Dẫn nhập
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hình thái của văn hóa dân gian và để khu biệt với những tôn giáo khác như Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo hay thậm chí cả Nho giáo v.v… Các nhà nghiên cứu đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt thành một bộ phận độc lập với các tôn giáo du nhập ở trên. Nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn còn gọi đó là “Đạo tổ tiên – Đạo ông bà” và được nhiều người đồng thuận. Trong chuyên luận của mình, tác giả Toan Ánh coi “thờ phụng tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo… mà lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với người đã khuất”[1] Đương nhiên Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên có những điều kiện cần và đủ để hình thành một tôn giáo hay không sẽ còn là vấn đề cần thảo luận.[2] Với chúng tôi, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa của người Việt, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và ở một số phương diện nào đó nó mang nét đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ luồng văn hóa du nhập nào khác.
Như vậy, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xem như là một sản phẩm văn hóa bản địa, nó được truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, và đồng hành tồn tại cùng với chiều dài lịch sử của dân tộc. Đối với người Việt, thờ cúng ông bà tổ tiên không chỉ mang tính chất thể hiện sự tôn kính với ông bà, cha mẹ quá cố, đó còn là một chỗ dựa tin thần qua niềm tin tín ngưỡng của người Việt. Mặc dù đóng vai trò không thể thay thế nhưng để hiểu rõ về bản chất của tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên thì chúng ta hẳn còn nhiều khúc mắc.
Trước tiên, về các hiểu thuật ngữ Tín ngưỡng, đây là từ Hán-Việt 信 仰 theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh định nghĩa: “là lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo, hay một chủ nghĩa nào đó”.[3], từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng là: tin, và phụng thờ. Nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn thì giải thích tín ngưỡng theo hai hướng: “là niềm tin nói chung hay niềm tin tôn giáo. Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu chỉ là niềm tin tôn giáo thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu nhất cấu thành cốt lõi của tôn giáo[4]”. Khái niệm Tổ tiên được hiểu là: “quan niệm Tổ tiên trong xã hội nguyên thủy có nguồn gốc là tổ tiên Tô-tem giáo[5] của thị tộc, bộ lạc. Tổ tiên Tô-tem giáo thời kỳ thị tộc mẫu hệ là những vật trong tự nhiên, có những mối quan hệ mật thiết với con người và khi được thần thánh, thiêng liêng hóa thì được gọi là Tô-tem của thị tộc, bộ lạc. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thì tộc, bộ lạc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự,… đầy quyền uy, có vai trò rất quan trọng.”[4] Về khái niệm Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hiểu là: “Khái niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là quan niệm chuyển tải trong sự thờ cúng của hậu thế, hướng tới sự tồn tại của linh hồn tổ tiên và lập mối liên hệ giữa người đã chết và người đang sống (cùng chung huyết thống). Bằng cúng tế để lập con đường “hồn” thiêng tổ tiên về chứng kiến, theo dõi hành vi sự thờ cúng của con cháu. Từ đó có thể quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong thực hành tín ngưỡng này nổi bật nhất vai trò của nó là chuyển tải đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đó là nội dung nổi trội, các nghi thức, nghi lễ là hình thức bên ngoài. Hiện nay đây là loại hình tín ngưỡng được thực hành phổ biến ở các cấp độ: gia đình, dòng tộc, quốc gia”.[6]
Điểm qua một số cách hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ta thấy, các học giả đều thừa nhận rằng đó là một hoạt động mang tính chất niềm tin mà người sống muốn gửi gắm vào người thân đã quá cố của mình, qua đó hình thành sợi dây kết nối giữa các thế hệ, xa hơn là sự liên kết của cả một cộng đồng, dân tộc.
Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Việc xác định chính xác nguồn gốc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ thời điểm nào là một việc làm bất khả thi, bởi, khảo sát qua các tư liệu, thư tịch chúng tôi nhận thấy rằng có rất ít các tài liệu nào bàn luận sâu về nguồn gốc của tín ngưỡng này.
Nhiều học giả cho rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là văn hóa nội sinh có từ thời nguyên thủy và được hình thành rõ rệt nhất vào thời kỳ Bắc thuộc, cùng với sự ảnh hưởng của văn hóa Hán. Theo nhà sử học Huỳnh Công Bá “Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng vốn có từ thời nguyên thủy ở người Việt Nam. Nó xuất phát từ lòng tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người sinh thành, dưỡng dục và tác thành ra mỗi con người”[7]. Tuy nhiên, vấn đề này, nhiều học giả lại có quan điểm ngược lại, khi căn cứ vào điểm tương đồng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt và người Hán, các tác giả lại cho rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ văn hóa Hán “ thờ cúng tổ tiên có thể lúc đầu tồn tại ở người Hán, rồi lan sang người Việt và đến một thời điểm nào đó, thì trở thành phong tục phổ biến của người Việt”[8] hay “sự thờ cúng tổ tiên của người Việt về cơ bản bắt nguồn từ sự thờ cúng tổ tiên ở người Hán”. [9] Do đó, khó có thể xác định được thời điểm khởi nguyên của tín ngưỡng này, bên cạnh đó có rất nhiều nghi vấn đặt ra:“Liệu thời điểm ra đời có thể sớm hơn không?, mối quan hệ giữa yếu tố bản địa và yếu tố ngoại lai du nhập trong việc hình thành tín ngưỡng này diễn ra như thế nào?.[10]
Vào thời Lê, lần đầu tiên trong bộ luật Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông ban hành quy định về việc hương hỏa thờ cúng tổ tiên. Theo điều 2 phần bổ sung thêm về luật hương hỏa quy định “ phàm con cháu giữ việc hương hỏa, thì không kể tuổi lớn nhỏ, phẩm trật cao thấp, phải theo lệ thường, ủy cho người con trưởng và vợ cả. Nếu người con cả chết trước, thì lấy người cháu trưởng; nếu không có cháu trưởng, thì mới lấy người con thứ. Nếu người vợ cả không có con trai khác, thì mới chọn lấy người con nào tốt của vợ lẽ. Nếu người con trưởng, cháu trưởng có tật nặng hay hư hỏng, không giữ việc thờ cúng được, thì phải trình quan sở tại để chọn người con khác thay thế. Nếu trái luật thì cho người con trưởng họ được cáo tỏ ở các nha môn để tâu lên, sẽ khép vào tội bất hiếu bất mục trái bỏ điền lễ”[11]
Cho thấy vào thời Lê, tục thờ cúng tổ tiên có văn bản pháp chế quy định khá rõ ràng, từ đó sẽ hình thành nên lằn ranh văn hóa khu biệt với các luồng văn hóa khác. Bên cạnh đó, chính những văn bản pháp chế với những quy định chặt chẽ buộc người dân tuân theo dù vô tình hay cố ý cũng đã giúp bảo toàn, phát triển tín ngưỡng này không bị mai một.
Sự quy phạm hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên này vẫn sẽ được duy trì suốt những thế kỷ về sau. Cụ thể là trong sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào thời Nguyễn chép: “rằm tháng giêng tháng bảy tháng mười gọi là “tam nguyên” các nhà đều thờ cúng tổ tiên.”[12]
Có thể nói tín ngưỡng “thờ cúng tổ tiên” vào thời quân chủ rất được coi trọng, được xem như một thành tố tất yếu không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam.
Những năm gần đây, khi nghiên cứu về tín ngưỡng này. Trong cuốn Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, do PGS.TS Hoàng Thị Lan chủ biên, tác giả cho rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên “là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử nhân loại có nguồn gốc từ Tô tem giáo (thờ vật tổ)”[13]. Vào thời nguyên thủy “sự thờ cúng tổ tiên mới chỉ ở mức độ manh nha, chưa phải là hiện tượng mang tính phổ biến”[14]. Tuy nhiên sang thời kỳ thị tộc phụ hệ, đây là thời kỳ chuyển giao quyền lực giữa người đàn ông và người phụ nữ. Lúc này, người đàn ông là người nắm mọi quyền lực trong gia đình và là người có uy tín với cộng đồng thị tộc. Từ việc đề cao vai trò của người đứng đầu và thiêng liêng hóa sự thờ cúng tổ tiên đã có từ chế độ thị tộc mẫu hệ trước đó,“đối tượng thờ cúng tổ tiên của thị tộc phụ hệ đã chuyển từ thờ cúng Tô tem sang thờ cúng người đứng đầu thị tộc (tổ tiên thật) đã chết”[15]
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì không thể đồng nhất giữa hai khái niệm thờ cúng “tổ tiên” của nước ta với “tổ tiên- tô tem giáo” thường phổ biến ở nhiều tộc người.
Qua đó cho thấy, việc truy nguyên về nguồn gốc tín ngưỡng này là rất khó. Tuy nhiên ta có thể khẳng định rằng tín ngưỡng này đã có từ rất lâu đời và được “lễ thức hóa” trong quá trình Hán hóa. Đến thời Lê đã được quy chuẩn trong các văn bản pháp chế và được giữ gìn, phát huy đến ngày nay. Và cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cần dựa vào nền tảng văn hóa – xã hội của cộng đồng cư dân Việt.
Một trong những nguồn gốc dẫn đến việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trước hết, đó là nguồn gốc từ sự nhận thức của con người. Người Việt tin vào một kiếp sống sau khi chết, cùng quan niệm “trần sao âm vậy” trong dân gian, bên cạnh đó là tư duy “vạn vật hữu linh”, nó cho phép con người thời đó tin và thờ bất cứ hiện tượng khách quan ngoài sự tri nhận của họ như thờ thần sấm, thần mưa, thờ cây, thờ đá… họ “thiêng liêng hóa” các đặc tính chỉ có ở người cho các hiện tượng tự nhiên, vì thế cái ác, cái xấu đều hiện hữu trước mắt họ thông qua hệ thống vật tổ mà họ thờ. Hiện tượng tự nhiên được sùng kính, lẽ dĩ nhiên, đối với ông, bà, cha, mẹ quá cố cũng được thờ phụng chu toàn, trước tiên xuất phát từ sự yêu kính, sau nữa sau nữa là tâm lý sợ nếu không có sự thờ phụng cẩn thận thì sẽ khiến gia đình gặp điềm xấu, bản thân phải chịu quả báo… Đặc biệt là từ khi xuất hiện ba tôn giáo Nho – Phật – Đạo thì sự thờ tự ngày càng trở nên nghiêm cẩn, hình thức của nó cũng biến đổi tùy theo sự đậm hay nhạt của những tôn giáo mà người Việt tin vào.
Tiếp đến là chỗ xã hội cổ truyền của người Việt là xã hội lấy nông nghiệp làm trọng, cuộc sống của người dân xoay quanh chòm xóm, xa hơn nữa là quy mô của xã chứ ít khi phải đi giao thương xa xôi. Điều kiện thổ nhưỡng và đời sống canh tác giúp cho người Việt sống một cuộc sống tự cung tự cấp, ít khi phải va chạm bên ngoài, điều này vô tình lại mang đến tính cố kết cao trong mỗi gia đình; mỗi gia đình là một tế bào, sau đó là dòng họ, làng xã, điều này cho phép họ duy trì kiểu gia đình nhỏ lẻ, vì vậy việc thờ cúng tổ tiên cũng thuật lợi và đảm bảo được tính liên tục hơn. Mặt khác, việc tổ chức quản lý xã hội cũng đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt. Ở thời kỳ Mẫu hệ có thể sự thờ tự chỉ mới manh nha bắt đầu, nhưng đến thời kỳ Phụ hệ với vai trò chủ đạo người người đàn ông trong gia đình, đặc biệt sau khi Nho giáo được đưa vào đã đẩy sự độc tôn của người đàn ông lên hàng tuyệt đối; từ đây sự kế thừa, thờ tự được duy trì cho người con trai đến tận ngày nay.
Cuối cùng là tâm lý của người Việt, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn, từ đó tạo ra hệ thống những giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người. Cuộc sống là môi trường văn hóa đặc biệt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con người sống trong môi trường ấy, không những chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu mà còn tiếp xúc với cái vô hình, trừu tượng, mông lung, không lý giải được bằng lý trí. Điều đó chỉ cảm nhận từ tâm thức, linh cảm của con người. Niềm tin vào sự hiện tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý của con người. Cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của con người, chết đồng nghĩa với sự xa lìa vĩnh viễn thế giới, người thân. Song quy luật sinh học khiến cho không ai có thể trốn tránh được nó. Bằng nghi thức thờ cúng tổ tiên, con người đã góp phần lý giải về cái chết và cuộc sống sau khi chết từ đó giải tỏa được tâm lý sợ hãi, cái chết được giảm nhẹ thông qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên.
Qua một số nguyên do ở trên, chúng ta thấy, rõ ràng yếu tố của tự nhiên, của xã hội và của chính tâm lý người Việt đã trở thành những tiền đề đầu tiên cho sự hình thành của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt. Đây có thể là những yếu tố cơ bản nhất cho sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, và cũng là những đặc trưng cơ bản nhất trong văn hóa của người Việt nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trong nước Việt Nam nói chung.
Nghi thức thờ cúng tổ tiên trong gia đình dòng họ
Điểm qua một số tài liệu như Thọ Mai gia lễ của Hồ Sĩ Tân, Gia lễ xưa và nay của Phạm Côn Sơn, Nếp cũ – tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh đều đề cập khá chi tiết và bài bản về nghi thức thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trong phần này chúng tôi sẽ khái quát nhất về các nghi thức trong thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thứ nhất, bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, thờ Phật, người Việt còn thờ bà Cô, ông Mãnh, Thánh sư, thổ công, thổ địa,…. ban thờ gia tiên phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, trước khi lập ban thờ phải xem ngày, chọn hướng đặt. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên sẽ gồm những thứ thiết yếu như sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, hộp trầu,… và thường được chia làm hai lớp, ngăn cách bởi một tấm y môn che rủ. Lớp trong đặt long khám của thần chủ, một đồ thờ tên gọi là tam sơn để đặt hộp trầu, chén rượu, ly nước, đĩa hoa quả. Lớp ngoài là hương án, trên đặt bình hương, đèn, ống hương, mâm bồng,… Các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm thờ phụng nhiều đời (cao, tằng, tổ, khảo). Bàn thờ gia đình chi trưởng, ngành trưởng sẽ đặt các tấm thần chủ trong đó ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Ngoài ra, trong các Từ đường dòng họ có bài vị thủy tổ, những bài vị này không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên những tấm thần chủ của các đời thì có sự dịch chuyển. Khi đến đời thứ năm thì thần chủ đời cao nhất sẽ được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, ở các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất.
Thứ hai, việc thờ cúng tổ tiên phải được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm, dù thác nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở cạnh con cháu. Bên cạnh các ngày như tang ma, giỗ chạp, cưới hỏi, lễ tết,.. còn có các ngày như sinh nở, thi cử, ốm đau,… Các nghi thức cử hành lễ này không quy định chặt chẽ, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Thông thường, đồ lễ sẽ bao gồm hương, đèn, nước, hoa, đây chính là triết lý cân bằng âm dương của người Phương Đông. Bên cạnh đó, lễ hóa vàng cũng phải được tiến hành theo nguyên tắc: không được làm rách, khi đốt xong phải đổ chén rượu xung quanh đống tro đã tàn thì người âm mới nhận được lễ.
Thứ ba, lễ thức tang ma được coi là lễ thức quan trọng nhất để đưa ông bà cha mẹ vừa mới mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên. Sách Thọ Mai gia lễ ghi chép khá chi tiết những quy định về lễ tang bao gồm các lễ như: lễ gia tân y, chúc khoáng, khiết xỉ, lễ phục hồn thiết hồn bạch, phạn hàm, tiểu liệm,… . Sau khi chôn cất có các lễ phần, phản khốc, tế ngu, mở cửa mả (sau ba ngày), lễ 49 hoặc 50 ngày còn gọi là lễ chung thất, lễ 100 gọi là tốt khốc. Quy định trang phục của con cháu cũng như cũng như để tang được quy định rõ ràng nhằm phân biệt quan hệ thứ bậc của người sống với người chết.
Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng. Ngày giỗ là dịp kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hằng năm. Trong các lễ giỗ, có ba ngày chú ý nhất: Tiểu tường (giỗ đầu), Đại tường (giỗ hết), Trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ lành). Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ là mũ, gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Khách đến vái lễ trước bàn thờ, gia chủ cũng phải vái trả lễ như trong ngày tang. Ngoài ra đồ hóa vàng cũng phải theo quy định như sắm sửa “mã biếu” để người chết biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu. Các đồ hóa vàng bao gồm: quần áo, giày dép, xe cộ,…. Sau khi đốt mã người ta sẽ đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Tâm thức dân gian thật bình dị và giàu tính thực tiễn.
Có thể nói tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã song hành cùng văn hóa dân tộc và trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt. Ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ được duy trì, bảo lưu tốt, mà ở mặt nào đó nó còn cho thấy sự nhận thức ngày càng tiến bộ của đại bộ phận người dân nói chung đối với tín ngưỡng này. Nhưng để nét đẹp văn hóa này được vững bền phải cần nhiều hơn nữa sự góp sức của xã hội, đặc biệt, là sự nhận thức đúng đắn của người trẻ về ý nghĩa văn hóa sâu xa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà người Việt đã xây dựng.
Chú thích:
[1] Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992,tr. 23,24.
[2]Theo chúng tôi, những yếu tố cần để cấu thành lên một tôn giáo gồm: Giáo chủ; Kinh pháp; Tăng đoàn, tín đồ.
[3] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb, Văn hóa Thông tin, tr.696.
[4] Đặng Nghiêm Vạn, 2012, Lý luận về tôn giáo và tình hình về tôn giáo ở Việt Nam, Nxb, Chính trị Quốc gia, tr, 100.
[5] Từ những biểu hiện của tục thờ Totem phổ biến ở nhiều cộng đồng người, năm 1869, Mc.Lennan – nhà dân tộc học người Scotland đã khái niệm hóa thành một thuật ngữ chuyên dụng của ngành dân tộc học – totem giáo (Totemism). Ông đã định nghĩa totem giáo bằng một công thức nổi tiếng như sau: Totemism = Thờ Totem + kết hôn ngoại tộc + mẫu hệ.
[6] Trần Đăng Sinh, Đoàn Đức Doãn, Giáo trình Tôn giáo học, Nxb Đại học Sư phạm 2009, tr. 279.
[7] Huỳnh Công Bá, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012,tr.412.
[8] Hà Văn Tăng, Trương Thìn, Tín ngưỡng và Mê tín, NxbThanh niên Hà Nội, 1999,tr.150.
[9] Nguyễn Thị Hải Yến, Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, tr.11.
[10] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 2001, tr.33.
[11] Người dịch TS Nguyễn Ngọc Nhuận, TS Nguyễn Tá Nhí , Quốc triều hình luật, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.152.
[12] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, tlđd, tr.60.
[13] Hoàng Thị Lan, Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.22
[14] X.A. Toocarev, các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.313.
[15] Hoàng Thị Lan, Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, tlđd,tr.23.
Tài liệu tham khảo
- Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
- Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb, Văn hóa Thông tin.
- Đặng Nghiêm Vạn, 2012, Lý luận về tôn giáo và tình hình về tôn giáo ở Việt Nam, Nxb, Chính trị Quốc gia.
- Trần Đăng Sinh, Đoàn Đức Doãn, Giáo trình Tôn giáo học, Nxb Đại học Sư phạm 2009.
- Huỳnh Công Bá, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012.
- Hà Văn Tăng, Trương Thìn, Tín ngưỡng và Mê tín, Nxb Thanh niên Hà Nội, 1999.
- Nguyễn Thị Hải Yến, Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4.
- Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 2001.
- Người dịch TS Nguyễn Ngọc Nhuận, TS Nguyễn Tá Nhí , Quốc triều hình luật, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoàng Thị Lan, Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngọc Anh