Tục nhuộm răng là một tập tục rất phổ biến ở các nước nằm trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Mã Lai, Nhật Bản, Việt Nam…., các bộ lạc châu Phi và các tộc người ở khu vực Trung và Nam Mỹ, được chia thành hai loại là tục nhuộm răng đen và tục nhuộm răng đỏ nhưng tục nhuộm răng đen phổ biến hơn cả.
Ở Việt Nam, từ thời cổ đại, tục này đã rất phổ biến ở miền Bắc và miền Trung. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì tục nhuộm răng đen của người Việt có từ thời sơ sử, giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam đại cương chép: “Người Văn Lang có thói quen ăn trầu, nhuộm răng đen, dấu tích hạt cau, quả cau được tìm thấy ở Đông Sơn” và “cư dân Văn Lang, Âu Lạc đều có ý thức cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên, một tập quán chung là nhuộm răng, ăn trầu” , hay trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Quốc Vượng có đề cập: “Phong tục tập quán của người Đông Sơn rất đa dạng ví như tục nhuộm răng, ăn trầu”. Đặc biệt năm 1999, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc tiến hành cuộc khai quật lần thứ 6 đã phát hiện được bộ di cốt còn gần như nguyên vẹn, khoảng 3500 năm tuổi và đặc biệt có dấu vết của tục nhuộm răng đen và tục nhổ răng cửa bên hàm trên và răng cửa hàm dưới. Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta chưa có một công trình nghiên cứu nào xác định được rõ khởi nguyên tục này nhưng từ những cứ liệu trên ta có thể biết rõ tục này đã có từ rất lâu và có thể là đã có từ thời Văn Lang – Âu Lạc.
Người châu Âu khi tiếp xúc với dân ta thì lại cho rằng tục nhuộm răng đen xuất phát từ tục ăn trầu vốn phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Theo Henri Maspero (nhà Hán học người Pháp) khi nghiên cứu về phương Đông đã từng nói: “Ở nước Văn Lang xưa, tục ăn trầu cùng tục nhuộm răng là những tục phổ thông lắm; người Tàu cho rằng vì ăn trầu mà sinh ra tục nhuộm răng”. Tuy nhiên, không thể đồng nhất tục ăn trầu với tục nhuộm răng đen, duy hai tục ấy đều khiến cho thành răng vững chắc, bởi lẽ, nhiều nơi không có trầu cau, tục nhuộm răng đen vẫn phổ biến, và ngược lại. Nếu chỉ ăn trầu mà không nhuộm thì răng sẽ có màu đỏ sẫm chứ không thể đen nhánh được. Vì vậy ta có thể khẳng định rằng tục nhuộm răng đen là một truyền thống trong văn hóa, thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tiêu chuẩn về cái đẹp của người Việt từ thời thượng cổ.
Lại có người nhầm tục ta với tục Tàu, họ cho rằng tục nhuộm răng đen của xứ Nam ta là từ phương Bắc truyền sang. Trong bài tục nhuộm răng của Tú Lan đăng trên tạp chí Phụ nữ Tân Văn (số 66 năm 1930) nói rằng:“không muốn người Nam lẫn với người Tàu, vì sợ thành ra bình đẳng thì khó bề cai trị, đè nén, bởi vậy mà họ bắt buộc người Nam phải nhuộm răng phân biệt” nhưng chính Lư Sơn Chơn Tướng người Trung Hoa lại khẳng định: “người Tàu chúng tôi đã vốn không có tục nhuộm răng, lại cũng không hề biết đến cái tục ấy nữa” và“Ở bên Tàu chúng tôi, những người nào chưa hề bước chơn qua đất nầy thì chẳng bao giờ ngờ được rằng người An Nam có răng đen.”. Do đó mà không thể đồng nhất tục ta với tục Tàu được.
Tục nhuộm răng của ta như đã nói, có từ thời thượng cổ, nó đi sâu thấm nhuần vào trong cội rễ, tư tưởng về cái đẹp của người Việt. Thường được nhắc đến trong các câu ca dao như :
Răng đen ai nhuộm cho mình
Để duyên mình thắm để tình ta say
Hay:
Môi son lại điểm má hồng
Hàm răng đen nhức ai lòng chẳng hay
Hai câu ca dao trên chứng tỏ xưa hàm răng đen là một tiêu chuẩn thẩm mỹ của người Việt, đen nhức càng xinh. Và hàm răng cũng dự một phần vào việc làm đẹp của con người đặc biệt là người con gái.
Thời bấy giờ, tục nhuộm răng đen không chỉ là chuẩn mực cái đẹp mà còn được nâng lên thành chuẩn mực đạo đức. Ngày xưa, hễ cô gái nào răng trắng thì bị coi là bất chính, trắc nết, bị chê là“răng trắng như răng lợn luộc” hay“răng trắng như răng chó” hàm ý mỉa mai, nhà có con trai đến tuổi dựng vợ cũng không nên lấy cô gái này. Còn những cô gái để răng đen thì được coi là mực thước, mỹ lệ, nết na, ai cũng muốn có được.
“Hỡi cô yếm thắm răng đen,
Muốn lên mạn ngược chèo thuyền cùng anh”.
Có lẽ vì vậy mà khi con trai con gái chừng mười tuổi trở lên, rụng hết một loạt răng sữa mọc đủ răng xương rồi thì sẽ nhuộm răng. Để nhuộm được một hàm răng đen nháy người ta sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước hết phải dùng cánh kiến tán cho nhỏ, vắt nước chanh để kín bảy ngày, rồi chờ tối đi ngủ thì phết thuốc ấy vào hai mảnh lá dừa hoặc lá cau mà ấp vào hai hàm răng. Trong khi nhuộm phải kiêng nhai vì sợ nhai thuốc lại phai. Nhuộm như thế liên tục độ dăm đến bảy hôm khi răng lên màu đỏ thì bôi thuốc nhuộm răng đen. Thuốc nhuộm răng đen làm từ phèn đen trộn đều với cánh kiến, quét lên lá dừa hoặc lá cau đợi khi đi ngủ thì áp vào răng. Lần nhuộm đen chỉ cần độ 2 đêm là được. Cuối cùng là công đoạn chiết răng. Công đoạn này có tác dụng giữ màu đen cho răng. Người ta lấy gáo dừa già đã phơi khô để lên con dao rồi đốt cho gáo dừa chảy ra thứ nhựa đen sền sệt, rồi lấy nhựa đó phết vào răng, răng sẽ có màu đen bóng và lâu phai.
Trong những năm tiền đệ nhị thế chiến, trên thị trường có xuất hiện những thuốc nhuộm răng hoá học, nhuộm thằng từ răng trắng qua răng đen không qua màu đỏ.
Thuốc nhuộm răng, dù cổ truyền hay là thuốc hóa học đều là những chất nồng và cay, thường làm cho môi, lưỡi và lợi người nhuộm răng sưng lên, khiến trong thời kỳ nhuộm răng, ăn cơm không dám nhai và chỉ nuốt chửng. Bởi vậy trong khi nhuộm răng người ta thường ăn những đồ mềm, dễ nuốt như cháo, bún,… . ngoài ra nó còn giúp cho thuốc bám chặt vào chân răng tránh để phai màu. Sau khi đã “chiết răng” rồi, màu răng không phai được nữa, người ta mới lại ăn uống và nhai như thường. Răng tuy đã chiết, màu đã bám chắc nhưng theo thời gian thì màu răng có thể sẽ bị phai bớt. Do đó người ta cần phải nhuộm lại. Đàn ông thì nhuộm lại độ 1,2 lần, còn phụ nữ thì mỗi năm nhuộm lại một lần, đến độ qua 30 tuổi cũng không nhuộm lại nữa.
Vào thời bấy giờ tục nhuộm răng được ưa chuộng đến mức trở thành một nghề để kiếm sống. Nhưng kể từ sau năm 1945 tới nay tục nhuộm răng hầu như mất dần, đến nay gần như chẳng còn nữa, người ta chỉ thấy những bà lão tay chống gậy, miệng móm mém nhai trầu với hàm răng đen nhánh. Có những người đã nhuộm răng đen rồi lại đem tẩy cho trắng để phù hợp với thẩm mỹ của thời đại. Thời thế thay đổi, chuẩn mực của cái đẹp xưa không thể áp dụng cho ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế, toàn cầu hóa được nhấn mạnh hơn cả thì không một nền văn hóa nào chịu đứng yên một chỗ, nhất là khi nền văn hóa đó lại nằm trong sự xoay vòng của giao lưu và tiếp biến.
Ngọc Anh nhóm Cổ phong
Tài liệu tham khảo:
- Mai Viên Đoàn Triển, An Nam Phong Tục Sách, Nxb Hà Nội.
- Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Nxb Văn Hóa Thông Tin.
- Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Văn Học.
- Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, Nxb Xuân Thu
- Trương Hữu Quýnh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006.
- Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010
- Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016