Chuyên mục chính

  • Nghi lễ vòng đời
    • Hôn lễ
    • Sinh con
    • Động thổ làm nhà
    • Mừng thọ và sinh nhật
    • Tang ma
    • Ngày giỗ
  • Nghi lễ hàng năm
    • Dịp Tết Nguyên Đán 1/1
    • Dâng sao giải hạn 15/1
    • Nguyên tiêu 15/1
    • Tết Thanh minh 3/3
    • Tết Hàn thực 3/3
    • Tết Đoan ngọ 5/5
    • Lễ Thất Tịch 7/7
    • Lễ Vu Lan 15/7
    • Tết Trung Nguyên 15/7
    • Tết Trung thu 15/8
    • Tết Trùng Cửu 9/9
    • Tết Cơm mới (10-15/10)
    • Tết Táo Quân 23/12
    • Ngày mùng 1 hàng tháng
    • Ngày rằm hàng tháng
  • Đặc trưng văn hóa Việt
    • Chữ và Nghĩa
    • Phong tục thờ cúng
    • Văn hóa giao tiếp
    • Món ăn truyền thống
    • Trò chơi dân gian
    • Trang phục truyền thống
    • Nghệ thuật truyền thống
    • Di sản văn hoá
    • Nền nếp sinh hoạt
  • Tôn giáo tín ngưỡng
    • Phật giáo
    • Công giáo
    • Thờ cúng tổ tiên
    • Thờ cúng tổ nghề
    • Tín ngưỡng thờ Thần
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu
    • Tôn giáo khác

Menu

  • Trang đầu
  • Giới thiệu
  • Liên hệ

Follow Us

DMCA.com Protection Status
Cổ Phong
No Result
View All Result
Khóa học
Cổ Phong
No Result
View All Result
Home Văn hoá làng xã
Screenshot 1749617184

Mối lái xưa và nay trong phong tục Việt Nam (Môi giới Hôn nhân)

Dân nhập

Trong xã hội truyền thống, hôn nhân không chỉ là chuyện riêng giữa hai cá nhân mà còn là việc hệ trọng của cả gia đình, dòng tộc. Trong bối cảnh đó, vai trò của người mối lái trở nên đặc biệt quan trọng, là cầu nối giúp hai bên gia đình tìm hiểu, thương lượng và tiến tới hôn nhân. Người mối không chỉ giới thiệu mà còn chịu trách nhiệm dàn xếp, thuyết phục, đảm bảo sự hòa hợp giữa hai họ. Dù ngày nay hình thức này đã ít phổ biến hơn, mối lái hôn nhân vẫn là một nét văn hóa đặc sắc, phản ánh quan niệm, tập quán và cách ứng xử xã hội trong quan hệ hôn nhân thời xưa.

Khái niệm và vai trò của mối lái hôn nhân

Trong văn hóa Việt Nam, mối lái hôn nhân là những người đảm nhận vai trò trung gian trong việc kết nối, tìm hiểu và giới thiệu các cặp đôi tìm được bạn đời phù hợp thông qua việc mai mối. Họ là cầu nối quan trọng, tạo mạng lưới xã hội giúp các đôi trai gái có dịp giao tiếp, làm quen và xây dựng mối quan hệ tình cảm, từ đó tiến tới hôn nhân, sinh con đẻ cái.

Sách 100 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam có viết: “Trong xã hội phong kiến xưa “Nam nữ thụ thụ bất thân” nên hôn nhân cần phải người môi giới. Nếu yêu nhau, cưới hỏi không cần mối lái sẽ bị chê trách là “phải lòng nhau”, “mắc phải bùa yêu”, bà mối là người cố vấn, người đỡ đầu cho đôi trẻ xây dựng hạnh phúc lâu dài.”[1] Ngoài việc kết nối, người mối lái còn đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn các cặp đôi trong suốt quá trình tìm hiểu lẫn nhau, từ những buổi gặp gỡ đầu tiên cho đến khi quyết định kết hôn. Họ không chỉ giúp đỡ về mặt tình cảm mà còn có trách nhiệm, hỗ trợ tổ chức các nghi thức, nghi lễ hôn nhân truyền thống, đảm bảo rằng mọi bước tiến trong lễ cưới diễn ra thuận lợi và đúng mực theo phong tục.

Mối lái có thể là người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc những người có chuyên môn trong lĩnh vực mai mối. Những người này còn được ví là ông mai, bà mai, ông mối, bà mối, với vai trò là người “se duyên”, giúp kết nối hai người, thậm chí là cả hai gia đình, trong mối quan hệ tình cảm và hôn nhân. Trong văn hóa Việt Nam, mối lái không chỉ đơn giản là người làm công việc mai mối mà còn được coi là những người có uy tín và sự am hiểu sâu sắc về hôn nhân, đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị gia đình, giúp củng cố mối quan hệ giữa các thế hệ.

Trong bài thơ “Thơ duyên” của tác giả Xuân Diệu, được in trong SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006 có đoạn:

Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.[2]

Và bài thơ “Kiều bán mình chuộc cha” của Nguyễn Du viết:

Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao.
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.[3]

Từ “Băng nhân” ở đây là người làm mối, trong hai đoạn thơ trên đều nói đến người làm mối lái hôn nhân, nhưng cách sử dụng và sắc thái ý nghĩa có sự khác biệt nhất định trong từng tác phẩm.

Câu thơ: “Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm” trong ngữ cảnh của bài thơ, Xuân Diệu muốn nói rằng tình yêu giữa hai người không cần đến sự tác thành, dẫn dắt của người mối lái để bày tỏ nỗi niềm mà bằng một cách tự nhiên giữa hai người.

Còn câu thơ: “Sự lòng ngỏ với băng nhân” từ băng nhân chỉ người làm mối hôn nhân theo đúng nghĩa truyền thống. Ở đây, Thúy Kiều bày tỏ nỗi lòng của mình với người làm mối để sắp đặt cuộc mua bán với Mã Giám Sinh nhằm chuộc cha.

Qua đó, nhận thấy cách dùng của Xuân Diệu hiện đại hơn, nhấn mạnh vào tình yêu tự nhiên, còn Nguyễn Du phản ánh hiện thực xã hội phong kiến, nơi hôn nhân thường do người khác sắp đặt.

Vai trò mối lái trong hôn nhân

Mối lái là một khái niệm đặc biệt liên quan đến các mối quan hệ và tác động giữa các cá nhân, nhóm hay tổ chức. Có một phần ảnh hưởng quyết định đến hành vi, suy nghĩ hoặc sự quyết định của người khác trong một tình huống cụ thể. Trong một số ngữ cảnh, người mối lái được hiểu là người có khả năng dẫn dắt, điều khiển hay thúc đẩy các sự kiện, tình huống theo hướng có lợi cho mục đích của họ. Người mối lái thường là người có nhiều kinh nghiệm sống và mối quan hệ rộng rãi, giúp tạo cơ hội để hai gia đình gặp gỡ, tìm hiểu nhau và cùng nhau quyết định về mối quan hệ hôn nhân.

Nhờ có mối quan hệ rộng và hiểu rõ nhu cầu đôi bên, người mối lái giúp quá trình mai mối diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Họ đảm bảo sự tương đồng về văn hóa, giáo dục, gia đình, nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài. Việc mai mối qua người quen cũng giúp tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc với người lạ.

Trong quá trình gặp gỡ, người mối lái còn giữ vai trò điều hướng, giúp các cặp đôi giao tiếp cởi mở, giải quyết những bất đồng và tạo dựng mối quan hệ vững vàng. Khi có xung đột hoặc bất đồng, họ sẽ là người đứng ra hòa giải, giúp các bên tìm được sự đồng thuận. Họ giúp các cặp đôi vượt qua những e ngại ban đầu, khơi gợi những cuộc trò chuyện sâu sắc để cả hai có thể hiểu rõ về nhau, từ đó giúp mối quan hệ đi đúng hướng. Khi có xung đột hay bất đồng giữa cặp đôi hoặc giữa hai bên gia đình, người mối lái sẽ là người đứng ra hòa giải, tháo gỡ những vướng mắc và giúp các bên đạt được sự đồng thuận.

Vấn đề về các thủ tục, nghi lễ không phải ai cũng có sự hiểu biết và kinh nghiệm, vậy người mối lái hôn nhân sẽ giúp gia đình thực hiện đúng các thủ tục phong tục, nghi lễ truyền thống, đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ và đầy đủ. Họ đóng vai trò như những người kiểm duyệt để đảm bảo rằng sự kết hợp hôn nhân là hợp lý về mặt gia đình, tài chính và đạo đức.

Để đảm bảo công việc của những người mối lái được diễn ra dễ dàng thuận lợi, chắc chắn rằng họ phải là người chân thành và đáng tin cậy, luôn minh bạch và thành thật trong mọi thông tin, giúp các bên tham gia cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Khả năng lắng nghe và thấu hiểu cũng rất quan trọng, vì người mai mối cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của mỗi bên để đưa ra những giới thiệu phù hợp. Với kinh nghiệm sống, họ có thể đưa ra những lời khuyên, tư vấn về tình yêu, hôn nhân và cách duy trì một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Trong nền văn hoá xưa, việc mai mối hôn nhân qua các thế hệ giúp duy trì những giá trị truyền thống về gia đình, xã hội và văn hóa, họ là những người giúp truyền lại những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội thời phong kiến với truyền thống “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mối lái cũng diễn ra theo chiều hướng tốt, những rủi ro mà người mai mối sẽ gặp phải có thể xuất phát từ việc kết nối không được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm. Đầu tiên, nếu người mai mối thiếu hiểu biết về các bên tham gia hoặc đánh giá sai về tính cách, nhu cầu của các cặp đôi, việc giới thiệu không phù hợp có thể dẫn đến sự không hòa hợp, xung đột trong mối quan hệ. Thêm vào đó, nếu người mai mối can thiệp quá nhiều vào quá trình tìm hiểu hoặc ép buộc các bên, có thể gây cảm giác áp lực và mất tự do cho các cặp đôi. Cuối cùng, trong một số trường hợp, người mai mối có thể chịu trách nhiệm về những rủi ro khi không lường trước được các hậu quả tiêu cực từ sự kết nối không thành công, làm ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của mình trong cộng đồng.

Điển tích Ông tơ, bà Nguyệt trong văn hoá dân gian Việt Nam

Trong văn hóa Việt Nam, người mối lái thường được ví như Ông Tơ, Bà Nguyệt, biểu tượng của sự kết nối và gắn bó trong tình cảm. Trong truyền thuyết, ông Tơ, bà Nguyệt là những vị thần xe duyên. Ông Tơ cầm sợi tơ hồng, tượng trưng cho mối quan hệ tình cảm giữa đôi trai gái, còn bà Nguyệt có nhiệm vụ giúp duy trì và kết nối các cặp đôi. Người mối lái cũng thực hiện vai trò tương tự, tạo cơ hội gặp gỡ và dẫn dắt các cặp đôi trên con đường tìm bạn đời, giống như những “Ông Tơ, Bà Nguyệt” trong xã hội. Hình ảnh này gắn liền với việc kết duyên trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Tình yêu luôn là một chủ đề lớn trong văn hóa dân gian của nhiều quốc gia, và một trong những câu chuyện tiêu biểu là truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ trong văn hóa Trung Quốc, kể về một đôi trai gái yêu nhau sâu đậm nhưng bị chia cắt bởi Thiên Đế, chỉ được gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Cùng với hình tượng ông Tơ bà Nguyệt trong văn hóa Việt Nam, dù đến từ hai nền văn hóa khác nhau, cả hai đều phản ánh một chủ đề chung về tình yêu bền vững và sự kết nối giữa các cặp đôi. Phải chăng, Ông Tơ bà Nguyệt dù không trực tiếp liên quan đến câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ, nhưng có thể được xem như những người gián tiếp giúp kết nối tình yêu, góp phần “xe duyên” cho Ngưu Lang và Chức Nữ. Sự xe duyên giúp họ tìm được nhau và gắn kết tình yêu trở thành một biểu tượng tình yêu, phản ánh sự chung thuỷ, kiên trì, những giá trị cốt lõi của tình yêu trong nền văn hóa Trung Hoa.

Hình ảnh ông Tơ bà Nguyệt không chỉ là biểu tượng của tình yêu lãng mạn mà còn phản ánh giá trị văn hóa mai mối, hôn nhân trong xã hội xưa, nơi gia đình và thần linh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng các mối quan hệ hôn nhân bền vững. Ông Tơ (xe chỉ thắm) tượng trưng cho việc dùng hai sợi chỉ đỏ để kết nối số phận của nam và nữ, quấn chặt lại với nhau, tạo thành một sợi, như hai số phận gắn kết với nhau. Chàng trai mặc trang phục áo the, khăn xếp, còn cô gái diện trang phục truyền thống, áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy. Ông Tơ ngồi trên lưng rồng, bên phải ông là bà Nguyệt (bà Tràng), người đang kết hai sợi tơ đào, biểu trưng cho sự gắn kết. Bà Nguyệt ngồi trên lưng chim phượng (hoàng). Giữa tân lang và tân nương thường có một mâm hoa quả, như quả đào tượng trưng cho sự trường thọ, hoặc quả lựu đại diện cho việc sinh con đẻ cái.

Ông Tơ bà Nguyệt được nhắc tới trong bài văn khấn cầu hôn:

Con lạy Bà Nguyệt, Ông Tơ
Con lạy ông Hoàng Bảy, Hoàng Bơ, Hoàng Mười
Tuổi con nay đã cao rồi
Mà không tìm được một người kết duyên.
Tâm tư mang nặng ưu phiền
Lòng con buồn tủi triền miên tháng ngày.
Con còn lầm lỗi chỉ đây
Cúi xin Nguyệt Lão từ đây độ trì
Tơ hồng lưỡng tính xung kỳ
Quế loan cầm sắt yến di khan thường
Thiên tiên Nguyệt Lão rủ thương
Rất công rất chính chẳng thương bên nào
Có gương ngọc kính soi vào
Tơ hồng giao kết lẽ nào lẻ loi
Trước theo nhạn có rong chơi
Sau là phân định lứa đôi hợp hoà
Có cây, có quả, có hoa
Mong được duyên đẹp một nhà sống chung
Trăm này lạy Đức Tiên ông
Tơ hồng Nguyệt Lão rủ lòng xét soi
Cho con có lứa có đôi
Sống cho trọn vẹn kiếp người trần gian.[4]

Ông Tơ bà Nguyệt không chỉ là biểu tượng của tình yêu mà còn phản ánh văn hóa mai mối và sự kết nối trong hôn nhân của người Việt, xuất phát từ Trung Quốc vào thời Đường, phong tục này đã được truyền bá sang Việt Nam và từng đạt đến đỉnh cao trong thế kỷ XX với nghi lễ tế Tơ Hồng. Dù ngày nay, tục lệ này đã dần mai một, nhưng những giá trị văn hóa mà nó mang lại vẫn còn tồn tại. Điển tích này gắn liền với hình ảnh của Nguyệt Lão, một vị thần chuyên lo việc xe duyên, gắn kết các cặp đôi trai gái.

Sự tích tơ hồng kể về một chàng trai tên Vi Cố[5], người tình cờ gặp ông lão khi đang đi qua một đêm trăng sáng. Ông lão, ngồi cạnh một chiếc bàn với những cuốn sách, giải thích cho Vi Cố rằng ông đang quản lý các mối duyên trên thế gian. Trong tay ông lão là một túi đầy sợi tơ hồng, và ông nói rằng mỗi sợi tơ sẽ buộc đôi chân những người trai gái sẽ thành vợ thành chồng. Tuy nhiên, Vi Cố không tin vào mối duyên này và đã tức giận khi biết rằng sợi tơ hồng của anh sẽ buộc anh với một đứa trẻ mà anh không hề biết. Mười bốn năm sau, Vi Cố phát hiện rằng người con gái mà anh kết hôn thực chất chính là cô bé mà anh đã từng ra lệnh giết khi còn nhỏ. Điều này khiến anh nhận ra rằng, dù có chống lại duyên phận đến đâu, cuối cùng, sợi tơ hồng vẫn sẽ kết nối những người sinh ra để dành cho nhau.

Trong cuốn Nếp Cũ Con Người Việt Nam-Phong Tục Cổ Truyền có đề cập đến Ông Tơ – Hồng như sau:

Vị thần linh chủ về hôn sự theo tin tưởng của dân ta là ông Tơ hồng cũng còn gọi là Nguyệt lão. Nhiều khi Nguyệt lão bị phụ nữ hóa biến thành bà Nguyệt.

Nguyệt lão được hình dung trong quảng đại quần chúng là một ông già đầu bạc đang xe những sợi chỉ tơ màu hồng. Hình dung này do sự tích của Vi Cố đời Đường cấu tạo nên.

Truyện Vi-Cố thường được nhắc lại như sau:

Dưới đời nhà Đường có một nho sinh học hành uyên bác tên gọi Vi-Cố.

Một ngày kia Vi Cố dạo chơi dưới trăng, được gặp một ông già đang giở từng trang một quyển sách, bên cạnh có chiếc đẫy đầy chỉ tơ hồng.

Vi Cố hỏi, ông già đáp quyển sách đó ghi những lứa đôi của mọi cặp trai gái, còn những sợi tơ hồng dùng để buộc những cặp này lại với nhau. Ông già nói thêm : – Dù cách biệt vì địa vị xã hội, dù gặp bao nhiêu khó khăn, cuối cùng số mệnh vẫn thắng và kẻ nào phải phối ngẫu với kẻ nào vẫn là do duyên-số ».

Thấy ông già nói vậy, Vi-Cố muốn biết người sau này sẽ sánh-duyên với mình là ai. Ông già liền chỉ vào một cô bé hai tuổi, con một mụ hành khất trong ngôi chợ gần đó và bảo đó là người vợ tương-lai của họ Vi.

Thấy vậy Vi Cố tự nhủ :

Có thể như vậy được chăng? Vợ ta, con một mụ ăn mày !

Sau đó Vi Cố thuê người giết chết cô bé. Kẻ hung-đồ đã dùng dao đâm vào sọ đứa nhỏ, nhưng nhát đâm không trúng mà chỉ sượt qua lông mày cô bé, gây thương tích tại nơi đây.

Mười bốn năm sau, Vi-Cố thi đỗ, được bổ làm quan và vị Tiết độ-sứ gả con gái cho.

Cô dâu có một vết sẹo nhỏ trên lông mày.

Vi-Cố hỏi vợ, được nàng cho biết khi nàng 2 tuổi bị một kẻ hung-đồ đâm hụt. Quan Tiết độ sứ có chứng kiến vụ hành hung này, động lòng trắc ẩn, nhận nàng làm dưỡng-nữ.

Thì ra, lời ông già xe tơ đã ứng-nghiệm. Họ Vi đã kết duyên với con mụ hành khất tại chợ nơi xưa.

Sự tích trên đã gây trong quần chúng sự tin tưởng vào tiền-định trong hôn nhân, nghĩa là vợ chồng có duyên số và sợi dây Tơ hồng vô hình đã xe kết những cặp vợ chồng với nhau.

Và ông già xe tơ được gọi là Nguyệt lão vì Vi Cố đã gặp ông ta ở dưới trăng, và ông cũng có tên là Tơ Hồng vì ông xe những sợi chỉ tơ màu hồng.

Tin tưởng ở ông Tơ Hồng, trai gái đến tuổi lành-duyên đều cầu khấn ông giúp cho được duyên may phận đẹp. Trong ca-dao Việt-Nam thường nhắc nhiều tới vị thần linh chủ về hôn sự này :

“Bắc thang lên tới Trăng già,
Chỉ hồng đâu tá, mượn và bốn dây?
Để ta xe kết đấy, đây,
Xe chim loan phượng với cây ngô đồng,
Xe tố nữ với anh hùng
Xe trang thục nữ bạn cùng thi nhân…”[6]

Hoặc:

Bắc thang lên đến tận trời
Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay.
Đánh thôi lại trói vào đây,
Hỏi ông Nguyệt lão: “Nào dây tơ hồng?”
“Nào dây xe Bắc, xe Đông?”
“Nào dây xe vợ xe chồng người ta?”
“Vụng xe, xe phải vợ già,
“Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông lên!”[7]

Lễ tế Tơ Hồng trong văn hoá Việt

Văn tế Tơ Hồng chưa có khuôn phép cố định mà sẽ được viết theo phong tục ở mỗi địa phương, mỗi nơi lại có cách viết văn tế khác nhau. Trong cuốn Gia Lễ xưa và nay, của tác giả Phạm Côn Sơn, có ghi lại bài văn tế theo bản Hán văn và chữ Nôm như sau:

Bài Hán văn tế lễ Tơ hồng:

Duy Việt Nam, tuế thứ Tân Hợi, từ nguyệt kiến Tân Mão, việt sơ nhất nhật sóc Kỷ Mão, thập tứ nhật Canh Dậu, Chủ hôn Nguyễn Văn X, vị trường tử Nguyễn Văn Giáp thành hôn, dứ Trần Văn Ất thứ nữ Trần Thị Bính, tự trạch đắc lương thân. Cần dụng hương hoa tửu quả, thứ phẩm cho nghi, cảm chỉ cốc vụ:

Chưởng quản nhân gian Hôn phối sự, Nguyệt Lão Thiên tiên.

Vị tiền viết :

Phối thất chi tế,

Vạn phúc chi nguyên.

Viên tư nguyên cát.

Cảm cáo kết hôn.

Trầm hương số bện,

Hồng tửu kỷ tôn.

Ngưỡng kỳ linh huống.

Tràng dụ hậu côn.

Phu phu phụ phụ.

Tử từ tôn tôn.

Bách niên kháng lệ,

Dịch diệp sương phồn.

Bài chữ Nôm:

Duy… năm… tháng… ngày… phủ… tổng…. xã… mỗ vì việc lấy… làm vợ, hiện nay hôn sự đã thành, kính sửa lễ dâng Đức Tơ Hồng Nguyệt Lão thiên tiên.

Trộm nghĩ:

Trời đất có âm, có dương, người đời có chồng có vợ,

Hoa đào đua nở, nhụy tươi cười còn đợi gió đong đưa;

lá liễu phất phơ, nhành rung múa còn chờ tay vin đến.

Duyên trời khéo, bà mối tốt đưa;

Việc nghinh hôn, nay đã được giờ, lòng thành kính dâng lên lễ vật.

Cám ơn ông Tơ bà Nguyệt, vâng lệnh Ngọc Hoàng.

Không hề thiên vị, rất mực công bằng.

Đem nhân duyên kết nghĩa vợ chồng,

Treo gương ngọc thấu soi sự thế.

Sự nhớ :

Mới ngày nào tin đưa nhạn cá, mà nay đà vui thú uyên ương:

Sắt cầm nên nghĩa đá vàng.

Tơ tóc trọn duyên Tần Tấn.

Một nhà trong ấm, ngoài êm, dây xích thằng xe thắm mối lương duyên; đôi lứa phận đẹp duyên ưa, nhịp cầu Thước bắc vừa dòng Ngân thủy.

Ba sinh trọn vẹn; loan phượng thuận hòa

Họ Ất, họ Giáp, lá thắm đề thơ;

Chuyện trò vui vẻ, chè rượu say sưa,

Nhân nay việc hôn đã mãn:

Dám mong đức lớn phù trì, vẹn niềm chung thủy

Nhờ được ơn sâu thuần gội, sớm mộng hùng bi.

Gọi là lễ mọn, xin người chứng tri.[8]

Cuốn Đất lề quê thói viết: “Khi xưa tế Tơ Hồng ngay lúc sau khi đưa dâu về đến nhà, trước khi yết lễ tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng, ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người ta là nên vợ chồng, lương duyên do ông Tơ chấp mối se lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông, tế lễ để ông chứng kiến việc hôn phối đã thành đồng thời tạ ơn Ông.”[9]

Lễ cử hành rất đơn giản, bàn thờ được đặt ở vị trí trung tâm nếu thời tiết thuận lợi, trên đó bày lư hương, nến hoặc đèn, cùng với xôi gà, trầu và rượu. Dù gọi là tế lễ, nhưng không có nghi thức rườm rà như các lễ lớn, cũng không mời các thầy tư văn hay đội nhạc trợ tế. Cô dâu và chú rể đứng ngang nhau trên chiếu trải trước hương án, thực hiện lễ lạy bốn vái theo lời xướng của xưởng tế. Một người phụ trách rót rượu, một người đọc văn tế. Sau khi lễ xong, đôi tân lang tân nương vái ba vái, rồi lui ra.

Lễ tế này không có nghi thức thề nguyện nghiêm ngặt như các lễ tế khác, chỉ có một tuần rượu tượng trưng. Văn tế được viết trên giấy hồng, đọc xong sẽ dầm vào chậu nước đặt trước hương án, khác với văn tế thần thánh viết trên giấy trắng rồi đốt đi. Đọc văn tế sẽ do người có giọng tốt thực hiện, nếu không thuộc hết văn, sẽ có người hướng dẫn trước. Các cụ trong gia đình không coi trọng việc nhận làm trợ tế cho đôi trẻ, mà họ cho rằng trong lễ tế, chủ tế chính là đôi tân lang tân nương, vì họ mới là người thực sự thực hiện nghi lễ kết hôn. 

Mối lái trong xã hội phong kiến

Nói đến hôn nhân và tập tục cưới hỏi thì ta có thể liên tưởng ngay đến những thủ tục thời xưa mà bất kỳ người Việt nào cũng phải tuân thủ, nhất là dưới thời phong kiến. Có thể nói thời đó tập tục dựng vợ gả chồng được thực hiện rất nghiêm khắc con cái hầu như phải tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đấy. Thậm chí có người ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã được định đoạt chuyện hôn nhân. Mai mối là một phần quan trọng trong quá trình kết hôn, với sự tham gia chủ yếu của gia đình và người lớn tuổi, đôi trẻ thường không có quyền quyết định hoàn toàn trong việc chọn lựa bạn đời.

Theo Tam Hạ Nam Đường có viết: “Từ xưa đến nay việc hôn nhân đều thuộc quyền cha mẹ, ấy là đạo thông-thường”[10]. Trong xã hội phong kiến, việc kết hôn không phải là sự lựa chọn tự do của mỗi cá nhân mà thay vào đó, các cuộc hôn nhân thường được hình thành dựa trên các yếu tố như gia thế, dòng họ và địa vị xã hội của hai bên với tâm thế để có con cái nối dõi dòng tộc.

Chẳng nghe bác mẹ sao đành
Nghe ra thì phụ lòng anh muôn phần
Nghĩ càng thêm chứa chan giọt lệ
Phận nữ nhi sá kể làm chi
Cập kê nay đã đến kỳ[11]
Mẹ cha ép gả em thì phải vâng
Hai thân cứ khăng khăng quyết ép
Há dâm đâu lỗi phép thung huyên
Thân em từ bấy chẳng yên
Phụ anh phụ cả lòng yêu bấy chầy
Thôi duyên phận kiếp này đã lờ
Cuộc trùng phùng họa có kiếp sau
Bấy lâu thương nhớ cùng nhau
Nỗi niềm tạm biệt giọt châu[12] hai hàng
Em phúc bạc nhỡ nhàng số kiếp[13]
Trót cùng anh khăng khít bấy lâu
Bây giờ lại phụ lòng nhau
Bởi vì bác mẹ đặt đâu phải ngồi
Anh ơi việc đã rồi anh ạ
Khuyên anh đừng buồn bã nhớ thương[14]

Theo quan niệm “tam cương ngũ thường”, cha mẹ được nắm quyền quyết định hôn nhân của con cái, việc mai mối, vì thế, việc dựng vợ, gả chồng thường diễn ra từ rất sớm, dẫn đến lệ tảo hôn và tục phúc hôn chiếm phần lớn. Câu tục ngữ “nữ thập tam, nam thập lục” phản ánh việc hôn nhân được định đoạt từ khi còn trẻ, đến độ tuổi gái 13, trai 16 là có thể đến tuổi kết hôn, với sự tham gia quyết định của gia đình, không hề có sự tham gia hay đồng ý của con cái.

Bài vè hỏi vợ:

Ngày xưa hỏi vợ xem tông[15]
Kén chồng xem giống bên ông bên bà
Mượn người mối lái lân la
Lời qua tiếng lại như là bán mua
Bảy mươi mười bảy cũng vừa
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng
Có tiền ép buộc là xong
Số trời đã định vợ chồng phải nên
Ép dầu ép mỡ ép duyên
Bố mẹ đã quyết yếu hèn cấm chê
Trẻ già xấu đẹp tính gì
Đặt đâu ngồi đấy biết đi đằng nào
Trai còn tóc chỏm lông mao
Gái thời còn đề quả đào đuôi tôm
Suốt ngày nghịch ngợm om sòm
Quần mặc chưa vững chơi còn vật nhau
Thế mà đã có trầu cau
Mua sắm lễ vật yêu cầu đính hôn
Mẹ cha đồng ý thay con
Hợp duyên đúng số ai còn nói chi
Thế là từ nay trở đi
Năm ba lệ tết đúng kỳ đội sang[16]
Mâm đồng đội kín lồng bàn
Hai thăn hoặc gối nhiều càng tốt hơn
Lòng lợn bỏ bấc nửa mâm
Bún bánh vào khoảng dăm cân là vừa
Quà phụ thêm mấy quả dừa
Sáu cái bánh tráng loại to có vừng
Trầu cau thì đã có chừng
Chai năm hoặc ít rượu tăm bọt nhiều
Những ngày giỗ chạp hàng năm
Lại cần phải có lấy dăm mười đồng
Sắm sanh quà bánh đến thăm
Om đề cá khúc, thịt thăn hay giò
Trứng gà vài chục loại to
Tốt hơn nên cả sữa bò, cá chim
Ngày ngày tháng tháng năm năm
Tình sao tính được như tằm ăn dâu
Đến ngày được phép bỏ trầu
Lễ vật một gánh rượu cơm khiêng ngoài
Đồng thời định lễ nhập tài
Nhập tài lấy một đòi hai ba phần
Đôi bên cãi cọ phân trần
Phân đi bớt lại mấy lần tạm qua
Buồng kia mua nứa ngăn ra
Giường hộp đóng gấp dọn nhà quét sân
Tiền đâu sắm gối sắm chăn
Sau này chúng nó lo dần chẳng lo
Cần ngay đôi chiếu loại to
Cái nằm cái đắp chân co kín đầu
Mượn đèn san bấc mua dầu
Thêm vôi, thêm mấu, bổ cau, thêm trầu
Đôi lợn nuôi nấng đã lâu
Đến bữa bỏ trầu hẹn một mang sang
Áo quần nón yếm nữ trang
Đôi hoa tai vàng chú ý gói riêng
Nếp từ gạo gánh đừng khiêng
Còn như bạc tiền xếp đúng từng trăm
Trầu cau thì đội bằng mâm
Rượu thì cứ đổ một chum quả dây
Số gà cáo tổ lim ngay
Tất cả lễ này cùng thể mang đi
Nhờ thầy xem bói tử vi
Ngày giờ tam hợp đến thì rước dâu[17]
Sẵn sàng máy bộ trầu cau
Chủ hôn đi trước dẫn đầu họ trai
Tới gần cửa đóng then cài
Đòi tiền dấp ngõ không sai đồng nào
Tiền đưa cửa mở mời vào
Hai họ gặp mặt hỏi chào huyên thuyên
Hương đèn cúng tế tổ tiên
Bái chào cha mẹ đáp công sinh thành
Xin ban mọi sự tốt lành
Đồng thời xin phép gia dinh rước dâu
Ra về trên trước dưới sau
Quả hộp[18] đội đầu đi cạnh chủ hôn
Chủ hôn áo thụng cầm hương
Khói bay nghi ngút mùi thơm cả đường
Mọi người nói chuyện như thường
Cô dâu thút thít như tuồng khóc chơi
Hai họ đã đến tới nơi
Pháo nổ đì đẹt thay lời chào mong
Trước là cúng tế tơ hồng[19]
Tiếp đó đáp lễ cha ông họ hàng
Gọi là theo phép lệ làng
Cỗ bàn tấp nập sẵn sàng bưng lên
Chủ hôn, hương lý ngồi trên
Trẻ già hai họ hai bên cùng ngồi
Cứ là bốn một tám hai
Trẻ con còn bé xin ngồi ghép cho
 Mỗi mâm có một con cua
Giả cây riềng nấu chân giò,đĩa tôm
Bát bung, bát nấu, bát om
Đĩa giò, đĩa thịt không thèm cà dưa
Mọi thứ hết sạch tạm vừa
Nước mắm đầy đủ cơm thừa rượu say
Chia phần một đĩa xôi đầy
Ngoài cổng mấy chú ăn mày xin ăn
 Hai họ cho phép chạy mâm
Nồi niêu bát đĩa trả dần cho quang
 Dỡ rạp trả ghế trả bàn
Trả vân giặt chiếu mua sàng bày ra.
Còn ít lúa nếp trong nhà
Xay mau sàng sẩy để mà đồ xôi
Con gà thịt nốt đi thôi
Trầu cau hai chục rượu thời hai chai
Sẵn sàng sáng sớm ngày mai
Đội sang đầy đủ cả hai vợ chồng
Trước là tạ lễ tổ tông
Sau là lại mặt bên ông bên bà
Tạm xong nói chuyện trong nhà
Một dâu tốn kém hết là bao nhiêu
Tiền mừng ai ít ai nhiều
Cả sớm cả chiều tính được là bao
Ruộng kia cố hết mấy sào
Món vay nợ lãi thế nào bà ơi
Lúa gạo hết sạch thì thôi
Từ nay đến vụ tạm thời còn khoai
Còn việc cái đôi hoa tai
Ta mượn để buổi nhập tài đưa sang
Gọi là nhập của nữ trang
Bảo khẽ nó trả kẻo nang tiếng cười
Tốn của nhưng đã được người
Làm nhiều ăn ít nợ thời cũng xong
Bà rằng muôn sự tại ông
Ông rằng mọi việc không không tại bà
Đúng là tại cả chúng ta
Cố mà khuây khỏa kẻo mà ốm to
Muốn vui mà chửa vui cho
Nghĩ lui nghĩ tới lời ở lời đi
Mẹ đẻ con trai làm chỉ
Đầu gà má lợn đem đi cho người
Mẹ đẻ con gái nhà tôi
Đầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ nhai
Thôi thôi đừng nghĩ dông dài
Không tiền không gạo cả hai chết già
Thông gia cũng gọi thông gia
Thông gia mà chỉ một nhà phải lo
Nỗi lòng ai có thấu cho
Phép vua là thế còn thua lệ làng
Lệ làng với kẻ giàu sang
Đói nghèo túng bấn lại càng khổ lo[20]

Mối lái hôn nhân truyền thống chủ yếu được thực hiện qua các mối quan hệ trong cộng đồng và gia đình, đôi khi thông qua các dịch vụ mai mối do người lớn trong gia đình tổ chức. Trong xã hội cũ, có những người chuyên làm nghề mối lái, nếu đẹp đôi vừa lứa thì bà mối sẽ trở thành ân nhân suốt đời. Khi hôn lễ được tiến hành xong, sẽ mang biếu bà mối một nửa mâm xôi, nửa con gà kèm theo chiếc áo lụa. Chẵn tháng con đầu lòng thế nào cũng cố mời bà mối đến dự, để tỏ nghĩa tri ân. Nhưng đổi lại cũng có nhiều mối nên duyên xong lại xảy sự bất đồng hoặc vỡ lẽ ra nhiều chuyện mà trong cuộc mai mối không được đề cập để rồi lại ly tan.

Mối lái hôn nhân trong xã hội hiện đại

Mặc dù xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi về phong tục và tập quán, nhưng phong tục mối lái vẫn tồn tại và phát triển, song có sự thay đổi đáng kể về phương thức hoạt động. Khác với truyền thống, vai trò của người mối lái hiện nay không còn can thiệp quá sâu vào cuộc sống và quyết định của các cặp đôi, mà thay vào đó, họ chỉ đóng vai trò trung gian, giúp kết nối và tạo cơ hội cho các cá nhân gặp gỡ, tìm hiểu nhau.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi hôn nhân ở Việt Nam bao gồm: sự gia tăng trình độ học vấn, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống cùng những nhận thức riêng biệt của mỗi cá nhân và gia đình dẫn đến độ tuổi kết hôn được tăng lên, thanh niên có nhiều quyền hơn trong việc quyết định hôn nhân của mình. Họ có thể tự do lựa chọn bạn đời, ít phải chịu sự can thiệp từ gia đình, thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong cách nhìn nhận và quyết định về tình yêu và hôn nhân trong thời đại mới.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, nhiều công ty dịch vụ mai mối chuyên nghiệp đã ra đời, không chỉ giúp tìm kiếm đối tượng phù hợp mà còn tổ chức các buổi gặp gỡ, cung cấp tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho các cặp đôi trong suốt quá trình tìm hiểu, một cách bài bản và có quy trình rõ ràng hơn.

Ngày nay, việc mai mối còn được thực hiện qua các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, làm cầu nối cho các cặp đôi có cùng nhu cầu kết bạn hoặc lập gia đình. Các cặp đôi có thể dễ dàng tìm thấy nhau qua các website, ứng dụng hẹn hò, giúp việc kết nối giữa các chàng trai, cô gái trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều so với thời chưa xuất hiện của phương tiện đại chúng. Các hoạt động xã hội, câu lạc bộ, hội nhóm chuyên môn hay các tổ chức cộng đồng cũng là một cách để các cá nhân gặp gỡ và kết bạn một cách tự nhiên.

Dù vẫn có một số gia đình duy trì truyền thống mai mối, nhưng hiện nay, vai trò của gia đình trong việc mai mối đã giảm bớt. Những bậc cha mẹ, ông bà vẫn có thể giới thiệu bạn bè hay đối tượng phù hợp, nhưng họ ít can thiệp vào quyết định cuối cùng của đôi trẻ. Các bậc phụ huynh hiện đại có xu hướng hỗ trợ con cái trong việc tìm kiếm người bạn đời nhưng vẫn tôn trọng sự tự do và lựa chọn cá nhân của con mình. Hơn nữa, ở thế kỷ nền văn hoá hiện đại, mối quan hệ tự do không qua mai mối truyền thống ngày nay được xã hội chấp nhận rộng rãi hơn. Việc các đôi trẻ tự do yêu đương, sống thử, hoặc quyết định kết hôn mà không cần sự tham gia của gia đình là điều hoàn toàn bình thường trong nhiều xã hội hiện đại.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại và sự tự do cá nhân ngày càng cao, việc lựa chọn bạn đời đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự can thiệp của mối lái. Mối lái giờ đây chỉ là một yếu tố bổ trợ, giúp kết nối các cặp đôi, nhưng không quyết định số phận của mối quan hệ. Đối với nhận thức ngày nay, việc xây dựng một mối quan hệ bền vững dựa nhiều hơn vào sự hiểu biết, tôn trọng và tình cảm thật sự giữa hai người, hơn là sự sắp xếp từ bên ngoài.

Kết luận

Bước vào thế kỷ XXI, nhận thức của thanh niên về hôn nhân và gia đình đã có sự thay đổi lớn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong quá khứ, môi giới hôn nhân chủ yếu được thực hiện qua các bậc cao niên, những người có kinh nghiệm sống và mạng lưới quan hệ rộng rãi, nhằm tìm kiếm và giới thiệu những người bạn đời phù hợp, dựa trên các yếu tố như gia thế, đạo đức, tài chính và sự tương thích giữa các gia đình. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, vai trò của môi giới hôn nhân đã có nhiều thay đổi, khi mà các giá trị cá nhân, tự do lựa chọn bạn đời và các phương tiện kết nối trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Mối lái hôn nhân đã trải qua sự chuyển biến đáng kể từ phương thức truyền thống sang các hình thức hiện đại hơn. Không còn giữ vai trò quyết định như trước, mối lái hiện nay chủ yếu là người hỗ trợ, tư vấn và kết nối các cặp đôi thông qua các dịch vụ mai mối chuyên nghiệp và nền tảng hẹn hò trực tuyến.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận thanh niên lấy vợ hoặc chồng do cha mẹ sắp xếp hoặc do sự dẫn dắt của người mối lái, điều này khẳng định rằng chuẩn mực truyền thống coi hôn nhân là một vấn đề quan trọng của cả gia đình vẫn được duy trì một giá trị nhất định trong việc tạo dựng những mối quan hệ hôn nhân lâu dài và bền vững, đặc biệt trong những cộng đồng coi trọng truyền thống và gia đình. Việc duy trì một sự kết nối giữa các gia đình, những chuẩn mực xã hội trong hôn nhân vẫn đóng vai trò quan trọng, điều này chứng tỏ rằng, dù xã hội có thay đổi đến đâu, vai trò của mối lái và các yếu tố truyền thống vẫn sẽ tồn tại song song với những xu hướng hiện đại, tạo nên sự cân bằng trong việc xây dựng các mối quan hệ hôn nhân.

Như vậy, mai mối hiện nay vừa là một nghề nghiệp chuyên nghiệp với các dịch vụ và hoạt động được tổ chức bài bản, vừa là hành vi xã hội thể hiện sự quan tâm và kết nối trong cộng đồng. Mai mối, dù theo cách truyền thống hay hiện đại, vẫn giữ một phần quan trọng trong việc hình thành các mối quan hệ hôn nhân, nhưng cách thức thực hiện đã thay đổi nhiều để phù hợp với nhu cầu và xu hướng xã hội hiện đại.

Tham khảo:

  1. Toan Ánh (1970), Nếp Cũ Con Người Việt Nam-Phong Tục Cổ Truyền, Nxb Khai Trí.
  2. Đinh Gia Hân (1937), Tam Hạ Nam Đường Số 06, Nxb Đắc Lợi.
  3. Trọng Miễn (1985), Khảo sát văn hóa truyền thống Qùy Chữ (tập 1), Nxb Thanh Hoá.
  4. Những điều nên biết về trong phong tục Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia và Nxb Văn hoá dân tộc (2012).
  5. Phạm Côn Sơn (2005), Gia Lễ xưa và nay, Nxb Thanh Niên.
  6. Nhất Thanh (2016), Đất lề quê thói, Nxb Văn học.
  7. Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá – Văn nghệ (2020).
  8. Tân Việt (2001), 100 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam, Nxb Văn Hóa Dân Tộc.

 

[1] Tân Việt, 100 Điều nên biết về Phong tục Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc (2001).

[2] Thi Viện.net

[3] Kiều bán mình chuộc cha, hồi 06, Thi Viện. nét

[4] Theo Trương Thìn, Nghi thức tang lễ và văn khấn truyền thống, Nxb Hà Nội (2007).

[5] Vi Cố: Một nhân vật trong truyện Vi Cố, được chép trong Tình Sử của Long Tử Do, do người đất Ngô soạn.

[6] Bài thơ chép trong Gia Lễ xưa và nay

[7] Phần tài liệu đọc thêm, trang 211.

[8] Theo Phạm Côn Sơn, Gia Lễ xưa và nay, tr 57.

[9] Trích dẫn ở trang 370

[10] Tam Hạ Nam Đường số 06, trang 86, do Đinh Gia Hân dịch.

[11] Cập kê: Theo kinh lễ con gái 15 tuổi thì cài trâm để tỏ rõ là đến tuổi lấy chồng. Cập kê là đến tuổi cài

trâm, tức đến tuổi lấy chồng.

 

[12] Giọt châu: Nước mắt

[13] Ý nói không may mắn

[14] Bài 1, Từ biệt người yêu, trong cuốn Khảo sát văn hoá truyền thống Quỳ Chữ, trang 145.

[15] Tông: Tức tông tích, dòng họ

[16] Một năm có ba lệ tết là: Tết Nguyên Đán, tết tháng năm,  tết tháng mười

 

[17] Ngày giờ tốt, hợp tuổi nhau

[18] Quả hộp: Được làm bằng gỗ, thường là hình tròn sơn đỏ, bên trong đựng trầu cau.

[19] Lễ tế ông Nguyệt Lão.

[20] Bài 3: Vè hỏi vợ, trong cuốn Khảo sát văn hoá truyền thống Quỳ Chữ, tr 146.

Hạ Liên

ShareTweet

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


No Result
View All Result
  • Nghi lễ vòng đời
    • Hôn lễ
    • Sinh con
    • Động thổ làm nhà
    • Mừng thọ và sinh nhật
    • Tang ma
    • Ngày giỗ
  • Nghi lễ hàng năm
    • Dịp Tết Nguyên Đán 1/1
    • Dâng sao giải hạn 15/1
    • Nguyên tiêu 15/1
    • Tết Thanh minh 3/3
    • Tết Hàn thực 3/3
    • Tết Đoan ngọ 5/5
    • Lễ Thất Tịch 7/7
    • Lễ Vu Lan 15/7
    • Tết Trung Nguyên 15/7
    • Tết Trung thu 15/8
    • Tết Trùng Cửu 9/9
    • Tết Cơm mới (10-15/10)
    • Tết Táo Quân 23/12
    • Ngày mùng 1 hàng tháng
    • Ngày rằm hàng tháng
  • Đặc trưng văn hóa Việt
    • Chữ và Nghĩa
    • Phong tục thờ cúng
    • Văn hóa giao tiếp
    • Món ăn truyền thống
    • Trò chơi dân gian
    • Trang phục truyền thống
    • Nghệ thuật truyền thống
    • Di sản văn hoá
    • Nền nếp sinh hoạt
  • Tôn giáo tín ngưỡng
    • Phật giáo
    • Công giáo
    • Thờ cúng tổ tiên
    • Thờ cúng tổ nghề
    • Tín ngưỡng thờ Thần
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu
    • Tôn giáo khác

© 2021 cophong.vn