Từ nguyên
Về mặt ngữ âm, chữ tết có nguồn gốc từ chữ tiết 節 nghĩa là đoạn tre, trúc, thông, v.v phù nghĩa của nó là một khoảng thời gian ngắn trong một năm, còn gọi là tiết khí 節氣. Thuận theo sự vận hành của vũ trụ, người Trung Hoa chia một năm ra làm 24 tiết, ứng với 24 khí, lấy những tiết khí này được để tính toán, ấn định mùa vụ trồng trọt, thu hoạch trong nông nghiệp, mà ngày nay chúng ta gọi là nông lịch.
Nguồn gốc của tết Trung Nguyên
Tết Trung Nguyên có nguồn gốc từ tư duy nông nghiệp lúa nước của những tộc người sống tại lưu vực sông Hoàng Hà, Trường Giang tại Trung Hoa. Theo đó, thời cổ đại người ta cho rằng có 3 vị thần phụ trách về nông nghiệp, mỗi thần ứng vào một khoảng thời gian (tiết) nhất định nên có 3 tết: tết Thượng Nguyên thờ trời (rằm tháng Giêng), tết Trung Nguyên thờ đất (rằm tháng Bảy), tết Hạ Nguyên thờ nước (rằm tháng Mười). Ba tết này được dân gian gọi chung là Tam Nguyên.
Trong tín ngưỡng người Việt Nam, ba vị thần này cũng hoá thân thành ba vị trong văn hoá thờ Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (trời), Mẫu Địa Phủ (đất), Mẫu Thoải (nước).
Tháng Bảy âm lich là tiết Đại Thử, cuối hạ đầu thu, đây là thời điểm các cây trồng chuẩn bị đến mùa thu hoạch, các giống ngũ cốc lần lượt chín. Người dân dâng các lễ vật làm bằng ngũ cốc đã được thu hoạch (trước), thịt gia súc đem dâng cúng thần Xã 社 (thần đất), và thần Tắc 稷 (Thần Nông 神農, được cho là vị tổ sư của nông nghiệp trong thần thoại Trung Hoa), gọi tắt là Xã Tắc, để tỏ lòng cảm ơn các vị thần này đã phù trợ cho mùa màng được thuận hoà, và cầu cho những mùa sau lại thuận hoà tiếp, tiện thể cúng luôn gia tiên để tỏ lòng hiếu kính.
Lịch Sử
Tết Trung Nguyên được ghi chép lần đầu trong sách Chu lễ thời nhà Chu (Tk 10-6 trước Tây lịch), như sau: “Thiên tử mùa Xuân tế thần Mặt Trời (lễ tế Nam Giao), cuối Hạ tế thần đất (lễ tế Xã Tắc)”.
Theo sách Chư phồn chí (khuyết danh, xuất hiện thời Ngũ Đại), tết Trung Nguyên được cử hành phổ biến ở khu vực Hoàng Hà từ thời Tiên Tần (Tk thứ 4-3 trước Tây lịch).
Trong sách Lễ tết Trung Quốc, học giả Vi Lê Minh cho rằng tết Trung Nguyên phổ biến toàn cõi Trung Hoa vào thời Đông Hán (Tk thứ 1 trước Tây lịch).
Trong giai đoạn Bắc thuộc, các tộc người Việt tại phương Nam trong đó có dân tộc ta cũng chịu ảnh hưởng phong tục này của người phương Bắc, và đã tiếp nhận nó như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý có chép: “năm Canh Tý triều Lý Nhân Tông, trung tuần tháng Bảy, vua tế đàn Xã Tắc, cho mở hội, chăng đèn bảy ngày bảy đêm.” Kỷ niệm một tiết khí, thờ hai vị thần mà chăng đèn bảy ngày bảy đêm thì rõ ràng là phải cực kỳ lớn.
Tới triều đại nhà Nguyễn thì tết Trung Nguyên trở thành một ngày lễ quan trọng của triều đình. Vào thời vua Minh Mạng. Theo bộ chính sử của Quốc sử quán là Đại Nam thực lục, thì: “năm Minh Mạng thứ 16 (1835), mùa thu, tháng 9, triều đình bắt đầu định thêm thể lệ các tiết lễ hằng năm.”
Bộ này sử viết, nhà vua dụ nội các rằng: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các Tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: Những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên, Hạ nguyên, Trung nguyên, Thất tịch, Trung thu, Trùng dương, Đông chí, người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe”.
Những ngộ nhận đương đại
Tết Trung Nguyên của nông lịch diễn ra vào tháng Bảy, trùng với mùa Vu Lan của Phật giáo, Xá tội vong nhân của Đạo giáo, về mặt hình thức đều cử hành nghi lễ thờ cúng thần linh, ông bà gia tiên, nên đại bộ phận người dân thường nhầm lẫn về mặt khái niệm và nội dung của nó, cho rằng cả ba lễ hội này là một. Ở đây chúng tôi xin lạm phép được minh định lại nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa của từng lễ hội và nghi lễ kèm theo, ngõ hầu phụng sự tinh thần hiếu nghĩa, cầu thị của quý độc giả.
Vương Minh