Nguồn gốc lịch sử
Tết Thượng Nguyên hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng. Tết Thượng Nguyên có nguồn gốc từ tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước. Theo đó, thời cổ đại người ta cho rằng có 3 vị thần phụ trách về nông nghiệp, mỗi thần ứng vào một khoảng thời gian (tiết) nhất định nên có 3 tết: tết Thượng Nguyên thờ Trời (Rằm tháng Giêng), tết Trung Nguyên thờ Đất (Rằm tháng Bảy), tết Hạ Nguyên thờ Nước (Rằm tháng Mười). Ba dịp Tết này được dân gian gọi chung là Tam Nguyên.
Tháng Giêng thường thuộc tiết Lập Xuân. Xét về thời tiết, lúc này, miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng giao thời của hai luồng gió là Đông Bắc và Đông Nam, bắt đầu có mưa phùn kéo dài khiến độ ẩm của không khí và đất lên cao, gây ra hiện tượng nồm ẩm. Điều này giúp cho cây trồng sinh sôi, nảy nở tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là khí hậu tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, bệnh tật phát triển. Thông thường, đây là dịp người nông dân chuẩn bị cho một vụ lúa mới, gọi là lúa Xuân. Có lẽ bởi vậy, người dân làm lễ dâng lên thần Xã 社 (thần Đất), và thần Tắc 稷 (Thần Nông 神農, được cho là vị Tổ sư của nông nghiệp trong thần thoại Trung Hoa), gọi tắt là Xã Tắc, nhằm cầu mong các vị thần phù trợ cho mùa màng thuận lợi.
Tuy nhiên, cùng với tiến trình lịch sử, con người dệt nên nhiều truyền thuyết, sự tích về dịp lễ này, dưới đây, xin được biên kê một số, qua các nền văn hóa, cũng như tiến trình thời gian khác nhau, để có cái nhìn bao quát hơn.
Sự tích của người Trung Quốc
Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán, Trung Quốc với lễ hội rước đèn long trọng. Câu chuyện bắt đầu từ một cung nữ tên là Nguyên Tiêu mỗi khi xuân đến lại nhớ nhà nhưng không thể rời khỏi Cấm thành, bởi vậy cô có ý định tự sát. Lúc này, Đông Phương Sóc (2) – viên sủng thần của Hán Vũ Đế vì cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cung nữ mà hứa giúp cô bày kế.
Câu chuyện này được tác giả cuốn sách Thư điển kiến thức văn hóa do Chính phủ Trung Quốc ấn hành chép như sau: “Một ngày nọ, Đông Phương Sóc rời cung, ra phố mở một tiệm xem bói, nhiều người đến xem, không ngờ ai bói cũng ra kết quả là ngày 16 tháng Giêng bị thiêu cháy. Nhất thời, thành Trường An đều hoảng loạn, mọi người mới hỏi cách giải tai ách. Đông Phương Sóc nói rằng: Tối 13 tháng Giêng, có một vị hỏa thần áo đỏ giáng trần, nàng ấy chính là sứ thần phụng mệnh đi đốt thành Trường An. Đông Phương Sóc hứa sẽ đưa cho mấy câu thơ rồi ném một tờ giấy đỏ xuống đất và bỏ đi. Dân nhặt tờ giấy đỏ đó lại mang vào cung báo với Hán Vũ Đế. Hoàng đế xem qua và thấy viết rằng: Trường An gặp kiếp nạn lửa cháy suốt 15 ngày, đêm Rằm tháng Giêng cháy đến Trung tâm Đại Kinh. Bèn cho mời Đông Phương Sóc vào. Ông giả vờ ngẫm ngợi rồi nói rằng: “Nghe nói hỏa thần này rất thích ăn cơm nắm, đêm Nguyên Tiêu ở trong cung không phải thường có cơm nắm hay sao? Người nên hạ lệnh cho làm bánh, cơm nắm để cúng hỏa thần rồi thắp đèn, đốt pháo hoa khiến người Trời tưởng rằng dưới Hạ giới đang cháy. Ngoài ra, người bên ngoài thành cũng được báo tin là đêm 15 vào thành ngắm pháo hoa để người Trời tưởng người phàm đang chạy vào thành để chữa cháy.” Hán Vũ Đế nghe xong liền hạ lệnh làm theo. Vào ngày Rằm tháng Giêng, toàn kinh thành Trường An sáng rực, trang hoàng lộng lẫy, người đến xem rất đông, cha mẹ cô Nguyên Tiêu cũng đến xem. Khi đến kinh thành, thấy có một chiếc đèn lồng to viết chữ Nguyên Tiêu ông bà liền chạy đến gọi: “Nguyên Tiêu, Nguyên Tiêu”. Cô cung nữ Nguyên Tiêu nghe thấy chạy ra vui mừng hớn hở, gia đình đoàn viên. Sau đêm hôm ấy, toàn thành Trường An bình an vô sự. Hán Vũ Đế vô cùng vui mừng, nhân đó mà hạ lệnh từ nay về sau cứ đến Rằm tháng Giêng thì làm bánh bao nếp, treo đèn lồng để cúng thần. Nhân gian gọi là Nguyên Tiêu tiết.”
Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích khác về tết Nguyên Tiêu: một thời gian, có nhiều chim thú hung dữ làm hại người dân và gia súc, người ta tổ chức đánh lại chúng. Có một con chim thần, gặp lúc khốn đốn, rơi xuống nhân gian, bị thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng biết được rất tức giận, lập tức hạ lệnh cho binh lính vào ngày Rằm tháng Giêng phóng hỏa nhân gian thiêu rụi hết con người, súc vật và toàn bộ tài sản. Con gái Ngọc Hoàng có tấm lòng lương thiện, không nhẫn tâm khi thấy những người vô tội phải chịu đau khổ nên đã mạo hiểm mạng sống của mình, bí mật thu một áng mây lành mang xuống nhân gian đồng thời báo cho nhân gian biết sẽ có một tiếng động lớn trên đầu như tiếng sấm. Trong 3 ngày đó, nhân gian thắp đèn lồng, bắn pháo hoa khiến Ngọc Hoàng tưởng nhân gian đang bị đốt cháy. Mọi người nghe xong bắt đầu đi chuẩn bị rồi làm theo. Đến ngày Rằm tháng Giêng, Ngọc Hoàng nhìn xuống nhân gian thấy lửa đỏ cháy rừng rực, âm thanh nổ đì đùng liên tiếp ba đêm nên cho rằng nhân gian đã cháy rụi hết, lấy làm thích thú. Nhân gian vì thế mà thoát chết. Để kỷ niệm sự kiện này, về sau cứ đến Rằm tháng Giêng, nhà nhà chăng đèn, bắn pháo hoa.
Cuốn sách Ngày Tết Trung Quốc (1983) cho rằng: tết Nguyên Tiêu có từ đời Hán. Hán Văn Đế lên ngôi đúng vào ngày Rằm tháng Giêng sau khi dẹp yên cuộc “Chư Lã chi loạn” (3) gây ra. Từ đó, theo lệ mỗi năm vào đêm Rằm tháng Giêng, Hán Văn Đế ra khỏi cung dạo chơi chung vui với thần dân. Chữ “Dạ” (đêm) trong cổ ngữ Trung Hoa còn được đọc là “Tiêu” nên vua đã lấy ngày Rằm tháng Giêng làm ngày tết Nguyên Tiêu. Tuy nhiên, Hán Văn Đế lên ngôi vào quãng cuối năm 180 trước Tây lịch chứ không phải Rằm tháng Giêng. Bởi vậy, có quan điểm cho rằng trải qua cuộc “Chư Lã chi loạn”, Hán Văn Đế cảm nhận sâu sắc rằng việc giữ thái bình thịnh thế là rất hệ trọng. Nhân tiện, lấy Rằm tháng Giêng kỷ niệm ngày dẹp được loạn anh em họ Lã để nhân dân cùng ăn mừng. Khắp kinh thành, đều chăng đèn nhiều màu sắc để vui với thái bình. Từ đó, ngày Rằm tháng Giêng trở thành ngày hội dân gian phổ biến, được mọi người tổ chức gọi là ngày “Náo Nguyên tiêu”.
Thời Đông Hán, Hán Minh Đế rất sùng Phật giáo. Cuốn sách Thư điển kiến thức văn hóa chép rằng: “ông được nghe Sái Am, từng sang Ấn Độ cầu pháp trở về kể rằng: Ở nước Ma – Kiệt – Đà, mỗi kỳ chính nguyệt, Tăng chúng tập trung lại ngắm xá lợi Phật xem như đó là ngày tốt.” Hán Minh Đế hoằng dương Phật pháp nên hạ lệnh vào đêm Rằm tháng Giêng thì thắp đèn cúng Phật, khắp từ trong cung cho đến nhà dân. Về sau, nó trở thành lễ hội của toàn dân. Có lẽ đây là khởi nguồn của tục lễ Phật trong ngày Rằm tháng Giêng của Trung Quốc. Thông qua bài phú Nguyên tịch do vua Tùy Dạng Đế (4) sáng tác, ta có thể hình dung rõ hơn vai trò của Phật giáo trong dịp lễ này:
Phiên âm:
Pháp luân thiên thượng chuyển, phạm thanh thiên thượng lai
Đăng thụ thiên quang chiếu, hoa diễm thất chi khai
Nguyệt ảnh nghi lưu thủy, xuân phong hàm dạ mai
Phần động hoàng kim địa, chung phát lưu ly đài.
Dịch nghĩa:
Pháp luân trên Trời chuyển, lời Phật trên Trời truyền
Dựng ngàn đèn chiếu sáng, hoa lửa khai bảy nhánh
Bóng trăng tựa dòng nước, gió xuân ngậm hương mai
Đốt động đất hoàng kim, chuông vang đài lưu ly.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Toan Ánh lại có quan niệm khác về cội nguồn của ngày tết Thượng Nguyên: “Theo các sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Trước đây chính là tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua hội họp các ông Trạng để thiết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Ngày xuân đầm ấm, gió mát trăng trong, trăm hoa đua nở, thi hứng rạt rào, các ông Trạng cùng nhau thi đua ngâm vịnh ca ngợi cái đẹp của hóa công cũng như ân đức của nhà vua. Tết Trạng Nguyên sau được đổi làm Tết Thượng nguyên.
Tết cũng còn một tên nữa là tết Nguyên Tiêu. Nhân Tết này, ban đêm tại Kinh thành và các thị xã có chăng đèn kết hoa. Ở các nơi như Giang Châu, Tô Châu gần sông nước có cuộc bơi thuyền. Thuyền được trang hoàng muôn màu sắc, thắp sáng trưng, hoa treo rực rỡ. Tại các hí trường và các công viên có nhiều trò vui như đánh gươm, cưỡi ngựa, nhảy múa,…
Các văn nhân trong đêm Nguyên Tiêu thường họp nhau uống rượu thưởng xuân, vịnh ngâm thơ phú.”(5)
Có quan điểm lại cho rằng tết Thượng Nguyên được khởi nguồn từ giáo lý của Đạo giáo. Đạo giáo thờ ba vị thần là Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên (Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên). Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Thánh Đản của đức Thiên Quan (Ngọc Hoàng). Ngài là vị thần cai quản toàn bộ Thiên đình, phụ trách việc ban phúc – giáng họa cho nhân gian. Theo Đạo giáo, vào ngày Thánh Đản, Ngài sẽ ban phúc lành cho toàn thể nhân sinh nơi Hạ giới. Bởi vậy, dân gian quen gọi đây là ngày Thiên Quan tứ phúc (tức là Thiên Quan ban phúc). Có lẽ đó là nguyên do khiến cho nhiều người Việt chọn ngày Rằm tháng Giêng để lập đàn tế lễ, dâng sao giải hạn, cầu phúc,…
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, cội nguồn tết Nguyên Tiêu là xuất phát từ quan niệm của cư dân nông nghiệp lúa nước. Mỗi khi bắt đầu hoặc kết thúc một vụ mùa, người dân quan niệm rằng cần cúng tế nhằm cảm tạ trời đất, thần linh và tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu. Tuy nhiên, trải qua thời gian, con người đã dệt nên những câu chuyện, sự tích mang lại màu sắc huyền ảo, kỳ bí cho ngày lễ này.
Quan niệm của người Việt
Đến nay, chúng tôi chưa tìm được tư liệu cho biết chính xác thời điểm tập tục cúng lễ trong dịp tết Nguyên Tiêu được truyền về Việt Nam. Tuy nhiên, khảo trong sách sử thì chúng tôi thấy rằng, cuốn sách ghi chép sớm nhất về phong tục trong dịp Tết này là An Nam chí lược của Lê Tắc. Trong đó, tác giả trình bày khá rõ về phong tục dưới thời nhà Trần: “Đêm Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn “Quảng Chiếu”, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là “chầu đèn”.”(6) Phải chăng, sự tôn sùng đạo Phật thuở đó đã khiến cho những quan niệm nội sinh Phật giáo lan rộng và thẩm thấu vào quan niệm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của người Việt, trong đó có tục lệ dịp tết Nguyên Tiêu.
Tìm hiểu cụm từ “đèn Quảng Chiếu”, chúng ta được biết rằng đó là lễ hội Quảng Chiếu được diễn ra trong suốt hai triều đại Lý – Trần do vua làm chủ tế với ý nghĩa cầu trường thọ, quốc thái dân an. Lễ hội này cũng thường được tổ chức vào mùa Xuân, nhưng đôi lúc có thể diễn ra vào dịp khác khi tiếp đón sứ thần, khách quý… Quyển II, Việt Sử lược chép rằng: “Năm Canh Dần (1110)…Mùa xuân, tháng giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu ở cửa Đại Hưng”(7)… Năm Bính Thân (1116)… Mùa xuân, tháng giêng, mở (hội) đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, làm sư bằng gỗ đánh chuông.”(8) Trong Kỷ nhà Lý, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm thứ 1 [1120], (Tống Tuyên Hòa năm thứ 2)… Tháng 2, mở hội đèn Quảng Chiếu.”(9) “Năm thứ 7 [1126], (Tống Khâm Tông Hằng, Tĩnh Khang năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm… Tháng 9, nước Chiêm Thành sang cống. Mở [24b] hội đèn Quảng Chiếu ở Long Trì, xuống chiếu cho sứ thần Chiêm Thành vào xem.”(10) Có thể thấy rằng “mật độ” ghi chép về lễ hội này trong chính sử khá dày đặc, chứng tỏ vị thế quan trọng của nó trong hoạt động nghi lễ, văn hóa của triều đình ta.
Nội dung tấm bia Sùng Thiện Diên Linh dựng năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) tại chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam mô tả rất kỹ lễ hội Quảng Chiếu này: “Dựng đài cao Quảng chiếu, hướng sân trước Đoan Môn…Dấu cơ vi ở dưới đất, như bánh xe xoay chuyển; rực ánh sáng ở giữa trời, như bóng ác chói chang. Lại có bảo thánh rực rỡ trang nghiêm; điện vàng viện bán. Do ý thánh dựng nên; đặt tượng vàng hai dãy. Dáng tỏ linh văn; hình phô kỳ lệ. Lại có hai tòa lầu hoa, trong treo chuông vàng, khắc chú tiểu mình mặc áo nâu sồng; vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh…”(11). Sau nhà Trần, lễ hội này bị mai một, rất có thể phần tập tục chăng đèn, tụng kinh Phật đã được dung nhập vào phần lễ của ngày tết Nguyên Tiêu.
Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh: “Tục ta tin rằng trong các ngày Rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới lễ bái. Các cụ bà đã quy y cũng nhân ngày lễ này, đến chùa tụng kinh niệm Phật. Các cụ vừa lần tràng hạt vừa kể hạnh nghĩa là kể lại sự tích của đức Phật và chư bồ tát cũng như sự hy sinh cao cả của các người…”(12). Ông nhấn mạnh: “Theo đạo Phật, ngày mùng Một và ngày Rằm mỗi tháng được coi là ngày Phật, các tín đồ Phật giáo trong những ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa. Ngày mồng Một là ngày đầu tháng, nhưng đêm lại tối đen, còn ngày Rằm thì đêm có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày Rằm đầu tiên là Rằm tháng Giêng nên người ta xô nhau đi lễ Phật.”(13) Mai Viên Đoàn Triển cũng khẳng định: “Tết Thượng Nguyên và tết Trung Nguyên là hội lớn của nhà chùa.”(14)
Như vậy, ta có thể thấy rằng, khi tập tục cúng lễ trong ngày Rằm tháng Giêng truyền về Việt Nam, nó đã tiếp nhận tín ngưỡng bản địa nhằm phù hợp với đông đảo người Việt hơn và mang đậm màu sắc Phật giáo.
Tập tục ngày tết Thượng Nguyên
Ở Trung Quốc
Nhắc tới tục lệ trong ngày tết Thượng Nguyên, học giả Lê Quý Đôn chép trong Vân Đài loại ngữ rằng: “Đời Hán Vũ Đế thờ thần Thái nhất (tức Thiên hoàng đại đế), cúng từ tối đến sáng. Đến sau, cứ đến ngày Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) trưng đèn. Tục trưng đèn có từ đây. Ngày nay, cứ tiết Lập Xuân, các nhà cắt giấy màu hay giấy trang kim làm thành cái thiếp có hai chữ nghi xuân. Bài Yên phú của Phó Hàm đời Tấn có câu: Mặc áo xanh cho đúng mùa, đón phúc lành ngày xuân đến (ngự thanh y dĩ tán thời, chước nghi xuân chỉ gia chỉ).”(15)
Trưng đèn đã trở thành tập tục phổ biến của tết Nguyên Tiêu, là nguồn cảm hứng vô tận cho những người yêu văn thơ. Trong chủ đề này, chúng ta không thể không nhắc đến tác giả Âu Dương Tu (thời Bắc Tống) với bài phú Sinh tra tử – Nguyên tịch.
Nguyên văn chữ Hán:
去年元夜時
花市燈如晝
月上柳梢頭,
人約黃昏後
Phiên âm:
Khứ niên nguyên dạ thì
Hoa thị đăng như trú
Nguyệt thượng liễu tiêu đầu
Nhân ước hoàng hôn hậu.
Dịch nghĩa:
Năm ngoái, đêm rằm, tháng Giêng
Chợ hoa đèn sáng như ban ngày
Năm ngoái đứng dưới cây liễu dưới ánh trăng
Người gặp nhau sau hoàng hôn.
Bài phú Thanh ngọc án – Nguyên tịch của tác giả Tân Khí Tật (thời Nam Tống, Kim) cũng mô tả đêm Nguyên Tiêu một cách vô cùng chân thực.
Nguyên văn chữ Hán:
東風夜放花千樹
更吹落、星如雨
…
眾裡尋他千百度,
驀然回首,
那人卻在、燈火闌珊處。
Phiên âm:
Đông phong dạ phóng hoa thiên thụ
Cánh xuy lạc, tinh như vũ
…
Chúng lý tầm tha thiên bách độ
Mạch nhiên hồi thủ
Na nhân phước tại, đăng hỏa lan xan sứ
Dịch nghĩa:
Đêm gió đông thổi làm nở ngàn cây (pháo) hoa
Cuối cùng rơi rụng, như mưa sao
…
Tìm người trong đám đông đến trăm nghìn lần
Bỗng nhiên quay đầu lại
Người ở ngay trước mặt, ánh lửa đèn tàn soi bóng…
Bài phú trên đã được chuyển thể thành một hí khúc truyền thống trong lễ hội Nguyên Tiêu, kể về chuyện Trần Tam Hòa gặp Ngũ Nương trong lúc đi ngắm đèn, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên; xưa có Nhạc Xương phá tan màn đêm đi theo tiếng gọi của tình yêu đến gặp nàng Từ Đức Ngôn. Trong “Xuân đăng mê”, có Vũ Văn Ngạn cùng Ảnh Nương đính ước trong đêm Nguyên Tiêu. Chính bởi như vậy, tết Nguyên Tiêu đã trở thành ngày lễ tình nhân của người Trung Quốc.
Ngoài phong tục thắp đèn hoa đăng, trong dịp lễ này, người Trung Quốc còn có rất nhiều hoạt động cúng lễ: tẩu bách bệnh, tế môn (cúng trước cửa), tục đuổi chuột, đón Tử cô…
Tết Nguyên Tiêu được gọi là ngày “tẩu bách bệnh”, “khảo bách bệnh”, “tán bách bệnh”, hầu hết những người phụ nữ đều tham gia, từng nhóm đi dọc theo những bức tường hoặc về những vùng nông thôn rồi đi qua cầu nhằm xua đuổi bệnh tật và tiêu trừ tai họa.
Thuở xưa, các gia đình có thất tế tức là bảy lễ vật bày trước cửa để tế, phương pháp tế khá đơn giản, đặt một cành dương liễu ở trên cửa, cắm một đôi đũa vào bát cháo đậu, đặt rượu thịt ở ngay trước cửa…Tục đuổi chuột chỉ dành riêng cho người nuôi tằm bởi chuột thường ăn tằm vào ban đêm. Họ nấu gạo nếp trong một chiếc nồi lớn rồi múc vào tô, phủ một miếng thịt lên, để lên xà nhà hoặc những nơi chuột thường xuất hiện rồi lầm rầm nguyền: “Nếu chuột ăn tằm con lần nữa thì sẽ bị chết thảm”. Họ quan niệm rằng sau khi làm vậy thì chuột sẽ không ăn tằm nữa.
Về tục đón Tử cô, theo truyền thuyết dân gian, có một cô gái thiện lương, thật thà, chết vào ngày Rằm tháng Giêng vì nghèo đói. Bởi vậy, bách tính nhân gian cùng thương cảm, hoài niệm về cô. Họ dùng rơm, cỏ bện thành hình nhân có kích thước giống như người thật. Những người phụ nữ làm vệ sinh thật sạch sẽ chỗ Tử cô thường làm việc lúc sinh thời, rồi đến chuồng lợn, nhà bếp đón cô. Mọi người xem hình nhân đó như em ruột, nắm lấy tay hình nhân, vừa khóc vừa nói những điều ân cần, sâu sắc. Điều này phản ánh tấm lòng thiện lương của người dân lao động, bày tỏ những suy nghĩ, lời lẽ tình cảm chân thành với người hèn yếu.
Ngoài phần lễ, hoạt động vui chơi trong ngày tết Nguyên Tiêu cũng khá phong phú, đa dạng. Tùy tục lệ từng thời mà sẽ diễn ra nhiều trò khác nhau: giải đố đèn, ngâm thơ, hát hí kịch, đi cà kheo, thả đèn hoa đăng ước nguyện,…
Về ẩm thực, đa số các gia đình Trung Quốc trong ngày Nguyên Tiêu sẽ làm món bánh từ gạo nếp, có nhân bằng đậu đỏ, đường trắng, các loại trái cây, nặn hình quả núi. Lúc ăn có thể luộc, hấp. Nhân gian gọi món này là “Phù viên tử”, sau gọi là “Thang đoàn” hoặc “Thang viên”, âm của nó gần với ý nghĩa của đoàn viên, tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình, hòa hợp, hạnh phúc.
Ở Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, theo tư liệu tìm được, tục cúng Rằm tháng Giêng ở Việt Nam đã xuất hiện từ thời Lý – Trần. Bên cạnh việc cúng lễ, tụng kinh Phật còn có một số hoạt động vui chơi như đối đèn, ngâm thơ,…
Phần Kỷ nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Vào thời vua Trần Nghệ Tông… Hồ Tông Thốc (người Sĩ Thành (16), Diễn Châu) tuổi trẻ đỗ cao, rất có tài danh. Trước đó, Thốc chưa được nổi tiếng lắm, gặp tết Nguyên Tiêu, có đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui. Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc. Mọi người xúm lại xem, rất thán phục. Từ đấy tiếng dậy kinh sư, vì giỏi văn học nên được người đương thời kính trọng, mà thơ rượu thì không ngày nào không có.”(17) Có thể thấy rằng, hoạt động này trong dịp Nguyên Tiêu thu hút nhiều người tham gia, những nhân tài thơ phú được mọi người trọng vọng.
Phần Nghi thức tế lễ bốn mùa, mục Lễ nghi chí (II) trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí ghi lại rất rõ về việc chuẩn bị việc cúng lễ của triều Lê trong dịp này: “Các tiết Chính Đán, Nguyên Tiêu và Thanh Minh, mỗi lễ chi 12 quan tiền quý, 50 bát gạo nếp và muối mắm (Nha môn Hộ bộ lĩnh ở quan Lễ phiên giao cho thái quan làm).”(18) “Lễ kỵ nhật ở điện Chí Kinh cho biết: Lễ các tiết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu và Thanh Minh, mỗi lễ chi 11 quan tiền quý, 45 bát gạo nếp, 12 bát gạo tẻ và muối mắm.”(19)
Phong tục trong dịp tết Nguyên Tiêu của thời Nguyễn được ghi chép rất chi tiết. Cuốn Đại Nam thực lục, tập 4, Chính biên, đệ nhị kỷ – quyển CLVIII – Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế chép rằng: Năm 1835, khi định thêm thể lệ các tiết lễ hằng năm, vua Minh Mệnh dụ Nội các: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà Tôn miếu, cho đến các tết như Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Dương, Trừ Tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: những ngày tuần tiết như: Thượng Nguyên, Hạ Nguyên, Trung Nguyên, Thất Tịch, Trung Thu, Trùng Dương, Đông Chí, người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai Bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe”. Đến khi lời bàn dâng lên thì vua chuẩn định: “Từ nay, phàm những tiết Đông Chí, Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên… những tiết Thượng Nguyên và Trung Thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp.”(20)
Cũng trong năm 1835, vua Minh Mệnh cho lập đàn chay để cúng phổ độ cho những người tôn thân đã chết. Dụ Nội các rằng: “Năm nay, nhờ trời thương, Nam Bắc hai kỳ đều làm xong công cuộc lớn, giặc cướp đã dẹp yên, mùa màng thuận, năm được mùa, ta đã xuống ân chiếu 12 điều: từ tôn thân cho đến quan, lại, quân, dân, chẳng ai là không nhuần thấm ơn trạch. Lại nghĩ đến những người tôn thất đã chết: có người trước đây bỏ mình vì cuộc binh cách, có người nửa vời mà chết trẻ, có người còn nhỏ mà chết non, nghĩ đến rất là đau xót! Vậy nên làm lễ truy tiến phổ độ, cầu Phước đường âm để yên ủi hương hồn, nhằm tiết Hạ Nguyên tháng 10, lập đàn phổ độ. Lại nghĩ: tiết ấy chính là mùa rét, lại hay gió mưa, những binh dịch làm việc chẳng khỏi vất vả khó nhọc. Vả, đàn chay, vốn để cầu phước, mà mùa mưa rét lại làm cho người ta nhọc nhằn, lòng ta có điều không nỡ! Chuẩn cho: nhằm tiết Thượng Nguyên tháng giêng sang năm, lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, 21 ngày, đêm cúng phổ độ linh hồn cho các tôn nhân xa gần đã quá cố: cứ 7 ngày làm một đàn chuẩn tế chúng sinh.”(21)
Từ những ghi chép trên, chúng ta có thể thấy rằng, tết Nguyên Tiêu có vai trò khá quan trọng trong đời sống tín ngưỡng cung đình của người Việt. Do vậy, người phụ trách tế lễ cũng cần có vị thế nhất định: “ở các miếu, phàm lễ Sóc, Vọng và các tiết Tam Nguyên, Thất Tịch, Trung Thu và Trùng Dương: ở Thái miếu do thân công; ở Thế miếu và điện Phụng Tiên do hoàng tử tước công và hoàng tử, đều hội đồng với bộ Lễ nghĩ phái, luân ban làm lễ. ở Triệu miếu và Hưng miếu thì phái uỷ các viên Tôn thất ở Từ tế ty đi làm lễ. Nếu chợt có lễ dâng của mới, thì chuyển báo cho các hoàng tử tước công, cứ theo thứ tự làm lễ.”(22) Thậm chí, vua Thiệu Trị từng phạt các quan Bộ Lễ khi không chú trọng đến việc tổ chức lễ Thượng Nguyên và một số lễ khác trong năm: “Định lệ tiến lễ ở điện Sùng Ân. Trước kia Bộ Lễ chước nghị, chỉ có tiết Chính Đán và tiết Đoan Dương là có lễ, còn các tiết Đông Chí, Tam Nguyên, Thất Tịch, Trung Thu, Trùng Dương đều không bàn đến. Vua cho điện Sùng Ân là nơi thiêng liêng hương khói, miếu điện cùng tôn, sao lại có nơi hơn, nơi kém? Vả lại, lễ, thà rằng trái lẽ ở chỗ hậu! Bèn sai Bộ Lễ lại chiếu lễ các tiết ở điện Phụng Tiên mà tuân làm. Các quan coi về việc lễ thứ trước là Trương Đăng Quế, Trương Quốc Dụng và Ngô Kim Lân đều phải phạt lương 6 tháng.”(23)
Với đông đảo dân chúng thì đây là dịp lên chùa cầu nguyện những điều tốt lành, dâng sao giải hạn. Đúng như Mai Viên Đoàn Triển viết: “Ngày mười lăm là tết Thượng Nguyên. Sau đó thì cúng sao cầu phúc kéo dài đến hàng tuần.”(24) Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vì sao để giải trừ tai ách quanh năm. Cúng lễ dâng sao, người ta lập đàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa cúng các vị sao thủ mệnh, ở dưới cùng cúng bố thí chúng sinh. Mỗi năm mỗi người có một vị sao thủ mạng. Lễ vật cúng là hoa quả, trầu cau, xôi oản, chè rượu, vàng mã và cả hình nhân. Một quan điểm khác cho rằng Rằm tháng Giêng cũng là dịp cúng lễ để nhớ ơn tổ tiên: “Ngày 15 tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 gọi là Tam Nguyên đều sắm đủ lễ cúng tiên tổ (trích Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1961).”(25)
Vốn người Việt xưa gắn bó với nông nghiệp nên mưa thuận gió hòa là điều đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, người Việt thường quan niệm rằng “đầu xuôi đuôi lọt”, tỏ ý cái ban đầu vô cùng quan trọng. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến ngày Rằm đầu tiên trong năm, tức tết Nguyên Tiêu có vai trò quan trọng trong tâm thức người Việt.
Kết luận
Ta có thể thấy rằng, tục cúng Rằm tháng Giêng được truyền về từ Trung Quốc đã hòa nhập với tín ngưỡng dân gian của người Việt và trở thành một ngày lễ quan trọng. Tùy tập tục từng nơi mà hoạt động cúng lễ trong ngày này diễn ra với hình thức khác nhau nhưng đều nhằm mong cầu chư Phật, thần linh và tổ tiên phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Không phải ngẫu nhiên mà dân gian vẫn lưu truyền câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chưa khai thác một cách toàn diện về nguồn gốc, tục lệ của tết Thượng Nguyên trong kho tàng kinh điển của Phật giáo. Nếu muốn hiểu rõ cội nguồn của dịp Tết này, đây hẳn là một vấn đề cần đào sâu, tìm tòi thêm nữa.
Hiện nay, nhiều người quan niệm rằng làm lễ càng lớn, đốt càng nhiều vàng mã thì điều mình cầu mong càng dễ linh nghiệm. Bởi vậy, qua những điều trình bày trên đây, chúng tôi mong rằng, khi hiểu rõ cội nguồn của những tập tục trong ngày tết Thượng Nguyên mỗi người sẽ tránh được những suy diễn mê tín dị đoan dẫn đến tốn kém, lãng phí không đáng có.
Lợi Lê
Chú thích
(1) Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Hạ, Nxb Trẻ, 2005, tr. 339.
(2) Đông Phương Sóc (154 – 93 trước Tây lịch) là một học giả nổi tiếng ở tỉnh Sơn Đông, sống cùng thời với sử gia Tư Mã Thiên và dưới thời Hán Vũ Đế – Lưu Triệt.
(3) Chư Lã chi loạn: Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, sau khi Hán Cao Tổ băng hà, Lưu Doanh Huệ Đế kế vị, Huệ Đế nhu nhược, Lã hậu nhiếp chính, quyền bính rơi vào tay nhà họ Lã, họ Lưu mất dần quyền hành trong triều. Năm 180 sau Tây lịch, Lã hậu qua đời, lúc này Lã Lộc là thượng tướng quân, Lã Sản làm Tả tướng quân, quân thần họ Lã lo lắng bị họ Lưu báo thù nên đã hội mưu với Lã Lộc toan tạo phản. Sự việc bị Lưu Năng phát giác, bèn hội mưu với Trần Bình, Chu Bột thảo phạt và giành thắng lợi, sử gọi là “Chư Lã chi loạn”.
(4) Tùy Dạng Đế (569 – 618) tên thật là Dương Quảng hay Dương Anh, là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.
(5) Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Hạ, Sđd, tr. 339.
(6) Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2009, tr. 68 – 69.
(7) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (dịch), Nxb Thuận Hóa, 2001, tr. 112.
(8) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (dịch), Sđd, tr. 114.
(9) Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18), Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 119.
(10) Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18), Sđd, tr. 122.
(11) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 404.
(12) Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Hạ, Sđd, tr. 339.
(13) Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Hạ, Sđd, tr. 440.
(14) Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 29.
(15) Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ – Phần Vựng Điển loại, Nhà sách Tự Lực, 1973, tr. 197.
(16) Sĩ Thành: tên xưa là Thổ Thành, tên xã thuộc huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, nay thuộc tỉnh Nghệ An.
(17) Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18), Sđd, tr. 277 – 278.
(18) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2005, tr. 754.
(19) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 754.
(20) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 4, đệ nhị kỷ – quyển CLVIII, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 747.
(21) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 4, đệ nhị kỷ – quyển CLIX, Sđd, tr. 771 – 772
(22) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 4, đệ nhị kỷ – quyển CLXXII, Sđd, tr. 1005.
(23) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 6, đệ tam kỷ – quyển XXXIV – Thực lục về Hiến tổ chương Hoàng đế, Nxb Giáo Dục, 2006, tr. 543.
(24) Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Sđd, tr. 15.
(25) Phạm Việt Tuyền, Cửa vào phong tục Việt Nam, tài liệu học tập về Văn Minh Việt Nam dành cho sinh viên trường Đại học Văn khoa Saigon (không bán ra bên ngoài), 1974, tr. 252.
Tài liệu tham khảo
- Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Hạ, Nxb Trẻ.
- Lê Quý Đôn (1973), Vân Đài loại ngữ – Phần Vựng Điển loại, Nhà sách Tự Lực.
- Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…(1993), Đại Việt Sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18), Nxb Khoa học Xã hội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 4, Nxb Giáo Dục.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Chính biên, tập 6, Nxb Giáo Dục.
- Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
- Phạm Việt Tuyền (1974), Cửa vào phong tục Việt Nam, tài liệu học tập về Văn Minh Việt Nam dành cho sinh viên trường Đại học Văn khoa Saigon (không bán ra bên ngoài).
- Mai Viên Đoàn Triển (2008), An Nam phong tục sách, Nxb Hà Nội.
- Viện Văn học (1997), Thơ văn Lý – Trần, tập I, Nxb Khoa học Xã hội.
- Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (dịch), Nxb Thuận Hóa, 2001.