Nguồn gốc tục xăm mình của người Việt cổ
Cùng với các tập tục khác như tục nhuộm răng, ăn trầu, để tóc dài, tục xăm mình là một trong những tập tục đặc trưng nhất trong văn hóa của người Việt cổ, ra đời từ rất sớm và được duy trì liên tục đến khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XIV, được chép lại tương đối đầy đủ trong các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược,… đến thời nhà Trần tục này được xem như thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Về nguồn gốc tục này, chúng tôi nhận thấy rằng Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, được cho là viết vào thời Trần, đến thời Lê được các vị tiến sĩ nho học như Vũ Quỳnh hiệu đính, tân đính, là sách đầu tiên viết về tục xăm mình có nội dung chép như sau: “ Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:
– Ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.
Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.”[1]
Sau đó các sách như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều chép với nội dung như trên. Trong Khâm định Việt sử thống giám cương mục chép “cư dân khi xuống nước, hay bị loài giao long làm hại, Hùng Vương dạy dân lấy mực vẽ hình loài thủy quái xăm vào mình. Từ đó mới tránh khỏi nạn. Nước ta cái tục xăm mình có lẽ bắt đầu từ đấy”[2]
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm Bính Tý, khi Nguyễn Thông khảo duyệt lại bộ sách Việt sử thông giám cương mục, lấy tên là Việt Sử Thông giám cương mục khảo lược, chép:“ tục cho vẽ mình được cho là bắt đầu từ thời Hùng Vương là lầm”[3], tác giả cho rằng tục vẽ mình có cả ở châu Kinh, châu Dương chứ không phải của riêng người Việt, đời Hùng Vương buộc dây nút để nhớ việc, nhà làm sử đời sau từ chỗ nào mà ghi được lời vua nói. Do đó nên đổi thành “lúc bấy giờ dân xuống nước bị thuồng luồng cắn hại, vua bảo lấy mực vẽ thủy quái vào mình, từ đấy mới khỏi bị hại. Cái tục vẽ vào mình là bởi từ đấy, chép kèm để tồn nghi. Còn những câu khác, đều cắt bỏ ngay đi, cho được trong sáng.[4]
Do đó, ta chưa thể xác định được thời điểm khởi nguyên của tục này là từ thời Hùng Vương.
Cũng theo An Nam chí lược của Lê Tắc được chép vào khoảng TK XIV, tác giả cho biết “Dân ta hay vẽ mình”[5], ngoài ra tác giả còn khẳng định thêm tục này là “bắt chước tục lệ của 2 nước Ngô, Việt”[6], tuy tác giả đã có sự nhầm lẫn về nguồn gốc tục này nhưng qua đây ta có thể thấy rằng tục xăm mình đã từng rất phổ biến.
Vào thời nhà Lý, tháng 3, Mậu Tuất Năm thứ 9 ( 1118), vua tuyển lính cấm quân, do đó, ra lệnh cho tất cả “nô bộc tư gia gia không được xăm mực vào ngực, vào chân làm mạo theo hình dạng của cấm quân.”[7]
Đến thời nhà Trần, tục xăm mình tục xăm mình rất phổ biến đây được coi như đặc trưng văn hóa dễ nhận biết. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn lời Phật hoàng Trần Nhân Tông như sau:“Dòng dõi nhà ta vốn người vùng hạ lưu, đời đời đều chuộng dũng khí nên thường xăm hình rồng vào đùi, để tỏ rõ là không mất gốc”[8], ngụ ý rằng, đây chính là biểu hiện của tinh thần thượng võ, mà trước hết là tinh thần thượng võ của nhân dân thời Trần. Tuy nhiên, tục xăm mình đã có từ rất lâu rồi, được duy trì hàng thế kỷ, không phải của chỉ riêng nhà Trần, do đó, không thể kết luận được tục này là thể hiện tinh thần thượng võ của nhà Trần được. Trong sách Kiến Văn Tiểu Lục quyển 2 của Lê Quý Đôn, tác giả nhắc đến việc sứ giả nhà Nguyên là Trần Cương Trung đến nước ta vào cuối TK XIII cho biết rằng: “dân trong nước đều vẽ hình móc câu loằng ngoằng như những hình chạm trên lư đồng hay ở trên trống đồng cổ. Lại cũng có tục xăm chữ vào bụng”[9]
Đến thời vua Trần Anh Tông, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông sai người đến xăm mình cho Hoàng đế Anh Tông, vì sợ hãi nên vua đã tìm cách bỏ chốn được chép lại tương đối chi tiết trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy”. Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông. Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là “thái long”[10]
Tuy nhiên, một thời gian sau đó, quân sĩ và dân thường vẫn tiếp tục kế thừa và phát triển tục này một thời gian sau đó, đến thời vua Minh Tông (1300 – 1357), tục này tục này dần bị loại bỏ“Bấy giờ tuyển chọn các quân, lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không xăm mình nữa là bắt đầu từ đấy.”[11]
Qua đây ta thấy rằng, tục này ra đời từ rất sớm, tồn tại lâu dài và phát triển cực thịnh vào thời nhà Trần và phổ biến đến mức có thể coi đây như đặc trưng văn hóa Việt.
Các vị trí xăm mình của người Việt
Các vị trí xăm mình của người Việt rất đa dạng. Đặc biệt là xăm mặt và xăm thân.
Thời Lý ưa chuộng xăm mực vào ngực và vào thân: “Thích hình dạng văn hoa vào ngực và chân rồi đồ mực.”[12]
Đến thời Trần, vị trí xăm mình được đa đạng trên cơ thể như lưng, bụng, đùi,… Được chép lại khá chi tiết trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long”(rồng hoa)”[13]
Đời vua Trần Nhân Tông, dân ta chuộng xăm hình rồng ở đùi với lý do hết sức hợp lý “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.[14]
Tuy nhiên vào thời vua Anh Tông việc này bị bãi bỏ “Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.[15]
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục cũng cho việc thời này việc xăm trán rất phổ biến: “Trước kia. Túc vệ chỉ có các quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Đến đây, đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực, Điến Hậu. Tuyển những dân đinh khoẻ mạnh, phân ra ba hạng, sung vào các quân hiệu ấy. Ai cũng phải xăm trán để làm dấu ghi, như: quân Túc vệ thì trán xăm hoa; quân mới đặt thêm thì xăm trán đồ đen. Còn Thiên Trường, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Bình, và Thuận Hóa đều có quân hiệu, đặt đại đội trưởng và đại đội phó để cai quản.”[16]
Ngày nay, việc xăm mình ngày càng trở lên phổ biến, tùy theo ý thích của chủ thể mà xăm ở các vị trí khác nhau.
Ý nghĩa của tục xăm mình
Với mỗi triều đại, tục xăm mình lại mang một ý nghĩa riêng, nét đặc trưng văn hóa riêng biệt. Vào thời xưa, người ta cho rằng người Việt cổ xăm mình là để chống lại loài thủy quái, bảo vệ chính mình. Đến thời Lý, đây như một nét đặc trưng thể hiện thuần phong mĩ tục thời này, với những đường nét hoa văn đặc trưng được chạm lên mình. Liên tục đến thời nhà Trần, tục này thể hiện nét đặc trưng, tinh thần quật cường của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, thể hiện tinh thần thượng võ của quan, dân nhà Trần thời bấy giờ.
Ngày nay, tục xăm mình rất phổ biến, đặc biệt tập chung ở những người trẻ, với mong muốn thể hiện cá tính, cái tôi của bản thân, hay đơn giản là chủ thể muốn lưu lại một cột mốc, sự kiện, kỷ niệm đáng nhớ xảy ra trong cuộc đời họ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhìn nhận không mấy thân thiện về vấn đề này, họ cho rằng khi cái tôi vượt lên quá cao, vượt qua khỏi chuẩn mực xã hội với những hình xăm “ hổ báo”, “đại bàng”, “man rợ”.
Chú thích
[1] Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục dịch, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí,tr.45.
[2] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Tiền Biên – Quyển I, tr.3
[3] Nguyễn Thông, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.18.
[4] Nguyễn Thông, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, tlđd, tr.19
[5] Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Viện Đại học Huế, tr.15.
[6] Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Viện Đại học Huế, tr.15.
[7] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển IV, tr.151.
[8] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 7 a-b.
[9] Lê Quý Đôn, Kiến văn quyển lục, quyển 2, Nxb Văn hóa thông tin,tr.
[10] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 6, Nxb ,tr.209.
[11] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 6,tr.232.
[12] Soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Dịch giả – Viện Sử Học, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển IV, Nxb Giáo dục Hà Nội,tr151.
[13] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, tlđd,tr.209
[14] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, tlđd,tr.209
[15] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, tlđd,tr.209
[16]Soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Dịch giả – Viện Sử Học, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển X,tr.297.
Tài liệu tham khảo
- Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục dịch, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Tiền Biên – Quyển I
- Nguyễn Thông, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Nxb Văn hóa – Thông tin
- Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Viện Đại học Huế
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỉ, quyển 6
- Lê Quý Đôn, Kiến văn quyển lục, quyển 2, Nxb Văn hóa thông tin
- Soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Dịch giả – Viện Sử Học, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển IV, Nxb Giáo dục Hà Nội
Ngọc Anh