắp tới.
Bởi vậy, ngày tết Thanh Minh, những khu nghĩa địa vốn vẫn vắng lặng, đìu hiu và phần nào hơi “rờn rợn” nay trở nên đông đúc và nhộn nhịp đúng như nhà nghiên cứu Toan Ánh mô tả: “Bãi tha ma xưa nay vẫn âm u vắng lặng bỗng trở nên sầm uất trong ngày tảo mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa, xưa kia, thường nhân ngày Thanh Minh trở về tảo mộ gia tiên và có dịp để sum họp với đại gia đình… Nhiều gia đình mang theo cả mâm cỗ đi để tạ những ngôi mộ này theo thuyết phong thủy đã bị động… Có nhiều nơi, có tục đốt pháo trong dịp tảo mộ và cùng với xác pháo là những thoi vàng hồ rắc và tro tiền giấy bay. Tin theo sự bất diệt của linh hồn, cũng như tin tưởng ở sự đốt vàng mã, trong dịp đi tảo mộ, người ta không thể không có nghìn vàng thẻ hương mang theo để đốt dâng vong hồn những người quá vãng. Mấy năm về sau, nhiễm theo thói tục Tây phương, nhiều gia đình mang theo bó hoa đặt nơi mộ người thân cùng với vàng hương. Tất cả mọi hoạt động của người sống trong ngày tảo mộ đã khiến cho bãi tha ma có một vẻ tấp nập khác thường. Đây vài người đang giẫy cỏ đắp mồ, kia vài người đang khúm núm khấn vái trước một ngôi mộ. Xa xa vài đám hóa vàng. Rồi những đám đốt pháo, pháo nổ vang, mùi khói pháo hòa lẫn với mùi hương ngào ngạt, xác pháo bay quyện lấy áo là quần lượt của những người đi viếng mộ.”[15] Tục tảo mộ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, cho chúng ta cơ hội thăm nơi ông bà tổ tiên yên nghỉ và bày tỏ sự kính trọng của mình.
Hội Đạp thanh
Đạp thanh 踏青 còn gọi là xuân du, thám xuân, tầm xuân. Theo ghi chép trong Cựu Đường thư 旧唐书:
Nguyên văn chữ Hán: 大历二年二月壬午, 幸昆明池踏青
Phiên âm: Đại Lịch nhị niên nhị nguyệt Nhâm Ngọ, hạnh Côn Minh trì Đạp thanh.
Dịch nghĩa: Ngày Nhâm Ngọ tháng 2 năm Đại Lịch thứ 2, vua đến hồ Côn Minh dự hội Đạp thanh.
Có thể thấy, tập tục này đã lưu hành từ rất lâu. Nhà thơ Đỗ Phủ [16] từng viết:
Nguyên văn chữ Hán:
江边踏青罢
回头见旌旗
Phiên âm:
Giang biên đạp thanh bãi
Hồi đầu kiến tinh kì
Dịch nghĩa:
Bên sông vui hội đạp thanh xong
Quay đầu lại nhìn thấy đầy cờ xí
Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả vô cùng sinh động về hội Đạp thanh xưa:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Với hàng loạt các từ ghép hán việt: đạp thanh, yến anh, tài tử, giai nhân,… đoạn thơ ngắn đã giúp người đọc cảm nhận được sự hào hứng của những tài tử, giai nhân trong “hội”. Ai ai cũng sắm sửa cho mình những bộ áo cánh thật đẹp để đi chơi hội, đường xá tấp nập đông vui bởi những chiếc xe ngựa. Sau lễ Tảo mộ trang nghiêm, nam thanh nữ tú đều dành thời gian để chiêm ngưỡng cảnh xuân trước khi sang hạ.
Tết Thanh Minh trong lịch sử
Cuốn Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ghi chép khá rõ về vai trò của tết Thanh Minh trong việc tế lễ của các triều đình xưa: “Có người hỏi: “Ngày tiết thường thì tế như thế nào?” Chu Tử (nhà Triết học thời Nam Tống) đáp: “Về việc này, Hàn Ngụy công (Hàn Kỳ) xử trí rất khéo: gọi là tiết thường (hay tục tiết) thì phải kém chính tế (tế lễ chính)”. Tục tiết như các tiết Thanh Minh, Hàn Thực, Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Trùng Dương. Chu Tử nói tiếp: “Các bậc tiên hiền tế ở mộ, không hại gì nghĩa lý”[17]… “Pháp chế nhà Minh: khắp thiên hạ, châu, huyện đều lập Lệ đàn, mỗi năm ba ngày: tiết Thanh Minh mùa Xuân, Rằm tháng 7 mùa Thu và mùng Một tháng Mười mùa Đông. Ở trong kinh thành thì quan Phủ Doãn, ngoài kinh thành thì các quan Thú lệnh chủ tế. Trước ngày làm lễ, làm sớ điệp lên thần thành hoàng, đến ngày làm chủ tế, vua Thái tổ làm văn tế, ban phát cho các nơi làm định thức.”[18]
Là dân tộc vô cùng coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nên dịp lễ này cũng luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam chú trọng. Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, khi nói về chức vụ của Hộ bộ trong quyển XIV Quan chức chí, Phan Huy Chú cho biết: “Hàng năm các lễ sinh nhật, kỵ nhất, tế tự thời ở Thái Miếu và Chí Kính điện, các lễ ba ngày tết, Chính Đán, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Trung Thu, Trùng Cửu, Khánh thọ, Bảo thần, Quốc tiếu,… đều cử quan Lễ bộ làm bản kê đưa sang, thì phát tiền công và các hạng muối, gạo, dầu, nước mắm, giao các thự Thần Trù, Thái quan, Thần Cung, Lương Uẩn làm.”[19] Trong quyển XXI Lễ nghi chí, nhắc tới nghi thức làm lễ sinh nhật, kỵ nhật các vị thờ ở điện Thái Miếu và điện Chí Kính, ông viết: “Các tiết Chính Đán, Nguyên Tiêu và Thanh Minh, mỗi lễ chi 12 quan tiền quý, 50 bát gạo nếp và muối mắm (Nha môn Hộ bộ lĩnh ở quan Lễ phiên giao cho thái quan làm)…” Còn lễ kỵ nhật ở điện Chí Kính: “Lễ các tiết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu và Thanh Minh, mỗi lễ chi 11 quan tiền quý, 45 bát gạo nếp, 12 bát gạo tẻ và muối mắm.”[20] Như vậy, ta có thể khẳng định rằng, tục lễ tổ tiên trong tết Thanh Minh đã được tổ chức ở cấp triều đình từ trước nhà Nguyễn.
Khảo qua bộ sách Đại Nam thực lục thì ta nhận thấy rằng vào thời Nguyễn, tết Thanh Minh đã trở thành dịp các vị vua tưởng nhớ công đức của tổ tiên. Năm Minh Mệnh thứ 4 [1823], “ngày Giáp Tý, tiết Thanh Minh. Vua rước Hoàng Thái hậu đi yết lăng Thiên Thụ. Lệ trước hằng năm cứ tháng Chạp thì yết. Tháng Chạp năm ngoái thuyền Từ Cung đã khởi hành thì gió mưa bỗng nổi, vua vội đem bầy tôi theo hầu. Đến khi lễ xong, hồi loan, vua bảo Bộ Lễ rằng: “Lễ Yết lăng đời trước phần nhiều theo tiết Thanh minh. Nay lấy kỳ tháng Chạp rét mướt, không những quan viên theo ngự giá phải xông pha lạnh lẽo, mà quân lính hầu ở dọc đường đứng giữa mưa gió lại càng đáng thương. Huống chi nếu thời tiết không tạnh mà trẫm thân rước Từ Cung đi thì lại cũng không phải là ý thận trọng. Từ sau, yết lăng lấy tiết Thanh minh làm lệ.”[21]
Tuy nhiên, năm sau vào Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), Vua bảo Bộ Lễ rằng: “Từ trước đến nay hằng năm đến tháng Chạp thì làm lễ tảo mộ; năm ngoái vì gặp gió mưa nên theo cổ lễ đổi định lấy tiết Thanh Minh. Song nghĩ tảo mộ tháng Chạp là tục nước nhà đã lâu, không nên đổi bỏ. Từ nay cứ đến tháng Chạp thì Khâm Thiên giám chọn ngày rồi do bộ tâu xin sai quan làm lễ. Đến ngày Thanh Minh trẫm vẫn thân đến yết lăng.”[22] Từ đó, lễ Tảo mộ vẫn duy trì vào dịp tháng Chạp và cả tết Thanh Minh.
Vua Thiệu Trị đã đặt ra lễ “rải đất” trong dịp tiết Thanh Minh nhằm sang sửa lại lăng mộ của tổ tiên. Đại Nam thực lục cho biết vào năm Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 – 1842: “Gặp tiết Thanh Minh, sai Lưu Kinh hoàng tử Hồng Bảo đến Hiếu lăng, hoàng tử thứ ba Hồng Phó đến lăng Hiếu Đông, các hoàng thân chia nhau đến các tôn lăng để hành lễ. Vua dụ rằng: “Lễ rải đất ở Hiếu lăng, từ ta đặt ra trước, nhưng nhân có việc bang giao, phải ở lâu ngày tại ngoài này, đương lúc cuối xuân nhiều sương, sắp đến tiết Thanh Minh chưa thể về thân yết lăng mộ, trong lòng tưởng mộ, thương nhớ khôn ngăn! Các người nên kính cẩn thay ta, cần làm cho hợp ý nghĩa ngày lễ. Ta chỉ chắp tay trông lên không, ngậm thương, cúi lạy, họa may nhờ đức Hoàng khảo linh thiêng tại trên trời thương xét tới tấm lòng đau xót của ta, kẻ tiểu tử này.” Lại sai Lưu Kinh đại thần Tôn Thất Bạch, hộ ấn Trương Quốc Dụng cùng theo Hồng Bảo, giúp việc bưng sọt làm lễ rải đất (lên mộ); Tuần hộ Hồ Văn Lưu theo Hồng Phó, giúp làm việc lễ nghi; Lưu Kinh đại thần Tạ Quang Cự và Hà Duy Phiên thân tay kiểm kỹ các thứ chè, quả phẩm vật kính cẩn dâng tiến; các hoàng tử, hoàng thân tại Kinh mà tuổi đã trưởng thành, trừ ra phải chia phái đi việc khác, còn đến hôm lễ đều phải tới lạy cho hợp với lễ nghi.”[23] Từ đó về sau, các vua triều Nguyễn đều cho duy trì lễ rải đất vào dịp Thanh Minh, coi đó là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đến các vị tổ tiên.
Tết Thanh minh qua thơ ca
Thông qua việc tìm hiểu cội nguồn của tết Thanh Minh, chúng ta nhận thấy rằng nó có lịch sử lâu đời. Bởi vậy, không quá khó hiểu khi những tập tục của nó đã khắc sâu vào tiềm thức, nếp sinh hoạt của con người. Hơn nữa, nó còn trở thành chủ đề hấp dẫn nhiều nhà thơ, nhà văn. Có thể nhắc tới một số bài thơ tiêu biểu:
Bài Thanh minh của nhà thơ Đỗ Mục [24]
Nguyên văn chữ Hán:
清明時節雨紛紛,
路上行人欲斷魂。
借問酒家何處有?
牧童遙指杏花村。
Phiên âm:
Thanh Minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
Dịch nghĩa:
Tiết Thanh Minh mưa rơi lất phất
Người đi trên đường buồn tan nát cả tấm lòng
Ướm hỏi nơi nào có quán rượu
Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa
Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng từng sáng tác bài thơ Thanh minh khi nhớ về quê nhà, sau được tập hợp trong Nguyễn Trãi toàn tập (Ức trai thi tập):
Nguyên văn chữ Hán:
一從淪洛他鄉去,
屈指清明幾度過。
千里墳塋違拜掃,
十年親舊盡消磨。
乍晴天氣模稜雨,
過半春光廝句花。
聊把一杯還自彊,
莫教日日苦思家。
Phiên âm:
Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ Thanh Minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần hoàng vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tận tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ
Quá bán xuân quang tư cú hoa.
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng,
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.
Dịch nghĩa:
Từ khi lưu lạc ra ngoài nước,
Lần chuyển Thanh Minh tính mấy vòng.
Nghìn dặm tổ tiên thôi cúng lễ,
Mười năm thân thuộc bặt tin hồng.
Giữa khoang giời sáng mưa vài hạt
Gần cuối ngày xuân cỏ chớm bông.
Nâng chén, cố say, cho vững chí,
Tin nhà cố gắng, khỏi trông mong.[25]
Kết luận
Như vậy, ta có thể thấy rằng, tết Thanh Minh ở Việt Nam vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc với hai hoạt động chính là lễ Tảo mộ và hội Đạp thanh. Tuy nhiên, theo truyền thống, người Việt không hoàn toàn thực hiện theo tục lệ của Trung Quốc mà đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa. Bên cạnh tết Thanh Minh, chúng ta vẫn duy trì hoạt động tảo mộ vào dịp tháng Chạp. Đồng thời, dịp tết này không hề liên quan đến tích của Giới Tử Thôi mà thuần túy là biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên của người Việt.
Chú thích
[1] Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam, 2020, tr. 33 – 34.
[2] Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Sđd, tr. 33 – 34.
[3] Tham khảo từ bài viết của Huỳnh Chương Hưng dịp tiết Thanh Minh năm Bính Thân (4/4/2016), nguyên tác Trung văn “Thanh Minh Tiết” trong cuốn Trung Quốc phong tục đại từ điển do Thân Sĩ Nghiêu và Phó Mỹ Lâm đồng chủ biên, Trung Quốc hòa bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
[4] Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc (ebook), Nguyễn Đỗ Mục (dịch giả), Công ty phát hành Đông A, Nxb Văn Học, 2014, tr. 491.
[5] Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 23.
[6] Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Sđd, tr. 23.
[7] Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, Nxb Trẻ, 2005, tr. 347.
[8] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp, 1990, tr. 47.
[9] Tham khảo từ bài viết của Huỳnh Chương Hưng dịp tiết Thanh Minh năm Bính Thân (4/4/2016), tài liệu đã dẫn.
[10] Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Nxb Đại Nam, 1968, tr. 313.
[11] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập Hạ, mục Phong tục chí, Nha văn hóa phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972, tr. 11.
[12] Hối là ngày 30; Vọng là ngày 15; 24 tiết khí là Lập Xuân, Vũ Thuỷ, Kinh Trập, Xuân Phân, Thanh Minh, Cốc Vũ, Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng, Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ, Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết, Đông Chí, Đại Hàn, Tiểu Hàn.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Đệ nhị kỷ – quyển XIX – Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 265.
[14] Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Sđd, tr. 39 – 40.
[15] Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, Sđd, tr. 348.
[16] Đỗ Phủ (712 – 770) biểu tự Tử Mĩ, hiệu Thiếu Lăng Diệp Lão, là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời kỳ nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc.
[17] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, phần Vựng điển học, nhà sách Tự Lực, 1973, tr. 195.
[18] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, phần Vựng điển học, Sđd, tr. 189.
[18] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2005, tr. 602.
[20] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 754.
[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Đệ nhị kỷ – quyển XIX – Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, Sđd tr. 265.
[22] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Đệ nhị kỷ – quyển XXX – Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 389.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, đệ tam kỷ, quyển XVII, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 314-315.
[24] Đỗ Mục (803 – 852?) tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, là một nhà thơ thời Văn Đường trong lịch sử văn học Trung Quốc.
[25] Nguyễn Trãi Toàn tập (Ức trai thi tập), tập Thượng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr. 72.
TL tham khảo
- Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, Nxb Trẻ.
- Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp.
- Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục.
- Lê Quý Đôn (1973), Vân Đài loại ngữ, nhà sách Tự Lực.
- Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập Hạ, Nha văn hóa phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
- Nguyễn Văn Huyên (2020), Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam.
- Phùng Mộng Long (2014), Đông Chu liệt quốc (ebook), Nguyễn Đỗ Mục (dịch giả), Công ty phát hành Đông A, Nxb Văn học.
- Thân Sĩ Nghiêu và Phó Mỹ Lâm (đồng chủ biên), (1994), Trung Quốc phong tục đại từ điển, Trung Quốc hòa bình xuất bản xã xuất bản.
- Nguyễn Trãi Toàn tập (Ức trai thi tập), (2001), tập Thượng, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb Giáo Dục.
- Nhất Thanh, Vũ Văn Khiêu (1968), Đất lề quê thói, Nxb Đại Nam.
- Mai Viên Đoàn Triển (2008), An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội.