Nguồn gốc
Thuốc lào là một loài thực vật thuộc chi thuốc Lá (Nicotiana), có hàm lượng nicotin rất cao. Lá cây được phơi khô, xắt nhỏ rồi dùng điếu để hút. Có ba loại điếu hút thuốc lào, điếu cày bằng ống tre, điếu bát bằng sành hoặc sứ và điếu dóng (điếu ống) bằng gỗ hoặc ngà. Các nhà sang trọng thường có điếu bát cổ, hoặc điếu dóng chạm trổ và bịt bạc. Khi khách đến nhà, ngoài “miếng trầu mở đầu câu chuyện”, người ta còn đem điếu ra mời khách hút thuốc lào.
Trong Vân Đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi chép khá kỹ về nguồn gốc của thuốc lào: Sách Tuy khấu kỷ lược nói: “Đời vua Hy tông nhà Minh, đồng dao có câu: Thiên hạ binh khởi, biến địa giai yên (thiên hạ khởi binh, chỗ nào cũng có khói). Không bao lâu, người đất Mân có thứ khói ấy, gọi là yên tửu, có thể chữa được bệnh hàn, thực cũng là lạ”. Sách Thuyết linh nói: “Thuốc lá (yên diệp) sản xuất tự đất Mân, người ở biên giới mắc bệnh hàn, không có nó, không chữa được, có người đổi một con ngựa lấy một cân thuốc lá (yên diệp)”…
Xét ở nước Nam ta, vốn xứ ta không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), đời vua Thần tông nhà Lê, vào khoảng năm Thuận Trị thứ 17 Trung Quốc, người Ai Lao đem giống cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Quân dân, đàn bà, con gái đua nhau hút, đến nỗi có người nói: “Nhịn cơm ba ngày còn được, chứ một lúc nhịn thuốc, thì không được”[1]. Có lẽ bởi vậy, dân ta mới quen gọi là thuốc Lào.
GS Đào Duy Anh cũng ủng hộ quan điểm thứ thuốc này truyền từ Ai Lao sang Việt Nam: “Tục hút thuốc lá và thuốc phiện thì không riêng gì cho người nước ta, nhưng ta lại có thói hút thuốc lào là điều đặc biệt.
Thứ thuốc này có lẽ là nguyên từ Ai Lao, do miền thượng du mà truyền sang nước ta, cho nên gọi là thuốc lào. Buổi đầu người ta cho thuốc ấy trừ được sơn lam chướng khí mà hút, sau dần dần thành một thói phổ thông ở khắp kẻ chợ, nhà quê. Thuốc lào hút thường sinh đờm sinh hi, nhưng có người nghiện nặng không thể nào bỏ được, thậm chí đến như câu tục ngữ: “Nhớ ai bằng nhớ thuốc lào/Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”[2].
Cuốn Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium annamiticum lusitanicum, et latinum…) do Alexandre de Rhodes biên soạn đã giải nghĩa từ thuốc lào rằng: “Thuốc hút, thuốc lào; ăn thuốc: hít thuốc, hút thuốc; Hút thuốc: Cùng một nghĩa” [3].Cuốn sách xuất bản năm 1651 nên có thể khẳng định rằng thuốc lào ở dạng thuốc hút/hít đã du nhập vào Việt Nam từ trước năm 1651.
Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông đã sớm sáng tác bài Vịnh “Cái xe điếu” nên giả thuyết thuốc lào về Việt Nam vào thời vua Lê Thần Tông là không khả thi, nó hẳn đã phải có từ trước đó. Bài thơ mô tả:
“Vốn ở lâu đài đã bấy nay,
Khi lên dễ khiến thế gian say.
Lưng in chính trực mười phân thẳng,
Dạ vẫn hư linh một tiết ngay.
Động sóng, tuôn mây khi chán miệng,
Nghiêng trời, lệch đất thuở buông tay.
Dưới từ nội lục trên đền đỏ,
Ai chẳng quen hơi mến đức này”[4].
Hơn nữa, trong cuốn Dư địa chí do nhà văn hóa Nguyễn Trãi biên soạn năm 1435 đã từng nhắc tới loại thuốc hút này: Mục XVIII chép: “Ở vùng này (nay là Hải Phòng) đất thì trắng, mềm, hợp với việc trồng thuốc hút; ruộng thì vào hạng thượng thượng”[5]… mục XXXVI ông viết: “Ở vùng ấy đất (nay là Thanh Hóa) thì đen, mầu mỡ, hợp với trồng thuốc hút và thứ tiêu hạt to”[6]. Như vậy, có thể khẳng định vào năm 1435 hoặc sớm hơn nữa thì ở vùng Hải Phòng, Thanh Hóa đã trồng loại thuốc hút được. Rất có thể đó là thuốc lào. Tác giả cuốn Đồng Khánh dư địa chí chép trong phần sản vật của tỉnh Hải Dương (bao gồm cả Hải Phòng hiện nay) rằng: Tiên Minh có thuốc lào[7]… thuốc lào xã Yên Tử Hạ là ngon nhất[8]. Trong phần ghi chú, tác giả không chỉ dẫn nguồn gốc từ cuốn Vân Đài Loại ngữ mà còn viết rõ: Thuốc lào và thuốc lá cùng dùng một thứ cây nguyên liệu, chỉ khác nhau về kỹ thuật chế biến và cách hút[9].
Theo Niên biểu thuốc lá đã công bố thì khoảng năm 1556-1558 cây Nicotiana spp. đầu tiên mới xuất hiện tại châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), và năm 1560 Jean Nicot de Villemain mới gửi những cây thuốc lá (N. rustica) đầu tiên về triều đình Pháp, tới khoảng những năm 1592-1598 người Triều Tiên biết hút thuốc chế từ Nicotiana spp. do người Nhật truyền sang.
Phần Tác dụng dược lực của hút thuốc trong cuốn sách Rang and Dale’s Pharmacology viết rằng: “From the plant Nicotiana, named after Jean Nicot, French ambassador to Portugal, who presented seeds to the French king in 1560, having been persuaded by natives of South America of the medical value of smoking tobacco leaves. Smoking was believed to protect against illness, particularly the plague” [10].
Tạm dịch: Từ cây Nicotiana, được đặt theo tên của Jean Nicot[11], đại sứ Pháp tại Bồ Đào Nha, người đã tặng hạt giống cho vua Pháp vào năm 1560, sau khi được người bản địa Nam Mỹ thuyết phục về giá trị y tế của việc hút lá thuốc lá. Hút thuốc được cho là có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh tật, đặc biệt là bệnh dịch hạch.
Tuy nhiên, trong bài viết “Jean Nicot, et le tabac conquit le monde” (Jean Nicot và thuốc lá chinh phục thế giới) tác giả Par Tristan Gaston-Breton (nhà Sử học kinh tế tại Centre National de la Recherche Scientifique CNRS) cho biết: “Thuốc lá đã được biết đến ở châu Âu trước khi Jean Nicot ra đời gần 40 năm. Là một loại cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, loại cây này trên thực tế đã được Christopher Columbus “phát hiện” vào năm 1492 trong chuyến đi đầu tiên đến châu Mỹ, nơi mà ít nhất ba nghìn năm trước Tây lịch, người da đỏ đã hút “petel” (một tên bản địa của thuốc lá) để giao tiếp với thần linh và làm dịu cơn đau, cũng như mệt mỏi. Bỏ qua tất cả những quan niệm này, Columbus quyết định mang về cho người Tây Ban Nha, và nó dần được phổ biến. Người bạn đồng hành của Columbus là Rodrigo de Jerez được cho là người Âu châu đầu tiên hút thuốc lá, sự táo bạo này đã giành được một bản án từ cơn thịnh nộ của tòa dị giáo vào năm 1501. Bên cạnh đó, một nhân vật khác trong đoàn thám hiểm của Columbus có tên Cortez, người đã đặt chân lên đế chế Aztec rộng lớn, và đã mang về những điếu cuộn thuốc lá mà ngày nay chúng ta gọi là Xì-gà. Tới năm 1530, thuốc lá được cho là có vô số những tính năng chữa bệnh, đã chinh phục toàn bộ những người công dân Tây Ban Nha, lúc này, ở Anh, Đức, và Ý thuốc lá đã được biết đến. Thời điểm này (khoảng 1530) một người Pháp có tên André Thévet, một tu sĩ dòng Francis (Phanxicô), sinh ra ở Angoulême vào năm 1502, ông đã đi từ Ý đến Palestine qua Hy Lạp, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Năm 1555, ông được bổ nhiệm làm Tuyên úy của đoàn thám hiểm do Phó Đô đốc Nicolas Durand de Villegagnon tổ chức theo yêu cầu của vua Henry đệ nhị để thành lập một giáo phận ở Brazil. Bị bệnh và buộc phải trở về Pháp vào năm 1556, ông đã không chứng kiến được kết cục bi thảm của nước Pháp thời Antipodes này. Nhưng từ cuộc hành trình của mình, người trí thức tò mò về mọi thứ này đã mang về một số hạt giống thuốc lá mà ông đã thuần hóa thành công trong khu vườn của mình ở Angoulême và giới thiệu cho những người thân yêu, sau này ông viết: “Tôi có thể tự hào vì là người đầu tiên ở Pháp mang hạt giống của loại cây này đến gieo hạt và đặt tên cho cây cho nó là l’herbe angoumoisine. Kể từ đó, một người chưa bao giờ thực hiện chuyến đi, sau khoảng mười năm kể từ khi tôi từ đất nước này trở về, đã đặt tên cho chuyến đi đó”. “Người chưa bao giờ thực hiện chuyến đi” như chúng ta hiểu ấy là Jean Nicot. Năm 1559 vua Francis đệ nhị bổ nhiệm ông làm Đại sứ tại Bồ Đào Nha, đồng thời lúc này, tại Angoulême, Giáo sĩ Thévet cũng đang ươm những hạt giống của cây thuốc lá nhận được từ Flemish. Tới năm 1560 Jean Nicot đã gửi vài gói bột thuốc lá từ xứ Bồ về Pháp cho Hoàng hậu Catherine de Medicis để chữa chứng đau đầu đang hành hạ con trai bà, bột thuốc đã chữa lành và làm hài lòng Thái hậu lẫn nhà vua. Ngay lập tức, triều đình Pháp ra lệnh đặt tên cho loại cây này, và nó đã được nhà thực vật học người Thụy Điển Carolus Linnaeus đặt cho cái tên Latine rất bác học là Nicotiana Tabacum… Năm 1590 tu sĩ Thévet qua đời, buồn thay công lao của ông lúc này vẫn chưa được công nhận. Nhưng việc hoàng gia sử dụng thuốc lá như một loại biệt dược khiến nó được lan tỏa ra toàn cõi Âu châu. Vào năm 1642, Đức Giáo hoàng Urban đệ thất đã cấm tiêu thụ thuốc lá, đe dọa rút phép thông công đối với những người sử dụng, nhưng không thành công. Vào đầu thế kỷ XIX, các học giả cũng cảnh báo về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên sự phấn khích vì danh tiếng của nó xuất phát từ Hoàng gia, cũng như những tác dụng chữa bệnh thần kỳ. Về sau, việc hút, hít thuốc lá được xem là một niềm vui”.
Tập tục hút thuốc lào
Ngay khi du nhập về Việt Nam, thuốc lào đã được dân ta ưa chuộng. Như đã dẫn ra ở phần nguồn gốc kể trên, GS Đào Duy Anh cho rằng ban đầu dân ta hút thuốc lào bởi quan niệm nó trừ được sơn lam chướng khí rồi dần trở thành một thói quen khó bỏ. Người ta hút thuốc những lúc tụ tập, trò chuyện hay sau thời gian lao động mệt mỏi… thậm chí nó đã được nâng lên thành “văn hóa hút thuốc lào”, “hút điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện”. Bài thơ “Điếu đức tụng” của nhà thơ Tú Mỡ sẽ giúp chúng ta hình dung rõ vai trò của thuốc lào trong đời sống tinh thần của người Việt Nam:
Người Nam-Việt phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu…
Từ ông thừa[12], trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm…
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn, lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy, mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cầy.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh, canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu ròn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên: bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…[13].
Qua lời thơ của Tú Mỡ, ta có thể hình dung được đối tượng hút thuốc lào vô cùng đa dạng, từ vua, quan cho đến người bình dân đều gắn bó với điếu. Theo ông, hút thuốc giúp người ta tỉnh táo, óc phán xét của nhà quan sáng suốt hơn, nhà thơ có cảm hứng sáng tác, những người lao động chân tay như nông dân, người làm chài lưới cũng cần thuốc để “sưởi ấm” sau những giờ lao động mệt nhọc, rồi bạn bè khi tụ họp cũng lấy điếu thuốc lào làm bạn tâm giao… Bởi vậy, thuốc lào đã trở nên thân thuộc với đông đảo dân chúng khi nào không hay, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Thậm chí, có người dù với đồng lương vô cùng ít ỏi, vẫn trích một phần để thỏa cái thú hút thuốc lào: Lĩnh lương còn được năm hào/Ba hào đong gạo, thuốc lào vài xu. Thật chẳng ngoa khi nhà thơ Tú Mỡ khẳng định thuốc lào là quốc túy của riêng người Việt, ông còn nhấn mạnh thêm thuốc sẽ trường thọ cùng “giang sơn”. Ông lập luận như vậy, không phải là không có lý, bởi hễ ai đã hút thuốc lào thì đều “say” rồi “mê mẩn”, khó lòng rời bỏ khiến cho tình trạng “đã chôn điếu xuống rồi lại đào điếu lên” phổ biến.
Bởi sự thân thuộc của thuốc lào với bà con người Việt nên ngoài việc sử dụng thường nhật, nó còn được “hiện diện” trong những nghi lễ quan trọng trong dịp ma chay cưới hỏi. Không hiếm những câu ca dao nói về việc mua thuốc lào chuẩn bị cho đám cưới:
Cưới em ăn uống linh đình,
Sơn Tây, Hà Nội đồn mình lấy ta.
Một hào anh mua con gà,
Hào hai đi chợ, hào ba đi tàu.
Năm xu mua gói thuốc lào,
Hào tư mua gói chè Tàu uống chơi.
Một hào đong gạo thổi xôi,
Năm xu mua thịt còn thời rau sưa.
Anh ngồi anh tính cũng vừa,
Cưới em đồng bạc còn thừa một xu.
Hay:
Hôm qua anh đến chơi đây,
Em còn bận việc rửa tay chửa chào.
Cau non còn ở trên cao,
Trầu không chưa hái, thuốc lào chưa mua.
Cách hút thuốc lào
Trải qua thời gian “gắn bó” với điếu hút thuốc lào, dân ta đã xây dựng được “quy trình” hút thuốc được cho là điệu nghệ. Khi hút thuốc, sợi thuốc được vê tròn lại thành viên cỡ như đầu ngón tay út và tra vào nõ điếu rồi dùng lửa đốt cho thuốc cháy tạo thành khói, đồng thời dùng miệng để hút. Châm lửa, tốt nhất là dùng đóm, là những mảnh tre, nứa, chẻ nhỏ và mỏng, sau đó đem ngâm nước, phơi khô… để lửa cháy trong một khoảng thời gian vừa đủ, lại không có mùi lẫn vào như khi dùng que diêm. Lúc bắt đầu hút, người hút hít vào từng hơi ngắn để có thêm khí oxy cho thuốc cháy đều và khói tích tụ trong thân điếu rồi mới hít một hơi thật sâu kèm theo một lượng khói lớn. Trước đó, người hút thường thổi một hơi ngắn và mạnh để xái (bã) thuốc lào văng ra khỏi nõ điếu. Động tác này đòi hỏi phải khéo léo để xái thuốc bắn ra đúng vị trí mình muốn, và phải có kinh nghiệm mới thực hiện thuần thục được.
Người Việt hút thuốc lào bằng ba loại điếu phổ biến: điếu ống, điếu bát và điếu cày. Thứ tự sắp xếp thể hiện mức độ sang trọng của từng loại điếu. Điếu cày và điếu bát người hút có thể tự phục vụ. Riêng điếu ống phải có hầu điếu nên được coi là sang trọng hơn cả.
Người hút điếu ống ngồi xếp bằng trên sập gụ chờ hầu điếu têm thuốc, mồi lửa, vít chiếc cần đốt trúc dài cả mét đưa cho thì mới hút được. Bởi vậy, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh những người hầu điếu ôm tráp đựng thuốc, đóm và bộ đánh lửa theo sau các ông đồ hay quan lớn. Mỗi dịp đi xa nhà, ngoài đồ dùng cá nhân, hầu điếu thường mang theo tráp đựng thuốc, đóm và bộ đánh lửa. Dân gian có câu ca dao mô tả chi tiết loại điếu này:
Dài tầm một mét lỗ một đầu,
Vò lông rồi đút cũng chẳng lâu.
Thủy hỏa tương giao nghe cái phụt,
Thò mồm lè lưỡi hút thật sâu.
Tầng lớp trung lưu thường dùng điếu bát bằng sứ đựng trong bát gỗ có quai xách. Nõ điếu lắp ở phía trên bát và đục một lỗ ở gần đó để cắm se điếu vào khi hút. Se điếu phổ biến là bằng cần trúc nhỏ, đục rỗng ruột. Hút bằng điếu bát thì phải có se điếu đúng như câu ca dao: Điếu không se điếu lăn điếu lóc/Gái không chồng ngồi khóc cả đêm. Chắc hẳn thuở nhỏ nhiều người đã được trải nghiệm sự đau đớn khi bị phạt bằng xe điếu. Điếu bát không dễ dàng mang đi lại nên thường được dùng để hút ở nhà. Nói về điếu bát, ta nhớ ngay đến một bài thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương:
Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao,
Mân mân, mó mó đút ngay vào.
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục,
Âm dương hòa khí sướng làm sao!
Mới đọc, tưởng như bài thơ miêu tả cảnh hoan lạc của một đôi trai gái nhưng hóa ra lại đang tả thực cách hút thuốc lào. Quả thực là cái tài tình, đặc sắc “thanh thanh tục tục” của bà chúa thơ Nôm.
Người bình dân thường hút điếu cày. Nghe tên gọi ta đã liên tưởng ngay đến công dụng của nó là dùng để các bác thợ cày hút những khi làm việc ở ruộng đồng. Dần dần, do tính thông dụng, dễ sử dụng của nó mà điếu cày trở nên phổ biến hơn cả. Hiện nay, hầu hết các quán nước, trà đá vỉa hè đều có sẵn một chiếc điếu cày để phục vụ thượng khách khi cần.
Trong quá trình sử dụng, nõ điếu bị tàn thuốc trộn với nước bám vào nên phải dùng thông điếu để thông. Cả ba loại điếu trên thường kèm theo một que bằng kim loại gọi là cái thông điếu, nhiều khi chỉ cần dùng một chiếc lông gà cũng được.
Ngoài cách hút thuốc, thuốc lào còn dùng để nhai, có thể dùng ăn cùng trầu. Cũng có những người thích nhai thuốc lào riêng, gọi là thuốc rê và người “ăn” ngậm một nhúm thuốc lào khô trong miệng, kẹp giữa răng và má, thỉnh thoảng nhai để chắt lấy nước chứ không nuốt bã thuốc.
Tục hút thuốc lào từng bị cấm?
Dân gian xưa quan niệm rằng hút thuốc lào có tác dụng tiêu trừ sơn lam chướng khí. Hơn nữa, họ cho rằng các loại điếu hút thuốc lào đều theo nguyên lý hút khói lọc qua nước nên không độc hại. Bởi vậy mới có thành ngữ: “Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi” hay hút thuốc lào giúp “thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lào”. Tuy nhiên, nếu ai từng dùng nước điếu để diệt các loại sâu, rệp ký sinh trên cây trồng thì mới biết độ “lành tính” của nó.
Thành phần của lá thuốc lào cũng tương tự thuốc lá và người hút hít vào lượng khói khá nhiều trong một lần hút nên cảm giác say thuốc mạnh hơn thuốc lá và có thể gây nghiện. Như sách Xích Kinh hoặc vấn nói: “Thuốc lá, đem hút hơi khói vào hay nuốt khói đi đều say cả”[14]. Cảm giác say thuốc lào mạnh đến mức người mới hút hoặc người nghiện nhưng hút vào buổi sáng thường bị mất thăng bằng, nếu tư thế ngồi hút không vững rất dễ bị ngã, nên mới có câu: Vừa bằng hạt đỗ đánh ngã bố mày. Theo nghiên cứu khoa học, khi đốt cháy thuốc lào sẽ tạo ra 56 loại chất độc khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là chất benzopyrene – được biết đến là một chất có thể gây ra bệnh ung thư.
Chính bởi nhận thấy tác hại của thuốc lào đã khiến nhiều vị vua thời phong kiến ra lệnh cấm hút. Sách Vân Đài Loại ngữ chép: “Sách Thuyết linh nói: Cuối đời vua Sùng Trinh, năm Quý Mùi (1643), có hạ lệnh cấm thuốc lá, ai trồng vụng trộm phải tội đồ, nhưng mối lợi trọng hơn luật pháp nên dân không tuân theo chiếu chỉ nhà vua. Sau lại ra lệnh: ai phạm cấm thì chém. Nhưng mà binh sĩ đóng ở ngoài biên, bị bệnh hàn, lâu không khỏi, không thuốc nào chữa được, lệnh ấy lại phải bỏ… năm Mậu Dần, đời vua Càn Long (1758), Trung Hoa có Ngô Nghi Khác[15] làm sách Bản thảo tòng tân, liệt thuốc hút vào loại cỏ độc, tính nó cay, nóng, trị các chứng phong, hàn, tê thấp, trệ khí, đọng đờm, sơn lam chướng khí. Khói thuốc vào miệng không theo thường độ, một lúc nó chạy khắp người, làm cho khắp các cơ thể trong người đều thống khoái, thay được rượu, được trà, cả đời không chán; cho nên người ta còn gọi thuốc hút là tương tư thảo. Nhưng, hơi lửa nung nấu, hao huyết, tổn thọ, mà người ta không biết[16].
Ở Việt Nam, “năm Ất Tỵ, đời Cảnh Trị (1665), vua Lê Thần Tông đã hai lần hạ lệnh nghiêm cấm thuốc hút, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc hay hút giấu mà không tuyệt được. Nhiều người khoét tre làm ống điếu (điếu cày) hoặc chôn giấu điếu sành xuống đất, mà hút; tàn đóm còn lại, thường sinh hỏa tai. Lâu lâu, bỏ lệnh cấm ấy, bấy giờ nhân dân lại hút như thường”[17].
Thuốc lào dưới góc nhìn thi vị hóa
Thuốc lào với người dân Việt Nam đã trở nên gần gũi, thân quen, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi nó được nhìn dưới góc độ thi vi hóa và trở thành đề tài vô tận cho những sáng tác của cả thơ ca dân gian cũng như thơ ca bác học, hàn lâm. Ngoài những bài thơ, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ được nhắc đến ở trên thì trong văn học còn khá nhiều bài thơ nhắc tới tục hút thuốc lào.
Trong thời kỳ văn học Trung cận đại, ta có thể bắt gặp hình ảnh thuốc lào trong thơ Tú Xương với bài Bợm già:
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm,
Phong lưu đài các giống ông hoàng.
Phong lưu như thế phong lưu mãi,
Điếu ống xe dài độ mấy gang.
Bài thơ Vịnh Cái điếu của thi sĩ Hồ Xuân Hương:
Em sợ anh em nương vào vách,
Anh chẳng thương lại xách em ra.
Mặc em kêu khóc rên la,
Miệng anh sảng khoái thở ra khói rồng.
Khi văn học Việt Nam bước sang thời kỳ hiện đại (thế kỷ XX), xuất hiện càng nhiều bài thơ giới thiệu hình ảnh thuốc lào. Trong đó, có thể nhắc tới bài Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính, có đoạn:
Thuốc lào hút mãi người ra khói,
Thơ đọc suông tình hết cả hay[18].
Hay bài thơ Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn của Lưu Quang Vũ cũng nhắc tới việc hút thuốc lào khi bạn bè tụ họp:
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu,
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu.
Chúng mình không có bom nguyên tử,
Chỉ có thuốc lào hút với nhau.
Thương nhà thương nước thương cho bạn,
Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào.
Nói về độ “say”, “phê” của thuốc lào thì không thể bỏ qua bài ca dao:
Thuốc lào chồng hút vợ say,
Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà.
Có cô hàng xóm đi qua,
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày.
Một thằng hút bốn thằng say,
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay.
Bà già vác củi loay hoay,
Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi.
Ngọc Hoàng thấy vậy, phán: “hay!”,
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào.
Dẫu biết rằng việc “phê pha” với thuốc lào giúp ta được bay bổng, được phiêu với cảm xúc của riêng mình nhưng không thể phủ nhận tác hại của nó với cá nhân người hút và những người hút thuốc thụ động xung quanh. Bởi vậy, chúng tôi mong rằng qua việc hiểu rõ cội nguồn và tác hại của việc hút thuốc lào, mỗi người hãy coi nó chỉ là hoài niệm để chúng ta nhớ về mỗi khi nghĩ lại thời xưa cũ mà thôi.
Lợi Lê
——————————–
Chú thích
[1] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ – Phẩm vật loại, nhà sách Tự lực, 1973, tr. 459 – 460.
[2] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, 2002, tr. 202.
[3] Alexandre de Rhodes, Từ điển Việt – Bồ – La và các cứ liệu liên quan, Bùi Thị Minh Thùy phụ trách phần các cứ liệu liên quan, Nxb Tôn giáo, 2021, tr. 295.
[4] Ngô Tất Tố, Thi văn bình chú, cuốn thứ nhất Lê – Mạc – Tây Sơn, Nxb Mai lĩnh, 1952, tr. 35.
[5] Nguyễn Trãi, Ức trai di tập – Dư địa chí, Nxb Sử học, 1960, tr. 27.
[6] Nguyễn Trãi, Ức trai di tập – Dư địa chí, Sđd, tr. 44.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, nhóm biên tập và dịch: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Nxb Thế giới, 2003, tr. 86.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, Sđd, tr. 118.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, Sđd, tr. 86.
[10] Rang and Dale’s Pharmacology, Nxb Elsevier, 2012, tr. 598.
[11] Jean Nicot de Villemain (1530 – 1604) là một nhà ngoại giao và học giả người Pháp.
[12] Thừa là một chức quan nhỏ trong các nha phủ thời phong kiến.
[13] Tú Mỡ, Giòng nước ngược, tập 1, Nxb Đời nay, 1934, tr 95-97.
[14] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ – Phẩm vật loại, Sđd, tr. 459.
[15] Theo tra cứu thì đây là tác giả Ngô Nghi Lạc, viết cuốn sách Bản thảo Tùng tân ấn hành năm 1757.
[16] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ – Phẩm vật loại, Sđd, tr. 459 – 460.
[17] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ – Phẩm vật loại, Sđd, tr. 460.
[18] Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, 2001, tr.106.
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, 2002.
- Lê Quý Đôn (1973), Vân đài loại ngữ – Phẩm vật loại, nhà sách Tự lực.
- Tú Mỡ (1934), Giòng nước ngược, tập 1, Nxb Đời nay.
- Par Tristan Gaston-Breton, bài viết “Jean Nicot, et le tabac conquit le monde”, ngày 21/7/2008.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh địa dư chí, nhóm biên tập và dịch: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Nxb Thế giới.
- Ngô Tất Tố (1952), Thi văn bình chú, cuốn thứ nhất Lê – Mạc – Tây Sơn, Nxb Mai lĩnh.
- Nguyễn Trãi (1960), Ức trai di tập – Dư địa chí, Nxb Sử học.
- Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, 2001.