Nguồn gốc của tục ăn trầu
Tục ăn trầu là một tập tục rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam, tục này gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt cổ, đặc biệt là khu vực phía Nam, văn hóa trầu cau là trung tâm cuộc sống của người dân địa phương. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa trầu cau xuất hiện từ thời các Vua Hùng và gắn liền với “Sự tích trầu cau” thể hiện sự coi trọng thủy chung và tình gia đình gắn bó của người Việt.
Trong sách “Lĩnh nam chích quái” của Trần Thế Pháp, được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ XV chép đại khái rằng:
Đời Thượng Cổ có một ông quan họ Cao sinh được hai con trai; con cả là Tân, con thứ là Lang, mặt mũi giống nhau như hệt. Đến khi 17, 18 tuổi cha mẹ mất, hai anh em đem nhau đi nơi khác, theo học một ông thầy họ Lưu. Nhà ông thầy có người con gái 19 tuổi, trông thấy hai chàng kia đẹp trai và hiền lành bèn đem lòng yêu mến, muốn kết làm vợ chồng. Nhưng nàng không biết ai là anh, ai là em, bèn bưng một bát cháo với đôi đũa ra mời hai người và để ý xem ai ăn trước. Khi nàng đã biết đích Tân là anh, bèn xin với cha mẹ cho lấy người ấy.
Từ đó hai vợ chồng đằm thắm với nhau mà tình anh em lạt lẽo, người em phẫn chí bỏ anh mà đi. Đi đến nửa đường gặp một khúc suối sâu chảy mạnh không thể nào qua được, người em mới ngồi ở bờ mà khóc cho đến chết rồi hóa ra một cây cau. Người anh thấy em đi mãi không về bèn bỏ nhà đi tìm, đến bờ suối ấy thì thấy em đã chết, xác dưới gốc cây cau, anh thương tình quá, đập đầu vào gốc cây tự tử rồi hóa ra một hòn đá. Người vợ thấy chồng đi tìm em mà không trở về, cũng ra đi tìm, đến nơi ấy thấy chồng đã chết bèn vật mình vào hòn đá mà chết theo, rồi hóa ra một cây trầu không bám quấn quýt vào hơn đá và leo lên cây cau.Cha mẹ người con gái cảm mối tình quyến luyến của ba người, lập đền thờ ở đó.
Về sau, vua Hùng Vương đi qua xứ ấy thấy đền có cây xanh lá tốt mọc trên một khối đá, vua ngồi nghỉ mát ở đấy rồi gọi người bản thổ ra hỏi thăm sự tích. Nghe câu chuyện ấy vua bèn sai người bổ quả cau lấy một miếng cặp với một lá trầu mà nhai, nhổ nước ra hòn đá thì thấy đỏ ối. Ngài mới truyền cho thiên hạ lấy giống cau trầu mà trồng để dùng về việc lễ nghi tế tự. Nước ta có tục ăn trầu là từ đấy vậy.
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam đại cương chép: “Người Văn Lang có thói quen ăn trầu, nhuộm răng đen, dấu tích hạt cau, quả cau được tìm thấy ở Đông Sơn” hay hay cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Quốc Vượng có đề cập: “Phong tục tập quán của người Đông Sơn rất đa dạng ví như tục nhuộm răng, ăn trầu”.
Có thể thấy tục ăn trầu đã xuất hiện từ rất lâu đời tại nước ta.
Trầu cau trong văn hóa cổ truyền của người Việt.
Ở xứ ta, tục ăn trầu giản dị, gần gũi, không phân biệt tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền do đó nó đi sâu, cắm rễ vào trong đời sống văn hóa, sinh hoạt thường nhật của người Việt. Mà theo như Trần Quốc Vượng đã từng nói: “Trầu cau là một loại đặc biệt, không thuộc đồ ăn, đồ uống, cũng không thuộc đồ hút, với mọi gia đình người Việt chúng ta, Trầu cau cũng thân thuộc như cơm ăn, nước uống, như bát chè xanh, như điếu thuốc lào”. Còn với Trần Ngọc Thêm thì những nguyên liệu sử dụng để ăn trầu tượng trưng cho âm và dương. Theo ông tục ăn trầu nó tiềm ẩn một triết lý về hòa hợp âm dương giữa các chất liệu với nhau.
+ Cây cau vườn cao là biểu tượng của trời (dương).
+ Vôi – chất đá là biểu tượng của đất (âm)
+ Dây trầu mọc lên từ đất quấn quýt lấy thân cây biểu tượng cho vũ trụ trung gian hoà hợp.
Sự tổng hợp biện chứng của âm dương tam tài ấy tạo nên sự kết hợp hết sức hài hòa, viên mãn. Khi ăn người ta sẽ nhai một miếng cau tươi hoặc cau khô với một miếng lá trầu quệt vôi, phụ thêm một miếng vỏ cây chát hay miếng hột mây, hột móc. Miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ… Tất cả tạo nên một hương vị, làm cho thơm miệng, đỏ môi và khuôn mặt người ăn bừng bong như say rượu.
Chính vì vậy trầu cau đã trở thành một thứ không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt.
Cách ăn trầu của người Việt cũng cầu kỳ, công phu. Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt (nửa màu nửa hạt). Lá trầu phải chọn lá hơi ánh vàng, nhỏ, dày, tươi. Bộ đồ ăn trầu gồm có: cơi đựng trầu bằng đồng hoặc quả trầu sơn khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau dung quyết trầu. Những cụ già ăn trầu còn có thêm cối giã trầu bằng đồng chạm trổ khá tinh vi chỉ bỏ vừa miếng trầu, miếng cau, vỏ để giã. Dao bổ cau phải sắc để bổ cau cho đẹp và hạt không bị vỡ. Cũng chỉ là “Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh” nhưng cách ăn trầu của xứ ta rất duyên dáng, họ ăn trầu không những làm đỏ môi, răng đen mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp.
Tính cách, nếp sống của con người cũng được phản ánh qua cử chỉ têm trầu. Têm trầu phải đạt được 2 yếu tố là: vừa vôi và vừa đẹp mắt. Do đó khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi bằng được cô gái ra têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng, cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa. Chàng hoàng tử trong truyện cổ Tấm Cám nhờ nhìn vào miếng trầu được têm khéo léo mà nhận ra được vợ mình. Theo Trần Quốc Vượng: “Nhìn miếng trầu đã biết được con người “têm” nó” và khi “Ăn miếng trầu, càng biết được “tính nết” người têm nó. Giản dị hay cầu kỳ, đậm đà hay nhạt nhẽo. Do chất lượng và số lượng vôi bôi trên lá trầu. và có khi miếng trầu ở giữa “ đậm quế hai đầu thơm cay”.
Miếng trầu lại tiềm ẩn tình nghĩa anh em nơi sự tích trầu cau. Tình anh em chia rẽ, sự hối hận muộn màng, lấy cái chết đền bù cho cái chết, rồi hóa thân thành trầu, cau, vôi, hòa hợp nơi miếng trầu. Có thể nói đây là một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, không cần rao giảng rườm rà như triết lý Tây. Ở xứ ta giản dị với “ triết lý vô ngôn” ấy vậy mà lại hay, mang đầy ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về tình nghĩa anh em.
Anh em như thể chân tay
Máu chảy ruột mềm
Miếng trầu còn là đạo lý ứng xử bạn bè, bà con lối xóm, là phương tiện để biểu lộ tình cảm con người với nhau. Qua miếng trầu và cách mời trầu, người xưa đã gửi gắm các cung bậc tình cảm: yêu hay ghét, xã giao hay chân tình… một cách tế nhị:
Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười
Miếng trầu cũng là ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật nhận lời hay chối từ trong tình cảm nam nữ:
Đi đâu cho đổ mồ hôi
Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn
Thưa rằng bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Hay:
Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn rồi em biết lấy gì trả ơn?
Trầu cau được coi là vật đầu các sự lễ nghĩa và giao du. Phàm việc tế tự, việc tang ma, việc cưới xin, việc vui mừng việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng.
Một người phương Tây đến Việt Nam vào TK XVII đã nhận xét rằng: “Người Việt Nam đi đâu cũng có túi trầu mang theo, gặp nhau sau câu chào hỏi, cởi túi trầu, người nọ lấy miếng trầu ở túi người kia, rồi vừa ăn trầu của nhau vừa trò chuyện… mến yêu, tin cậy, lịch sự biết bao.”
Đó chính là nét giao tiếp đặc biệt của người Việt xưa mà cái sự mời nhau điếu thuốc lá hay cốc bia ngày nay không sao sánh bằng.
Trong việc tế tự thì người ta thường dùng cả buồng cau để lễ, nhà mà có việc tang ma thì đem biếu tất thảy những người đến dự và đưa đi.
Với việc cưới xin, nhà gái thường thách nhà trai mấy nghìn quả cau lá trầu để chia cho thân tình, bằng hữu bà con lối xóm để chứng giám cho cuộc hôn nhân của đôi lứa.
Khi khách đến nhà chơi người ta cũng đem trầu cau ra mà thiết đãi, để thể hiện sự hiếu khách, thân mật.
Dân thôn, ai có việc gì đến nhà thôn trưởng hoặc vào cửa quan cũng đem buồng cau vào là quý. Kẻ buôn bán khi ăn miếng trầu của nhau rồi thì phải nể nhau, dân ta có câu: Miếng trầu là đầu thuốc câm.
Nghề buôn bán cau tươi, cau khô đã có những thời điểm rất thịnh hành, đặc biệt là những năm trước 1945.
Ngày nay, ít người biết ăn trầu. Miếng trầu chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh của các cụ bà ở miền thôn dã. Tuy vậy, không phải miếng trầu đã mai một mà vẫn trường tồn, trở thành một bản sắc văn hóa có nội hàm rộng, tính nhân văn, biểu tượng cho sự thủy chung, tình đoàn kết, lòng tôn kính… Do vậy, trong các kỳ lễ tế gia tiên, lễ mừng thọ, lễ hội ở làng và đặc biệt ở lễ cưới thì miếng trầu, trái cau không thể thiếu được. Trong lễ cưới, miếng trầu, trái cau là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự thủy chung bền chặt, suốt đời gắn bó trăm năm.
Tài liệu tham khảo
- Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010
- Trần Quốc Vương, Văn hóa Việt Nam – Tìn tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc
- Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Văn Học.
- Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Nxb Văn Hóa Thông Tin.